TCCS - Ngày 28-8-2023, tại tỉnh Ninh Thuận, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Quá trình thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” qua gần 40 năm đổi mới: Từ thực tiễn tỉnh Ninh Thuận”. PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản và đồng chí Trần Minh Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Ninh Thuận, đồng chủ trì tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn, PGS, TS Phạm Minh Tuấn nêu rõ, hệ mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với ý nghĩa là hệ mục tiêu cho thời kỳ quá độ hay là hệ mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta phấn đấu để đạt được đều cần những bước đi, tiểu mục tiêu cụ thể, ở từng chặng đường, giai đoạn phát triển, thể hiện qua những kết quả sinh động trong thực tiễn, những cách làm sáng tạo của từng địa phương, ngành, lĩnh vực. Hệ mục tiêu trên được Ninh Thuận hiện thực hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, có những thành công và cả những hạn chế, song đều để lại những bài học giá trị, có những đóng góp thiết thực cả về lý luận và thực tiễn đối với việc làm rõ thêm nội hàm của hệ mục tiêu trên, tiêu chí đánh giá, phương thức để đạt được, sự vận động, biến đổi của nó trong từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử... của Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung.

Quang cảnh tọa đàm_Ảnh: Phương Dung

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về thành tựu nổi bật của tỉnh Ninh Thuận từ năm 1992 (năm tái lập tỉnh) đến nay. Đồng thời tập trung thảo luận, phân tích kết quả, hạn chế, đề xuất giải pháp và kiến nghị các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở…

Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2023), Ninh Thuận đã có những nước phát triển đột phá, nhất quán thực hiện tăng trưởng xanh, khai thác ngày càng có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, biết "biến nguy thành cơ", tạo ra những cơ hội phát triển ngay trong khó khăn, thách thức, để đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, kinh tế - xã hội có sự thay đổi mạnh mẽ, ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước.

Đặc biệt, về mục tiêu tăng trưởng xanh, tỉnh đã đạt những kết quả khả quan, như tỷ lệ che phủ rừng là 47,11%; ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh, nhất là đối với một số loại cây trồng chủ lực; tập trung đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, hướng đến Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; phát triển mô hình du lịch sinh thái; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ODA) hỗ trợ xây dựng các dự án ưu tiên về xử lý môi trường… Trên cơ sở những thành tựu đạt được, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 28-9-2012, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp giai đoạn 2021 - 2015 và những năm tiếp theo”; Chỉ thị số số 33-CT/TU, ngày 13-10-2022, “Về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng và phát triển Ninh Thuận “xanh - sạch - đẹp” đến năm 2025"; Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 13-10-2017, “Về đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh”, thời gian qua, tỉnh đã xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học...

Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo được tỉnh triển khai hiệu quả. Công tác hỗ trợ người có công, trợ giúp xã hội… được bảo đảm đầy đủ, thiết thực, kịp thời, đúng đối tượng. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn đều được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; tỷ lệ người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú chiếm trên 99%; 100% Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm được quan tâm và thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức.

Quốc phòng - an ninhtrên địa bàn tỉnh được giữ vững. Chủ động đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Đồng thời, thường xuyên thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh mạng, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh tôn giáo, dân tộc, an ninh nông thôn, đô thị.

PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn_Ảnh: Thu Phương

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường, lực lượng vũ trang của tỉnh nắm chắc và thực hiện tốt công tác quản lý vùng trời, vùng biển, không gian mạng..., giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong thời gian tới, lực lượng vũ trang tỉnh phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thông qua việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy trong tổ chức đảng của lực lượng vũ trang, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Tỉnh tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng và hoạt động hiệu quả, như các trung tâm văn hóa, thư viện, nhà thiếu nhi, trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao; có 6/7 trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh huyện, thành phố, 24/65 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa, con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phong phú, đa dạng, gìn giữ, khôi phục các di sản, giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, lấy người dân và các hoạt động văn hóa tại cộng đồng là trung tâm…  

Việc phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... đều nhằm hướng tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và nhân dân hạnh phúc trên quê hương Ninh Thuận.   

Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS, TS Phạm Minh Tuấn đánh giá cao những cách làm mới, sáng tạo và thành tựu đạt được của tỉnh Ninh Thuận qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày tái lập tỉnh, không chỉ để lại những bài học quý với địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, mà còn có những đóng góp ý nghĩa, cụ thể, sinh động đối với việc hiện thực hóa và bổ sung các tiêu chí, giá trị, cách thức hiện thực hóa... hệ mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở tầm quốc gia./.