Nam Định: Tiếp tục khơi dậy và phát huy nguồn lực văn hóa, thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện và bền vững
TCCS - Tiếp tục vận dụng sáng tạo những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam và những chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX xác định: “Tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy yếu tố văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư”.
Nam Định là tỉnh nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, là vùng đất văn hiến có lịch sử phát triển lâu đời, với nền văn hóa đặc sắc và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. Là quê hương của nhiều nhà văn hóa lớn, nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, những chiến sĩ cách mạng tiền bối và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng, Nhà nước. Nam Định cũng là tỉnh có nhiều di sản văn hóa, trong đó nổi bật là những di sản văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống như lễ hội Đền Trần, Phủ Dầy, những vùng văn hóa dân gian cổ truyền và nhiều làng nghề truyền thống. Đặc biệt, là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Trong những năm qua, quán triệt sâu sắc các nghị quyết và thực hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng, đó là văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, cùng với việc nghiên cứu, vận dụng những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Nam Định luôn coi trọng vai trò của văn hóa thông qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xác định đây là yếu tố quan trọng, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nam Định đã tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có nhà văn hóa; 100% thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển cả về lượng và chất, đi vào chiều sâu. Toàn tỉnh hiện có 87% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 97% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; trên 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, khơi dậy lối sống văn hóa lành mạnh, tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế ngày càng lan tỏa rộng khắp.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, coi trọng công tác giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, xây dựng văn hóa, con người Nam Định được đẩy mạnh. Tỉnh Nam Định có gần 1.400 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 314 di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh, 10 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bảo tàng tỉnh đang trưng bày, bảo quản hơn 25 nghìn tài liệu, hiện vật; có 5 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Để bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các phương án bảo tồn. Theo đó, đã có nhiều đề tài về văn hóa thời Trần, văn hóa tôn giáo, danh nhân văn hóa,… được nghiên cứu ở mức độ đề tài cấp tỉnh, cấp quốc gia và được áp dụng vào thực tiễn nhằm bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa. Một số công trình xây dựng nhà lưu niệm được tỉnh chỉ đạo cải tạo, nâng cấp; các địa phương trong tỉnh cũng tăng cường xây dựng các nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà trưng bày nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước và nhân cách cho thế hệ trẻ.
Thấm nhuần quan điểm con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; trong những năm qua tỉnh Nam Định có nhiều chủ trương, chính sách để tập trung phát triển con người Nam Định có sức khỏe, tri thức, nhân cách, phẩm chất đạo đức. Đặc biệt, Nam Định rất chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo đạt trên 75%. Ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh giữ vững thành tích gần 30 năm liên tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục; nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; trong 9 năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, Nam Định luôn nằm trong 3 tỉnh đứng đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn thi, trong đó có 6 năm đứng thứ nhất.
Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và hiện nay đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tính đến tháng 7-2023, toàn tỉnh có 189/204 (đạt 92,65%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; ngoài huyện Hải Hậu tiếp tục được Trung ương chọn là một trong bốn huyện xây dựng thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”, tỉnh đang tập trung chỉ đạo thêm một số huyện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đến năm 2025 như huyện Giao Thủy, Nam Trực, Xuân Trường.
Qua quá trình thực tiễn trong hơn 12 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng mà tỉnh Nam Định rút ra đó chính là phải dựa vào dân, nhân dân là nguồn lực quan trọng nhất, phải khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân. Vốn huy động từ cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới, đạt gần 6.000 tỷ đồng; nhân dân tự nguyện hiến gần 2.900ha đất nông nghiệp và trên 200ha đất thổ cư (trị giá khoảng 7.000 tỷ đồng) để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi. Có thể khẳng định, kết quả xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nam Định là minh chứng rõ nhất, thể hiện vai trò của văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng xây dựng một nền văn hóa “Khoa học, dân tộc, đại chúng” và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa đã tạo nên sức mạnh tổng hợp - nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm gần đây luôn cao hơn mức trung bình toàn quốc; năm 2022 đạt 9,07%; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8,5% (đứng thứ 6 toàn quốc, thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng), ước năm 2023 đạt 9,47%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,32%. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng cao; hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được công bố năm 1943 là một sự kiện lịch sử vô giá, một di sản văn hóa vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện ý chí nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn và dân chủ. Đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt với tầm nhìn chiến lược của Ðảng đối với sự phát triển của đất nước ngay từ khi cách mạng còn chưa giành được chính quyền về tay nhân dân. Mặc dù chỉ ngắn gọn, xúc tích 1.423 từ, nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc cần hướng đến, đặt nền móng cho tư duy lý luận của Đảng về văn hoá và ngày càng được bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh. Phát huy những kết quả đã đạt được và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh - Người soạn thảo bản Đề cương về văn hóa Việt Nam; trong thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển văn hóa; để văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh, phát triển bền vững./.
Đa dạng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam: Nguồn lực để phát triển bền vững  (27/05/2023)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay