TCCS - Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là xu hướng tất yếu hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cả nước nói chung, trên địa bàn Hà Nội nói riêng. Xác định rõ xu thế đó, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào cả trong phương pháp giảng dạy và quản lý giáo dục.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục và đào tạo

Để chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một phần tất yếu trong dạy và học, năm học 2022 - 2023, các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành, tạo điều kiện để giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, đóng góp vào kho học liệu số dùng chung, như bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng… Một trong những trường triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy là Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng), đã triển khai hiệu quả mô hình thí điểm phòng học thông minh. Với mô hình này giáo viên đã vận dụng tối đa các tính năng giúp các em học sinh hiểu được bài giảng, tăng khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh. Nhờ vào phần mềm này giáo viên có thể đánh giá, giám sát 100% học sinh trong lớp. Ví dụ, với tiết học mang chủ đề “Tự sắp xếp đồ dùng ngăn nắp”, giáo viên đã sử dụng thiết bị giáo dục EyePro Smart Class và EyePro ClassDX để đo cảm xúc của các em học sinh khi tiếp thu bài học. Trong tiết học này giáo viên không cần phải giảng nhiều lần cùng một bài giảng, phần lý thuyết chỉ chiếm 30% - 50% bài giảng, phần còn lại học sinh sẽ được học thực hành dưới sự định hướng của giáo viên và sự trợ giúp của công nghệ theo phương pháp lớp học đảo ngược. Qua hệ thống trí tuệ nhân tạo giáo viên có thể thấy được nội dung giảng dạy của mình để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời quan sát được cảm xúc của học sinh trong lớp để nắm được mức độ cảm thụ hay mức độ hứng thú của các em đối với bài giảng.

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục - đào tạo_Ảnh: TTXVN

Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội luôn xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn thành phố, được các cơ sở giáo dục, các trường học triển khai rộng rãi. Theo Kế hoạch số 434/KH-SGDĐT, ngày 22-2-2023, của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm tổ chức lớp tập huấn chuyên đề “Công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục mầm non” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở các trường mầm non, có 28/28 trường mầm non với 140 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham dự buổi tập huấn này. Một trong những điển hình trong chuyển đổi số nữa là Trường Tiểu học Chu Văn An, từ tháng 10-2022 trường đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Masscom Việt Nam - đơn vị cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số hàng đầu ở Việt Nam - triển khai các giải pháp lớp học thông minhh tại trường. Lợi ích mà Masscom Việt Nam đem lại là cung cấp phương thức giáo dục đa phương thức, giải pháp công nghệ giáo dục với chi phí tối ưu, góp phần xóa bỏ khoảng cách giữa các khu vực nội thành cũng như ngoại thành, đem đến cơ hội tiếp thu kiến thức cho tất cả học sinh.

Cùng với những tiến bộ của các trường tiểu học, các trường mầm non cũng có những thay đổi đáng kể, trước đây giáo viên phải vất vả tìm kiếm những hình ảnh, đồ dùng học tập phục vụ bài giảng thì nay giáo viên đã có thể dùng intenet để khai thác tài nguyên giáo dục phong phú. Trên tài nguyên internet, kho học liệu số phong phú, đa dạng của ngành giáo dục (hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa đủ màu sắc…) giúp giáo viên đưa vào bài giảng một cách linh hoạt, tạo nhiều hứng thú cho học sinh trong học tập. Theo tinh thần Quyết định 131/QĐ-TTg, ngày 25-11-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, ứng dụng này giúp học sinh và giáo viên theo kịp xu hướng số hóa trong giáo dục và phát triển năng lực công nghệ một cách toàn diện hơn. Cùng với đó, thành phố Hà Nội sẽ triển khai các hình thức thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm, công khai toàn bộ quá trình thi, giúp giảm áp lực cho giáo viên…

Trong 3 năm học vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã kịp thời triển khai và phát triển hình thức dạy và học trực tuyến, đây là một trong những tình thế bất ngờ và chưa từng có trong lịch sử, song ngành giáo dục và đào tạo đã kịp thời chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, nhanh chóng để thích ứng với điều kiện thực tế. Điển hình là Phòng Giáo dục quận Ba Đình, là đơn vị hàng đầu trong chuyển đổi số (sử dụng phần mềm quản lý vận hành, xây dựng các lớp định hướng STEM, xây dựng trường học trực tuyến…) giúp học sinh tạm dừng đến trường chứ không dừng việc học. Kết quả là thứ hạng giáo dục của quận đã tăng từ vị trí thứ 17 lên thứ 6 trên toàn thành phố, năm học 2021 - 2022 đã vượt lên đứng thứ ba trong số 30 quận, huyện trên toàn thành phố, cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cũng coi chuyển đổi số vừa là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để phát triển. Giáo viên các cơ sở giáo dục được tập huấn sử dụng công nghệ thông tin trong công việc, mỗi giáo viên có một không gian riêng để lưu trữ, như kế hoạch bài dạy, sổ theo dõi học sinh, lưu đề kiểm tra, phiếu bài tập. Nhiều trường trong quận có mô hình hay, như Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Nam Trung Yên với nền tảng TEAMS (phần mềm học trực tuyến qua mạng), Trường Tiểu học và THCS FPT, Trường THCS Mai Dịch với Google Classroom… Nhờ ứng dụng của phần mềm công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội thuận lợi trong thực hiện toàn bộ thống kê của ngành, quản lý đội ngũ giáo viên, số hóa và lưu trữ toàn bộ thông tin về điểm số, kết quả môn học của học sinh, điểm danh, học bạ ở các nhà trường, số hóa về sức khỏe của học sinh. Ngoài ra, việc số hóa các loại sổ sách sẽ hạn chế được tiêu cực về điểm số, bởi khi giáo viên đã nhập dữ liệu và lưu trữ sẽ không được phân quyền vào sửa điểm. Hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo đã kết nối internet tốc độ cao, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến. Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý, điều hành, với 51.000 trường học mầm non, phổ thông, gần 24 triệu học sinh cùng hơn 1,4 triệu giáo viên đã được số hóa, gắn mã định danh. Nhờ việc gắn mã định danh này, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội quản lý được tình trạng thừa, thiếu giáo viên, đánh giá được chất lượng đội ngũ giáo viên, quản lý điều hành các hoạt động tiếp nhận, phân bổ và bàn giao sử dụng máy tính tới từng học sinh của chương trình “Máy tính cho em”.

Một số giải pháp tăng cường hơn nữa các ứng dụng về công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thời gian tới

Mặc dù đã có nhiều bước phát triển trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội vẫn còn những khó khăn, thách thức cần khắc phục trong những năm học tới:

Còn một bộ phận giáo viên, nhà quản lý có tâm lý ngại thay đổi, không muốn bước ra khỏi vùng an toàn, nhận thức của một số cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa nhiều nhà giáo dục có hiểu biết toàn diện về cách sử dụng các công cụ và giải pháp kỹ thuật số trong hoạt động dạy học. Do đó, đội ngũ giáo viên, các nhà quản lý giáo dục cần được đào tạo và cập nhật kiến thức liên tục, được đào tạo một số kỹ năng cơ bản để giúp thiết lập nền tảng học tập trực tuyến, phân phối các bài tập số và tạo động lực học tập cho học sinh của mình.

Ở một số khu vực ngoại thành, hạ tầng intenet, các trang thiết bị công nghệ thông tin còn chưa đầy đủ và bảo đảm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý giáo dục trong việc dạy và học. Vấn đề mà nhiều cơ sở gặp phải khi đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục là kinh phí trong các nhà trường tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn vốn được cấp còn thiếu, chưa kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo kế hoạch đề ra.

Một vấn đề nổi cộm trong thời gian qua là tình trạng phụ huynh, học sinh còn phải xếp hàng nhập học cho con vào cấp THPT của một số trường trên địa bàn Hà Nội. Trong thời đại Các mạng công nghệ lần thứ tư, chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là đưa công nghệ thông tin và ứng dụng chuyển đổi số vào giáo dục để thực hiện các thủ tục nhập học, chấm dứt việc phụ huynh thức trắng đêm để xếp hàng làm thủ tục nhập học trực tiếp cho con.

Bên cạnh đó, việc không thống nhất trong các dữ liệu phần mềm ứng dụng cũng gây khó khăn cho nhà trường, có nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng có nhiều mảng trùng nhau, chồng chéo, gây khó khăn cho công tác thống kê. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một nền tảng dùng chung, hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn quốc, để phục vụ công tác chuyên môn, bảo đảm hiệu quả trong việc quản lý giáo dục.    

Ngay từ tháng 9-2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4098/QĐ-UBND, phê duyệt chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2030. Để bảo đảm được mục tiêu, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra, xác lập một cơ chế giám sát chặt chẽ để việc triển khai các nhiệm vụ được thực hiện đúng tiến độ. Muốn chuyển đổi số thành công thì cần sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức của mỗi cán bộ, giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục, từ đó mới cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ số (như kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin trên môi trường số…) cho tất cả những người làm công tác giảng dạy. Đội ngũ giáo viên cần được trang bị cách truyền đạt các kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo cho học sinh. Cùng với việc nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên là việc phát triển các khóa dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, điều này góp phần rất lớn trong công tác phục vụ giáo viên dạy học, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, giáo viên và học sinh không đến trường học trực tiếp được. Nhờ vậy người học có thể tiếp cận kiến thức mọi nơi, mọi lúc, có thể chủ động trong việc học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tế.

Để tạo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người, ở mọi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cần chú trọng vào triển khai quản lý hệ thống, chia sẻ dữ liệu để đồng bộ trong giáo dục. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các thiết bị phục vụ quá trình dạy và học, các thiết bị phải được cải tiến, đổi mới khi chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là những nơi có kết nối kém. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cần được xem là giải pháp lâu dài và mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo, chứ không mang tính chất là giải pháp tình thế đối phó với đại dịch COVID-19 vừa qua./.