Kinh nghiệm phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Sơn La
TCCS - Xuất phát từ đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành công trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung và phát triển cây ăn quả nói riêng. Kết quả tích cực bước đầu trong phát triển cây ăn quả ở tỉnh Sơn La là do xác định chủ trương lãnh đạo đúng đắn, bám sát thực tiễn và triển khai thực hiện với những giải pháp phù hợp, cụ thể, quyết liệt. Kết quả đó đồng thời cũng là những kinh nghiệm có giá trị tham khảo cho các địa phương có điều kiện tương đồng với tỉnh Sơn La.
Lời giải cho “bài toán” phát triển nông nghiệp
Tỉnh Sơn La được biết đến là một tỉnh miền núi có nhiều ưu đãi về đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, trong một thời gian dài do hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác có hiệu quả. Với quyết tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã chủ động tìm hướng phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, nhất là phát triển các loại cây ăn quả. Từ năm 2015, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ chương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó trọng tâm là phát triển cây ăn quả, phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Đến nay, nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định rõ tính đúng đắn, phù hợp trong chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đã tận dụng được nguồn lực, khai thác được các lợi thế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thực tế của thị trường,... Qua đó, từng bước gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao đời sống của người sản xuất.
Tính đến giữa năm 2021, tỉnh Sơn La có gần 87.520ha cây ăn quả các loại, gấp gần 4 lần so với đầu năm 2016. Sơn La trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với các loại chính, như: nhãn, xoài ghép, na, bơ, mận, dâu tây, thanh long, hồng giòn... Năm 2020, tổng sản lượng quả đạt 336.330 tấn, tăng 185,1% so với năm 2016; giá trị kinh tế có được từ các loại cây ăn quả ước đạt 3.038,3 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1ha trồng cây ăn quả đạt bình quân hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Toàn tỉnh có 17.538ha diện tích cây trồng được áp dụng quy trình sản xuất an toàn; 4.701ha cây ăn quả được cấp 181 mã số vùng trồng; 9 sản phẩm quả mang thương hiệu tỉnh Sơn La (trên tổng số 21 sản phẩm nông sản của tỉnh) được cấp bằng bảo hộ; 123 chuỗi quả với tổng diện tích sản xuất đạt 2.399ha...
Sau hơn 5 năm nỗ lực phát triển cây ăn quả, từ một tỉnh chuyên trồng ngô, sắn với hiệu quả kinh tế thấp, tỉnh Sơn La đã trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ hai toàn quốc. Trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao từ 200 triệu đồng/ha đến 400 triệu đồng/ha. Hiệu quả phát triển cây ăn quả trực tiếp góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Sơn La giảm từ 31,91% (đầu năm 2016) xuống còn khoảng 18% (đầu năm 2021).
Một số kinh nghiệm được rút ra
Qua 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả đã giúp ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La có được “sức bật” mạnh mẽ, thực chất. Chú trọng phát triển cây ăn quả gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương và nhu cầu của thị trường không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra nhiều hiệu quả xã hội tích cực, như giải quyết việc làm, thay đổi thói quen sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; đẩy nhanh tốc độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... Từ quá trình phát triển cây ăn quả tại tỉnh Sơn La thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, xác định chủ trương lãnh đạo đúng đắn, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hợp lý.
Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với kết quả phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La. Điều kiện đất đai, khí hậu là những lợi thế sẵn có của tỉnh Sơn La. Song, những lợi thế này chỉ có thể được khai thác hiệu quả trên cơ sở có chủ trương lãnh đạo đúng và việc chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hợp lý.
Năm 2015, tỉnh Sơn La triển khai thực hiện Đề án “Phát triển cây ăn quả trên đất dốc”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Kết luận số 121-TB/TU, ngày 30-11-2015, “Về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020”, có ý nghĩa “cởi nút thắt”, mở đầu cho quá trình phát triển các loại cây ăn quả ở tỉnh Sơn La. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2020, Tỉnh ủy Sơn La ban hành 8 văn bản liên quan đến phát triển cây ăn quả. Cùng với đó, tỉnh cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng và ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, huy động nguồn lực trong xã hội thúc đẩy sản xuất bền vững, nâng cao giá trị trong sản xuất, trọng tâm là phát triển các loại cây ăn quả. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều nghị quyết gắn với các đề án, chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp. Nổi bật là Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND, ngày 15-3-2017, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về ban hành quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh”; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND, ngày 15-3-2017 và Nghị quyết số 80/NQ-HĐND, ngày 4-4-2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án “Phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND, ngày 4-4-2018, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021”...
Tỉnh Sơn La cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cây ăn quả với quy mô hợp lý, từng bước giảm diện tích canh tác cây lương thực trên đất dốc; chỉ đạo thành lập các hợp tác xã để đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, thống nhất quy trình sản xuất an toàn và là đầu mối ký kết với các doanh nghiệp thu mua nông sản cho nông dân; coi trọng gắn sản xuất với tiêu thụ... Trong 5 năm, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La ban hành 5 nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển cây ăn quả phù hợp với nguyện vọng của người dân; hỗ trợ gần 42 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình...
Những chủ trương, chính sách nêu trên đã được các địa phương, các ngành triển khai thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả. Để chủ trương phát triển cây ăn quả đi vào thực tiễn cuộc sống, người đứng đầu và tập thể cấp ủy các cấp trong toàn tỉnh đã chủ động vào cuộc; phân công, phân nhiệm cụ thể; đôn đốc, kiểm tra thường xuyên. Từ tỉnh đến các huyện đều thành lập các ban chỉ đạo phục vụ cho việc hiện thực hóa chủ trương của Tỉnh ủy, như: Ban Chỉ đạo 75 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Ban Chỉ đạo 598 về chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp... Nhờ đó, các chủ trương, chính sách về phát triển cây ăn quả được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục. Kết quả là thu nhập của người sản xuất dần được nâng lên, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện... Đó cũng là minh chứng cụ thể cho hiệu quả từ xây dựng đến triển khai các nghị quyết của cấp ủy các cấp ở tỉnh Sơn La, nhất là trong lãnh đạo phát triển cây ăn quả các loại.
Hai là, phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và vai trò của mô hình hợp tác xã kiểu mới trong phát triển cây ăn quả các loại.
Tỉnh Sơn La vốn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, phương thức canh tác của đồng bào các dân tộc còn lạc hậu với quy mô manh mún, nhỏ lẻ; quá trình sản xuất thường xuyên chịu tác động của thiên tai, mưa lũ... Do đó, để đẩy mạnh sản xuất cây ăn quả trên đất dốc, thời gian qua, việc hỗ trợ sản xuất được tỉnh thực hiện theo hướng toàn diện, hiệu quả, bám sát nhu cầu của người dân và phù hợp với điều kiện của địa phương. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của cây ăn quả, ngành nông nghiệp đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn với các quy mô khác nhau. Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất được chuyển giao cho người dân, như kỹ thuật ghép mắt cải tạo giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sơ chế nông sản sau thu hoạch... Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ nông dân trồng thử nghiệm nhiều giống cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đến năm 2018, toàn tỉnh Sơn La đã có hơn 78.900 hộ gia đình tham gia chương trình cải tạo vườn cây ăn quả, mỗi hộ được hỗ trợ 200.000 đồng để thực hiện ghép mắt, cải tạo vườn tạp. Từ sự hỗ trợ này, đến nay đã có trên 13.100ha cây ăn quả được ghép mắt cải tạo. Qua đó, vừa hạn chế tình trạng thoái hóa giống, vừa nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây ăn quả.
Đặc biệt, việc phát huy vai trò của mô hình hợp tác xã kiểu mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất các loại cây ăn quả ở tỉnh Sơn La. Mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã đã trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân; đóng vai trò quyết định từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản, nhất là các loại trái cây. Trước đây, việc sản xuất của các hộ nông dân ở tỉnh Sơn La phần lớn là tự phát, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Hướng đến mục tiêu tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở quy hoạch vùng cây ăn quả của từng địa phương. Đến giữa năm 2021, toàn tỉnh có 614 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 522 hợp tác xã so với cuối năm 2015; trong đó, có 520 hợp tác xã trồng trọt và hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp (tăng hơn 480 hợp tác xã so với cuối năm 2015).
Trong phát triển cây ăn quả ở tỉnh Sơn La, các mô hình hợp tác xã kiểu mới đã giúp tập hợp người nông dân cùng phối hợp, hợp tác sản xuất trong một tổ chức chung; là cơ sở để nông dân giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về trồng một số loại cây ăn quả và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn. Duy trì, mở rộng các mô hình hợp tác xã cũng tạo sự đồng thuận cao của nông dân và mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả tại tỉnh Sơn La.
Ba là, coi trọng xây dựng các chuỗi liên kết theo hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản.
Xây dựng các chuỗi liên kết là xu hướng khách quan trong quá trình sản xuất hiện nay. Xuất phát từ điều này, những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung xây dựng các chuỗi liên kết theo hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản. Đây vừa là giải pháp mang tính đột phá, vừa là kinh nghiệm nổi bật trong phát triển các loại cây ăn quả ở địa phương này.
Phát triển các loại cây ăn quả là cơ hội giúp tỉnh Sơn La khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh sẵn có về đất đai, khí hậu, người lao động... Việc phát triển này chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi các loại nông sản chiếm lĩnh được thị trường, có giá trị kinh tế cao. Do vậy, tỉnh Sơn La đã gắn sản xuất, phát triển các loại cây ăn quả với chế biến và tiêu thụ nông sản. Trong đó, với khâu chế biến nông sản, tỉnh đã tăng cường thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chế biến lớn để người sản xuất được tiếp cận công nghệ chế biến hiện đại, giúp nâng cao chất lượng và tăng giá trị kinh tế của sản phẩm. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm, gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu; nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; nhà máy chế biến quả, đồ uống nước quả công nghệ cao; nhà máy chế biến rau quả... Ngoài ra, còn phát triển gần 500 cơ sở sơ chế, chế biến quả quy mô nhỏ của các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và cơ sở chế biến sản xuất được 25 loại nông sản đặc trưng (theo Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” - OCOP) như: mận sấy thảo dược; hồng giòn sấy dẻo; thanh long sấy dẻo; chuối sấy dẻo Yên Châu; mứt dâu tây Mộc Châu; long nhãn sấy khô; mật hoa Nhãn; táo đại Hưng Thịnh; quýt ngọt Nghĩa Hưng...
Bên cạnh đó, việc sản xuất, chế biến nông sản còn được gắn với công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản thông qua các chương trình quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm với nhiều quy mô. Đặc biệt, tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo về chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 598); hằng năm, tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức các chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ xuất khẩu nông sản gắn với văn hóa, du lịch… Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm hoa quả cũng được thực hiện có hiệu quả. Nhờ vậy, các sản phẩm hoa quả của Sơn La không chỉ có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu với số lượng ngày càng lớn ra thị trường nước ngoài. Năm 2020, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 14 nước với giá trị chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh; giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 104,05 triệu USD, trong đó, xuất khẩu được 21.077 tấn sản phẩm hoa quả, bằng 19,4% tổng sản lượng xuất khẩu nông sản, đạt 16,143 triệu USD./.
Agribank - Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng năm 2021  (02/12/2021)
Cơ chế và giải pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo, quản lý  (17/11/2021)
Kinh tế truyền thông: Lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm  (02/10/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam