Tỉnh Bạc Liêu hướng đến trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia

LÊ THỊ ÁI NAM
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu
20:50, ngày 09-01-2022

TCCS - Tận dụng những tiềm năng, lợi thế vốn có, những năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khơi thông nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tạo ra bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Từ kết quả, kinh nghiệm bước đầu trong phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thời gian qua, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ “xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia trong đó trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí”.

Phát triển năng lượng, một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội

Là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió là 7m/s), càng ra khơi tốc độ gió càng cao, có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 - 2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày), địa hình bằng phẳng, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần. Đây là những tiềm năng, lợi thế sẵn có để tỉnh tận dụng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế này, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành nhiều chủ trương về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Ngày 13-11-2018, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, “Về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định phát triển năng lượng là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh(1) và đóng góp quan trọng vào nguồn năng lượng của quốc gia. Ngày 7-5-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 137-KH/TU, “Về việc phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu: “Góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong tỉnh; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án điện, nhất là điện khí và điện gió, điện mặt trời; phấn đấu xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia”.

Đoàn công tác của thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu khảo sát thực tế và chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu_Ảnh: TTXVN

Những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy xác định trong phát triển năng lượng là: Thứ nhất, phát triển các nguồn cung năng lượng (chú trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo) theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; thứ hai, phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng; thứ ba, cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; thứ tư, phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực, nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng; thứ năm, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng và, khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng; thứ sáu, liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp, gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng của tỉnh; thứ bảy, thực hiện tốt chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Từ kết quả triển khai thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ nêu trên và những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính đã giúp cho môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh phát triển mạnh và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào hoạt động ổn định Nhà máy Điện gió Bạc Liêu - giai đoạn 1 và 2 quy mô công suất 99,2MW, tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới đạt gần 1,2 tỷ kWh vào cuối năm 2020; đến nay, đây là dự án điện gió trên biển có quy mô lớn nhất nước và khu vực ASEAN. Riêng trong năm 2020, sản lượng điện gió và điện mặt trời mái nhà thương phẩm đạt trên 199 triệu kWh, chiếm hơn 19% nhu cầu điện thương phẩm của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai 9 dự án điện gió khác với tổng công suất 562 MW; các chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành 7/9 dự án, với tổng công suất 370MW trước cuối năm 2021 và hai dự án điện gió còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2022. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được Dự án Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu, đây là dự án tích hợp tổng thể gồm: Nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200MW; trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu diện tích nổi FSU; trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU, có công suất lưu trữ từ 150.000 đến 174.000m3 LNG; trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao..., có tổng mức đầu tư khoảng 93.600 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD). Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà có bước phát triển mạnh, đang có nhiều dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp với sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Song song với các dự án điện đang triển khai, tỉnh đã trình Chính phủ bổ sung các dự án điện vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và Quy hoạch Điện VIII với tổng công suất các nguồn điện là 8.690MW (trong đó, điện gió là 7.160MW, điện mặt trời 1.500MW, điện sinh khối 30MW) để làm cơ sở triển khai thực hiện cho những năm tới. Dự kiến, khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động (nhất là Dự án Nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu) sẽ đóng góp giá trị gia tăng rất lớn vào ngành công nghiệp của tỉnh, tạo ra động lực và bước đột phá rất quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách, giúp tỉnh Bạc Liêu giảm phụ thuộc điều tiết ngân sách từ Trung ương, từng bước tự cân đối ngân sách. Đây cũng là tiền đề vững chắc để tỉnh Bạc Liêu vươn lên trở thành một trong những trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch ở Bạc Liêu còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát huy đúng mức tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đó là: Hệ thống kết cấu hạ tầng ngành năng lượng hiện còn thiếu và chưa đồng bộ (về hệ thống lưới truyền tải cao thế, toàn tỉnh chỉ có 2 tuyến đường dây 220kV và 6 tuyến đường dây 110kV, chưa có đường dây 500kV); tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV, quy hoạch phát triển điện mặt trời đang triển khai thì phải dừng lại theo Luật Quy hoạch năm 2017. Việc bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng sạch gặp nhiều khó khăn, do vướng nhiều thủ tục và khả năng truyền tải của lưới điện. Hầu hết thiết bị của các dự án điện mặt trời, điện gió phải nhập từ nước ngoài nên chi phí đầu tư cao. Về lâu dài, điện mặt trời sẽ phát sinh nguồn chất thải ảnh hưởng đến môi trường, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về phát triển điện gió, điện mặt trời chưa ổn định đã ảnh hưởng đến việc phát triển lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

Một số kinh nghiệm bước đầu

Từ những kết quả bước đầu trong quá trình phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên địa bàn những năm qua, tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, phát triển năng lượng sạch phải phù hợp với chủ trương của Đảng và cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng nhanh, bền vững, vừa góp phần bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng và cả nước.

Thứ hai, phát triển năng lượng sạch phải ưu tiên đầu tư các công nghệ tiên tiến, phù hợp với đặc điểm địa phương, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; phải có giải pháp khả thi để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng điện như mạng lưới truyền tải điện, các điều kiện kết nối linh hoạt giữa hệ thống năng lượng tái tạo với các cơ sở nhiệt điện và một số ngành công nghiệp khác, công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo...

Thứ ba, phải quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; có cơ chế, chính sách phù hợp, minh bạch, thông thoáng để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển năng lượng sạch, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ tư, quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành năng lượng, nhất là đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, công nhân kỹ thuật cho những khâu then chốt. Có cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh theo hướng lâu dài, bền vững.

Dẫn dòng điện xanh_Ảnh: Lâm Thanh Liêm

Những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu quan điểm chỉ đạo trong phát triển năng lượng quốc gia là: “Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Trong đó, một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đề ra nhiệm vụ: “tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh,...”(2).

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương, từ những thành tựu, kinh nghiệm bước đầu trong phát triển năng lượng sạch thời gian qua; từ đầu nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, “Về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia”. Mục tiêu được Đảng bộ tỉnh đề ra là: Bạc Liêu phát triển năng lượng sạch để góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp năng lượng ổn định, có chất lượng với giá cả hợp lý phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh. Tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời và điện khí trở thành một trong những trụ cột, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển năng lượng sạch phải gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa với các ngành kinh tế - xã hội khác. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành trung tâm năng lượng sạch, thực sự trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, khẩn trương thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có tích hợp quy hoạch phát triển năng lượng, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một số ngành khác; quan tâm quy hoạch sử dụng đất phục vụ cho các dự án năng lượng sạch và thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình lưới điện đấu nối đồng bộ với các dự án điện gió, điện khí; tích cực phối hợp với Bộ Công Thương tổng hợp đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án nguồn điện (điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối) với tổng công suất 9.340,6 MW và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV. Duy trì hoạt động ổn định và triển khai thi công giai đoạn 3 của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành 9 dự án điện gió với tổng công suất 562MW, tạo ra sản lượng điện thương phẩm gần 1,7 tỷ KWh, không chỉ đủ nhu cầu sử dụng điện của tỉnh mà còn truyền tải lên lưới điện quốc gia khoảng 300 triệu KWh/năm; tập trung triển khai có hiệu quả các dự án điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối trên địa bàn tỉnh bảo đảm tiến độ theo Quy hoạch điện VIII.

Ba là, rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư các dự án điện, nhà máy sản xuất trang thiết bị phục vụ cho ngành điện; đẩy mạnh phát triển các dự án lưới điện truyền tải 500kV, 220kV, 110kV đồng bộ để giải tỏa hết công suất các nhà máy điện đầu tư trên địa bàn tỉnh và kết nối với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ; thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng.

Bốn là, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển ngành năng lượng của tỉnh; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động có tay nghề và có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh.

Năm là, phát triển các dự án năng lượng sạch nhằm phát triển kinh tế biển và gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh; các công trình đầu tư phải kết hợp mục tiêu phục vụ quốc phòng - an ninh khi có yêu cầu, góp phần củng cố và xây dựng khu vực phòng thủ ven biển vững chắc. Đồng thời, kết hợp các dự án điện gió khu vực ven biển với phát triển du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển./.

----------------------

(1) 5 trụ cột kinh tế là phát triển: Năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch; thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 245