Hà Tĩnh phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, hướng đến trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới
TCCS - Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, những kết quả đạt được của tỉnh Hà Tĩnh là rất đáng ghi nhận, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hướng đến trở thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2025.
Từ những chủ trương, đường lối, quyết sách đúng đắn đến những kết quả đáng ghi nhận
Quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hà Tĩnh đã sớm xây dựng các chủ trương, chính sách nhằm cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh(1). Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đưa ra chủ trương: Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn bảo đảm phù hợp với yêu cầu chung của tỉnh. Gắn quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn với quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và quy hoạch phát triển các khu đô thị.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 1230/QĐ-UBND, ngày 27-4-2018, về “Kế hoạch hỗ trợ thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới năm 2018 theo Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND, ngày 15-12-2016, của HĐND năm 2018”. Đến giữa năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hệ thống các đề án, quy hoạch, chính sách khá đồng bộ, gồm 28 quy hoạch, 18 đề án và hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND, ngày 13-1-2018, của HĐND tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 18-3-2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 786/QĐ-UBND, về “Phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm qua, nhất là trong hơn 10 năm trở lại đây, nông nghiệp, nông thôn và nông dân Hà Tĩnh có sự khởi sắc với nhiều thành tựu:
Thứ nhất, việc cơ cấu lại nông nghiệp đạt những kết quả bước đầu khá toàn diện, quy mô, năng lực sản xuất tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Cơ cấu sản xuất ngành, lĩnh vực và nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có bước chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp từ 32,58% (năm 2008) lên 52,8% (2018); tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế phát triển, giá trị gia tăng cao (như cam, bưởi Phúc Trạch, rau, củ, quả thực phẩm, chè xuất khẩu, chăn nuôi lợn, bò, hươu, nuôi tôm); giữ ổn định, giảm dần quy mô sản xuất với cơ cấu hợp lý các sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng thấp hơn và xu hướng cung - cầu thị trường đang dần bão hòa, như lúa, lạc, cao-su,...; phát huy lợi thế riêng có của các vùng sinh thái, của từng địa phương, vùng, miền trong tỉnh...
Giai đoạn 2018 - 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi và điều kiện thời tiết không thuận lợi, tuy nhiên, ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh vẫn có bước tăng trưởng khá. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,28% (năm 2018), đến năm 2019 giảm xuống còn 13,72% và đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 15,81%.
Thứ hai, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành, nghề, dịch vụ thương mại và kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất của người nông dân.
Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản được quan tâm phát triển theo hướng chế biến sâu, đạt kết quả tích cực: Thu hút trên 35 dự án đầu tư, có nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án lớn, công nghệ hiện đại, như chế biến gỗ, chăn nuôi bò và chế biến sữa, sản xuất phân bón, chế biến thủy sản; đầu tư nâng cấp công nghệ, thiết bị các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, thức ăn chăn nuôi, cơ sở mộc gia dụng, xay xát lúa gạo, chế biến lạc, hệ thống kho lạnh tại các cảng cá,...
Công tác phát triển nghề, khôi phục làng nghề nông thôn được quan tâm, đã có 5 làng nghề và 8 nghề truyền thống được công nhận trong tổng số 30 làng nghề toàn tỉnh. Dịch vụ, thương mại nông thôn phát triển khá đồng bộ: Từ chỗ trước năm 2008 chủ yếu là chợ tạm, chưa có các hình thức bán hàng hiện đại, đến nay, đã phát triển hệ thống các chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, làm đòn bẩy kích thích sản xuất, đáp ứng cả về số lượng lẫn chủng loại, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tiện ích cho người tiêu dùng nông thôn. Các hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm, đẩy mạnh…
Thứ ba, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa đạt được nhiều kết quả khá toàn diện.
Tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với những kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 201 xã đạt chuẩn, chiếm 88% tổng số xã, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Nghi Xuân, Can Lộc đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới); 3 huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là Đức Thọ, Lộc Hà và Thạch Hà; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,53%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 30,5 triệu đồng.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tạo diện mạo mới khanh trang ở nhiều địa phương. Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Trong 10 năm (2008 - 2018), toàn tỉnh mở mới 1.605km đường đất, nâng cấp 2.727km đường cấp phối, 7.471km đường nhựa và bê-tông xi-măng; xây mới 403 cầu, 15.616 cống các loại; nâng cấp, sữa chữa 194 cầu và 5.983 cống các loại,… nâng số ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được nhựa, bê-tông hóa lên 10.754km (trên tổng số 14.303km); 100% các xã có đường ô-tô đến trung tâm được nhựa, bê-tông hóa; đến nay có 115 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông; 100% số xã, phường, thị trấn và hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia.
Hệ thống trường học các cấp khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư nâng cấp. Giai đoạn 2008 - 2018, Hà Tĩnh đã xây mới 1.619 phòng học, 223 nhà công vụ, 112 nhà tập đa năng, 113 phòng giáo dục thể chất, 176 công trình vệ sinh. Đến nay, có 504 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 69%). Cơ sở vật chất y tế được tăng cường, chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho dân cư nông thôn từng bước được nâng cao. Năm 2018, toàn tỉnh có 242/262 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chiếm tỷ lệ 92,4%), tăng 38,6% so với năm 2008; có 207 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về y tế.
Chợ nông thôn được quan tâm đầu tư. Hầu hết khu trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn quy hoạch mới đều được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, với các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng đều hướng đến tiêu chuẩn đô thị. Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh về xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân và cộng đồng thôn xóm đồng tình, tích cực tham gia, là yếu tố quan trọng xây dựng xã nông thôn mới có chiều sâu, bền vững.
Thứ tư, hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; an ninh nông thôn, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Thời gian qua, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới”, xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự, tổ chức ký cam kết trong từng thôn, xóm về dòng họ tự quản, tổ liên gia tự quản, trường học an toàn, học sinh thân thiện… đã có tác dụng tốt trong việc bảo đảm ổn định ở cơ sở, nhất là tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện có 215 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về an ninh, trật tự xã hội.
Thứ năm, công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được quan tâm.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng nhanh, năm 2020 đạt 30,5 triệu đồng. Công tác giảm nghèo bền vững được tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm và đạt nhiều thành quả toàn diện trên các lĩnh vực. Giai đoạn 2008 - 2018, có 54.361 hộ thoát nghèo, 6/29 xã bãi ngang ven biển đạt chuẩn nông thôn mới, giảm 51 xã đặc biệt khó khăn miền núi, biên giới xuống còn 6 xã, 13 thôn.
Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được những kết quả nhất định. Công tác đào tạo nghề đã bám sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh và các địa phương, trong đó ưu tiên nguồn lực thỏa đáng để đào tạo nghề cho các xã xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2017 chiếm 58,7%; trong đó tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm (23,67%).
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở; chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm tăng nhanh, đạt kết quả khá cao. Đến nay, 100% số trạm y tế được cài đặt và tập huấn sử dụng thành thạo phần mềm Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe, khoảng 60% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt.
Thứ sáu, công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước được đổi mới mạnh mẽ, việc phát huy sức mạnh của đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn được khơi dậy, đạt hiệu quả cao.
Hệ thống tổ chức ngành nông nghiệp, nông thôn từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, sắp xếp một bước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện tốt 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động, như “Chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2”, “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”... Các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị đã phát huy vai trò tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại tại tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ là bước đầu, đang chủ yếu ở diện mô hình, chưa tạo được sự lan tỏa trên diện rộng, sản xuất của đại bộ phận hộ nông dân vẫn phát triển chậm; tăng trưởng ngành chưa vững chắc, chủ yếu tăng về chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu chất lượng, tăng giá trị gia tăng. Nông nghiệp tăng trưởng không đồng đều giữa các lĩnh vực, sản phẩm lợi thế. Đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp chưa nhiều, vẫn đa số là hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán (diện tích bình quân của hộ dân được giao đất nông nghiệp đạt 0,8ha/hộ); số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhất là doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất còn ít (doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp chỉ chiếm 13% tổng doanh nghiệp toàn tỉnh, trong đó khoảng 10% doanh nghiệp có liên kết sản xuất); mối liên kết giữa doanh nghiệp với người dân còn thiếu bền vững, thường dễ phá vỡ hợp đồng, nhất là khi bị tác động bởi thị trường.
Quy mô các dự án đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhỏ, số vốn đăng ký mới chỉ chiếm 3,7% tổng số vốn các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư toàn tỉnh… Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học ứng dụng thành công ở một số mô hình, sản phẩm, nhưng việc nhân ra diện rộng còn chậm, nhất là đối với sản xuất quy mô nhỏ lẻ của các hộ nông dân; trình độ công nghệ sản xuất nhiều sản phẩm ở tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn thấp và lạc hậu. Sản xuất chưa gắn với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ còn khó khăn, giá cả không ổn định.
Bên cạnh đó, đời sống người nông dân nhìn chung còn ở mức thấp, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, giá trị gia tăng thấp, tích lũy để phát triển không nhiều… Chất lượng lao động nông thôn nói chung, đặc biệt là chất lượng lao động nông nghiệp còn thấp (có đến trên 76,3% lao động ngành nông, lâm, ngư nghiệp chưa qua đào tạo); ngành nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trực tiếp, thiếu nông dân có khả năng và tâm huyết với sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, ở nhiều vùng nông thôn, lực lượng lao động nông nghiệp chủ yếu là người già, phụ nữ do người dân chuyển đổi nghề để có thu nhập cao hơn. Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn nhiều bất cập, đào tạo chưa gắn chặt với giải quyết việc làm và nhu cầu thị trường, chất lượng lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng lao động nông thôn thiếu việc làm sau khi kết thúc mùa vụ sản xuất còn diễn ra ở nhiều nơi…
Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn ở tỉnh Hà Tĩnh chuyển dịch chậm, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu (chiếm khoảng trên 70%). Kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng đều giữa các xã, chất lượng đạt chuẩn tiêu chí ở một số địa phương còn thiếu bền vững...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra mục tiêu: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ, đến năm 2025 là tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh xác định chương trình đầu tiên trong 5 chương trình trọng điểm của nhiệm kỳ Đại hội mới là: Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện toàn diện đời sống nhân dân, xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, quán triệt, phổ biến của tỉnh về chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về vai trò, nhiệm vụ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới cần đi vào chiều sâu, xác định phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mới là động lực, giải pháp then chốt để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn, từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh việc phổ biến các mô hình tốt trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền phát huy hiệu quả những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm, cách làm hay từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua để nhân ra diện rộng.
Hai là, nâng cao hiệu quả việc cơ cấu lại và phát triển ngành nông nghiệp bền vững, toàn diện theo hướng hiện đại.
Tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất từng ngành, lĩnh vực, địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của 3 vùng sinh thái, phát triển toàn diện theo 3 cấp độ sản phẩm. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến; tăng cường giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Rà soát đề án, kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi với từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, đáp ứng nhu cầu đa dạng thị trường tiêu dùng nội địa. Phát triển sản xuất liên kết, gắn với xây dựng thương hiệu; nâng cấp, phát huy hiệu quả hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp, gắn với khai thác rừng bền vững, du lịch sinh thái. Đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích rừng, đất rừng sản xuất hiện có, hình thành các vùng nguyên liệu gỗ rừng.
Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi từ cung ứng giống, vật tư đầu vào khác, kỹ thuật nuôi đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh khai thác xa bờ, hiện đại hóa hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, khu dịch vụ hậu cần và trang, thiết bị bảo quản trên tàu; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển - chế biến thủy sản, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng mẫu mã, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển thị trường một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tăng cường thông tin, quảng bá, giới thiệu tới người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Ba là, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành, nghề, dịch vụ ở nông thôn làm cơ sở để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn có hiệu quả.
Đây là giải pháp trọng tâm trong cơ cấu lại nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng sản phẩm trong chuỗi giá trị nông nghiệp, gắn với thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), chuyển dịch cơ cấu lao động, đa dạng nguồn thu nhập cho cư dân nông thôn. Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, ngành, nghề truyền thống với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý, đủ sức cạnh tranh; chú trọng phát triển theo mô hình liên kết sản xuất sản phẩm, nhất là chuỗi chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ ở nông thôn (giống, vật tư nông nghiệp, tín dụng, tư vấn sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu,…) gắn với đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm, thu hút lao động.
Tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, chế biến công nghệ cao và phát triển công nghiệp phụ trợ. Tập trung nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống hiện có của tỉnh theo hướng ưu tiên đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để hình thành sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc (chè...); chế biến thủy sản, nước mắm, ruốc thủy sản khô; đồ mộc mỹ nghệ (làng nghề truyền thống Thái Yên, Trường Sơn, Yên Huy, Phổ Trường); chế biến nông sản (bánh, miến, bún, phở, kẹo cu-đơ),... Hỗ trợ phát triển một số sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mới, nhất là các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Bốn là, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn.
Tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 100/2015/QH13, ngày 12-11-2015, của Quốc hội, Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 1-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cần làm tốt công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo chính xác, khách quan, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo để có các giải pháp cụ thể, phù hợp, từ đó để có chính sách đầu tư đúng đối tượng, thực hiện chương trình giảm nghèo có hiệu quả.
Đổi mới công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo trên cơ sở thống nhất đầu mối quản lý các chương trình, chính sách giảm nghèo kết hợp với đẩy mạnh việc phân cấp thực hiện. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo bền vững, ưu tiên nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn, gắn mục tiêu giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới.
Năm là, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 14-2-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy mạnh xây dựng huyện nông thôn mới, soát xét lại các nội dung theo Quyết định số 558/QĐ-TTg, ngày 5-4-2016, của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng khung kế hoạch, lộ trình chi tiết, cụ thể; quan tâm việc tạo nguồn lực để thực hiện. Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị cấp huyện theo Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 528/QĐ-UBND, ngày 23-1-2017, của UBND tỉnh; quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các khu phố văn minh.
Sáu là, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn, phát triển và ứng dụng có hiệu quả khoa học - công nghệ trong quá trình phát triển.
Đổi mới căn bản công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, theo hướng: Đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp về ứng dụng khoa học - công nghệ, kiến thức quản lý, quản trị doanh nghiệp, khởi nghiệp, cập nhật chế độ, chính sách, pháp luật… Đồng thời, đào tạo nghề mới để chuyển đổi nghề ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp, dịch vụ và ngành, nghề nông thôn.
Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, quy mô lớn tập trung. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến tinh, sâu, đẩy mạnh công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến;... Phấn đấu tất cả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đều áp dụng các công nghệ bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị và thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Bảy là, tích cực, chủ động trong bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân; tập huấn cho người dân các biện pháp xử lý nước tại hộ gia đình. Tăng cường năng lực quản lý, giám sát và hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu; triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp; điều chỉnh, bổ sung và lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai; hiện đại hóa, phát triển thủy lợi đa mục tiêu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất công nghiệp; bảo đảm 100% diện tích cây trồng chủ động đủ nguồn nước tưới, phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung và ứng dụng mạnh mẽ hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh theo vùng, miền.
------------------------------------
(1) Tiêu biểu như: Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 19-5-2009, của Tỉnh ủy Hà Tĩnh “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 định hướng đến 2020”; Quyết định số 2165/QĐ-UBND, ngày 16-7-2009, của UBND tỉnh, “Về việc ban hành kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 định hướng đến 2020”; việc giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng hơn 40 chương trình, đề án, quy hoạch, chính sách thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW
Hà Nội tập trung phát triển làng nghề bền vững  (25/07/2021)
Để Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh  (25/07/2021)
Phát triển nông nghiệp bền vững từ các hình thức liên kết kinh tế: Nhìn từ mô hình “Hội quán nông dân” ở tỉnh Đồng Tháp  (04/06/2021)
Hiệu quả từ đồng vốn nhân văn trên quê hương Hà Tĩnh  (01/06/2021)
Hiệu quả từ đồng vốn nhân văn trên quê hương Hà Tĩnh  (01/06/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên