Tháo gỡ những rào cản để xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân các khu công nghiệp miền Đông Nam Bộ trước yêu cầu mới
TCCS - Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là KCN) luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Mặc dù đạt được một số kết quả ban đầu, nhưng việc xây dựng thiết chế văn hóa tại các KCN ở miền Đông Nam Bộ hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và rào cản, khiến việc hiện thực hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân chưa đạt yêu cầu đề ra, đòi hỏi sự đồng thuận và vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp để cùng tháo gỡ.
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, đơn cử như: Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008, của Hội nghị Trung ương 6 khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Cụ thể hóa Nghị quyết trên, ngày 12-10-2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1780/QĐ-TTG về phê duyệt “Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, với quan điểm xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa nhằm tạo điều kiện để công nhân các KCN tham gia hoạt động văn hóa, thể thao là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền và tổ chức công đoàn phải huy động các nguồn lực tham gia xây dựng đời sống văn hóa công nhân trên cơ sở thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của từng doanh nghiệp.
Đối với người lao động, khi thiết chế văn hóa được hoàn thiện và đi vào vận hành đúng chức năng sẽ phục vụ nhu cầu giải trí, nâng cao sức khoẻ, tái tạo sức lao động cho công nhân sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi; là nơi trao đổi thông tin, học tập lẫn nhau; nơi tạo điều kiện cho người lao động an tâm làm việc, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như y tế, nhà trẻ,... Đặc biệt, thông qua hoạt động của thiết chế văn hóa, cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp vận động công nhân thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; thiết chế văn hóa còn là nơi công nhân và chủ doanh nghiệp cùng nhau tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh, tác phong làm việc công nghiệp, hiệu quả. Bởi vậy, ngày 9-1-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 52- CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”. Hiện thực hóa Chỉ thị này, ngày 12-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” với mục tiêu cụ thể: Từ năm 2017 đến năm 2018, phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các KCN, từ năm 2018 đến năm 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các KCN, đến năm 2030 phấn đấu tất cả các KCN trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn. Ngoài ra, để huy động mọi nguồn lực trong xã hội chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, ngày 22-4-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng, khoá XI ban hành Thông báo Kết luận số 77-TB/TW về việc đồng ý lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”.
Một số kết quả ban đầu đáng ghi nhận
Vùng Đông Nam Bộ gồm có 6 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã xây dựng được hệ thống các KCN có quy mô, thu hút được lượng lớn vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài, hằng năm đóng góp cho địa phương nói riêng, cả nước nói chung nhiều lợi ích to lớn. Tuy nhiên, song hành với sự hình thành các KCN là sự di cư tự phát của lao động từ nông thôn ra đô thị, từ các vùng, miền trong cả nước đổ về miền Đông Nam Bộ làm công nhân trong các KCN. Điều đáng nói là, lực lượng công nhân này hầu hết có trình độ văn hóa còn hạn chế, thuê nhà trọ của dân sinh sống, phát sinh nhiều vấn đề về an ninh, trật tự, văn hóa - xã hội, dẫn đến sự phức tạp trong khâu quản lý.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhận thức rõ ý nghĩa việc xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân tác động tích cực đến kết quả sản xuất, kinh doanh, nên những năm qua, ngoài sự đầu tư của nhà nước, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước ở các KCN miền Đông Nam Bộ đã quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung rất đông KCN, tính đến hết tháng 3-2020, toàn Thành phố có 415.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho 3,2 triệu người lao động, trong đó có khoảng 70% lao động nhập cư. Với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp thuộc Thành phố, các chủ doanh nghiệp ở KCN Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, Tân Tạo và Vĩnh Lộc đã chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân. Từ cuối năm 2016, Nhà Văn hóa lao động khu công nghệ cao được đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của công nhân đang làm việc tại khu công nghệ cao cũng như khu chế xuất Linh Trung 1 và Linh Trung 2 (quận Thủ Đức). Nhà văn hóa này có khối nhà chính (gồm hội trường, 2 phòng họp, 4 phòng học), căn tin, khu dịch vụ, nhà phục vụ thể dục, thể thao, quảng trường, công viên và một siêu thị công đoàn phục vụ hơn 200 mặt hàng thiết yếu, giảm giá 15% so với bên ngoài. Cũng trong năm 2016, Trung tâm Văn hóa - Thể thao của KCN Tân Thuận được đưa vào hoạt động, có cơ sở vật chất hiện đại (gồm hầm để xe, phòng học tiếng Anh, máy vi tính, hồ bơi, phòng chơi bóng bàn).
Tính đến tháng 2-2020, tỉnh Bình Dương có số công nhân đến làm việc tại các KCN là khoảng 1,2 triệu người, cùng với sự đòi hỏi về nhiều nhu cầu cần thiết để bảo đảm chất lượng cuộc sống. Tháng 10-2017, Trung tâm Văn hóa lao động Bình Dương được xây dựng tại Khu dân cư Việt - Sing (thị xã Thuận An) đã được đưa vào hoạt động, đáp ứng được một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, hoạt động thể thao cho người dân địa phương, công nhân tại các KCN ở thị xã Thuận An và các KCN lân cận. Trung tâm này có tổng vốn đầu tư ban đầu là 72,8 tỷ đồng; trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh là 42 tỷ đồng, vốn từ ngân sách tổ chức công đoàn là 30,8 tỷ đồng, là một công trình lớn phục vụ đời sống văn hóa, thể dục, thể thao cho công nhân và nhân dân của tỉnh. Ngoài ra, hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đang xin quỹ đất để tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa lao động tại thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, thị xã Dĩ An và huyện Bàu Bàng.
Tính đến tháng 2-2020, số công nhân tại tỉnh Đồng Nai là khoảng 1,2 triệu người, trong đó có 60% lao động nhập cư. Thế nhưng, đến cuối năm 2018, thiết chế công đoàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh cho công nhân mới được đem vào vận hành, là nhà sinh hoạt văn hóa - thể thao và tổ chức sự kiện (tại trụ sở Công đoàn KCN Biên Hòa) - đây là công trình được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt kinh phí từ nguồn kết dư của Công đoàn KCN Biên Hòa, với khoảng hơn 9 tỷ đồng. Nhưng do quy mô nhỏ, nên thời gian qua, công trình này mới chỉ phục vụ được một số hoạt động như văn nghệ, thể dục - thể thao của một bộ phận công nhân trên địa bàn các KCN Biên Hòa. Do đó, Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng thiết chế công đoàn và đang phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng thiết chế công đoàn tại KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom), với mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, gồm các hạng mục: khu nhà ở, nhà văn hóa đa năng, quảng trường trung tâm, siêu thị, văn phòng tư vấn pháp luật, sân thể thao... Ngoài ra, một số doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai cũng đầu tư xây dựng các công trình như: Nhà văn hóa, trường mầm non, ký túc xá,… Điển hình là Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch) đầu tư trị giá hơn 5 tỷ đồng; Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) cũng đang đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trường mầm non cho con công nhân tại xã Hiệp Phước và Công ty TNHH Changshin Việt Nam ở huyện Vĩnh Cửu đang có kế hoạch xây dựng trường mầm non phục vụ con công nhân trong thời gian tới.
Dù các KCN được hình thành khá lâu, nhưng những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, việc đầu tư, xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa cho công nhân mới thực sự được nhiều doanh nghiệp quan tâm; chủ các doanh nghiệp còn phối hợp với ngành chức năng và các địa phương để tài trợ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, thu hút đông đảo công nhân tham gia; từng bước xây dựng lối sống lành mạnh trong công nhân, đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường sống văn minh, văn hóa. Các chủ doanh nghiệp ngày càng ý thức được rằng, việc nâng cao đời sống văn hóa không những chỉ có công nhân được hưởng lợi mà chính doanh nghiệp cũng gặt hái được nhiều thành quả, bởi đời sống văn hóa của công nhân được đáp ứng giúp chất lượng lao động của họ được nâng cao, họ thể hiện sự phấn khởi, thêm gắn bó với doanh nghiệp mà mình đang trực tiếp làm việc.
Nhiều rào cản cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, hệ thống thiết chế văn hóa cho công nhân tại các KCN ở miền Đông Nam Bộ vẫn còn rất ít so với yêu cầu, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nội dung tổ chức hoạt động đơn điệu, nghèo nàn…, nên chưa thu hút được đông đảo công nhân tham gia. Nguyên nhân là do chưa có quỹ đất, thiếu kinh phí xây dựng; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phần lớn doanh nghiệp phải đi thuê, mượn hoặc tổ chức ngoài trời, trên đường giao thông nội bộ khu công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn giao thông, an ninh, trật tự. Trong khi đó, do đời sống còn khó khăn nên công nhân thường phải tăng ca để có thêm thu nhập…, đã làm giảm quỹ thời gian cho nhu cầu giải trí, do đó sự hưởng ứng của họ với các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao chưa cao...
Những hạn chế, vướng mắc trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là chủ các doanh nghiệp, ban quản lý các KCN chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, tính cấp bách của việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân theo quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì thế, việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi còn hạn chế, sự phối hợp của các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ; vai trò của công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân chưa được phát huy. Do áp lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng tập trung sản xuất, kinh doanh mà ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động. Trong khi đó, các cuộc sinh hoạt văn hóa cho công nhân còn đơn điệu, trùng lặp, không tạo được sự mới mẻ; chính bản thân người lao động cũng chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mình, ít cập nhật các thông tin của đời sống xã hội…
Từ những hạn chế như trên, nên thời gian qua, tại các KCN miền Đông Nam Bộ, đã xuất hiện tình trạng công nhân chưa yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Một số công nhân thiếu hiểu biết về pháp luật, nảy sinh tư tưởng bất mãn, dễ bị kích động, lôi kéo “nhảy việc” hoặc ngừng việc, đình công, lãn công trái luật; lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Những năm tới, số lượng doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân nước ngoài vào làm việc trong các KCN Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng sẽ gia tăng. Chính vì vậy, sự đan xen, giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền, khu vực ngày càng nhiều, dẫn đến nhiều vấn đề xã hội mới, phức tạp có thể xuất hiện, ảnh hưởng đến môi trường lao động, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân KCN miền Đông Nam Bộ. Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ở các KCN miền Đông Nam Bộ trước yêu cầu mới, cần quan tâm thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Một là, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 52-CT/TW, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”, trong đó đặc biệt quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng thiết chế công đoàn mới. Đối với những thiết chế văn hóa hiện có, công đoàn các KCN miền Đông Nam Bộ cần khai thác hiệu quả, thiết thực.
Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn. Bởi vì, muốn thiết chế văn hóa của các KCN vận hành hiệu quả, thiết thực, thì đội ngũ làm công tác công đoàn phải am hiểu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có kiến thức về luật lao động, nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong hoạt động văn hóa, thể thao,… qua đó xây dựng được nhiều chương trình sinh hoạt văn hóa có nội dung bổ ích, sinh động, thu hút được công nhân tham gia. Chính vì vậy, chủ doanh nghiệp, ban quản lý các KCN miền Đông Nam Bộ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ, ngày 4-3-2010, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010 - 2020”.
Ba là, cùng với chú trọng phát triển tổ chức công đoàn, cần quan tâm đến việc sử dụng, vận hành các thiết chế văn hóa. Để làm được điều này, cần tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng linh hoạt, đơn giản về thủ tục, kịp thời quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bốn là, các chủ doanh nghiệp quan tâm hơn nữa việc xây dựng chính sách bảo đảm đời sống cho công nhân. Để thực hiện tốt vấn đề này, đòi hỏi vừa phải hoàn thiện các chính sách bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập, sinh hoạt (điều kiện cần), vừa phải xây dựng, phát triển những chương trình, thiết chế văn hóa (điều kiện đủ). Các chủ doanh nghiệp cần chú ý cải thiện chính sách, chế độ cho người lao động, vì khi các điều kiện vật chất được bảo đảm thì công nhân mới thực sự quan tâm đến các hoạt động văn hóa và như vậy, hệ thống thiết chế văn hóa mới phát huy được vai trò và hiệu quả của mình.
Năm là, nâng cao trình độ cho công nhân tại các KCN là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền và công đoàn các cấp cần chỉ đạo, phối hợp sâu sát với chủ doanh nghiệp, ban quản lý các KCN miền Đông Nam Bộ giáo dục, đào tạo về chuyên môn, nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, nhất là những chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi của công nhân./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển