TCCS - Trong những năm qua, Huyện ủy Đồng Văn luôn quan tâm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tổ chức bộ máy từ huyện đến cơ sở từng bước được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số không những bảo đảm về số lượng, cơ cấu, mà còn được nâng cao về chất lượng và hiệu quả công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025_Nguồn: dongvan.hagiang.gov.vn

Đồng Văn là một trong những huyện biên giới của tỉnh Hà Giang, giáp với huyện Phú Ninh, huyện Ma Li Pho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với chiều dài đường biên giới 54,125km. Diện tích tự nhiên trên 44.171ha, trong đó diện tích vùng núi đá chiếm gần 70% tổng diện tích tự nhiên. Địa hình phức tạp, nhiều núi đá với độ cao trung bình 1.200m so với mặt nước biển. Khí hậu khắc nghiệt, hằng năm đều thiếu nước sinh hoạt sản xuất. Toàn huyện có 19 xã, thị trấn (trong đó có 9 xã, thị trấn biên giới) với 225 thôn bản; tổng dân số trên 83.000 người, gồm 17 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 88,7%. Đồng Văn là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh và nằm trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước.

Toàn Đảng bộ có 64 tổ chức cơ sở đảng (gồm 22 đảng bộ cơ sở, 42 chi bộ cơ sở) với 328 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở (19 chi bộ quân sự xã; 51 chi bộ trường học; 13 chi bộ trạm y tế; 14 chi bộ trực thuộc đảng bộ các cơ quan; 216 chi bộ nông thôn; 6 chi bộ công an xã; 9 chi bộ tổ dân phố); tổng số 4.731 đảng viên, chiếm gần 6% tổng dân số của huyện.

Tổ chức bộ máy biên chế toàn huyện gồm 12 cơ quan khối đảng, đoàn thể huyện; 13 phòng chuyên môn; 53 đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo; 2 đơn vị sự nghiệp văn hóa, sự nghiệp khác; 19 khối xã, thị trấn.

Tính đến tháng 10-2020, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên toàn huyện là 2.163 người; trong đó, cán bộ, công chức khối đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện là 70 người; khối quản lý nhà nước là 86 người; khối sự nghiệp: 1.594 người; tổng số cán bộ, công chức xã, thị trấn: 413 người.

Một số kết quả đạt được trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số

Huyện ủy Đồng Văn tổ chức công bố các quyết định về công tác cán bộ_Nguồn: dongvan.hagiang.gov.vn

1. Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Trên cơ sở Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy ban hành Đề án số 02-ĐA/HU, ngày 12-6-2017, “Về tinh giản biên chế giai đoạn 2018 - 2021”. Ủy ban nhân dân huyện ban hành "Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021". Giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với Phòng Nội vụ huyện rà soát cán bộ, công chức trong toàn huyện để bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không bảo đảm trình độ chuyên môn và hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tục đối với công chức, 1 năm hoàn thành và 1 năm không hoàn thành đối với viên chức; cán bộ không bố trí, sắp xếp đúng theo chuyên môn đào tạo tiến hành cho nghỉ việc theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20-11-2014, của Chính phủ, “Về chính sách tinh giản biên chế”.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, thực hiện kế hoạch sử dụng biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm, làm cơ sở cho việc thực hiện tinh giản biên chế. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện và Ban Tổ chức Huyện ủy hướng dẫn thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo quý để rà soát và đánh giá chính xác những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém đưa vào diện tinh giảm biên chế trong các năm tiếp theo.

Kết quả là, từ năm 2016 đến năm 2020, đã thực hiện tinh giảm 51 biên chế (chưa tính số lượng viên chức giảm do thuyên chuyển công tác và huyện không tuyển thêm để tính vào chỉ tiêu thực hiện tinh giảm theo lộ trình), trong đó có 13 người thuộc cơ quan chuyên môn của huyện (khối đảng, đoàn thể huyện 8/8 trường hợp, đạt 100% kế hoạch; khối ủy ban nhân dân 5/10 trường hợp, đạt 50% kế hoạch); 15 viên chức sự nghiệp so với kế hoạch được giao là 182 người, đạt 8% kế hoạch; 23 cán bộ, công chức cấp xã.

2. Thực hiện sáp nhập các cơ quan chuyên môn có chức năng nhiệm vụ tương đồng.

Thực hiện hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy giao cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng các đề án để triển khai thực hiện, như Đề án số 03/ĐA-UBND, ngày 29-01-2015, “Về sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện”; Đề án số 08/ĐA-UBND, ngày 28-10-2016, “Về sáp nhập Trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch huyện với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện”; Đề án số 09/ĐA-UBND, ngày 28-10-2016, “Về thành lập Trung tâm Dịch vụ công cộng - môi trường và cấp thoát nước huyện Đồng Văn trên cơ sở sáp nhập Đội Dịch vụ công cộng và Môi trường với Trung tâm Dịch vụ cấp thoát nước trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn”.

Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy các đơn vị sự nghiệp tương đồng về chức năng, nhiệm vụ nhằm thu gọn đầu mối, không để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục thường xuyên, quản lý có hiệu quả công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp chính quyền; bố trí lại lao động để hoạt động hiệu quả hơn khi được cơ cấu lại.

3. Công tác phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Xác định công tác cán bộ là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt, Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Văn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và nhiều chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, nghị quyết, kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy về công tác cán bộ; trong đó, chú trọng tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị xây dựng phương án quy hoạch nhân sự ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ bảo đảm về số lượng, cơ cấu độ tuổi, dân tộc, tỷ lệ nữ để chủ động trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong đó, đối với quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, số cán bộ nữ có 17/66 đồng chí (chiếm 25,75%); cán bộ trẻ có 16/66 đồng chí (chiếm 24,24%); cán bộ là người dân tộc thiểu số có 44/66 đồng chí (chiếm 66,67%). Đối với cấp cơ sở, quy hoạch tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy từ 15% trở lên, tỷ lệ cán bộ trẻ không dưới 30%. Đồng thời, hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không có chiều hướng phát triển, cũng như phát hiện, bổ sung những nhân tố mới, nhân tố tích cực để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, bảo đảm số lượng, đáp ứng chất lượng, không để tình trạng bị động trong công tác cán bộ.

Căn cứ kế hoạch đã xây dựng, Huyện ủy đã nghiêm túc tổ chức thực hiện việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; trong đó, xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, số lượng cán bộ luân chuyển từng năm, từ đó chủ động trong công tác cán bộ. Qua việc thực hiện luân chuyển, đã tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng được bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách ở những địa bàn, lĩnh vực cần tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn và bản lĩnh chính trị trong công tác, bảo đảm cho công tác lãnh đạo, quản lý được toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Qua quá trình rèn luyện, bồi dưỡng, đa số các cán bộ trong diện quy hoạch đã phát huy được năng lực, sở trường, năng động, sáng tạo, có chiều hướng phát triển tốt hơn. Tại đại hội đảng bộ các cấp (cấp cơ sở, cấp huyện), nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được cấp ủy từ huyện đến cơ sở chuẩn bị chu đáo, đúng quy trình, bảo đảm cơ cấu, số lượng, tính kế thừa, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Đối với cấp ủy huyện, tổng số Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 42 người (1 đồng chí đồn trưởng đồn biên phòng được tỉnh chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện), trong đó số cấp ủy viên nữ là 7 đồng chí (chiếm 16,7%), số cấp ủy viên người dân tộc thiểu số là 26 đồng chí (chiếm 61,9%), số cấp ủy viên là cán bộ trẻ dưới 40 tuổi có 6 đồng chí (chiếm 14,3%).

Đối với cấp ủy cơ sở, tổng số ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ sở là 316 người, trong đó số cấp ủy viên nữ là 64/316 đồng chí (chiếm 20,3%), số cấp ủy viên người dân tộc thiểu số là 285/316 đồng chí (chiếm 90,2%), số cấp ủy viên là cán bộ trẻ dưới 40 tuổi đạt 172 đồng chí (chiếm 54,4%).

Một số bài học kinh nghiệm và giải pháp thực hiện hiệu quả việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ dân tộc thiểu số

Những thày, cô giáo không quản khó khăn dạy học tại điểm trường Sảng Pả của Trường Tiểu học Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang_Ảnh: TTXVN

Công tác kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề mới, khó, nhạy cảm, phức tạp và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có việc phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Vì vậy, để thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả giữa tinh gọn tổ chức bộ máy với công tác phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở.

Việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số phải được thực hiện một cách thận trọng, công khai, dân chủ, không cầu toàn, nóng vội, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm “hợp tình, hợp lý”, lấy quyền và lợi ích của cán bộ, đảng viên, hiệu quả hoạt động của tổ chức làm cơ sở thực hiện, vừa sắp xếp tinh gọn bộ máy, nhưng vẫn bảo đảm cơ cấu về độ tuổi, dân tộc, tỷ lệ nữ phù hợp với đặc thù của một huyện miền núi, biên giới.

Thực hiện tốt việc giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giảm; huy động sự tham gia, vào cuộc của hệ thống chính trị trong thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả công tác phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số gắn với tinh gọn tổ chức bộ máy, Huyện ủy Đồng Văn xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường quán triệt, tuyên truyền nội dung các nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động trong công tác tinh gọn tổ chức bộ máy; đổi mới công tác phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, xây dựng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm nguyên tắc đúng người, đúng việc. Thực hiện tốt, nghiêm túc công tác đánh giá cán bộ; sàng lọc, đưa ra khỏi cấp ủy những cán bộ thoái hóa, biến chất, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đưa vào quy hoạch những cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện đồng bộ công tác tạo nguồn, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng cán bộ làm cơ sở gắn quy hoạch với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ ở các cơ quan, đơn vị của huyện. Kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuẩn bị tốt nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế khi có yêu cầu điều động, luân chuyển hoặc khi có người nghỉ hưu; tăng cường thực hiện các cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát công tác cán bộ./.