Một số giải pháp chủ yếu giải quyết mâu thuẫn, xung đột xã hội trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại tỉnh Hà Tĩnh
TCCS - Biến đổi khí hậu, sự suy giảm chất lượng môi trường tự nhiên và xã hội, sự cạn kiệt theo thời gian của các nguồn tài nguyên không tái tạo là một trong những nguyên nhân tạo nên các xung đột xã hội, gây mất ổn định xã hội ở Hà Tĩnh cũng như một số địa phương ở nước ta trong thời gian qua. Đây là hệ quả tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực tài nguyên, môi trường nói riêng. Việc tìm ra các giải pháp góp phần giải quyết mâu thuẫn, hạn chế xung đột, tạo sự đồng thuận xã hội là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Thực trạng xung đột xã hội trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là địa phương có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên khá phong phú và cơ bản thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Từ sau khi chia tỉnh đến nay, Hà Tĩnh phát triển khá năng động: chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá rõ nét; công nghiệp hóa, đô thị hóa được đẩy mạnh; là một trong những địa phương có nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai... Tuy nhiên, kéo theo đó là vấn đề xung đột xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biểu hiện khá rõ (như khiếu kiện đông người khi bị thu hồi đất đai, bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, xung đột giữa người quản lý và đối tượng bị quản lý trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng đất đai...). Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu về những biểu hiện, nguyên nhân để nhận diện một cách đầy đủ, từ đó có những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết hậu quả nhằm đẩy lùi các xung đột trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh lý luận, xung đột xã hội là sự mâu thuẫn, đối lập về nhận thức, quan điểm, lợi ích,... dẫn đến những va chạm, đấu tranh với các hình thức và mức độ khác nhau giữa các bên trong mối quan hệ xã hội nào đó. Sự phát triển xã hội thực chất là một quá trình đấu tranh để tồn tại và phát triển, là quá trình giải quyết các mâu thuẫn đang phát sinh trong đời sống xã hội. Những mâu thuẫn ấy biểu hiện ra bằng các xung đột. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột, như sự bất bình đẳng về địa vị, nhận thức, trình độ quản lý xã hội... và nhiệm vụ của quản lý là hạn chế, giải tỏa xung đột, giảm thiểu và ngăn chặn sự lan tràn những hậu quả tiêu cực của xung đột xã hội trên cơ sở phù hợp tối đa với yêu cầu phát triển khách quan của xã hội.
Xét về mặt thực tiễn, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ở các nước cũng như ở Việt Nam là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng sống cho người dân... Tuy nhiên, điều này cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề nan giải cần tập trung giải quyết, như áp lực dân số, giao thông, môi trường; những bất cập giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn... Bên cạnh đó, việc tăng dân số đô thị đồng nghĩa với việc tăng diện tích đất đô thị, tức là nhiều diện tích đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng sẽ được chuyển đổi thành đất đô thị. Một trong những hệ quả có thể dẫn đến là các nông hộ bị mất tư liệu sản xuất, việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người khi bị thu hồi đất, hoặc bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do các dự án hoạt động không bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường gây ra.
Ngành tài nguyên và môi trường là một trong ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường, đóng vai trò hết sức quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường hầu hết đều có tác động đến quyền, nghĩa vụ, không gian sống của mọi đối tượng, giai tầng trong xã hội nên dễ dẫn đến các mâu thuẫn, xung đột xã hội.
Thời gian qua, các hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh có những đóng góp đáng kể trong việc ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng phần lớn yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập có thể kể đến như sau:
Về lĩnh vực đất đai: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mang lại nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng cũng là nguyên nhân chính làm giảm diện tích đất nông nghiệp với quy mô lớn. Theo thống kê biến động sử dụng đất giai đoạn 2000 - 2015 của tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, giá trị tuyệt đối về diện tích của nhóm đất nông nghiệp tăng 142.196,45ha (chủ yếu tăng do trồng rừng, một số do khai hoang, cải tạo đất...), nhóm đất phi nông nghiệp tăng 10.812,72ha (chủ yếu phát triển hạ tầng, tăng diện tích đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp...), nhóm đất chưa sử dụng giảm 159.552,46ha. Tuy nhiên, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì buộc phải chuyển một số diện tích sang nhóm đất phi nông nghiệp (để xây dựng kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh...). Nếu tính cả giai đoạn 2000 - 2019 thì phải thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với nhóm đất ở để chuyển sang nhóm đất phi nông nghiệp không phải đất ở là 255,63ha; riêng nhóm đất nông nghiệp đã chuyển sang nhóm đất phi nông nghiệp là 25.561,07ha. Trong quá trình đô thị hóa thời kỳ 2000 - 2015, thành phố Hà Tĩnh chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp 646,55ha, chiếm 18,73% so với tổng diện tích đất nông nghiệp đầu kỳ; riêng giai đoạn 2000 - 2010 đã phải chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp là 14,34% (tương ứng 495,20ha) so với tổng diện tích đất nông nghiệp đầu kỳ.
Việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất, đây là nguyên nhân cơ bản gây nên các xung đột, mâu thuẫn giữa người sử dụng đất với các đối tượng liên quan (cơ quan quản lý, chủ đầu tư các dự án...). Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chính sách đất đai, như đo đạc bản đồ, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... trong một số trường hợp cũng gây nên xung đột giữa người sử dụng đất với người làm công tác quản lý đất đai (mâu thuẫn trong việc xác định ranh giới các thửa đất; vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất do quy hoạch, quy hoạch “treo”; việc hạn chế các quyền của người sử dụng đất do quy hoạch...).
Về lĩnh vực khoáng sản: Trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, gây áp lực đối với nhu cầu về nguồn khoáng sản vật liệu xây dựng, trong khi đó quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng chưa dự báo sát, đầy đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế thị trường. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp phép khai thác có những thời điểm triển khai chậm đã tác động trực tiếp đến việc mất cân đối cung - cầu nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường đối với một số địa phương, khu vực. Trong một số trường hợp còn để xảy ra mâu thuẫn giữa người sử dụng đất bị thu hồi để chuyển mục đích sang hoạt động khoáng sản, giữa cộng đồng dân cư trong khu vực có hoạt động khoáng sản với các chủ mỏ do việc khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng, xuống cấp hạ tầng giao thông, làm mất nguồn nước, bồi lấp ruộng đất canh tác, không bảo đảm an toàn... Cụ thể, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động khoáng sản khiến các cấp, ngành chuyên môn mất nhiều thời gian để giải quyết, như Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà); Dự án khai thác măng-gan ở Thượng Lộc (Can Lộc) và Đức Lập (Đức Thọ); Dự án khai thác mỏ đá tại Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh); mỏ cát ở Phúc Trạch (Hương Khê)... Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng (khai thác cát sỏi lòng sông, lấy đất làm gạch ngói, đất san lấp...) đang còn xảy ra ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, thất thu ngân sách và làm mất ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.
Về lĩnh vực môi trường: Việc quy hoạch quản lý chất thải rắn, xác lập khu xử lý liên vùng, liên huyện gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tồn tại tình trạng chất thải rắn vứt bừa bãi, tùy tiện, tập kết không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan; các bãi chứa rác quá tải gây ô nhiễm; một số bãi chôn lấp tự phát ở các địa phương không bảo đảm các tiêu chí về khoảng cách tới khu dân cư, tới nguồn nước, không đầu tư công trình bảo vệ môi trường (như tại thị xã Kỳ Anh, các huyện Thạch Hà, Hương Khê...).
Giai đoạn 2013 - 2015, có nhiều trang trại đầu tư tự phát, xây dựng khi chưa có thủ tục về môi trường, không bảo đảm tiêu chí về khoảng cách tới khu dân cư, tới nguồn nước..., dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Một số trang trại đã đi vào hoạt động nhưng chưa được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc các công trình bảo vệ môi trường của cơ sở chưa bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Việc chồng chéo trong quy hoạch cấp nước và quy hoạch chăn nuôi dẫn đến tình trạng một số trang trại trong quy hoạch có nguồn tiếp nhận là các hồ chứa nước quy hoạch cấp nước sinh hoạt, do đó yêu cầu về xử lý nước thải chăn nuôi trước khi thải ra nguồn tiếp nhận dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt rất khó thực hiện. Ở một số huyện, như Can Lộc, Kỳ Anh, mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển mạnh, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nằm trong khu dân cư, xử lý môi trường không triệt để, gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Điển hình là sự cố môi trường biển do Dự án Formosa gây ra làm ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế, xã hội và công tác bảo vệ môi trường đối với nhiều địa phương thuộc 4 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh. Tình trạng ô nhiễm nêu trên đang là vấn đề rất đáng lo ngại, gây áp lực rất lớn đối với các cơ quan quản lý và đưa lại hình ảnh, dư luận không tốt trong nhân dân.
Về lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu: Tài nguyên nước mặt tỉnh Hà Tĩnh chịu tác động của cơ chế gió mùa phức tạp, kết hợp với địa hình lãnh thổ bị chia cắt đa dạng, hằng năm khí hậu Hà Tĩnh đều có những biến động lớn mà biểu hiện rõ rệt nhất là trong chế độ mưa. Tổng lượng mưa trên đất liền tỉnh Hà Tĩnh hằng năm đạt gần 14 tỷ m3, tuy nhiên lượng sử dụng được chỉ khoảng 5 triệu m3. Tổng lượng mưa đó sẽ cung cấp một lượng dòng chảy trên mặt đất dồi dào, tuy nhiên thách thức lớn nhất chính là sự phân bố lượng mưa hằng năm không đều theo không gian và thời gian.
Theo số liệu thống kê từ Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh thì nhu cầu sử dụng nước dưới đất phục vụ sinh hoạt vùng nông thôn chiếm 29,93%; sử dụng cho vùng đô thị khoảng 27,71%. Tuy nhiên, dữ liệu cơ bản về nguồn nước ngầm chưa được điều tra chi tiết để đánh giá chính xác về trữ lượng, số lượng; hầu hết số liệu sử dụng đều lấy từ những nghiên cứu trước những năm 1980. Do đó nguy cơ làm tụt mực nước, suy thoái nguồn nước dưới đất là có thể xảy ra.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngoài đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long thì Bắc Trung Bộ (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế) là khu vực phải chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Điều này đã, đang và sẽ làm ảnh hưởng lớn đến những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gây áp lực đáng kể đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong thời gian qua, để góp phần giải quyết các xung đột xã hội nói chung, lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là ngành tài nguyên và môi trường đã dành nhiều sự quan tâm, có nhiều nỗ lực trong công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Kết quả đạt được ở một số lĩnh vực như sau:
Về thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai: Từ 2011 đến nay toàn tỉnh tiếp nhận 21.412 đơn, thư thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó đơn thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính đủ điều kiện thụ lý là 9.204; đã giải quyết được 8.325/9.204 đơn, đạt tỷ lệ 90,4%. Cũng trong thời điểm này, các cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh đã tiếp 22.896 lượt công dân, với 11.718 vụ, việc (riêng lĩnh vực đất đai bồi thường giải phóng mặt bằng đã tiếp 20.601 lượt công dân, chiếm tỷ lệ 89,97%). Đến nay, các đơn, thư đã được tập trung giải quyết đúng quy định, trong đó các đơn từ năm 2019 trở về trước cơ bản đã được giải quyết xong (trừ một số vụ, việc phức tạp, đông người đã được các cấp giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện).
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2010 đến nay, Sở đã chủ trì tham mưu, tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 319 tổ chức, phát hiện 259 tổ chức có vi phạm. Theo đó, đã kiến nghị thu hồi được 110 khu đất của 80 tổ chức có sai phạm; xử phạt vi phạm hành chính 35 trường hợp, tổng số tiền là 308 triệu đồng; xử lý kỷ luật 22 tập thể và 62 cá nhân; thu hồi số tiền gần 17,6 tỷ đồng.
Về thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường: Từ năm 2014 đến nay, cấp tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 30 cơ sở chăn nuôi tập trung; 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra và hoàn thành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 219 cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn quản lý. Qua thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 17/27 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt 106,75 triệu đồng; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử phạt 2 công ty với số tiền phạt 575 triệu đồng. Tại cấp huyện đã ra quyết định xử phạt 25 cơ sở với tổng số tiền phạt 235,5 triệu đồng; đình chỉ hoạt động chăn nuôi lứa lợn tiếp theo đối với 25 cơ sở để hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải.
Một số giải pháp nhằm giải quyết các xung đột xã hội trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở Hà Tĩnh
Để giải quyết những bất cập, hạn chế nêu trên, cần thống nhất quan điểm, mục tiêu và triển khai các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đối với ngành tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh như sau:
Trước hết, cần xác định rõ về mặt quan điểm, kết nối các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành nhằm tạo sức mạnh tổng hợp và sự hài hòa nhằm khai thông các điểm nghẽn, giảm thiểu các mâu thuẫn, xung đột, tạo đà phát triển, tập trung nguồn lực tạo nên bước đột phá, xây dựng ngành tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh bảo đảm chính quy, hiện đại, thực sự là cơ quan tham mưu tin cậy cho hệ thống chính trị, góp phần phát triển bền vững trong thời gian tới.
Về mục tiêu, cần tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có năng lực chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy dân chủ, đoàn kết, tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương, chú trọng đạo đức công vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, chủ động trong công tác tham mưu về ứng phó với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2025, ngành tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh tham mưu giải quyết cơ bản các mâu thuẫn, xung đột phức tạp liên quan đến các lĩnh vực của ngành để tạo sự ổn định, tạo đà cho sự phát triển theo hướng hiện đại, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa cả 3 trụ cột (kinh tế - xã hội - môi trường) trên địa bàn tỉnh.
Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực thi là:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ngành tài nguyên và môi trường
Bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, thường xuyên quan tâm lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng đối với ngành tài nguyên và môi trường; đẩy mạnh việc khắc phục, sửa chữa yếu kém, khuyết điểm, các biểu hiện suy thoái đã được chỉ ra khi thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên của ngành; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; duy trì và phát triển hơn nữa mối quan hệ gắn bó, thông suốt giữa tập thể cấp ủy với tập thể lãnh đạo của ngành.
Hai là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và chế độ công vụ, công chức
Tăng cường, đề cao trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; đẩy mạnh phân cấp quản lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy gọn nhẹ; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chức danh công chức; chuyển đổi vị trí công tác; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức; gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài khen thưởng, kỷ luật, đãi ngộ... Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, trước mắt tập trung trang bị kiến thức quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường và biến đổi khí hậu cho cán bộ tài nguyên và môi trường cấp huyện và cấp xã. Hoàn thành đầy đủ bộ thủ tục hành chính đối với từng lĩnh vực quản lý của ngành; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài nguyên và môi trường.
Ba là, tập trung xử lý những bất cập, vướng mắc đối với các lĩnh vực quản lý của ngành
Chú trọng nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ công tác thành lập, quản lý, thực hiện các quy hoạch, đề án, dự án khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đặc biệt lưu ý các dự án trọng điểm, các hồ chứa nước lớn... Hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, đặc biệt lưu ý đến các đối tượng quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xét duyệt. Theo dõi diễn biến thị trường về giá đất để điều chỉnh kịp thời bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo phối hợp tốt trong việc xây dựng giá đất cụ thể. Tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tranh chấp đất đai giữa các tổ chức và những vụ, việc khiếu kiện còn tồn đọng liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bốn là, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với các lĩnh vực theo dõi, quản lý
Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách còn thiếu, đặc biệt là chính sách đất đai theo Luật Đất đai năm 2013 và môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đối với những nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tham mưu các quy định có chế tài đủ mạnh để xử lý những đối tượng vi phạm trong hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường; bổ sung các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá đối với những lĩnh vực còn thiếu nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông để duy trì và tăng thời lượng chương trình truyền hình, các bài viết chuyên đề về tài nguyên và môi trường. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương để chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên tại địa phương. Chú trọng việc thực hiện tập huấn chuyên môn định kỳ cho các địa phương.
Sáu là, xây dựng, tăng cường các mối quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành
Xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác có hiệu quả với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan cũng như giữa các ngành và địa phương; tăng cường công tác cơ sở, giữ mối liên hệ thường xuyên, liên tục với cơ sở. Có cơ chế để khuyến khích nhân dân tham gia vào quá trình giám sát công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét kỹ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường làm cơ sở ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản pháp luật, các hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các địa phương. Về phía Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, giám sát các sở, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh, tập trung cao cho công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn. Bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn nhằm hạn chế tối đa các xung đột xã hội./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển