TCCS - Những năm qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định không ngừng tập trung thực hiện tốt chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần không nhỏ làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tại địa phương; ổn định đời sống cho người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro... Bên cạnh những kết quả nổi bật, việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục trong thời gian tới bằng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định tập trung thực hiện tốt chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế_Ảnh: TTXVN

Những kết quả nổi bật

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách mới về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được đổi mới, gắn kết hơn với hệ thống an sinh xã hội, hướng vào phát triển con người, thực hiện công bằng xã hội. Ngày 22-11-2012, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TW). Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 12-12-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, theo đó chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị; đưa ra các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của từng địa phương, gắn với thực hiện tiêu chí bảo hiểm y tế trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa XI và Chỉ thị số 23-CT/TU, của Tỉnh ủy, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở tỉnh Bình Định đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được nâng lên. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tiêu chí về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện. Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các sở, ban, ngành, đoàn thể ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và phát huy hiệu quả. Ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được nâng lên. Nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ hơn, từ đó tự giác, tự nguyện tham gia. So sánh trước và sau khi có Nghị quyết số 21-NQ/TW, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng hằng năm: Theo số liệu năm 2017, lao động tham gia bảo hiểm xã hội (bắt buộc và tự nguyện) trong toàn tỉnh là 99.072 người, đạt 10,85% lực lượng lao động của tỉnh (tăng 13.799 người (16,2%); lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 85.890 người, đạt 9,4% lực lượng lao động trong diện tham gia (tăng 16.223 người (23,3%); số người tham gia bảo hiểm y tế là 1.346.107 người, đạt 86,9% dân số (tăng 23,4% so với thời điểm trước khi có Nghị quyết số 21-NQ/TW).

Tính đến 9-2019, Bình Định có 6.061 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó phát triển đối tượng mới tham gia là 3.095 người, đạt 98% kế hoạch năm. Công tác phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã chuyển biến tích cực nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, như truyền thông trực tiếp và gián tiếp cho người dân về chế độ, chính sách và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; chủ động tham mưu với lãnh đạo và giao chỉ tiêu cho các địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống bảo hiểm xã hội. Mở rộng và nâng cao năng lực mạng lưới đại lý thu, tư vấn người dân khu vực nông thôn, làng nghề, lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả lương khi hết tuổi lao động, về già được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế và tiền tử tuất, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định và không trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Về bảo hiểm y tế, những năm qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định phối hợp có hiệu quả với ngành y tế để thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế tại 32 bệnh viện, phòng khám và 159 trạm y tế. Tính đến tháng 7-2019, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt 90,2% dân số, vượt 21.800 người so với kế hoạch của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và vượt 3,4% chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế được Thủ tướng Chính phủ giao.

Từ nguồn kinh phí phân bổ dự toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hằng năm, Bảo hiểm xã hội Bình Định triển khai đồng bộ các giải pháp, như kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, kiểm soát, thẩm định, đánh giá chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để có biện pháp xử lý, giám định ngược những trường hợp chi phí bất thường, bố trí cán bộ thường trực giám định. Đồng thời, ngành y tế cung cấp dịch vụ y tế chất lượng, bảo đảm đủ thuốc điều trị phục vụ người bệnh, điển hình như Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn là điểm sáng của ngành về kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý hơn 160.000 thẻ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (đơn vị có số thẻ cao nhất tỉnh Bình Định), luôn chú trọng phát triển chuyên môn, giảm tỷ lệ nhập viên, tăng điều trị ngoại trú, giảm số ngày điều trị từ 7,2 ngày xuống còn 5,8 ngày, bảo đảm quyền lợi người có thẻ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng vẫn cân đối dự toán và không để vượt Quỹ Bảo hiểm y tế.

Về tình hình thu và nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, số thu trong giai đoạn 2013 - 2017 năm sau tăng cao hơn năm trước (tăng bình quân 13,4%/năm). Tổng số thu trong giai đoạn này là 8.992 tỷ đồng, trong đó thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là 5.261 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế là 3.731 tỷ đồng. Trong những năm qua, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng có xu hướng gia tăng cả về tổng số tiền nợ và tỷ lệ nợ so với chỉ tiêu, trong đó, nợ từ 6 tháng trở lên (dài hạn) chiếm 50,7%, nợ dưới 6 tháng chiếm 49,3%... Trong công tác thu, để có những kết quả tích cực, ngoài yếu tố khách quan, còn phải kể đến sáng kiến sàng lọc doanh nghiệp đăng ký mới. Theo đó, tại bảo hiểm xã hội tỉnh và bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố khi tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ lập tức thực hiện quy trình “thẩm định ngược và thực tế”. Nhờ đối chiếu thông tin, bộ phận quản lý thu đã sàng lọc để loại trừ những doanh nghiệp “ảo”. Vì vậy, trong 3 năm trở lại đây, hầu như không xảy ra tình trạng doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rồi rơi vào tình trạng nợ xấu.

Song song với công tác phát triển đối tượng, công tác thu, thu nợ, thì việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng có hiệu quả nhất định. Đến nay, thực hiện theo chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định tiến hành thực hiện 28 thủ tục hành chính, giảm thời gian đổi thẻ bảo hiểm xã hội còn từ 1-3 ngày (quy định của Luật Bảo hiểm y tế từ 7-10 ngày) và kể từ ngày 1-1-2019 giải quyết ngay trong ngày. Khi thẻ bảo hiểm y tế thất lạc, mất, thì người sử dụng đến cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất để được cấp lại thẻ.

Trong năm 2019, ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định tiếp tục phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác truyền thông xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường công tác giám định, nâng cao hiệu quả công tác quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, có biện pháp ngăn ngừa, chống lạm dụng, lãng phí quỹ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh bảo đảm “đúng người, đúng bệnh, đúng thuốc”; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử.

Qua gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp ở Bình Định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được nâng lên. Công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển đối tượng tham gia. Hệ thống chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được cụ thể hóa kịp thời, sát đúng tình hình địa phương. Việc thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Tinh thần, ý thức, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành bảo hiểm, ngành y tế ngày càng tốt hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được chú trọng. Đến nay, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã hoàn thành tiến độ, trong đó tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh và Trung ương đề ra.

Hướng dẫn người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại tỉnh Bình Định_Ảnh: TTXVN

Những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở tỉnh Bình Định hiện nay vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, một số cấp ủy, chính quyền và đơn vị sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo.

Thứ hai, chính sách bảo hiểm xã hội đang đứng trước những khó khăn, thách thức, như tỷ lệ bao phủ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu và chất lượng an sinh xã hội; các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW chưa đạt như kỳ vọng; công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp mặc dù có chuyển biến so với trước đây nhưng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội thấp (chiếm 10,85%) so với lực lượng lao động hiện có của tỉnh.

Thứ ba, tình trạng lãng phí, lạm dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có xu hướng ngày càng tăng, dẫn đến quỹ bảo hiểm y tế không cân đối được thu, chi (năm 2016, quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của tỉnh Bình Định âm 270 tỷ đồng, năm 2017 âm khoảng 300 tỷ đồng).

Bốn là, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tăng, trong khi chế tài xử lý chưa đủ răn đe, ngăn chặn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Những hạn chế, tồn tại trên là do một số nguyên nhân:

Về nguyên nhân khách quan: Các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn những điểm bất cập, chưa chặt chẽ, nên một số tổ chức, doanh nghiệp đã lợi dụng, “lách luật”. Hiện nay, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày tăng nhưng công cụ quản lý số lượt khám, chữa bệnh của người dân chưa hoàn thiện, nên chưa kiểm soát được tình trạng lợi dụng, lãng phí quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ngoài ra, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và thiệt hại do thiên tai gây ra đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; việc làm và thu nhập của người lao động không ổn định, từ đó ảnh hưởng đến việc tham gia và thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người dân và doanh nghiệp.

Về nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Nhà nước. Nhận thức của một bộ phận chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn hạn chế. Một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng mang tính đối phó, một số khác cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế số tiền lớn, thời gian kéo dài. Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có mặt chưa chặt chẽ. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của cơ quan quản lý nhà nước chưa được thường xuyên; công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra và thi hành án để thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn khó khăn, kết quả đạt thấp. Việc khởi kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 còn nhiều bất cập, khó thực hiện. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, vật tư y tế còn lãng phí; nặng lực và ý thức trách nhiệm của một số giám định viên bảo hiểm y tế còn hạn chế.

Tăng cường các giải pháp

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy nhanh tiến độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; khuyến khích nông dân, người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 23-CT/TU và Chỉ thị số 27-CT/TU của Tỉnh ủy Bình Định, Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân theo Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nhận thức của người dân về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để họ tự nguyện, tự giác tham gia.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với việc người dân, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tự nguyện.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh để hạn chế, ngăn chặn tình trạng lợi dụng bảo hiểm y tế để vụ lợi dưới mọi hình thức. Kiện toàn tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ cơ sở. Củng cố và tăng cường quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bảo đảm thu, chi; đầu tư tăng trưởng quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật.

Năm là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, phát hiện và kịp thời biểu dương, khen thưởng các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt; đồng thời, phê phán, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế./.