Bảo đảm đời sống dân cư trên đảo tiền tiêu - biên giới Bạch Long Vĩ, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ quốc phòng - an ninh
TCCS - Di dân ra đảo giúp giảm sức ép trên đất liền, xây dựng cụm dân cư ổn định phục vụ chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội biển, đảo, khai thác, sử dụng hiệu quả và biến các tiềm năng biển, đảo thành động lực phát triển đất nước. Việc bảo đảm đời sống dân cư trên các đảo, nhất là đảo tiền tiêu - biên giới như Bạch Long Vĩ đang được đặt ra cấp thiết nhằm vừa phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế biển phát triển, vừa góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
1. Trước sức ép ngày càng tăng về dân số và nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên trên đất liền, tiến ra biển và bảo vệ chủ quyền, tài nguyên biển trở thành một chiến lược lâu dài của nhiều nước trên thế giới. Việt Nam là quốc gia biển với khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ với một hệ thống đảo ven bờ có điều kiện tự nhiên cho phép dân định cư trên đảo để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển. Việc bố trí dân cư trên đảo có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng nhằm khẳng định chủ quyền biên giới lãnh thổ biển, đảo quốc gia và tạo dựng môi trường sinh tồn mới cho người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bố trí dân cư ra đảo, tạo lập đời sống kinh tế cho đảo theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành bố trí dân cư ra các đảo từ sớm, thành lập và phát triển 12 huyện đảo là tiền đề có giá trị to lớn trong việc phát triển không gian biển, đảo của hệ thống đảo ven bờ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế biển. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Đảng và Chính phủ đã khẳng định có chính sách đặc biệt để khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra định cư ổn định và làm ăn lâu dài trên biển; thí điểm xây dựng các khu vực quốc phòng - kinh tế tại các đảo, quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo ở Đông Bắc… Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng nêu rõ xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển, đảo.
Mục tiêu của chương trình bố trí dân cư là đưa dân từ đất liền ra sinh sống, làm ăn ổn định tại các đảo, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, củng cố chính quyền trên đảo, từng bước chuyển dịch và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội trên đảo nhằm khai thác, phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây là một chủ trương chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, góp phần kiềm chế xung đột, giải quyết tranh chấp, xác định rõ quyền lợi của các quốc gia trên biển, tạo điều kiện cho việc phát triển quan hệ quốc tế, cũng như nâng cao năng lực quốc gia trong việc sử dụng và khai thác, phát triển kinh tế biển bền vững.
Để thực hiện nhất quán và triển khai quá trình bố trí dân cư đảo, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp người dân sau bố trí ổn định cuộc sống và gắn bó với đảo. Triển khai tích cực Quyết định số 190/2003/QĐ-TTg, ngày 16-9-2003, của Thủ tướng Chính phủ, “Về chính sách di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003 - 2010”; Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, ngày 24-8-2006, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015”; Quyết định số 568/QĐ-TTg, ngày 28-4-2010, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2030, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020” và Thông tư 03/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg. Theo đó, trong giai đoạn 2013 - 2020, thực hiện bố trí ổn định 8.600 hộ vùng biên giới, hải đảo được áp dụng cho các hộ gia đình, cá nhân theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương.
Ngày 18-5-2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bố trí ổn định dân cư nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, di cư tự do, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ người dân tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng - an ninh.
Trên cơ sở đó, quá trình bố trí dân cư ra các hải đảo dựa theo các tiêu chí tự nhiên và xã hội để bảo đảm tính thích nghi, phù hợp của cộng đồng dân cư mới. Tiêu chí tự nhiên gồm: 1- Quy mô diện tích đảo; 2- Vị trí địa lý và tính liên kết với các đảo khác và đất liền; 3- Điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái, nguồn tài nguyên và môi trường sống. Tiêu chí xã hội gồm tính đa dạng văn hóa dân cư đảo; tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng dân số; khả năng tạo sinh kế và nguồn thu nhập; hệ thống thể chế chính trị.
2. Nằm trong hệ thống nhóm đảo tiền tiêu - biên giới của Tổ quốc, Bạch Long Vĩ là một trong những đảo xa bờ nhất và là một trong tám ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ. Huyện đảo Bạch Long Vĩ được thành lập theo Nghị định số 15/CP, ngày 9-12-1992, của Chính phủ, là huyện nhỏ nhất trực thuộc thành phố Hải Phòng và cách đất liền khoảng 133km. Là một đảo nhỏ, song Bạch Long Vĩ nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và kinh tế - xã hội của đất nước.
Chương trình di dân ra đảo Bạch Long Vĩ được Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Chi cục phát triển nông thôn thực hiện từ năm 1992 và đã trải qua 9 lần thực hiện. Hiện nay, Bạch Long Vĩ được xếp vào đảo có diện tích nhỏ với quy mô dân số thấp gồm hơn 200 hộ (khoảng hơn 500 người), mật độ dân số của đảo là 164,4 người/km2, được đánh giá còn tương đối thấp so với mật độ dân số trung bình của Việt Nam là 290 người/km2. Dân cư trên đảo Bạch Long Vĩ được bố trí theo hình thức tập trung thành 4 cụm dân cư tại phía tây nam, đông nam của đảo, sau khu cầu cảng và neo đậu tàu thuyền. Nhà ở của cư dân do chính quyền cấp, bảo đảm khu vực sinh sống và phục vụ chăn nuôi, trồng trọt.
Thành phần dân cư trên đảo có nguồn gốc đa dạng, hơn 60% dân cư đến từ các huyện thuộc thành phố Hải Phòng (như Thủy Nguyên, Cát Bà, An Lão), còn lại là nhóm dân cư chủ yếu đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình. Hơn nữa, ngoài dân cư là những người tình nguyện di cư theo chương trình bố trí dân cư của Nhà nước, còn có các hộ dân di cư theo diện di dân tự do ra đảo làm ăn sinh sống trên các tàu cá neo đậu quanh đảo, các tàu thu mua cung cấp dịch vụ thủy sản đến âu tầu kinh doanh buôn bán và nhiều hộ dân lên đảo làm ăn sinh sống theo diện tạm trú. Theo ước tính của cơ quan thống kê địa phương, số dân di cư tự do khoảng 400 - 500 người (chiếm gần 50% số dân chính thức trên đảo), con số này biến động theo mùa đánh bắt trong năm.
Giai đoạn đầu mới ra đảo, hoạt động sinh sống của các hộ gia đình dựa vào đánh bắt thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phương thức sản xuất chủ yếu dựa vào sức lao động và kinh nghiệm. Các nguồn lực sinh kế của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế, sản xuất, sinh hoạt của người dân trên đảo, chủ yếu là các công trình phục vụ công tác quốc phòng. Giao thông trên đảo và giao thông kết nối giữa đảo và đất liền, hệ thống thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn… Trước thực tiễn đó, trên cơ sở việc xác định đảo, cụm đảo, vùng đảo - biên giới cần có chính sách ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên đảo phục vụ quốc phòng và phát triển kinh tế, huyện đảo Bạch Long Vỹ đã sớm thúc đẩy việc quy hoạch bố trí dân cư, sản xuất, kinh doanh phục vụ mục tiêu chung bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quốc phòng. Trong quá trình triển khai bố trí dân cư, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước trong chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng để bảo đảm ổn định đời sống cư dân, cụ thể:
Một là, hoàn thiện hệ thống chính trị.
Sau hơn 30 năm thực hiện việc di dân và bố trí dân cư ở đảo Bạch Long Vĩ, hệ thống chính trị của huyện đảo tương đối hoàn thiện và hoạt động hiệu quả. Theo đó, do diện tích huyện đảo tương đối nhỏ nên không phân cấp thành các xã, bộ máy hành chính huyện được tổ chức gọn nhẹ, bao gồm khối văn phòng huyện ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và khối nội chính. Các phòng, ban chuyên môn chính gồm: phòng tài chính, phòng kinh tế - kế hoạch, phòng văn hóa - thông tin, phòng thể dục thể thao, phòng tư pháp và phòng thống kê, ban xây dựng Đảng. Khối nội chính gồm có các bộ phận công an, tòa án, viện kiểm sát và đội thi hành án, đội thuế và các đơn vị chuyên ngành như bưu điện, bảo hiểm.
Hai là, phát triển và bảo đảm sinh kế.
Hiện nay, huyện đảo đa dạng hóa các phương tiện sinh kế với ngành, nghề, như nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ… Về ngư nghiệp, vùng biển Bạch Long Vĩ có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao, có một số thuộc loài quý hiếm, như bào ngư, cá song, cá bạc má, cá chỉ vàng rau câu… Nền đáy của ngư trường tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc khai thác hải sản. Đối với nông nghiệp, chăn nuôi trên đảo chủ yếu là đàn gia súc thả rông và các loại gia cầm. Về trồng trọt, khả năng canh tác trên đảo khó khăn do diện tích hẹp và thiếu nước nên sản lượng nông nghiệp trên đảo chỉ giải quyết được một phần nhu cầu rau quả tại chỗ. Lương thực và thực phẩm dùng trên đảo chủ yếu được cung cấp từ đất liền.
Thương mại, dịch vụ trên đảo phát triển một số loại hình nhỏ lẻ, như bán hàng tạp hóa, lương thực, thực phẩm,… phục vụ các âu cảng và ngư dân tới đánh bắt tại ngư trường. Đặc biệt, từ năm 2013, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã đồng ý chủ trương cho phép mở các tuyến du lịch tới Bạch Long Vĩ. Vì thế, du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch cũng được phát triển, tạo ra thu nhập và sinh kế mới cho người dân huyện đảo. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, trên đảo có 21 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó chủ yếu là cơ sở khai thác, xử lý và cung cấp nước ngọt; 5 cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị; 1 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm. Các hoạt động kinh tế khác như bán nước ngọt cho các tàu cá, trồng rau, chăn nuôi, dịch vụ sửa chữa tàu, buôn bán, chế biến thủy sản, làm thuê trên tàu cá, chèo đò là những nguồn sinh kế có đóng góp lớn vào thu nhập của nhiều hộ gia đình.
Ba là, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Từ năm 1965 đến năm 1992, trên đảo không có các kết cấu hạ tầng dân dụng, mạng lưới đường giao thông nội đảo, hệ thống cấp thoát nước và các kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Từ sau năm 1992 đến nay, cùng với quá trình bố trí dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đảo được quan tâm đầu tư.
Về giao thông đường bộ, huyện đảo đã xây dựng được 5km đường nhựa (4km ở độ cao 20m và 1km trong khu dịch vụ) và khoảng 15km đường bê-tông rộng 3,5m vòng quanh đảo, tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi, gồm các tuyến đường 5A, 5B, 5C và một số đoạn đường khác. Ngoài ra, huyện đảo đã có 15km đường đất ở phía bắc, phía đông, phía tây đảo và hệ thống đường xương cá nối các tuyến trong khu dân cư, các cơ quan và đơn vị. Năm 2015, huyện đảo hoàn thành dự án xây dựng các tuyến đường 6, 7, 8 nối tuyến đường 5 vào trung tâm đảo.
Về văn hóa - xã hội, thông tin liên lạc, huyện đảo đã có mạng lưới thông tin và hạ tầng văn hóa - xã hội tương đối phát triển, nhất là đã có hệ thống cáp điện thoại cố định và phủ sóng điện thoại di động, có thể sử dụng trạm thu phát sóng viba của quân đội và trạm khí tượng. Huyện đảo có Trung tâm văn hóa - thể thao đa chức năng với diện tích 7.000m2, Công viên tuổi trẻ Sông Hồng và Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ là nơi để người dân tụ họp, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và giải trí. Hệ thống viễn thông đã được tăng cường với mạng điện thoại di động Viettel cùng dịch vụ internet.
Về hệ thống cấp thoát nước, đảo có 3 giếng nước khoan và 40 giếng khơi. Đa phần hộ dân trên đảo đều dùng giếng khơi và có bể chứa nước mưa. Nước giếng khoan sâu 80 - 100m, khai thác 80m3/ngày cho 3 bể chứa 700m3 phục vụ chủ yếu cho Trung tâm hậu cần nghề cá. Năm 2013, Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt và hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho đảo Bạch Long Vĩ đã được phê duyệt theo Quyết định số 186/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, về Phê duyệt Đề án xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho quân và dân trên đảo. Ngày 2-3-2015, Thành đoàn Hải Phòng đã tổ chức khởi công xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt và hoàn thành vào tháng 7-2020. Lượng nước tích trữ thực tế khoảng 45m3 với chất lượng nước sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh. Dự án cấp nước ngọt tại đảo đã được triển khai xây dựng vào tháng 3-2022 gồm xây dựng trạm cấp nước hoàn chỉnh, trạm bơm nước sạch, trạm xử lý, lọc nước và khử trùng; xây dựng mạng lưới tuyến ống cấp nước đến các hộ dân và các đơn vị đóng trên địa bàn huyện.
Trước năm 2016, nguồn điện trên đảo không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và hoạt động kinh tế - xã hội. Nguồn điện trên đảo chỉ dựa vào một nguồn trạm phát điện diesel với 3 máy phát điện chạy luân phiên, cung cấp điện cho toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội trên đảo. Năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định đầu tư dự án nâng cấp hệ thống điện trên đảo Bạch Long Vĩ với tổng vốn đầu tư 148 tỷ đồng gồm điện gió, trang trại điện mặt trời, hai máy phát diesel, hệ thống lưu trữ năng lượng điện, bộ chuyển đổi lưới điện và hệ thống điều khiển, giám sát tự động. Dự án này đã cải thiện đáng kể hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên đảo.
Năm 2020, dự án nâng cấp hệ thống điện được triển khai xây dựng, đưa vào vận hành vào cuối năm 2021. Dự án nâng cấp hệ thống điện đã cung cấp điện ổn định, liên tục và không hạn chế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, dịch vụ sản xuất của các hộ dân, doanh nghiệp và các đơn vị trên đảo. Hệ thống điện ổn định đã tạo điều kiện cho phát triển các ngành kinh tế, dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng điều kiện đưa Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cho các tỉnh ven biển.
3. Việc bố trí dân cư tại đảo đã có được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và thành phố Hải Phòng, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các vấn đề về văn hóa, xã hội và môi trường.
Nằm gần giữa vịnh Bắc Bộ, đảo Bạch Long Vĩ không có sự liên kết về hình thể không gian với bất kỳ đảo hay cụm đảo nào của Việt Nam, cách đảo xa nhất là Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị khoảng gần 400km và cách đảo gần nhất là Hạ Mai thuộc tỉnh Quảng Ninh khoảng 70km. Tuy nhiên đây là vị trí trọng yếu của quốc gia trong bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực trung tâm vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh đó, đảo càng xa bờ thì chủ quyền, lợi ích quốc gia càng mở rộng trên biển và tuyến phòng thủ về quốc phòng - an ninh càng được đẩy xa, bảo đảm hoạt động cảnh giới và canh phòng trên biển. Không chỉ vậy, vị trí gần giữa vịnh Bắc Bộ cho phép đảo khả năng quan sát bao quát và theo dõi các quá trình tự nhiên và các hoạt động của con người và các sự cố môi trường trên toàn vịnh, đồng thời đảo cũng trở thành vị trí tốt nhất để hưởng lợi các phần giá trị vị thế của cả vịnh Bắc Bộ. Vị trí gần giữa vịnh cho phép thực hiện nhiều hoạt động ứng phó ở khoảng cách gần và nhanh nhất trên vịnh, như công tác tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ, ngăn cản các vụ xâm nhập trái phép từ bên ngoài. Vị trí gần giữa vịnh còn góp phần hạn chế phạm vi của các hoạt động thăm dò, thám sát trái phép. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý xa bờ và vị trí không liên kết khiến đảo Bạch Long Vĩ có thể gặp khó khăn trong các tình huống đặc biệt. Sự giao thương và buôn bán với đất liền và các đảo lân cận gặp nhiều khó khăn, trở ngại cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, còn một số khó khăn, thách thức đối với việc bảo đảm đời sống của người dân trên đảo, như: Mặc dù đã được đầu tư tàu Hoa Phượng đỏ vào tháng 7-2020, phục vụ chuyên chở miễn phí cán bộ, quân dân và hàng hóa ra đảo nhưng do chi phí và các điều kiện vận hành, hiện tàu chỉ chạy với tần suất 2 - 3 chuyến/tháng khiến việc liên kết giữa đảo và đất liền còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng và chất lượng giáo viên trên đảo còn hạn chế. Hiện nay, trên đảo chỉ có trường liên cấp mẫu giáo, tiểu học, vì thế, đa số dân đảo lựa chọn cho con em về học trong đất liền từ lúc 5 tuổi. Điều kiện trang thiết bị y tế và chất lượng đội ngũ y bác sĩ còn hạn chế, đặc biệt khó khăn khi xuất hiện các ca bệnh cấp cứu. Việc nuôi gia súc thả rông tác động phá hoại cây rừng, thảm thực vật, làm giảm khả năng giữ nước, ô nhiễm nguồn nước trên đảo. Khả năng canh tác khó khăn do diện tích hẹp và thiếu nước, sản lượng nông nghiệp trên đảo chỉ giải quyết được một phần nhu cầu tại chỗ, phụ thuộc vào nguồn cung lương thực, thực phẩm từ đất liền.
4. Để bảo đảm đời sống kinh tế - xã hội của cư dân, nhất là các đối tượng dân cư được bố trí dân cư ra đảo, góp phần phát triển bền vững huyện đảo, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, cần có định hướng quy hoạch các vùng sinh thái, vùng phát triển kinh tế và vùng quân sự nhằm bảo đảm sự ổn định và cân bằng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; tận dụng nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các hạ tầng công cộng; có cơ chế thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn có tiềm lực mạnh vào việc phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ lĩnh vực chế biến - xuất khẩu hải sản và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.
Hai là, cần xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển toàn diện huyện đảo nhằm xác định và ưu tiên bố trí ngân sách cho những dự án trọng điểm (cụ thể là các công trình hạng mục đáp ứng nhu cầu dân sinh như trường học liên cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; nâng cấp trung tâm y tế quân dân y, quy hoạch và xây dựng nghĩa trang nhân dân theo hình thức hỏa táng, các công trình xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt….). Đồng thời với đặc thù huyện đảo không phân đơn vị hành chính cấp xã, đến nay, huyện Bạch Long Vĩ vẫn chưa đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới và tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Nhà nước và thành phố Hải Phòng cần xem xét, cân nhắc cơ chế đặc thù đảo tiền tiêu để áp dụng các tiêu chí huyện nông thôn mới đặc biệt với đảo Bạch Long Vĩ.
Ba là, cần có quy định và chế tài xử lý về cấm khai thác hải sản tại các vùng biển và ngư trường vào mùa cá sinh sản thống nhất từ Trung ương đến địa phương (chính sách cấm biển có thời hạn); đồng thời, có chính sách hỗ trợ hợp lý ngư dân làm nghề khai thác hải sản vào thời gian nghỉ khai thác. Tiến hành đánh giá sức chứa của đảo (khía cạnh tự nhiên và xã hội) để quy hoạch bố trí dân cư và định hướng phát triển sinh kế phù hợp. Khôi phục, tái tạo nguồn lợi hải sản và bảo vệ môi trường sống của các loài hải sản, đặc biệt là các bãi sinh sản, nơi tập trung cư trú của các loài thủy sản.
Bốn là, với vị trí địa chiến lược, các quy hoạch phát triển đảo Bạch Long Vĩ cần có sự tham gia của ngành quốc phòng trong quá trình lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng, quy hoạch bố trí dân cư, phát triển đô thị đảo theo từng thời kỳ để bảo đảm các công trình hạ tầng trên đảo có thể phát huy có hiệu quả không chỉ trong điều kiện thời bình, mà còn cả trong trường hợp xảy ra chiến tranh, cũng như để bảo đảm các hoạt động kinh tế được phát triển trong điều kiện tốt nhất về quốc phòng - an ninh, chú trọng đầu tư, phát triển các công trình lưỡng dụng (nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng cầu cảng, sân bay…). Cần có cơ chế, chính sách thu hút, phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo đảm quốc phòng - an ninh trên đảo và tham gia công tác bảo tồn biển. Tăng cường xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Quảng Ninh: Tạo sinh kế bền vững gắn với xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/11/2024)
Quảng Ninh: Phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh  (18/11/2024)
Một số giải pháp góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình  (10/09/2024)
Phương châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia hiện nay  (18/04/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay