Huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh): Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững
TCCS - Năm 2024, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) tập trung nâng cao thu nhập cho người dân (đến năm 2025 đạt 100 triệu đồng/người); tỷ lệ lao động qua đào tạo (đạt 87%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51%); giải quyết dứt điểm vấn đề đất ở, đất sản xuất (còn khoảng 80 hộ dân thiếu đất ở hoặc thiếu đất sản xuất). Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững, phấn đấu không còn hộ nghèo, giảm 50% hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Quảng Ninh.
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới với 96% là đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Bình Liêu có rừng, núi cao và nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, như thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác sông Moóc A… Bức tranh đa sắc màu là những lợi thế để Bình Liêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo huyện Bình Liêu triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Nhiều chủ trương, nghị quyết phù hợp thực tiễn được ban hành, đặc biệt Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17-5-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” góp phần thổi luồng sinh khí mới để Bình Liêu vươn lên mạnh mẽ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, trên cơ sở xác định phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người, huyện Bình Liêu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển gắn với xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo ra sự chuyển dịch theo hướng tăng cao tỷ trọng ngành phi nông nghiệp, nhất là ngành dịch vụ, thương mại, du lịch. Đặc biệt, ngành du lịch đã được khai thác hiệu quả và đang phát triển vượt bậc, lượng khách du lịch hằng năm đều tăng, số khách du lịch năm 2023 đạt 150.000 lượt người, doanh thu từ du lịch năm 2023 ước đạt 76,7 tỷ đồng. Đời sống vật chất, văn hóa, xã hội của người dân được nâng cao rõ rệt, 6 xã trước đây thuộc khu vực đặc biệt khó khăn (vùng 3), năm 2020 đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, chuyển lên vùng I.
Huyện Bình Liêu xác định giảm nghèo bền vững gắn với tạo việc làm, bảo đảm thu nhập ổn định cho người dân. Theo đó, các chính sách hỗ trợ, chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo; tích cực hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả kết hợp giữa nông, lâm nghiệp và du lịch, dịch vụ được triển khai thực hiện. Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 68,21%, trong đó số có bằng cấp chứng chỉ là 33,31%; đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 84,04%, trong đó số có bằng cấp chứng chỉ là 48,93%. Tính đến hết năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương, huyện Bình Liêu còn 96 hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo. Theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Quảng Ninh, số hộ nghèo còn 69 hộ, chiếm 0,89%, hộ cận nghèo còn 1.166 hộ, chiếm 14,99%.
Bên cạnh đó, huyện Bình Liêu cũng đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề, gắn với thực tế và nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người dân. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo; nhất là kịp thời bổ sung các tiêu chí bị thiếu hụt về y tế, giáo dục, thông tin, việc làm, thu nhập… Nhờ vậy, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn huyện vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Năm 2024, huyện Bình Liêu phấn đấu không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm còn 7,58% (585 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, với những chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 gấp 2,2 - 2,5 lần năm 2020 (khoảng 3.500 - 4.000 USD). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân 10%/năm, thu ngân sách, phần thu nội địa tăng bình quân 10%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 10%/năm. Mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, bình quân mỗi năm giảm 4%. Đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, phấn đấu không còn nhà dột nát, 100% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Bình Liêu tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập hợp mọi nguồn lực để đầu tư hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho người nghèo; trợ giúp người nghèo, nhất là hộ đặc biệt nghèo để giúp họ tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức tự lực của hộ nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng trông chờ ỷ lại; tập trung tạo sinh kế, nâng cao mức sống thoát nghèo bền vững cho người dân.
Hai là, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, như cặp Cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) và hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô; nâng cấp cải tạo đường từ Trung tâm y tế huyện đấu nối với quốc lộ 18C; cải tạo, nâng cấp nút giao thông đường nội thị thị trấn giao với cầu Nà Cắp và tuyến đường từ Trạm y tế Đồng Văn đến Ủy ban nhân dân xã Đồng Văn; từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các xã nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135.
Ba là, thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành, nghề dựa vào lợi thế của địa phương; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng; lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huy động tối đa mọi nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế biên mậu, dịch vụ du lịch, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó, xây dựng, phân chia sản phẩm du lịch theo từng nhóm cụ thể, gồm: Du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch biên giới; du lịch nông nghiệp; du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch mạo hiểm và các sản phẩm du lịch khác... Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; tổ chức các cuộc gặp, hội nghị tiếp xúc, đối thoại cùng doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội đầu tư các dự án trên địa bàn huyện, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Năm là, đẩy mạnh thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, thực hiện tổ chức sản xuất hiện đại, ứng dụng rộng rãi, hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, quản trị xã hội. Phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường..., phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh của nông sản, nhất là các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm từ vốn rừng, sự khác biệt của địa bàn vùng cao biên giới, bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc và sản vật của địa phương...
Sáu là, phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới./.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền liêm chính để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - Bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ thời gian tới của huyện Cô Tô  (25/11/2024)
Bình Liêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh  (24/11/2024)
Bình Liêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh  (24/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên