Gần đây, Vĩnh Phúc, cùng một số tỉnh khác, có những chủ trương cụ thể hóa các nhiệm vụ mà các Đại hội Đảng toàn quốc đề ra, trong đó nổi bật là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chăm lo đời sống nông dân. Tuy nhiên, khi tiếp cận thực tiễn Vĩnh Phúc, chúng tôi muốn nhìn nhận vấn đề dưới góc độ: Nghe được dân nói, nói để dân nghe.

I - Nghe dân nói gì và nghe bằng cách nào?

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc nổi lên như một địa bàn thu hút được nhiều đầu tư, các khu công nghiệp liên tục mọc lên. Công nghiệp Vĩnh Phúc phát triển trong tiến trình cả nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hơn nữa, Vĩnh Phúc lại có những thuận lợi do điều kiện địa lý đem lại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có những nỗ lực nhất định trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Trong 6 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc là 23,1%/năm. Đến nay, công nghiệp - xây dựng đạt 60%, dịch vụ là 25,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong đà phát triển chung đó, kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc nổi lên những vấn đề đáng quan tâm từ quá trình công nghiệp hóa.

Thứ nhất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp với tốc độ ngày càng lớn. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 1997 đến nay, trung bình hằng năm có khoảng 500 ha - 1.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị (giai đoạn 1997 - 2000 thu hồi 561,7 ha/năm; giai đoạn 2001 - 2004 thu hồi 2.086 ha/năm; hai năm 2006 và 2007 thu hồi 2.612,51 ha).

Từ đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày một giảm. Năm 2004 diện tích cây trồng giảm 0,56% so với năm 2003; năm 2005 giảm 2,57% so với năm 2004; năm 2006 giảm 1,45% so với năm 2005; năm 2007 giảm 5,3% so với năm 2006. Ngoài nguyên nhân do thiên tai (hạn hán vào năm 2005), thì nguyên nhân chính là chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho đất ở, quy hoạch công nghiệp và làm đường.

Sự dịch chuyển quỹ đất đó là tất yếu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song nó đã đặt ra nhiều vấn đề đối với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ hai, khả năng và trình độ của nông dân có khoảng cách với yêu cầu của sản xuất hiện đại. Khi diện tích canh tác còn lại ít, muốn thu nhập ngày càng cao hơn, hoặc chí ít cũng như trước để bảo đảm cuộc sống, đòi hỏi người dân phải tăng đầu tư; ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới, hoặc phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhưng trên thực tế, khả năng của nông dân Vĩnh Phúc về những lĩnh vực này còn hạn chế.

Số liệu gần đây cho thấy: tỷ lệ lao động nghề nông của Vĩnh Phúc chưa có trình độ trung học cơ sở là 32% (tỷ lệ này của vùng đồng bằng sông Hồng là 26,8%); số lao động nông thôn được đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chỉ đạt 4,6% (học nghề 2,81%, trung cấp 1,54%, cao đẳng 0,15%, đại học 0,1%), còn lại chưa qua trường lớp đào tạo.

Bên cạnh đó, số hộ nghèo ở khu vực nông thôn Vĩnh Phúc năm 2007 chiếm 15,42% tổng số hộ ở khu vực này, và chiếm tới 94% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Tình trạng đó khiến người nông dân gặp khó khăn nhiều về vốn, trình độ kỹ thuật, hiểu biết cần thiết về thị trường cho sản phẩm... để vươn lên.

Hai vấn đề chính yếu trên đã đặt ra những yêu cầu lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Và đây cũng là những điều người dân muốn bày tỏ nhất với các cấp về sản xuất, về đời sống của mình.

Bên cạnh những khó khăn chung, Vĩnh Phúc cũng có những lợi thế nhất định. Đó là sự đa dạng về lãnh thổ, phù hợp cho cả sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Nếu phát triển được sản xuất hàng hóa trên địa bàn, Vĩnh Phúc sẽ có lợi thế rất lớn đối với thị trường Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Vấn đề đặt ra là phải có sự định hướng đúng, rõ của Đảng bộ về hướng đi và biện pháp giải quyết những vấn đề cấp bách trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc "về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020" chính là sự lắng nghe, sự thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của người dân.

Những định hướng để nâng cao đời sống của đại đa số nhân dân, tập trung vào những hộ có đất nông nghiệp thu hồi để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nêu tập trung trong Nghị quyết: "chuyển phần lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn". Đồng thời, các giải pháp cụ thể về: quy hoạch; sử dụng đất đai; khoa học, công nghệ và khuyến nông; đào tạo ngành nghề; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; các chính sách hỗ trợ; phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể và doanh nghiệp trong nông thôn, cũng được nêu bật trong Nghị quyết. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 03 - NQ/TU, Vĩnh Phúc có các nghị quyết và quyết định, nhằm giải quyết tương đối toàn diện các lĩnh vực có liên quan. Đó là Nghị quyết về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2007 - 2010; Nghị quyết về bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn và cung cấp thông tin cho nông dân; Nghị quyết về cơ chế khuyến khích phát triển giống cây trồng, vật nuôi; Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa và xây dựng các khu sản xuất tập trung; Nghị quyết về hỗ trợ 100% thủy lợi phí cho sản xuất trồng trọt; Nghị quyết về hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn...

Các nghị quyết này không chỉ giúp người dân ổn định được cuộc sống hiện tại, mà còn trang bị tri thức cần thiết, tạo các điều kiện thuận lợi để họ yên tâm phát triển sản xuất. Trong số các nghị quyết đó, Nghị quyết về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm có vị trí hết sức quan trọng nhằm góp phần ổn định đời sống của đa số nhân dân, đồng thời tháo gỡ những khó khăn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để chủ động tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân với các cấp lãnh đạo, Chỉ thị số 01-CT/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, "về phát triển hệ thống mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội của tỉnh", được ban hành ngày 5-12-2006. Chỉ thị này, cùng với việc tiếp tục thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, đã hình thành cơ chế và bộ máy cần thiết để đẩy mạnh việc tìm hiểu một cách có hiệu quả những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, góp phần thực hiện thành công những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Có thể nói, những chủ trương, biện pháp lãnh đạo của Đảng bộ Vĩnh Phúc đã bám chắc các quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước, đồng thời xuất phát từ những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn của địa phương. Đó là điều kiện quyết định bảo đảm cho những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đó cũng đồng thời là kết quả của việc lắng nghe dân nói, hiểu được ước nguyện của nhân dân, tạo được điều kiện để nhân dân thực hiện ước nguyện, phát huy được tiềm lực mọi mặt trong nhân dân, hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

II - Làm sao nói để dân nghe?

Muốn nói để dân nghe, trước hết và quan trọng nhất, phải trên cơ sở những thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, qua đó đời sống nhân dân từng bước có sự cải thiện. Những nỗ lực trước đó của Đảng bộ Vĩnh Phúc qua các nhiệm kỳ, cùng các chương trình hành động cụ thể hóa Nghị quyết 03 – NQ/TU chính là hướng tới mục tiêu chủ yếu đó.

Năm 2007, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 03 - NQ/TU, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 12,5%, giảm 2,4% so với năm 2006. Đồng thời, giải quyết việc làm cho trên 24.000 lao động. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP của Vĩnh Phúc là 20,4%, một mức tăng trưởng khá, vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách trên địa bàn của Vĩnh Phúc đạt 5.480 tỉ đồng, trong đó, riêng thu nội địa là 4.500 tỉ. Tương xứng với đà phát triển kinh tế, các chỉ số về phát triển xã hội cũng có những tăng trưởng đáng mừng. Các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục - đào tạo, hoạt động văn hóa, tinh thần có những chuyển biến tốt, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Năm 2007, Vĩnh Phúc tiến hành mở 100 lớp mẫu về bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho nông dân. Qua đánh giá rút kinh nghiệm bằng việc lấy phiếu nhận xét của các học viên, các lớp này đã bước đầu đáp ứng những đòi hỏi về kiến thức nghề nghiệp cho nông dân. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cũng được triển khai với việc thành lập Trung tâm thông tin nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kinh nghiệm bước đầu cho thấy sự cần thiết đa dạng hình thức phổ biến kiến thức, truyền đạt thông tin sao cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt và sản xuất của số đông bà con, như truyền thanh, bản tin...

Cùng với đầu tư, trợ giúp về thông tin, kiến thức và chuyển giao kỹ thuật sản xuất phục vụ sự phát triển lâu dài, Vĩnh Phúc kịp thời tiến hành ổn định đời sống, trợ giúp về chính sách và kinh phí cho những đối tượng trong phạm vi quan tâm của Nghị quyết 03 - NQ/TU. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Sở Tài chính hướng dẫn việc cấp phát, quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ dành đất phục vụ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Một nội dung khác trong Nghị quyết 03-NQ/TU là thực hiện chính sách xã hội. Trong năm 2007, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 2.280 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, tổng kinh phí 17.320 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn liên ngành thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng xã hội, đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu chung của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc cụ thể hóa Nghị quyết 03-NQ/TU với những kết quả ban đầu thiết thực như trên, đã tạo sự tin tưởng, sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của nhân dân toàn tỉnh đối với các nghị quyết của Đảng.

Sự phát triển mạnh về công nghiệp của Vĩnh Phúc đem đến nguồn thu lớn chính là cơ sở để cân đối và đầu tư mạnh trở lại cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như các chương trình triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU.

Muốn nói cho dân nghe, phải biết huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào việc hướng dẫn, tổ chức nhân dân thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là yêu cầu cấp thiết, là cơ sở chính trị cho sự ra đời Nghị quyết số 05-NQ/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận cơ sở thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Đây là định hướng vô cùng quan trọng để toàn Đảng bộ tỉnh, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh hoạt động tốt trên lĩnh vực của mình, đoàn kết toàn dân hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, giải quyết nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân khu vực thu hồi đất.

Công tác dân vận không chỉ giới hạn trong hoạt động của các ban dân vận các cấp ủy, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên.

Kết quả tích cực của công tác vận động hướng dẫn nhân dân, góp phần tạo ra sự ổn định xã hội chính là cơ sở để tập trung sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh vào nhiệm vụ quan trọng, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và, những kết quả bước đầu sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 03 - NQ/TU cũng có những đóng góp nhất định của công tác dân vận nói chung.

*

Năm 2008, cả hệ thống chính trị Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở các địa phương, đơn vị, và đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác điều hành và quản lý.

Bài học kinh nghiệm thực hiện phương châm “nghe dân nói, nói cho dân nghe” sẽ là cơ sở quan trọng giúp Đảng bộ Vĩnh Phúc lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt được mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước./.