Những kết quả chủ yếu của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII
Sau quá trình chuẩn bị khẩn trương, chu đáo theo quy định của pháp luật, ngày 20-5-2007, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII đã chính thức diễn ra trong phạm vi cả nước và thu được những kết quả tốt đẹp. Ủy ban bầu cử của 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã báo cáo kết quả bầu cử ở địa phương, Hội đồng bầu cử (trung ương) đã tổng hợp tình hình của cả nước với kết quả chủ yếu như sau:
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII trên phạm vi cả nước đã diễn ra sôi động, trong không khí phấn khởi, tin tưởng. Từ miền ngược đến miền xuôi, từ đồng bằng đến hải đảo, cử tri đã đi bỏ phiếu với trách nhiệm và quyền lợi công dân. Có những nơi giao thông cách trở, đi lại khó khăn nhưng cử tri vẫn đi bầu đông đủ, đạt tỷ lệ cao (có 673 tổ bầu cử thuộc hải đảo, biên giới được bầu cử trước và tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao; 24 tổ ở quần đảo Trường Sa đạt 100%...).
Tình hình thời tiết trong ngày bầu cử tương đối thuận lợi; trật tự, an ninh, chính trị, an toàn xã hội được đảm bảo. Cuộc bầu cử diễn ra an toàn. Các lực lượng công an, quân đội đã phối hợp với lực lượng tự vệ, dân phòng nêu cao tinh thần cảnh giác, có phương án chủ động thực hiện tốt công tác bảo vệ các khu vực bỏ phiếu, hòm phiếu, phiếu bầu và các phương tiện vật chất khác phục vụ cuộc bầu cử.
Nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật phong phú được tổ chức ở nhiều địa phương để chào mừng, cổ động cho cuộc bầu cử. Các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin tuyên truyền kịp thời diễn biến cuộc bầu cử ở tất cả các vùng miền. Ngày bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội chính trị của toàn dân.
1. Kết quả bầu cử
Phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong việc xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền, cử tri cả nước đã hăng hái tham gia bầu cử. Tổng hợp báo cáo của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy: số lượng và tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao.
Tổng số cử tri: 56.457.532 người;
Tổng số cử tri đi bầu cử: 56.252.543 người đạt 99,64%;
Tổng số phiếu bầu: 56.252.543 phiếu;
Số phiếu hợp lệ: 55.802.444 phiếu (99,20%);
Số phiếu không hợp lệ: 450.099 phiếu (0,80%).
Có 59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt từ 99% trở lên. Trong đó, các tỉnh Hà Giang, Vĩnh Long, Quảng Nam, Phú Thọ đạt 99,99%…
Cử tri cả nước đã bầu được 493 đại biểu Quốc hội khóa mới. Trong đó:
- Đại biểu do trung ương giới thiệu: 153 người;
- Đại biểu do địa phương giới thiệu: 340 người;
- Đại biểu trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất: 99,07%;
- Đại biểu trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất: 50,03%;
- Đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất: 80 tuổi (Hoà thượng Thích Thanh Tứ – Trần Văn Long, Đơn vị bầu cử số 6, Thành phố Hà Nội).
- Đại biểu Quốc hội ít tuổi nhất: 24 tuổi (bà Vi Thị Hương, Đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Điện Biên).
- Có 164 đại biểu có trình độ học vấn trên đại học (chiếm 33,27%); 309 đại biểu có trình độ đại học (62,68%); 20 đại biểu có trình độ dưới đại học (4,06%). Như vậy, số đại biểu có trình độ đại học và trên đại học chiếm gần 96% tổng số đại biểu.
- Cơ cấu kết hợp: Dân tộc thiểu số có 87 người (17,65%); phụ nữ 127 người (25,76%); ngoài đảng: 43 người (8,72%); trẻ tuổi: 68 người (13,79%); tự ứng cử: 01 người (0,20%); tái cử: 138 người (27,99%).
Trong số 153 người trúng cử do trung ương giới thiệu có cơ cấu theo khối cơ quan như sau: cơ quan Đảng: 11 đại biểu (2,23%); cơ quan Chủ tịch nước 02 đại biểu (0,41%); các cơ quan của Quốc hội 75 đại biểu (15,21%); Cơ quan Chính phủ 20 đại biểu (4,06%); Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 27 đại biểu (5,48%); Toà án nhân dân tối cao: 01 đại biểu (0,20%); Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: 01 đại biểu (0,20%); Bộ Quốc phòng: 14 đại biểu (2,84%); Bộ Công an: 02 đại biểu (0,41%).
Dự kiến Quốc hội khoá XII có 500 đại biểu. Qua cuộc bầu cử, cả nước bầu được 493 đại biểu, còn thiếu 7 đại biểu. Có 7/182 đơn vị bầu cử tại 5 tỉnh, thành phố bầu thiếu. Thành phố Hồ Chí Minh thiếu 3 người; các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Lầm Đồng và Hòa Bình mỗi tỉnh thiếu 1 người.
Theo đề nghị của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố nói trên, ngày 24-5-2007, Hội đồng bầu cử đã họp xem xét, phân tích, cân nhắc nhiều mặt và quyết định không tổ chức bầu thêm ở các đơn vị còn thiếu đại biểu.
2. Một số vấn đề cần quan tâm, rút kinh nghiệm
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những vấn đề cần quan tâm rút kinh nghiệm, cụ thể:
- Có 7 đơn vị bầu cử ở 5 tỉnh, thành phố không bầu đủ số lượng đại biểu. Vì vậy, Quốc hội khoá XII không đủ 500 đại biểu như dự kiến ban đầu, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính đại diện của Quốc hội ở những tỉnh, thành bầu thiếu nói riêng và trong cả nước nói chung.
- Có 12 người do trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử, lại rơi vào các ứng cử viên được dự kiến làm chuyên trách ở các cơ quan Quốc hội và các ứng cử viên thuộc Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Điều này cũng làm cho các cơ cấu, thành phần như tôn giáo, văn hoá - nghệ thuật và một số ngành nghề chưa bảo đảm được như dự kiến. Một số cơ quan của Quốc hội dự kiến tăng thêm đại biểu chuyên trách nhưng không thực hiện được trọn vẹn, cũng sẽ có khó khăn trong việc kiện toàn và tăng cường bộ máy các cơ quan Quốc hội.
- Một số cơ cấu kết hợp chưa đạt dự kiến đề ra. Cụ thể: tỷ lệ nữ là 25,76% (dự kiến 30%); tỷ lệ ngoài đảng là 8,72% (dự kiến 10%); tỷ lệ tái cử 27,99% (dự kiến 32%), trong đó rất đáng lưu ý là tỷ lệ nữ và người ngoài đảng giảm so với dự kiến và so với khoá trước.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề số người ứng cử ở các đơn vị bầu cử tăng lên so với các cuộc bầu cử trước đây, trình độ của đại bộ phận ứng cử viên ở nhiều đơn vị bầu cử tương đương nhau nên tỷ lệ phiếu được chia cho nhiều người ứng cử ở cùng một đơn vị. Trong cuộc bầu cử lần này có 875 người ứng cử để bầu 500 đại biểu (tỷ lệ lựa chọn để bầu là 1/1,75); trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XI, tỷ lệ này là 1/1,52. Trong tổng số 182 đơn vị bầu cử, có 45 đơn vị có 4 người ứng cử đề bầu 2 người; 2 đơn vị 6 bầu 3; 124 đơn vị 5 bầu 3 (tỷ lệ thắng cử cho mỗi ứng cử viên chỉ 50 đến 60%). Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI, chỉ có một số đơn vị có số ứng cử viên nhiều hơn số đại biểu được bầu là 2, còn tuyệt đại bộ phận các đơn vị chỉ nhiều hơn có 1 (tỷ lệ thắng cử cho mỗi ứng cử viên từ 66,7 đến 75%).
Việc tăng số người ứng cử nhiều hơn ít nhất là 2 người so với số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử là điểm mới so với các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây. Mặt tốt là tạo điều kiện cho cử tri có nhiều khả năng lựa chọn hơn. Tuy nhiên, lại xuất hiện tình huống số phiếu không tập trung, nhất là trong điều kiện các ứng cử viên đều ngang tài, ngang sức. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ khi sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.
Về số lượng và tỷ lệ đại biểu nữ giảm. Có thể nói, không ít ứng cử viên là nữ được cơ cấu là đại biểu trẻ (được đào tạo có bài bản, có trình độ khoa học – kỹ thuật) song bề dày cuộc sống và công tác khó có thể so sánh với các ứng cử viên khác dày dạn hơn. Trong khi ở nhiều đơn vị bầu cử, các ứng cử viên đồng đều về tiêu chuẩn, thì ở một số đơn vị lại quá chênh lệch (mặc dù cùng đủ tiêu chuẩn ứng cử viên nhưng mức độ rất khác nhau) mà mức độ thấp hơn thường là nữ, do đó ứng cử viên là nữ ở những đơn vị này rất khó đạt phiếu cao.
Còn đại biểu ngoài đảng đạt thấp, ngoài năng lực của ứng cử viên ra, thì một mặt, cử tri vẫn tín nhiệm đảng viên hơn, nhưng mặt khác, cũng cần tổng kết công tác tuyên truyền, công tác chỉ đạo bảo đảm cơ cấu từ trung ương đến địa phương sâu sát đến mức độ nào.
3. Đánh giá chung
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII đã thành công tốt đẹp, theo đúng nguyên tắc phổ thông, bình đẳng và trực tiếp; bảo đảm dân chủ và an toàn. Tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Ngày bầu cử thực sự là ngày hội, là cuộc sinh hoạt chính trị lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Thông qua cuộc bầu cử, cử tri đã lựa chọn được những người mà cử tri cho là đủ đức, đủ tài xứng đáng đại diện cho mình. Cơ cấu, thành phần đại biểu cơ bản đáp ứng được dự kiến.
Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân ta, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, có sự lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời của Bộ Chính trị và các cấp uỷ Đảng. Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, đưa ra những định hướng cơ bản, những yêu cầu đặt ra đối với cuộc bầu cử. Ban Bí thư, Ban Tổ chức trung ương Đảng đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, nêu rõ những định hướng về công tác nhân sự; cho ý kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội. Các cấp uỷ Đảng đã lãnh đạo cuộc bầu cử ở địa phương, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
- Thứ hai, sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân vào công tác bầu cử, xây dựng Nhà nước. Những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại mà chúng ta đã đạt được trong những năm gần đây đã củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
- Thứ ba, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn và chỉ đạo chung về bầu cử. Các cơ quan trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội như: dự kiến, điều chỉnh số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống và yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội khoá XII.
- Thứ tư, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã làm tốt vai trò của mình trong bầu cử đại biểu Quốc hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức tốt các bước hiệp thương, đảm bảo đúng luật, phát huy dân chủ trong việc lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn xứng đáng ứng cử đại biểu Quốc hội. Các tổ chức thành viên đã cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tham gia công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác chuẩn bị bầu cử và đi bỏ phiếu thực hiện nghiêm chỉnh quyền công dân.
35 hãng hàng không nước ngoài khai thác thị trường Việt Nam  (29/05/2007)
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng gần 21,9%  (29/05/2007)
Cả nước có 260.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh  (29/05/2007)
Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích  (29/05/2007)
Yên Bái thực hiện cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"  (29/05/2007)
Phát triển xã hội hóa giáo dục ở Thái Bình  (29/05/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên