Tươi thắm sắc Xuân Bắc Hà

Trần Thuý Hường- Nguyễn Trí Thức- Tráng Xuân Cường
23:11, ngày 27-01-2009

Như trăm ngàn bản làng khác trên khắp mọi miền đất nước, đồng bào Bắc Hà (Lào Cai) đang tưng bừng đón chào mùa xuân mới 2009...

Thắm hồng sắc đào Xuân

Đào Pháp thắm hồng trên vườn đồi.

Cây đào Pháp bắt đầu được đưa vào trồng thử nghiệm tại trại rau quả huyện Bắc Hà từ năm 1991 thông qua chương trình hợp tác phát triển vùng cây ăn quả giữa tỉnh Lào Cai và tổ chức Lương thực thế giới (Fao). Qua 9 năm lai tạo, trồng thử nghiệm nay đã đưa vào trồng ở một số xã trong huyện và cho hiệu quả kinh tế khá.

Tại vườn đồi lộng lẫy trong sắc đào Pháp thắm hồng của gia đình, anh Chảo Văn Thanh, dân tộc Nùng, ở thôn Na Quang 2, thị trấn Bắc Hà, tâm sự: cây đào Pháp “vừa đẹp, vừa ra tiền!”; từ năm 2003, gia đình anh bắt đầu trồng cây đào Pháp, thay thế những cây mận Tam hoa già cỗi, kém hiệu quả. Cây đào Pháp sinh trưởng, phát triển tốt, sau khi trồng từ 4 đến 5 năm một cây được 2 đến 4 tạ quả, có thể thu hoạch 2 đến 4 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 3, 4 lần cây mận tam hoa.

Ở các xã nằm gần khu vực trung tâm huyện đã có trên 400 hộ trồng giống đào này, ít thì vài chục cây, nhiều chừng vài trăm cây, ai cũng thấy giống đào này rất kinh tế. Gia đình ông Vàng Văn Thỉ, dân tộc Tày ở thôn Na Kim, xã Tả Chải; gia đình ông Vàng Văn Nên, ở thôn Nậm Sắt 2, thị trấn Bắc Hà mỗi gia đình trồng gần 1 ha giồng đào Pháp mỗi năm bán từ 3 tấn đến 4 tấn quả được khoảng 20 triệu đồng đến 23 triệu đồng... Cây đào Pháp đã và đang trở thành giống cây xoá đói giảm nghèo hiệu quả của đồng bào Bắc Hà.

Đậm đà hương xuân làng nghề Bản Phố

Theo chân các đồng nghiệp, chúng tôi ghé thăm đồng bào Mông Bản Phố. Khó có thể dấu nổi niềm vui và ấn tượng đẹp trước những đổi mới đang diễn ra ở nơi đây. Mùa xuân mới đã mang đến cho rẻo cao Bản Phố diện mạo mới trẻ trung, sôi động, cuộc sống mới ấm no, sung túc, hạnh phúc hơn. Đắm mình trong sắc hoa trắng tinh khôi của rừng mận Tam hoa, thưởng thức hương vị rượu ngô đặc sản, bỗng chốc ta như lãng quên những nhọc nhằn của công cuộc mưu sinh. Bản Phố, theo tiếng gọi của người Mông địa phương, nghĩa là “phố trên núi”. Toàn xã có 568 hộ gia đình người dân tộc Mông, cư trú ở 13 thôn, bản. Đây là điểm sáng trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc Mông ở khu vực trung du - miền núi phía Bắc của nước ta. Đặc biệt nghề nấu rượu ngô và nghề rèn đúc nông cụ, đã trở thành “thương hiệu”, trên thị trường. Nhờ thế mà đồng bào có việc làm ổn định, thu nhập cao, nhanh chóng thoát nghèo

Làm bánh dày ăn tết.

Theo chân đoàn cán bộ xã, chúng tôi đến thăm làng nghề nấu rượu ngô đặc sản Bản Phố. Đồng chí Chủ tịch xã Bản Phố - Lý Xuân Tráng cho chúng tôi biết thêm, ngoài nghề nấu rượu ngô đặc sản, dệt thổ cẩm, đồng bào Mông Bản Phố còn đúc rèn nông cụ; dao, quốc, xẻng, đặc biệt là lưỡi cày. Hiện Bản Phố có 14 lò đúc, rèn lưõi cày, hoạt động từ tháng 2 đến tháng 6. Đến thăm lò rèn của hộ gia đình ông Ma Seo Dín, 67 tuổi, ở thôn Bản Phố 2b, trò chuyện ông cho biết: Đây là nghề truyền thống lâu đời do cha ông để lại. Gia đình và các hộ khác thức rèn đúc nông cụ trước khi vụ xuân và vụ mùa ở vùng cao bắt đầu thường là từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch hàng năm, chủ yêú là đúc lưỡi cày và rèn quốc, xẻng, dao phát nương…

- Tôi hỏi, hiện nay, với sự phát triển khoa học - công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, có nhiều nhà máy sản xuất nông cụ, máy cày… nghề rèn đúc ở đây vẫn tồn tại và có bị cạnh tranh không?

- Ông Dín trả lời: nghề rèn đúc vẫn tồn tại, phát triển, không bị cạnh tranh và đem lại nguồn thu ổn định theo thời vụ vì có bí quyết riêng dèn ra những loại quốc, xẻng, dao phát sắc bén mà người Mông ví von là: “Đất có lẫn sỏi đá cứng bao/lưỡi cày ta lật xới tơi hết/quốc, xẻng người Mông ta cũng không mẻ”. Vì vậy bà con người Mông mình ở Bắc Hà, Bảo Yên, Si Ma Cai, Văn Yên (Yên Bái), Mường Nhé (Điện Biên)… Tết xong thường hay lên đi chợ Bắc Hà hay vào tận nhà mình đặt, mua mà! Còn bà con ở đây khi nhà có dao, quốc, xẻng cùn đến nhờ rèn nếu vài cái mình không lấy tiền công, đa số là rèn hộ thôi mà!

Ngoài gia đình ông Dín còn phải kể đến lò rèn đúc của các hộ gia đình ông Lý Seo Tủa, ở thôn Bản Phố 2A, Ma Seo Lử, Ma Seo Pùa, Vàng seo Dín, Vàng seo Phự ở thôn Bản phố 2b là những lò rèn đúc ra các sản phẩm nông cụ có chất lượng tốt. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Bản Phố, năm 2008, các lò dèn đúc đã xuất ra thị trường trên 7.000 lưỡi cày, trung bình giá bán là 60.000 đồng/cái, thu gần 400 triệu đồng, tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con dân tộc nơi đây.                                                                   

Múa hát mừng xuân

Phát triển làng nghề truyền thống, rèn đúc nông cụ hiệu quả, không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, mà đồng bào Mông Bản Phố đã trực tiếp giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh Đất và Người vùng du lịch Bản Phố, Bắc Hà, mở ra cơ hội mới cho đồng bào dân tộc Mông Bản Phố làm giàu từ phát triển nghề mới - mô hình mới “cộng đồng làm du lịch”. Bản Phố trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là “tua” du lịch ngày xuân, góp phần tạo nên một mùa xuân mới, tết mới vui vẻ, hạnh phúc.

Xuân ngập tràn tiếng hát

Ngày xuân Bắc Hà đặc biệt tưng bừng bởi những hoạt động văn nghệ dân gian, thể dục - thể thao dân tộc được tổ chức rất phong phú, hấp dẫn. Đồng bào Bắc Hà, còn lưu giữ được nét bản sắc văn hoá dân gian độc đáo trong ngày Tết. Lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân, được tổ chức ở khắp các bản, làng trong huyện với các hoạt động như thi hát dân ca, thổi sáo, kèn môi, múa thổi khèn, múa sênh tiền, chơi đánh quay, đáo và hết sức hấp dẫn.

Đến thăm một số gia đình có vai trò, vị trí, uy tín nhất trong dòng tộc, cộng đồng người Mông ở địa phương, được suy tôn là “người giữ hồn văn hoá Mông Bản Phố- Bắc Hà, chúng tôi hiểu thêm về tầng sâu văn hoá của đồng bào Bắc Hà và người Mông ở Bắc Hà.

Sau khi kể cho chúng tôi nghe truyện cổ về nguồn gốc vì sao có tên các dòng họ người Mông như; Giàng, Vàng, Lý, Ly, Tráng…và một số câu tục ngữ, ông Ma Seo Dín Dín liền đọc cho chúng tôi nghe một số câu đố ngày tết mà trai, gái người Mông khi tìm hiểu nhau thường đố.

Ông Dín cho biết, vào dịp Xuân, Tết, trong bữa cơm ngày Tết, đi chơi chợ, đi hội xuân, bà con dân tộc Mông, đặc biệt thanh niên nam nữ trẻ thường tỏ tình, tâm sự qua hát dân ca, thử tài nhau qua các câu đố ngày tết. Các cụ ông, bà thường hay vừa uống rượu, đố nhau các câu đố và bình luận, kể lại chuyện cổ cho con cháu nghe để biết và giữ cái “gốc” dân tộc, phát huy…

Ông Lý Seo Hồ được ca ngợi là người múa khèn, sênh tiền, hát dân ca, thổi sáo, đàn môi hay nhất. Trò chuyện, ông Hồ say sưa vừa kể, vừa giói thiệu các loại nhạc cụ và biểu diễn phục vụ chúng tôi.

Du khách thăm khu du lịch sinh thái

Tết đến, Xuân về là lúc người Mông phô diễn, lột tả hết cái hay, cái đẹp của vốn văn hoá truyền thống, từ ẩm thực đến vui chơi, văn nghệ, thể thao. Các trò chơi, đánh quay, ném pao, thi võ cổ truyền luôn được người dân giữ gìn, trân trọng.

Tại Nhà Văn hoá của Bản, nhiều bà con dân tộc Mông từ già đến trẻ, hăng hái rộn ràng nhảy và múa, hát dân, thổi sáo, đàn môi khèn… trong sự hò reo, cổ vũ, tán thưởng, khâm phục của hàng đoàn khách du lịch quốc tế.

Bản Phố còn là một trong những điểm thuộc tua du lịch sinh thái: Bản Phố - Bắc Hà – Lùng Phình - Tả Van Chư – Hoàng Thu Phố - Cốc Lý - Bản Liền - Nậm Khánh - Nậm Đét.

Mô hình làng sinh thái đã khơi dậy những tiềm năng phát triển du lịch còn tiềm ẩn, hấp dẫn khách du lịch với những nét văn hoá đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
 
Rời Bản Phố trong hơi men nồng say, và điệu khèn réo rắt, trước mắt chúng tôi mùa xuân Bắc Hà đang bừng lên tươi mới. Xuân no ấm, vui tươi đang gõ của từng nhà ./.