Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh Bắc Ninh
TCCS - Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhận thức rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Bắc Ninh, trong những năm qua Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Những kết quả quan trọng đạt được
Bắc Ninh có diện tích 822,7km2, dân số gần 1,4 triệu người; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một cực tam giác tăng trưởng Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 126 đơn vị hành chính cấp xã... Xuất phát từ một tỉnh thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, sau hơn 20 năm tái lập, đến nay Bắc Ninh đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp đầu cả nước. Năm 2018, tỉnh đứng đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp (đạt 1.136 nghìn tỷ đồng theo giá so sánh năm 2010); đứng thứ 2 cả nước về GRDP, bình quân đầu người đạt (gần 6.500 USD); đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế đến nay có 1.323 dự án, số vốn đăng ký là 17,4 tỷ USD; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực (tỷ lệ xã đạt chuẩn là 91,7%), có 4/7 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I; đứng thứ 7 cả nước về quy mô kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,62%; đứng thứ 9 cả nước về thu ngân sách, đạt trên 28.000 tỷ đồng. Là tỉnh có nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và cao hơn mức bình quân của cả nước, như mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi, trợ cấp cho người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi; thực hiện chương trình sữa học đường cho 100% số trẻ trong các trường mầm non và học sinh tiểu học; việc hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, người có công về đích sớm hơn 3 năm so với kế hoạch của cả nước... Thành quả trên đạt được là do có sự chỉ đạo tập trung, toàn diện của Tỉnh ủy; sự quản lý, điều hành quyết liệt, linh hoạt của chính quyền các cấp; sự vào cuộc tích cực, sáng tạo, chủ động đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, là hạt nhân kết nối lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sức mạnh tổng hợp, phát huy nội lực để Bắc Ninh tăng tốc phát triển theo hướng nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX và Đại hội Đảng lần thứ XII.
Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8-12-2009, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cơ sở đến tỉnh đã tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả quan trọng:
1- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của Bắc Ninh thể hiện sự kế thừa qua các giai đoạn phát triển của quê hương, đồng thời thể hiện tính năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa xã hội, tiêu biểu như các cuộc vận động “Vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12-1-1998, của Bộ Chính trị “Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Nghị quyết số 191/NQ-HĐND17, ngày 29-7-2015, của Hội đồng nhân dân tỉnh, về “Quy định hỗ trợ thực hiện hỏa táng, điện táng người chết trên địa bàn tỉnh”; Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND18, ngày 15-7-2016, của Hội đồng nhân dân tỉnh, về “Quy định một số điều về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh”. Thực hiện quy định của Mặt trận Tổ quốc về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tân gia, lễ hội toàn tỉnh có 732/732 khu dân cư và 100% số hộ gia đình cam kết thực hiện cuộc vận động, trên 400.000 hộ gia đình ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đến nay tỉnh Bắc Ninh có 2.430.511 lượt hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; có 5.323 lượt khu dân cư được công nhận “Làng văn hóa”, “Khu phố văn hóa”. Phong trào “Thắp sáng đường quê”, “Tuổi trẻ Bắc Ninh chung tay làm sạch ruộng đồng” của Đoàn Thanh niên đã khánh thành và bàn giao hơn 357 km đường điện thắp sáng đường quê, trị giá trên 5,5 tỷ đồng, xây dựng 34 nhà mái ấm thanh niên và nhà nhân ái, đảm nhận 16 công trình thanh niên cấp tỉnh trị giá trên 12 tỷ đồng. Các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Hàng cây nông dân” của Hội Nông dân đảm nhận trồng và chăm sóc gần 104 nghìn cây xanh trong toàn tỉnh; xây dựng được 135 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, vệ sinh đồng ruộng. Thực hiện các phong trào “Phụ nữ Bắc Ninh chung tay bảo vệ môi trường”, “Đoạn đường do phụ nữ tự quản” của Hội Phụ nữ, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 1.080 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 115 “Làng 3 sạch” ở 93/126 cơ sở, trồng được 201.011m đường hoa phụ nữ, 14.610 cây xanh..., dành 70 tỷ đồng triển khai các Đề án hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp, Hưởng ứng các phong trào “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Liên đoàn lao động, đến nay có khoảng trên 20.000 đề tài, sáng kiến của đoàn viên, người lao động ở gần 50% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh được công nhận và ứng dụng vào thực tiễn, làm lợi hàng chục tỷ đồng cho đơn vị, địa phương. Các phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Hội Cựu chiến binh đã tuyên truyền, vận động hội viên cựu chiến binh hiến 522 m2 đất thổ cư làm đường giao thông nông thôn; góp được 54.119 ngày công vào Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; trồng gần 55 nghìn cây xanh...
Các phong trào thi đua yêu nước nêu trên đã góp phần trực tiếp vào sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của các tầng lớp nhân dân, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh theo lời dạy của Bác Hồ trong những lần Người về thăm quê hương Kinh Bắc; đồng thời, đây cũng là những biểu hiện sinh động, thiết thực trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2- Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, hội viên, nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như tham mưu chế độ, chính sách cho đoàn viên, hội viên; tuyên truyền, vận động xã hội hóa chăm lo cho đoàn viên, hội viên nhân dịp lễ, tết; hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh... Tiêu biểu như Mặt trận Tổ quốc các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ủng hỗ quỹ vì người nghèo, từ năm 2009 đến nay toàn tỉnh đã vận động được trên 112,6 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới được 2.945 nhà đại đoàn kết, trị giá trên 122,6 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 371 nhà đại đoàn kết trị giá trên 3,3 tỷ đồng. Hội Phụ nữ thành lập được 420 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình, thành lập được 147 “Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc”; tham mưu nâng mức hỗ trợ phụ nữ đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi cao hơn mức của Chính phủ từ 270.000đ/người/tháng lên 350.000đ/người/tháng; tham mưu nâng tổng số tiền hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp lên 50 tỷ đồng. Liên đoàn lao động các cấp đẩy mạnh các hoạt động vay vốn từ Qũy quốc gia về việc làm. Trong 10 năm qua công đoàn các cấp đã triển khai cho 913 lượt đoàn viên và công nhân viên chức lao động vay với tổng số 350 lượt dự án; Qũy trợ vốn “Vì nữ công nhân lao động nghèo” đã giúp đỡ 4.172 lượt người được vay; Chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn” đã hỗ trợ 84 gia đình đoàn viên với số tiền 1.733 triệu đồng. Đoàn Thanh niên đã tư vấn nghề cho trên 200.000 lượt đoàn viên thanh niên, giới thiệu việc làm cho hơn 28.000 đoàn viên thanh niên; tăng cường công tác hỗ trợ vay vốn cho đoàn viên thanh niên, đến nay dư nợ các nguồn vốn toàn tỉnh do Đoàn Thanh niên ở cơ sở bảo đảm bằng tín chấp và quản lý đạt trên 115,7 tỷ đồng; tham mưu với tỉnh phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp, giai đoạn 2018 - 2025” với nguồn vốn hỗ trợ trên 20 tỷ đồng. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm cho nông dân”, Hội Nông dân đã cung ứng 22.500 tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân; thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nguồn vốn vay ủy thác dư nợ tính đến nay là 632 tỷ đồng cho 23.703 hộ vay thuộc 692 tổ vay vốn.
3- Củng cố tổ chức, từng bước đưa công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vào nền nếp.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động trong Mặt trận; thường xuyên kiện toàn, bổ sung, thay thế kịp thời các ủy viên, lãnh đạo chủ chốt theo quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Điều lệ của các đoàn thể. Thông qua nhiều hình thức đa dạng đã mở rộng, phát triển, thu hút được nhiều đoàn viên, hội viên vào tổ chức; tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể tăng lên qua các năm. Kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của tổ chức, đoàn thể các cấp, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho đại hội của các đoàn thể nhân dân ở các cấp. Chất lượng cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách được nâng lên. Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được triển khai thực hiện trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh, của ngành; phát huy vai trò chủ thể, tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia; đưa công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từng bước đi vào nền nếp. Thông qua công tác giám sát và phản biện xã hội đã phát hiện một số nội dung có liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật, kịp thời kiến nghị tới các cơ quan nhà nước, các cơ quan liên quan để giải quyết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác mặt trận và đoàn thể
Có thể khẳng định, đạt được những kết quả quan trọng trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua là do Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đặt công tác mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội đúng vị trí trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, cụ thể là:
1- Tỉnh ủy luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác vận động nhân dân.
Xác định việc triển khai, quán triệt thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết về công tác vận động nhân dân nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với đoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; thu hút, tập hợp đông đảo quần chúng vào tổ chức, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Tỉnh ủy đã kịp thời triển khai văn bản của Trung ương, mà trọng tâm là: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8-12-2009, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; các nghị quyết về công tác phụ nữ, thanh niên, công nhân, nông dân, ... Theo đó, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã kịp thời ban hành chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 29-4-2009, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bắc Ninh; Quy định các đồng chí cấp ủy viên đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ; Quy định về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Quy định lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân...
2- Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên chỉ đạo, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể - chính trị xã hội hoạt động hiệu quả.
Cấp ủy các cấp phân công cấp ủy viên phụ trách, trực tiếp lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng, đưa nội dung lãnh đạo công tác mặt trận và đoàn thể thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác mặt trận, đoàn thể (từ năm 2009 đến 2019, Tỉnh ủy đã chỉ đạo sơ kết, tổng kết trên 40 lượt chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác vận động nhân dân); quan tâm lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy và phân công cán bộ có trình độ, năng lực, uy tín làm công tác mặt trận, đoàn thể; định kỳ hằng quý tiến hành giao ban với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để định hướng chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động và những vấn đề liên quan đến nhân dân...
3- Chỉ đạo chính quyền, các ban, ngành tăng cường công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Chính quyền các cấp đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ký kết, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp hoạt động; chỉ đạo các ngành chức năng ký chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; định kỳ tổ chức làm việc với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để đánh giá kết quả công tác phối hợp; tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân; ban hành quy chế phối hợp về tham vấn ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định chế độ, chính sách liên quan đến số đông các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt trách nhiệm bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Chính quyền các cấp và các sở, ngành chức năng đã tạo cơ chế cho các đoàn thể tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở địa phương; cơ cấu Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội làm thành viên các ban chỉ đạo đề án, dự án, những vấn đề quan trọng có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân để bảo đảm việc giám sát và phản biện xã hội được thực hiện sâu sát, hiệu quả.
Một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện tốt trong thời gian tới
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX, hướng tới thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX đề ra, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể - chính trị xã hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2015 - 2020 và thời gian tiếp theo. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xác định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu rộng Kết luận số 62-KL/TW, của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Hai là, cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kết luận, Nghị quyết. Duy trì chế độ giao ban định kỳ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động. Lựa chọn, giao Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội phần việc liên quan đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Làm tốt công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đáp ứng tiêu chuẩn; quan tâm các mặt công tác cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể - chính trị xã hội theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và những bài học quý báu cho giai đoạn tới.
Ba là, chính quyền các cấp tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý, giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng các chính sách, quy định và những chương trình, dự án lớn của địa phương. Thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phản ánh, kiến nghị với chính quyền những vấn đề mà nhân dân quan tâm.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội bám sát sự chỉ đạo trong Kết luận, Nghị quyết, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung hướng mạnh về cơ sở, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp, kết nạp đoàn viên, hội viên vào các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; rà soát, tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào, cuộc vận động, các mô hình hay và hiệu quả; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các cá nhân và tập thể xuất sắc./.
Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững  (01/11/2019)
Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận trong tình hình mới  (29/10/2019)
Giải quyết mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại - nghệ thuật lãnh đạo cách mạng  (28/10/2019)
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn  (26/09/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển