Hôm nay, 19-3, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc đã tổ chức trọng thể Lễ ký văn kiện Chương trình chung về Bình đẳng Giới do chính phủ Tây Ban Nha tài trợ với sự có mặt của Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bà Soledad Fuentes, Đại sứ tây Ban Nha, ông Giôn Hen-đra (John Hendra), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và đại diện của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam. Chương trình chung này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc thực hiện Luật Bình Đẳng Giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Ngân sách: 4.683.516 USD. Trong đó: Quỹ MDG (chính phủ Tây Ban Nha): 4.500.000 USD; đóng góp của nhà nước: 94.706 USD; Ngân sách sẽ huy động: 88.810 USD

Thời gian thực hiện dự án: 2009 – 2011

Các cơ quan tham gia của Liên hợp quốc: FAO, ILO, IOM, UNAIDS, UNDP, UNESCO, UNFPA, UNICEF, UNIDO, UNIFEM, UNODC, WHO

Cơ quan thực hiện quốc gia: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các cơ quan hưởng lợi trực tiếp: Các bộ và cơ quan nhà nước; các cơ quan của Đảng và các cơ quan dân cử cấp quốc gia và cấp tỉnh; các tổ chức xã hội dân sự; các cơ quan truyền thông

Chương trình hợp tác chung về Bình đẳng Giới
 
Với tổng ngân sách là 4.683.516 USD, trong đó, chính phủ Tây Ban Nha tài trợ 4.500.000 USD, Chương trình hợp tác chung về Bình đẳng Giới được xây dựng trong bối cảnh “Sáng kiến Một Liên hợp quốc” nhằm nâng cao năng lực của lãnh đạo cấp quốc gia và tỉnh, các bộ, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo có hiệu quả về việc thực thi Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống Bạo lực gia đình.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ: Việt Nam có một bề dày lịch sử trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, ký kết nhiều công ước quốc tế bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ; xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và lồng ghép vấn đề giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tháng 11 năm 2006, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới, và tháng 11 năm 2007, thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục, chẳng hạn như năng lực thực hiện, báo cáo, phân tích giới và thu thập dữ liệu để hỗ trợ và giám sát quá trình thực hiện hai luật này vẫn cần tiếp tục được củng cố. Các nghiên cứu về bình đẳng giới, thu thập số liệu phân tổ theo giới tính, hệ thống phân tích và phổ biến số liệu cũng như liên kết mạng lưới và chia sẻ thông tin cần được cải thiện hơn.

Đây là lần đầu tiên 12 cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng nhau hợp tác nhằm đạt được mục tiêu chiến lược chung. Chương trình hợp tác chung này sẽ giúp cho các tổ chức Liên hợp quốc tránh được sự chồng chéo, bổ sung những điểm mạnh và kinh nghiệm của nhau. Chương trình góp phần thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ số 3 về thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của người phụ nữ Việt Nam. Chương trình được thực hiện thông qua các ngành y tế, giáo dục, kinh tế, đặc biệt chú trọng tới nhóm phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương.

Ông Giôn Hen-đra nói: Chương trình hợp tác chung này được phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ. Với sự tham gia thực hiện của các cơ quan Liên hợp quốc, các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội, kết quả của chương trình sẽ hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều.

Những kết quả mong đợi đạt được từ chương trình hợp tác chung là:

Thứ nhất, nâng cao kiến thức, kỹ năng, và thực hành trong việc thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo về Luật về Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình, chẳng hạn: xây dựng tài liệu tập huấn, nâng cao năng lực và xây dựng khung theo dõi, giám sát của chính phủ để đánh giá việc thực hiện hai luật này.

Thứ hai, tăng cường các quan hệ đối tác và sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức liên quan tới bình đẳng giới, thí dụ tổ chức diễn đàn về bình đẳng giới cấp quốc gia với sự tham gia của các cơ quan nhà nước và các cơ quan truyền thông...

Thứ ba, củng cố và xây dựng hệ thống dữ liệu cơ sở về bình đẳng giới, thí dụ: hỗ trợ kỹ thuật để đưa nội dung giới vào các điều tra cấp quốc gia như điều tra biến động dân số và điều tra mức sống hộ gia đình; thực hiện nghiên cứu về các nhóm phụ nữ liên quan tới bình đẳng giới, bao gồm phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ di cư, trẻ trai và trẻ gái có nguy cơ bị buôn bán; triển khai điều tra toàn diện lần đầu tiên về tác động của bạo hành gia đình.../.