Từ lâu, mối quan hệ giữa sự phát triển xã hội loài người và môi trường tự nhiên đã là chủ đề được tranh luận nhiều trên các diễn đàn quốc tế để tìm ra phương thức hành động của xã hội đối với môi trường tự nhiên, nhằm đảm bảo cho mục đích phát triển, nhưng không làm tổn hại tới môi trường tự nhiên - môi trường sống của con người. Từ đó, cụm từ “phát triển bền vững” được hình thành và đang trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, cơ sở cho nhiều chương trình hành động của nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 1983, Liên hợp quốc đã quyết định thành lập Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (WCED). Năm 1987, Ủy ban đã xuất bản cuốn Báo cáo Brundtland: “Tương lai chung của chúng ta”, trong đó cảnh tỉnh rằng: con người phải thay đổi rất nhiều trong cách sống và hành động của mình và việc phát triển phải phù hợp với giới hạn sinh thái của trái đất. Ngay sau đó, cả hai thuật ngữ “bền vững” và “phát triển bền vững” đã trở thành những thuật ngữ quen thuộc đối với tất cả những ai quan tâm đến môi trường và phát triển. Hiện nay, hai quan niệm được sử dụng rộng rãi nhất về thuật ngữ “phát triển bền vững” là:

* Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng những nhu cầu của họ.” của Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (Báo cáo Brundtland - 1987).

* “Phát triển bền vững là sự nâng cao chất lượng đời sống con người trong lúc đang tồn tại, trong khuôn khổ đảm bảo của các hệ thống sinh thái” còn tính bền vững là “một đặc điểm đặc trưng của một quá trình hoặc một trạng thái có thể duy trì mãi mãi” của Liên minh bảo tồn thế giới (IUCN - Switzerland, 1991).

Cuốn sách Phát triển bền vững đô thị những vấn đề lý luận và kinh nghiệm của thế giới của TS. Đào Hoàng Tuấn do Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ: “Phát triển đô thị bền vững: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm của thế giới”.

Nội dung của cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Những vấn đề về cơ sở lý luận của phát triển đô thị bền vững
Chương 2: Những bài học kinh nghiệm của thế giới về phát triển đô thị bền vững
Chương 3: Những bài học gợi mở đối với sự phát triển bền vững hệ thống đô thị ở Việt Nam