Quản lý theo kết quả

10:32, ngày 17-05-2007

Đây là một phương thức quản lý kiểu mới đang được nhiều nước áp dụng trong quá trình cải cách hành chính nhà nước.

Quản lý theo kiểu truyền thống thường chỉ tập trung vào các hoạt động đầu ra, và các quyết định thường chỉ được thông báo rất sơ sài thông qua hệ thống dữ liệu kết quả thực thi công vụ. Trái lại, quản lý theo kết quả đòi hỏi những chuẩn tắc chặt chẽ hơn hẳn: hệ thống giám sát và đánh giá được coi như công cụ để thu nhập dữ liệu về kết quả thực thi công vụ, giúp các nhà lãnh đạo có thể quản lý hiệu quả hơn để đạt kết quả dự kiến và mục đích của tổ chức mà họ đứng đầu.

Việc xây dựng mô hình quản lý theo kết quả phải trải qua bốn bước mang tính liên hoàn:

1. Phân tích thực trạng, từ đó xác định rõ xuất phát điểm hiện có, trả lời rõ câu hỏi: ta đang ở đâu?

2. Kết hợp dự báo xu hướng để xác định cái đích phát triển phải đi tới.

3. Lập chiến lược, kế hoạch hành động và sử dụng các công cụ giám sát bảo đảm đi tới cái đích đã xác định.

4. Kiểm tra thường xuyên các kết quả trung gian và kết quả cuối cùng để biết rõ đã đến đích chưa.

Phương thức quản lý theo kết quả cho khu vực công đã được các nước Anh, Mỹ, Canada, Ôxtrâylia… áp dụng khá phổ biến từ những năm 80 thế kỷ XX. Tùy theo đặc điểm của mỗi nền hành chính công, các nước này đã xây dựng các hệ thống quản lý phù hợp, kèm theo là các công cụ để đo lường kết quả thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước; chú trọng sử dụng những dữ liệu về kết quả thực thi công vụ để hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách, đưa ra những quyết định về quản lý và phân bổ ngân sách… Gần đây, một số nước châu Á cũng đã áp dụng phương thức quản lý theo kết quả: chẳng hạn, Hàn Quốc thường xuyên thực hiện điều tra xã hội học về mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan công quyền các cấp; Philippines áp dụng Hệ thống quản lý thực thi công vụ của nhà nước địa phương; Ấn Độ áp dụng Thẻ báo cáo của người dân…

Nhìn chung, để xây dựng được Hệ thống quản lý theo kết quả, đòi hỏi phải có tầm nhìn đúng vài dài hạn; phải phân tích đúng tình huống; có chiến lược và kế hoạch hợp lý; xây dựng được các chỉ số cho kết quả mục tiêu, làm cơ sở cho hệ thống giám sát, đánh giá; lựa chọn công cụ giám sát, đánh giá phù hợp; quản lý tổ chức để đạt được mục tiêu, không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các hoạt động; liên tục bám sát diễn biến và kết quả thực thi công vụ ở từng đơn vị thông qua hệ thống mạng công nghệ thông tin.