TCCSĐT - Ngày 02-11-2018, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước hiện nay”. GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và GS, TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm và uy tín về nghiên cứu, quản lý hoạt động tôn giáo, các chức sắc, nhà tu hành của một số tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cùng các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương...

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS, TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Từ sau Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 16-10-1990, của Bộ Chính trị, đồng thời, với sự đóng góp của lĩnh vực Tôn giáo học trong thời kỳ đổi mới, tôn giáo ở nước ta đã dần được nhìn nhận như là thực thể xã hội khách quan. Thực tiễn khởi sắc của đời sống tôn giáo, sự tham gia mạnh mẽ của tôn giáo vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện xã hội, an sinh xã hội,… đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để trong nhiều năm gần đây, giới nghiên cứu tôn giáo, giới hoạch định chính sách và quản lý nhà nước về tôn giáo dần đi đến nhận thức chung rằng cần coi tôn giáo là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Đây là một vấn đề rộng lớn, có thể tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, cần nghiên cứu và thảo luận. Việc nhận thức, lý giải cụ thể hơn về vấn đề nguồn lực tôn giáo và việc khai thác nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ khoa học hết sức cấp thiết. Do đó, Tọa đàm được tổ chức nhằm quy tụ các ý kiến trao đổi, công trình nghiên cứu, tham luận của các nhà nghiên cứu tôn giáo, các nhà quản lý và hoạch định chính sách tôn giáo, các chức sắc hoặc trí thức tôn giáo về nguồn lực tôn giáo, phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực tôn giáo.

Báo cáo đề dẫn Tọa đàm, PGS, TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định: Nguồn lực tôn giáo có nội hàm khá rộng, không chỉ là nguồn lực tinh thần mà còn là nguồn lực vật chất. Từ khía cạnh nguồn lực tinh thần, đó là giá trị tư tưởng, triết học, giá trị thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị đạo đức, văn hóa, giá trị giáo dục, các triết lý nhân văn, hướng thiện…, những giá trị này đã và đang tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của xã hội. Về nguồn lực vật chất, các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam có một hệ thống cơ sở thờ tự với nhiều di sản có giá trị là tiềm năng lớn có thể khai thác. Các tôn giáo có thể thu hút được các nguồn lực từ xã hội rất lớn như nguồn lực kinh tế, nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa… Từ đây, các tôn giáo lại chuyển những nguồn lực đã thu hút này vào xã hội, vào các lĩnh vực như an sinh xã hội, từ thiện xã hội, y tế, giáo dục… Nguồn lực tôn giáo được hình thành từ những yếu tố tinh thần, vật chất như vừa nêu trên chính là nguồn tài nguyên tôn giáo. Nguồn tài nguyên tôn giáo có thể khai thác một cách bền vững để phục vụ phát triển đất nước. Việc nhận thức đúng đắn về nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo sẽ góp phần phòng ngừa việc lãng phí nguồn lực tôn giáo, tránh những tác động tiêu cực đối với xã hội; cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách tôn giáo tham gia cung cấp dịch vụ xã hội; góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị của chính bản thân tôn giáo.

Tọa đàm đã nhận được 17 tham luận và các nhà khoa học, các cán bộ lãnh đạo, quản lý, các chức sắc, nhà tu hành tôn giáo trình bày một số quan điểm, ý kiến trao đổi tập trung vào các nội dung chính là:

Thứ nhất, các vấn đề lý luận chung về nguồn lực tôn giáo trong bối cảnh Việt Nam và quốc tế; làm rõ các cách tiếp cận và đánh giá đối với nguồn lực xã hội nói chung và nguồn lực tôn giáo nói riêng; phân tích, chỉ ra các hình thức biểu hiện của nguồn lực tôn giáo (như nguồn lực vật chất, nguồn lực tinh thần, nguồn lực trí tuệ…), làm rõ vai trò của nguồn lực tôn giáo đối với phát triển bền vững ở Việt Nam.

Thứ hai, nghiên cứu, đánh giá thực trạng nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, như nguồn lực của Phật giáo, Công giáo, Tin lành giáo, Cào Đài, Phật giáo Hòa Hảo… đồng thời chỉ rõ nguồn lực của các tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thứ ba, phát huy nguồn lực tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước; chỉ ra các chủ thể phát huy nguồn lực tôn giáo; các nội dung, định hướng phát huy nguồn lực tôn giáo; phương thức, cách thức phát huy nguồn lực tôn giáo; những điều kiện phát huy nguồn lực tôn giáo…; phòng, tránh những tác động tiêu cực nếu như nguồn lực tôn giáo bị lợi dụng, bị sử dụng không đúng mục đích.

Thứ tư, đề xuất, kiến nghị, cung cấp cơ sở khoa học xây dựng quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước./.