Đồng bào các dân tộc thiểu số và tôn giáo: làm theo Bác là phải từ những việc thật cụ thể, thiết thực
TCCS - Trong 2 ngày 24 và 25-1- 2010, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tổ chức giao lưu, tọa đàm và biểu dương 68 tập thể, 144 cá nhân tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước có nhiều thành tích trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Cộng sản gặp gỡ và trao đổi với một số tấm gương điển hình tiên tiến là đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số và tôn giáo.
1. Ông Giàng A Chảo, Chủ tịch Mặt trận, Bí thư Chi bộ bản Sin Páo Chải, thị xã Lai Châu.
Những người dân tộc Mông chúng tôi chưa bao giờ được gặp Bác. Nhưng tôi hiểu học theo những gì Bác dạy là làm thế nào để người dân có cuộc sống đầy đủ, có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Vì vậy, tôi đã cố gắng vận động bà con không du canh, du cư. Việc này không thể làm một sớm, một chiều vì thói quen từ lâu đời. Tôi được tỉnh chọn làm đại biểu dự hội nghị điển hình tiên tiến này là do đã vận động được toàn bộ dân cư của bản định canh, định cư để ổn định cuộc sống.
Muốn bà con nghe, tin và làm theo thì mình phải làm trước, làm có hiệu quả thì mới thuyết phục được quần chúng nhân dân. Cách đây 5 năm, nhà tôi ở bản Tả Chải, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, ở trên lưng chừng núi. Hiện nay, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định tại bản Sin Páo Chải, xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu. Rời chỗ ở cũ, xuống định canh ở đất mới, đời sống khó khăn lắm. Mọi người trong gia đình phải chăm chỉ, chịu khó làm ăn, tích cực chuyển đổi cây trồng; khai hoang thêm diện tích trồng rau, màu; mở rộng quy mô chăn nuôi để vừa có sức cày kéo, vừa nhân đàn, vừa có phân bón ruộng... nên giờ đã ổn định.
Khi được bà con tín nhiệm bầu làm cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã, tôi vận động bà con đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng bản làng, loại bỏ các hủ tục lạc hậu; tham mưu với xã hằng năm tổ chức các ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, luân phiên giữa các bản. Qua làm, đây là dịp tốt để bà con thêm hiểu nhau, gặp gỡ học hỏi những điều tốt của nhau như: kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế, vệ sinh làng bản sạch sẽ.
2. Y Wang Niê, Đội trưởng Đội vũ trang, Đồn Biên phòng 743, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk.
Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ đường biên cột mốc là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của đơn vị. Với cương vị là Đội trưởng Đội vũ trang - đội nòng cốt của Đồn biên phòng, tôi đã cùng Đội tổ chức 3 lớp học tập các chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có 75 chiến sỹ tham gia; phát hiện và bắt giữ 13 vụ với 38 đối tượng vi phạm quy chế biên giới, xử lý theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn về người, vũ khí trang bị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Là Phó Bí thư chi đoàn, tôi cùng với Đoàn thanh niên của Đồn xây dựng mô hình trồng rau xanh và góp 350 ngày công cải tạo cánh đồng lúa nước cho nhân dân buôn Đrăng-phốc, xã Krông-na; góp 25 ngày công làm nhà “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”; 10 ngày công làm nhà đồng đội, vận động được 15 em nhỏ đến tuổi đi học tới lớp...
3. Hảng Thị Dông, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Nhiều người trong xã hỏi tôi rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ có khó lắm không? Tôi trả lời rằng không khó, bởi thực tế tôi học tập và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Tôi nghĩ mình cứ gương mẫu trong cuộc sống, trong công việc của mình thì vận động người khác làm theo cũng dễ dàng thôi.
Năm 11 tuổi, tôi mới được đến trường. Do hoàn cảnh khó khăn, tôi vừa lấy chồng, vừa nuôi con và gắng học hết lớp 12. Tôi rất thích học vì nếu không học thì sẽ không biết làm kinh tế và hiểu biết xã hội.
Do tích cực lao động, gia đình có của ăn, của để, tôi đã động viên chồng là anh Hồ A Xà đi học tiếp Đại học Nông nghiệp ở Tây Bắc. Bà con bảo, tôi là người phụ nữ có chữ nhiều nhất xã, nên năm 2006, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công. Nghĩ từ mình, tôi đã đến từng gia đình vận động cho con đến tuổi đi học ra lớp, nhất là em bé gái. Xã tôi còn đến 80% số chị em không biết chữ. Khi đến vận động chị em đến lớp, tôi phải lấy chính bản thân mình ra, mới vận động được mọi người. Tôi bảo rằng, lấy chồng xong thì phải đi học tiếp, vì không học thì sẽ không biết phát triển kinh tế, đời sống sẽ rất khó khăn. Do vậy, mấy năm nay, rất nhiều chị em trong xã đến lớp nhưng vẫn còn nhiều người không chịu đi học, vì mải làm. Tới đây, tôi sẽ quyết tâm vận động họ tới lớp.
Trước đây, xã tôi nhiều người nghiện hút thuốc phiện lắm và nhiều nhà họ tự trồng cây thuốc phiện để hút. Tôi đến tận nhà họ vận động không hút thuốc phiện nữa. Đến một lần không được, tôi đến nhiều lần. Kỷ niệm nhớ nhất là trong một lần tôi cùng đoàn trong xã đến bản Tả Xùa, vận động một gia đình phá cây thuốc phiện. Khi biết mọi người đến, gia đình đó đã trốn trên núi và ném đá vào đoàn người khiến họ suýt vỡ đầu. Dù vậy, tôi vẫn tìm gặp bằng được gia đình đó để khuyên giải người chồng đi cai nghiện, người vợ xóa bỏ trồng cây thuốc phiện và tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt. Bây giờ xã tôi chỉ còn 6 người nghiện, chủ yếu là những người già không đủ sức để đi cai nghiện.
Xã tôi có tục lệ thách cưới nặng lắm. Trước đây, mỗi lần con gái đi lấy chồng, gia đình nhà trai phải nộp 30 - 40 đồng bạc trắng, khoảng 5 kg bạc. Kiên trì vận động, bây giờ tục lệ này đã bỏ và thay vào quà thách cưới là 15 triệu đồng thôi. Còn về đám ma, trước kia thường kéo dài đến 10 ngày thì mới đem chôn. Cũng do tuyên truyền, vận động, mọi người hiểu được người chết để lâu trong nhà như vậy là không tốt. Và hủ tục này hiện nay đã được xóa bỏ.
4. Ông Giàng A Lự, Bí thư Chi bộ bản Lóng Luông, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Bản Lóng Luông chúng tôi có gần 200 hộ dân người Mông. Khí hậu ở đây mát mẻ, đất đai màu mỡ hợp nhiều loại cây trồng nhưng đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Vì trình độ bà con còn quá thấp, bản còn nhiều người chưa biết đọc, biết viết nên rất khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Muốn dạy chữ, phải có trường học, nhà trẻ, trong khi bản chưa có nhà trẻ. Tôi cùng cán bộ trong xã lên huyện xin cấp kinh phí đầu tư. Các đồng chí lãnh đạo huyện Mộc Châu nhiệt tình ủng hộ, nhưng kinh phí hạn hẹp, chỉ đủ được tiền xây trường mà không có đất. Tôi quyết định hiến mảnh đất rộng 3.000 m2 vừa được cấp "sổ đỏ" để lấy chỗ xây trường, dù biết rằng, mỗi năm trồng ngô thôi, tôi cũng thu lợi từ 15 đến 20 triệu đồng. Mảnh đất lại nằm ở vị trí sát mặt đường liên xã, nhiều người muốn mua để mở quán, có người trả cả hơn 100 triệu đồng. Tôi họp gia đình phân tích cái hơn, cái thiệt; đề nghị con cháu là đảng viên gương mẫu đi đầu. Nếu cứ suy tính thiệt hơn như vậy thì các cháu nhỏ trong bản không biết đến bao giờ mới có trường học. Thế là, gia đình thuận tình hiến mảnh đất cho dân bản không nhận tiền đền bù. Khi xây trường, tiền của có hạn nên vừa xây đủ một dãy phòng học là hết, tôi lại vận động mỗi gia đình trong bản đóng góp hai khối đá, cát xây tường rào chung quanh làm sân chơi, bếp ăn, khu phụ. Có bếp, giáo viên tổ chức cho trẻ ăn bữa trưa tại trường. Sức khỏe của các cháu vì vậy rất tốt. Từ khi có trường mẫu giáo, các gia đình trong bản yên tâm đưa con, cháu đến trường, chuyên tâm vào lao động sản xuất.
Xong việc xây dựng trường lớp mẫu giáo, phải nghĩ đến các cháu đang học lớp một, lớp hai. Nhiều năm rồi các cháu vẫn phải học trong ngôi trường tranh tre. Những hôm mưa, phải nghỉ học vì dột, phòng học cũng không đủ. Khi xã được cấp kinh phí xây mới, lại thiếu mặt bằng. Tôi cùng các đồng chí đảng viên vận động bà con khu vực trung tâm xã hiến đất xây trường. Những gia đình nào hiến diện tích đất rộng, tôi cùng bà con góp tiền đền bù thỏa đáng. Cứ như thế, hai năm sau, các cháu nhỏ có trường học mới, khang trang. Khi đã có trường, tôi lại đến từng nhà vận động bà con đưa trẻ tới trường. Đến nay, các cháu trong bản Lóng Luông ở độ tuổi đi học đều đến trường.
5. Thượng tọa Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Chùa Long Thành là chùa duy nhất ở Long An tiếp nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình quá nghèo không có điều kiện nuôi dưỡng, cha mẹ bỏ nhau, bỏ con... từ năm 1984. Hiện nhiều lớp các em đã trưởng thành, trở thành thầy giáo, chủ doanh nghiệp hoặc ít nhất là có việc làm cho thu nhập đủ ổn định cuộc sống.
Tôi thấy cuộc vận động rất có ý nghĩa. Tình thương của Bác đối với đồng bào vô cùng sâu sắc, cảm động, luôn quan tâm, chăm sóc người dân, cũng giống như đạo Phật luôn dạy các đệ tử phải thương yêu chúng sinh. Đây là điểm tương đồng mà tôi rất tâm đắc./.
Phong trào thanh niên - động lực phát triển đảng của tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh  (08/04/2010)
Các hội nghị trù bị của ASEAN 16  (06/04/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay