Chính trường Mỹ chia rẽ sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ
TCCSĐT - Sau khi Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Mỹ D. Trump kết thúc, nhìn chung dư luận quốc tế và dư luận Nga đều hoan nghênh kết quả của cuộc gặp, song tại nội bộ chính trường Mỹ hiện vẫn tồn tại những ý kiến trái chiều xoay quanh kết quả của cuộc gặp trên. Điều này được cho là sẽ một trong những thách thức lớn đối với Tổng thổng D. Trump tới đây trong việc thực thi những cam kết mà ông đã đưa ra tại Hội nghị.
Bước đi tích cực trong quan hệ giữa hai cường quốc thế giới
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại thủ đô Helsinki (Phần Lan) đã được hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga cùng đánh giá đây là cuộc gặp thành công và hữu ích đã mở ra tín hiệu tích cực đầu tiên về hy vọng cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc.
Bắt đầu của gặp thượng đỉnh lần đầu tiên này, Tổng thống Mỹ D. Trump và người đồng cấp Nga V. Putin đã dành cho nhau những lời tốt đẹp khi Tổng thống D. Trump tuyên bố ông kỳ vọng vào một “mối quan hệ khác thường” với Tổng thống V. Putin, đồng thời khẳng định quan hệ với Nga là điều tốt đẹp chứ không phải điều tồi tệ. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga khẳng định hiện là thời điểm thích hợp để lãnh đạo hai nước trao đổi về các mối quan hệ và các vấn đề quốc tế đầy thách thức trên thế giới.
Trong các cuộc hội đàm, Tổng thống D. Trump và Tổng thống V. Putin đã thẳng thắn trao đổi về nhiều vấn đề nóng của thế giới, như cuộc chiến chống khủng bố, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cuộc chiến tại Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề an ninh của Israel, các nỗ lực thúc đẩy giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên...
Hai bên đã đạt được không ít ý kiến chung. Đầu tiên là sự hiệu quả trong hợp tác giữa các cơ quan tình báo, đặc biệt là trong thời gian diễn ra World Cup 2018 vừa qua tại Nga. Nga khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác trong phân tích toàn bộ các hồ sơ chính trị - quân sự và giải giáp, đồng thời đề xuất thành lập nhóm công tác chung về chống khủng bố.
Liên quan đến vấn đề Syria, Nga đánh giá Moscow và Washington có thể đảm nhận vai trò thủ lĩnh trong giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Lãnh đạo Nga và Mỹ cũng thảo luận về vấn đề Iran, tình hình thực hiện thỏa thuận tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Mặc dù vậy, Nga và Mỹ vẫn giữ quan điểm khác nhau về vấn đề bán đảo Crimea. Mỹ phản đối Nga sáp nhập phần lãnh thổ này, còn nguyên thủ nước Nga khẳng định vấn đề Crimea đã khép lại, không được đưa ra bàn luận.
Về vấn đề mà đông đảo ý kiến chuyên gia đều đánh giá là “gai góc” liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, Tổng thống D. Trump cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi vì hoàn toàn không có âm mưu nào như điều tra cáo buộc. Ông D. Trump cũng cho biết, tới đây đại diện của Hội đồng An ninh Liên bang Nga và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ sẽ sớm gặp gỡ để phát triển kết quả hội nghị thượng đỉnh Helsinki.
Về hợp tác kinh tế, hai bên đã nhất trí thành lập một nhóm chung để tập hợp các “ông lớn” của giới kinh doanh hai nước.
Sau cuộc gặp riêng rẽ và làm việc chung với các cố vấn, Tổng thống D. Trump tuyên bố ông có “một sự khởi đầu tốt, rất tốt cho tất cả mọi người”. Ông đã mô tả đây là một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và có tính xây dựng sâu sắc. Ông D. Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại đối với Nga và Mỹ cũng như toàn thế giới, đồng thời cho rằng hai nước phải tìm ra cơ hội hợp tác nếu muốn cải thiện tình hình trên thế giới. Theo ông, quan hệ Nga - Mỹ đã được cải thiện qua hội nghị thượng đỉnh này và quan hệ ngoại giao với Nga là điều cần thiết. Cũng theo Tổng thống D. Trump, cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga tại Helsinki chỉ là khởi đầu cho con đường đối thoại mạnh mẽ hơn với Moscow. Tổng thống D. Trump khẳng định: “Chúng tôi đã tạo ra những bước đi đầu tiên hướng tới tương lai tươi sáng hơn, dựa trên nền tảng là hợp tác và hòa bình”. Nhà lãnh đạo Mỹ cảm ơn Tổng thống V. Putin về việc thúc đẩy đối thoại mở giữa hai nước vì “điều tốt đẹp hơn cho tất cả”.
Về phần mình, Tổng thống V. Putin đánh giá cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ đã diễn ra hết sức thẳng thắn và hữu ích. Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận quan hệ song phương đang trong giai đoạn khó khăn, không có lý do khách quan nào có thể biện minh cho điều này khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Hai cường quốc đều đang đối mặt với những thách thức giống nhau, như cơ chế an ninh quốc tế, nhận diện chủ nghĩa khủng bố. Đây cũng là hai lĩnh vực mà ông V. Putin hy vọng sẽ tìm thấy tiếng nói chung với Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định các cuộc gặp này phản ánh mong muốn của hai nước sớm khôi phục sự tin tưởng lẫn nhau. Tổng thống V. Putin và Tổng thống D. Trump cũng để ngỏ khả năng về các cuộc gặp tương tự trong tương lai.
Quốc tế hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, người phát ngôn Liên hợp quốc ông Farhan Haq đã hoan nghênh cuộc gặp và cho biết, Liên hợp quốc đang đánh giá những kết quả cụ thể mà cuộc gặp này đem lại.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, Nga và Mỹ đều là nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có ảnh hưởng lớn trên chính trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh của thế giới. Trung Quốc hoan nghênh Nga - Mỹ cải thiện quan hệ, mong muốn hai nước tăng cường kết nối, đối thoại và mở rộng hợp tác. Điều đó có lợi cho hòa bình và sự phát triển của thế giới, góp phần đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu.
Phó Chủ tịch nhóm nghị sỹ của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) tại Quốc hội Đức Roland Hartwig cho rằng, cuộc họp giữa Tổng thống D. Trump và Tổng thống V. Putin là bước đầu hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước này.
Còn người phát ngôn của Thủ tướng Anh T. May khẳng định, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và người đồng cấp Nga V. Putin tại Helsinki (Phần Lan) không làm suy yếu sức mạnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Trong khi đó, tại nước Nga, ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Helsinki kết thúc, các nhà lập pháp Nga cũng có những đánh giá tích cực. Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga V. Matvienko cho rằng giữa Tổng thống Nga và Mỹ đã thiết lập được bầu không khí tin cậy. Theo bà V. Matvienko, cuộc gặp này không chỉ đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc thiết lập đối thoại chính trị, mà còn có vai trò vô cùng to lớn đối với sự ổn định trên thế giới.
Người đứng đầu Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hội đồng Liên bang K. Kosachev tuyên bố các kết quả cuộc gặp là tích cực, là “nhiều nhất có thể”, và coi đây là sự khởi đầu tốt đẹp để khôi phục hợp tác giữa hai nước trên cơ sở hệ thống và thường xuyên. Còn Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế Duma quốc gia (Hạ viện) L. Slutski cho rằng, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Mỹ D. Trump là sự kiện lịch sử và hiệu quả ở mức cao nhất có thể.
Chính trường Mỹ phản ứng trái chiều
Trước cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Tổng thống D. Trump và Tổng thống V. Putin đã từng gặp nhau hai lần bên lề các hội nghị quốc tế và có ít nhất 8 cuộc điện đàm. Gần đây nhất, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã gặp nhau khi cùng dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Đà Nẵng của Việt Nam vào tháng 11-2017. Tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên hai bên chính thức gặp nhau kể từ khi ông D. Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ cách đây một năm rưỡi và cũng là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ hội kiến chính thức kể từ năm 2009.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ lần đầu tiên này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh khi chính quyền Tổng thống Trump áp đặt trừng phạt một loạt cá nhân và tổ chức của Nga với cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 mà Nga đã nhiều lần bác bỏ, cùng với đó là các biện pháp trả đũa ngoại giao qua lại như trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao của nhau, đóng cửa nhiều cơ sở ngoại giao ở mỗi nước. Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Nga trong khuôn khổ loạt biện pháp gây sức ép của phương Tây liên quan việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, cũng như vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Một thực tế là, ngay từ khi vận động tranh cử, ông D. Trump đã công khai bày tỏ thiện cảm và sự ngưỡng mộ cá nhân với Tổng thống V. Putin, sẵn lòng cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên, ý tưởng này không được sự ủng hộ của phe Dân chủ và nhiều nhân vật có tiếng nói trong đảng Cộng hòa. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi chỉ 3 ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố kết luận điều tra của Công tố viên đặc biệt R. Mueller về cái gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời buộc tội 12 nhân viên tình báo Nga xâm nhập các máy tính chủ của ứng cử viên đối thủ của ông D. Trump là cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton và đảng Dân chủ của bà, rồi làm rò rỉ những thư điện tử cá nhân của bà H. Hillary để gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng nhằm tạo lợi thế cho ông D. Trump giành chiến thắng. Dư luận cho rằng động thái của Bộ Tư pháp sẽ phủ bóng đen lên cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông D. Trump và Tổng thống V. Putin, người lâu nay vẫn bác bỏ mọi sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Phe Dân chủ đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để chỉ trích Nga, thậm chí lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ C. Schumer và 18 thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã hối thúc Tổng thống D. Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh với ông V. Putin cho tới khi Nga “thực thi những bước đi minh bạch và rõ ràng” để chứng minh sẽ không tiếp tục can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ trong tương lai, nhất là khi chỉ còn gần 4 tháng nữa là nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Và điều này còn rõ nét hơn khi ngay sau cuộc gặp lịch sử, trái ngược với những phản ứng tích cực ở Nga, giới nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đều tỏ ra không hài lòng về những phát biểu của Tổng thống D. Trump tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ kết thúc.
Tại cuộc họp báo trên, Tổng thống D. Trump đã cho rằng, ông “không thấy có bất cứ lý do nào để nghi ngờ Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016”. Chính tuyên bố gây bất ngờ này của Tổng thống D. Trump đã ngay lập tức khiến ông phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của một loạt nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Nhiều nghị sỹ đã cho rằng, tại cuộc gặp với Tổng thống V. Putin ngày 16-7 vừa qua, Tổng thống D. Trump đã bỏ lỡ cơ hội buộc Nga phải công khai thừa nhận trách nhiệm trong vấn đề trên.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan đã kêu gọi Tổng thống D. Trump chấp nhận thực tế rằng, Nga không phải đồng minh của Mỹ và Moscow phải chịu trách nhiệm về việc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo ông, đây không chỉ là phát hiện của cộng đồng tình báo Mỹ mà còn là của cả Ủy ban Tình báo Hạ viện. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, C. Schumer cũng cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống D. Trump tại Helsinki là “chưa từng có tiền lệ”. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cũng cho rằng, những đánh giá của giới tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016 là rõ ràng.
Ngoài ra, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cũng chỉ trích phát biểu của Tổng thống D. Trump. Thượng nghị sĩ E. Warren - đối thủ tiềm tàng của Tổng thống D. Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng, Tổng thống D. Trump đang làm suy yếu các đồng minh của Mỹ, đồng thời cho rằng việc Tổng thống D. Trump không sẵn lòng đứng lên bảo vệ đất nước là điều không thể chấp nhận được.
Trước sức ép từ dư luận trong nước, một ngày sau Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, ngày 17-7, Tổng thống D. Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, đã cố gắng xoa dịu cơn bão chính trị đang bùng lên tại Mỹ bằng tuyên bố, ông công nhận kết luận của cơ quan tình báo nước này về việc cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tổng thống D. Trump cho rằng mình đã “phát biểu nhầm” trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga V. Putin tại Helsinki. Tổng thống D. Trump cho biết trong cuộc họp báo đó, ông muốn nói rằng ông “không thấy lý do gì để Nga không phải là thủ phạm can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ”.
Tuy nhiên, những lời đính chính trên của Tổng thống D. Trump dường như vẫn chưa làm dư luận tại chính trường Mỹ dịu xuống. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Schumer thậm chí còn hối thúc Quốc hội Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga và kêu gọi nhóm an ninh quốc gia tháp tùng Tổng thống D. Trump tới Helsinki phải ngay lập tức điều trần trước Quốc hội. Các nhà phân tích cho rằng, thời gian qua, những cáo buộc về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ vốn chỉ được xem như một công cụ để các nghị sỹ gây sức ép với Tổng thống D. Trump, song thực tế cho đến nay, dường như vấn đề này đang trở thành chủ đề bắt buộc trong các nội dung nghị sự tại Mỹ.
Chưa rõ, Tổng thống D. Trump sẽ hứng chịu thêm những chỉ trích gì từ cuộc gặp với Tổng thống Nga V. Putin ngày 16-7 vừa qua, song những phản ứng bước đầu tại Mỹ đã một lần nữa bộc lộ sự chia rẽ gay gắt trên chính trường Mỹ trong các vấn đề liên quan tới Nga. Và đây chắc chắn là rào cản cho mọi nỗ lực của Tổng thống D. Trump nếu ông muốn cải thiện quan hệ với Nga. Nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang tới gần (dự kiến vào tháng 11-2018), những phản ứng trên có thể gây xáo trộn thêm chính trường Mỹ và có thể ảnh hưởng tới những nỗ lực của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới./.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm việc tại Đắk Lắk  (21/07/2018)
Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Đại Lễ cầu siêu tri ân các Anh hùng liệt sỹ  (21/07/2018)
Hòa nhạc kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản  (21/07/2018)
Việt Nam là một trong 19 nước có tình trạng thiếu i-ốt nghiêm trọng  (21/07/2018)
Nhân sự Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và VTV  (20/07/2018)
Sẽ thí điểm hợp nhất 3 văn phòng thành một văn phòng tham mưu  (20/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay