Hội thảo khoa học “Cơ sơ lý luận và thực tiễn nghiên cứu vấn đề an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay”
TCCSĐT - Triển khai thực hiện Đề tài khoa học “An ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp”, mã số CTDT 12.17/16-20 do Tạp chí Cộng sản chủ trì, ngày 15-6, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sơ lý luận và thực tiễn nghiên cứu vấn đề an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay”.
Tham dự Hội thảo có PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập; PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu, Ủy viên Ban Biên tập, Chủ nhiệm đề tài; cùng các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo các vụ, ban Tạp chí Cộng sản.
PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu, Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ nhiệm đề tài phát biểu đề dẫn hội thảo |
Phát biểu đề dẫn, PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu - Chủ nhiệm đề tài cho rằng, an ninh phi truyền thống là một vấn đề rộng lớn, toàn diện và tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước cả tích cực và tiêu cực, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, mục tiêu của Hội thảo nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản trong nghiên cứu vấn đề an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay. Hội thảo mong muốn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học tập trung làm rõ một số chủ đề sau: Các cách tiếp cận nghiên cứu an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số; các khái niệm cơ bản về an ninh, an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, vùng dân tộc thiểu số, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số; quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, của các học giả về an ninh phi truyền thống, an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số; mối quan hệ, sự chuyển hóa giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; thực trạng và tác động của yếu tố an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh văn hóa, xã hội, an ninh môi trường, an ninh năng lượng, an ninh tộc người ở vùng dân tộc thiểu số; những tác động tiêu cực của các yếu tố an ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số.
Trong phát biểu chỉ đạo hội thảo, TS. Phạm Tất Thắng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, đối tượng nghiên cứu của đề tài là thực trạng các yếu tố an ninh phi truyền thống tác động đến đời sống kinh tế - xã hội và phát triển bền vững ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay, vì vậy, khảo sát thực tiễn, hội thảo khoa học, tọa đàm chuyên gia chính là các cách tiếp cận, các phương pháp và phương thức tốt nhất và quan trọng để thực hiện hiệu quả đề tài. Theo đó, Hội thảo xác định các khái niệm công cụ, khung phân tích, các cách tiếp cận, các phương pháp nghiên cứu, góp phần làm rõ các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, của các nhà lý luận về vấn đề an ninh phi truyền thống; đồng thời xác định rõ các yếu tố an ninh phi truyền thống cơ bản ở vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay và tác động của nó đến sự phát triển bền vững ở khu vực này.
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ mục tiêu nghiên cứu của Hội thảo |
Với phiên thảo luận thứ nhất, các học giả, các đại biểu làm rõ khái niệm, các cách tiếp cận, nhận diện về an ninh phi truyền thống, cũng như các thách thức nói chung và đối với vùng dân tộc thiểu số nói riêng.
Đề cập tới khái niệm “an ninh phi truyền thống”, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đúc rút từ các quan niệm rất phong phú, đa dạng của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế, từ đó định dạng một số đặc điểm chủ yếu của an ninh phi truyền thống, đó là: Các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn ra ảnh hưởng trên phạm vi khu vực hoặc toàn cầu, mang tính xuyên quốc gia; do các tác nhân tự nhiên hoặc do các tổ chức ngoài nhà nước, nhóm người hoặc cá nhân tiến hành; uy hiếp trực tiếp đến cá nhân con người hoặc cộng đồng, quốc gia - dân tộc; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống hủy hoại an ninh quốc gia dần dần và lâu dài. Các vấn đề an ninh phi truyền thống còn bao gồm những vấn đề mang tính phi bạo lực (kinh tế, văn hóa, môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh...) và những vấn đề mang tính bạo lực, nhưng đó là bạo lực phi quân đội (như khủng bố, tội phạm có tổ chức...). Theo PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, để ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, các quốc gia cần có sự hợp tác, sử dụng biện pháp ngoại giao, kể cả ngoại giao giữa quân đội các nước.
Khẳng định tác động của an ninh phi truyền thống uy hiếp trực tiếp đến cá nhân con người hoặc cộng đồng, quốc gia - dân tộc, đề cập tới nghiên cứu an ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số của đề tài, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn nhận định, vùng dân tộc thiểu số là những đối tượng yếu thế, bị tổn thương, bị đe dọa nhiều nhất. Những thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực này được biết đến như: tình trạng đói nghèo, an ninh tôn giáo, an ninh văn hóa, di cư xuyên biên giới, nạn buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tình trạng biến đổi môi trường, chủ nghĩa ly khai, an ninh thông tin,… Những vấn đề này diễn ra rất phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới vùng dân tộc thiểu số cần được nghiên cứu và giải quyết.
PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đưa ra cơ sở lý luận về khái niệm an ninh phi truyền thống |
Để góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp bách ở vùng dân tộc thiểu số, theo PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hưởng, đề tài cần đưa ra cách tiếp cận vấn đề an ninh phi truyền thống, nêu rõ những thách thức đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, nhấn mạnh tới yếu tố tự nhiên, yếu tố xã hội. Nội hàm của vấn đề an ninh phi truyền thống khác nhau, nhất là tại những khu vực khác nhau. Do vậy, khái niệm an ninh phi truyền thống cần nhìn nhận ở diện rộng với sự chuyển hóa từ an ninh truyền thống sang an ninh phi truyền thống. Đối với vùng dân tộc thiểu số, đề tài cần nhận diện rõ khái niệm cùng các thách thức an ninh phi truyền thống từ nhiều góc độ.
Dự báo một số tình huống an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, GS, TS. Nguyễn Văn Tài, Học viện Chính trị Quân sự cho rằng, vùng dân tộc thiểu số chính là một trong những nơi dễ bị tổn thương trước những thách thức an ninh phi truyền thống có nguồn gốc từ tự nhiên và nguồn gốc từ con người gây ra. Chính vì vậy, cần dự báo những tình huống an ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số nước ta - nơi dễ bị tổn thương nhất để có các phương án ứng phó, hạn chế thấp nhất những tác hại, hậu quả do nó gây ra cho đồng bào dân tộc thiểu số. Dựa trên những đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay, GS, TS. Nguyễn Văn Tài đã đưa ra những dự báo một số tình huống an ninh phi truyền thống, đó là: Lũ lụt, bão lốc, sạt lở đất, mưa đá, hạn hán, cháy rừng trên diện rộng, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia, điểm nóng rối loạn trật tự an toàn xã hội, nạn kiều,…
Trên cơ sở các khái niệm công cụ, khung phân tích, các cách tiếp cận, phiên thảo luận thứ hai đưa ra những minh chứng cụ thể về các nguy cơ, thách thức đối với an ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số.
Bàn về nạn buôn bán ma túy - một trong những thách thức lớn đối với an ninh phi truyền thống hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số, cụ thể là ở khu vực Tây Bắc, ThS. Nguyễn Thị Kim Sang, Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, vùng Tây Bắc được Đảng, Nhà nước tập trung đầu tư phát triển nên đạt được một số thành tựu, nhưng vẫn là vùng chậm phát triển, nghèo nhất cả nước. Đời sống của quần chúng nhân dân, nhất là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc tuy được cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Đây là một trong những nhân tố chủ yếu làm phát sinh, phát triển và gia tăng tính phức tạp của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung, nhất là tội phạm về ma túy ở vùng Tây Bắc nói riêng. Tình hình an ninh, trật tự tại vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc diễn biến phức tạp, đặc biệt khu vực này được xác định là địa bàn trọng điểm phức tạp về tệ nạn ma túy và hoạt động phạm tội về ma túy với số lượng đối tượng bị phát hiện, bắt giữ và lượng ma túy thu giữ được luôn chiếm tỷ lệ cao so với cả nước. Để góp phần phòng, chống buôn bán ma túy, ThS. Nguyễn Thị Kim Sang đã đưa ra một số giải pháp: Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Bắc. Hai là, kết hợp vận động quần chúng với tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ba là, vận dụng các phương pháp, biện pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm về trình độ và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Bốn là, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình điểm và không ngừng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc.
Đề cập tới thuật ngữ an ninh tôn giáo, PGS, TS. Đỗ Lan Hiền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, an ninh tôn giáo được hiểu là tình hình tôn giáo ổn định, trật tự, hoạt động không có rối loạn đem đến sự bình yên, hòa bình cho con người, xã hội và các thể chế chính trị. Còn khủng hoảng an ninh tôn giáo tức là an ninh tôn giáo bị phá vỡ, xuất hiện những bất ổn trong đời sống tôn giáo, đời sống chính trị - xã hội và đời sống người dân. Liên hệ tới đời sống thực tiễn, PGS, TS. Đỗ Lan Hiền phân tích về sự chuyển đổi, đứt gẫy, khủng hoảng về mặt văn hóa, phong tục truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguyên nhân dẫn đến việc người dân tìm đến tôn giáo theo hướng tiêu cực do thiếu sự hiểu biết, nhận thức. Đây cũng chính là mối đe dọa tới an ninh tôn giáo, an ninh phi truyền thống ở khu vực này.
Toàn cảnh Hội thảo |
Nghiên cứu về an ninh môi trường vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, PGS,TS. Lê Thị Thanh Hà, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp cận dưới góc độ triết học. Từ những đặc điểm của vùng dân tộc thiểu số tác động tới an ninh môi trường, PGS, TS. Lê Thị Thanh Hà phân tích môi trường hiện nay cũng đang tác động, gây ảnh hưởng tới vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Điều đó được biểu hiện ở các mặt: Biến đổi khí hậu đe dọa môi sinh và quá trình sản xuất ở các vùng dân tộc thiểu số Việt Nam; Xung đột môi trường nước ảnh hưởng tới vùng dân tộc thiểu số; “Xâm lược sinh thái” đe dọa sự sống và tồn tại vùng dân tộc thiểu số Việt Nam; “Tự hủy diệt” đe dọa an ninh môi trường vùng dân tộc thiểu số.
Nghiên cứu trường hợp người Mông theo tổ chức Dương Văn Mình ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay nhìn từ góc độ an ninh phi truyền thống, TS. Phạm Hoàng Giang, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn lý giải những nguyên nhân khiến một bộ phận người Mông theo tổ chức Dương Văn Mình và tìm ra cách thức ứng xử phù hợp nhất đối với một bộ phận người Mông đang bị ảnh hưởng và lôi kéo của Dương Văn Mình. Qua đó, thấy được tính phức tạp của sự tác động những yếu tố an ninh phi truyền thống đến các vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay, nhất là những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Sau hai phiên thảo luận sôi nổi và nghiêm túc, Hội thảo đã nhận được những ý kiến phát biểu, đóng góp quý báu từ các học giả và các đồng chí lãnh đạo. Kết luận Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn cho rằng, Hội thảo đã có những định hình về quan niệm, các cách tiếp cận phù hợp với chủ đề của đề tài nghiên cứu, như: Cách tiếp cận về quyền trong tổng thể an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng; cách tiếp cận từ các mối đe dọa, uy hiếp đối với cá nhân, cộng đồng, quốc gia; cách tiếp cận từ các tác nhân thiên tạo và nhân tạo, đặc biệt là cơ chế chuyển hóa của các tác nhân với sự đa dạng, phức tạp, biến đổi khôn lường.
Trên tinh thần tiếp thu, ghi nhận những ý kiến từ Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, đề tài cần lựa chọn những phương diện nghiên cứu phù hợp với đặc điểm dân tộc, với những vấn đề cơ bản, cấp bách hiện nay, đó là: Những vấn đề đe dọa tới cá nhân con người (như tình trạng đói nghèo, ma túy, buôn bán trẻ em, hôn nhân cận huyết,…). Đe dọa tới cá nhân, cộng đồng, quốc gia như biến đổi khí hậu, di chuyển lao động xuyên biên giới,… Đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia (như ly khai, những vấn đề liên quan đến tôn giáo, an ninh mạng, tranh chấp các nguồn lực quốc gia,…), trong đó nhấn mạnh tới tính chuyển hóa giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Ngoài ra, đề tài cần có sự thống nhất cách tiếp cận vấn đề với phạm vi nghiên cứu vùng dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay; bổ sung nghiên cứu về tác động của toàn cầu hóa đối với vấn đề an ninh phi truyền thống ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam./.
Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp quan trọng trong ACMECS  (14/06/2018)
Việt Nam cam kết tôn trọng và thực thi đầy đủ Công ước Luật Biển  (14/06/2018)
Luxembourg là một đối tác quan trọng của Việt Nam  (14/06/2018)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi  (14/06/2018)
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện  (14/06/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên