TCCSĐT - Ngày 27-4-2018, tại trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức Hội nghị thông tin khoa học "C.Mác - Sự nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong thời đại ngày nay". GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là Báo cáo viên của buổi thông tin khoa học.

Dự Hội nghị có Thường trực và Ủy viên Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; thành viên Hội đồng khoa học các ban, cơ quan Đảng Trung ương; cán bộ nghiên cứu thuộc các ban, cơ quan Đảng và Ban thư ký, Văn phòng Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, việc tổ chức Hội nghị là hoạt động thiết thực nhân dịp Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C. Mác (05-5-1818 - 05-5-2018).

Trong phần trình bày của mình, GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn đã cung cấp một cách khái quát những thông tin về C. Mác và sự nghiệp của ông; các học thuyết cơ bản của C.Mác, những tư tưởng vượt thời đại của ông để có một cái nhìn thật sự khách quan, thật sự khoa học, thật sự tôn trọng Mác. Các tư tưởng, các học thuyết của Mác về triết học, về xã hội, về kinh tế, về con người, về khoa học và kỹ thuật,… là kết quả của một sự nghiên cứu, phê phán, tiếp thu và phát triển những tinh hoa lý luận, tính từ thời cổ đại cho đến tận L.Phơ-bach; là sự khái quát lý luận và tổng kết thực tiễn cực kỳ sôi động thế giới lúc bấy giờ, và trên hết là một sự sáng tạo tuyệt vời của bộ óc thiên tài, một trong những vĩ nhân vĩ đại nhất, có ảnh hưởng to lớn nhất trong mọi thời đại của nhân loại. Việc xây dựng nên học thuyết giá trị thặng dư là công lao lịch sử. Chủ nghĩa Mác không chết, chủ nghĩa cộng sản được xây dựng dựa trên các học thuyết chân chính của Mác không chết như một số người từng tuyên bố. Mác vẫn sống với nhân loại không chỉ ở thế kỷ XXI, bởi vì, những di sản của Mác đã trở thành tài sản chung của cả nhân loại và sẽ mãi mãi là như vậy. Michel Vadée, nhà triết học, thành viên của Trung tâm nghiên cứu và tư liệu về Hêghen và Mác thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, nhận định rằng “tư tưởng của Mác đã được biết đến nhiều: nó đã cắm sâu vào thế giới”.

Đề cập đến tư tưởng của C.Mác về văn hóa, GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng: Ở nước ta, suốt hàng chục năm qua người ta nói rất nhiều, viết rất nhiều và có không ít tác phẩm không kém phần sâu sắc về văn hóa, song đáng tiếc là có ít người chú ý đến tư tưởng “khi triết học trở thành triết học nói chung đối với thế giới, trở thành triết học của thế giới hiện đại” thì “chính nó trở thành linh hồn sống của văn hóa”. Một khi triết học trở thành linh hồn sống của văn hóa thì điều đó có nghĩa là trong mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa không thể thiếu tri thức triết học, nghĩa là không thể thiếu triết học. Xã hội hiện đại đang từng bước tiến tới nền kinh tế tri thức; tri thức thực sự đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp như C.Mác đã tiên đoán. Thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa, con người càng cần có nhiều tri thức. Đất nước sẽ không có sự phát triển, nhất là phát triển bền vững về tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, con người và môi trường sống trong điều kiện kinh tế thị trường, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa nếu thiếu sự dẫn đường của triết học.

Trình bày về vấn đề giai cấp công nhân trong tiến trình phát triển của lịch sử đương đại, GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn phân tích sự thay đổi nhanh chóng của sản xuất xã hội dưới tác động hết sức mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, của kinh tế tri thức, đang làm thay đổi sâu sắc các quan hệ giai cấp, cơ cấu giai cấp - xã hội, từ đó, tác động đến địa vị, vai trò, ảnh hưởng, sứ mạng của các giai cấp khác nhau trong xã hội. Giống như các khái niệm khoa học khác, khái niệm giai cấp vô sản, giai cấp công nhân cũng có sự thay đổi trong nội hàm của nó cùng với tiến trình vận động của lịch sử. Chính C.Mác, trong bộ Tư bản, đã viết về sự mở rộng khái niệm như khái niệm lao động sản xuất, người lao động (người công nhân) cùng với sự mở rộng của sự xã hội hóa sản xuất tư bản chủ nghĩa và sự thay đổi về chất của tính chất hợp tác của bản thân lao động. Những luận bàn và một số định nghĩa của C.Mác và Ph.Ăngghen nêu lên vào các thời kỳ khác nhau, cho chúng ta thấy vì sao trong khi bàn về vấn đề giai cấp nói chung, và giai cấp công nhân nói riêng, cả C.Mác và Ph.Ăng ghen đã có những thay đổi, bổ sung hợp lý và phát triển, có giá trị gợi mở đối với chúng ta hôm nay. Từ nửa sau thế kỷ XIX, nhận thấy sự tăng lên không ngừng của đội ngũ những người lao động trí óc nhằm đáp ứng các nhu cầu của các ngành sản xuất khác nhau của chủ nghĩa tư bản, C.Mác đã nói đến những khái niệm như “người công nhân (lao động) tổng thể”, “công nhân thương nghiệp”, “giai cấp vô sản trí óc”, “giai cấp đông đảo những người giám đốc công nghiệp và thương nghiệp”…

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến sang nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức, toàn cầu hóa nền kinh tế, quan niệm trên đây của C.Mác và Ph.Ăngghen là cơ sở để chúng ta bàn luận về giai cấp công nhân đương đại, để đưa ra những dự báo về xu hướng phát triển của giai cấp công nhân nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.