Lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh; đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Về phía tỉnh Hưng Yên có đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hưng Yên qua các thời kỳ cùng đông đảo bà con nhân dân địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lẵng hoa và lễ kính lễ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Trước khi bắt đầu buổi lễ, các đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh; đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và tham quan Nhà lưu niệm, nơi trưng bày trên 120 hình ảnh, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Mở đầu buổi lễ, các đại biểu đã giành phút tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ đọc diễn văn, trình bày khái quát về thân thế, sự nghiệp của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và về quá trình hình thành Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 01-7-1915 tại Hà Nội (quê gốc làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Xuất thân trong một gia đình yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, thấu hiểu cảnh đau khổ của đất nước lầm than, nô lệ, năm 1929, khi mới 14 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng, trong phong trào Học sinh đoàn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Khi chưa đầy 16 tuổi, đồng chí đã bị thực dân Pháp đưa ra xét xử tại Tòa đề hình, kết án tù giam. Trải qua 2 lần bị địch bắt, với 10 năm bị giam cầm trong ngục tù của chế độ thực dân, những ngón đòn tra tấn dã man của kẻ thù tại địa ngục trần gian Côn Đảo không khuất phục được ý chí gang thép của đồng chí. Trái lại, nhà tù đã trở thành trường học đặc biệt, tôi luyện đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung, dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh. Khi được trả tự do, hòa mình trong phong trào đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp nhân dân đòi các quyền dân chủ, dân sinh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành người cán bộ lãnh đạo cốt cán trong Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 9-1960, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử giữ chức Phó Bí thư, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ đọc diễn văn tại buổi lễ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại Đại hội IV (tháng 12-1976), Đại hội V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí được phân công giữ các chức vụ: Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương; Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương; Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Thường trực Ban Bí thư… Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đây là thời điểm tình hình trong nước hết sức khó khăn, tình hình quốc tế đang rất phức tạp, tác động tiêu cực đến tình hình trong nước. Trước diễn biến đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương nhạy bén, chủ động, sáng tạo, kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, được Đại hội VI của Đảng đề ra. Tiến hành đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng chí luôn giữ phong cách làm việc, lãnh đạo dân chủ, tỉ mỉ, sâu sát, chủ động, sáng tạo. Trên cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng thực hiện sự nhất quán giữa nói và làm.
Sau khi ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ khẳng định công lao và cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh với đất nước, quê hương, cũng như khẳng định tình cảm của Tổng Bí thư với quê hương Hưng Yên. Dù bận nhiều công việc quốc gia, song đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn hướng về quê hương Hưng Yên bằng những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Đồng chí đã 6 lần về thăm, làm việc tại Hưng Yên và thể hiện sự quan tâm với quê hương bằng những lá thư, bức điện, những lời dặn dò động viên, thăm hỏi ân cần tới Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong từng bước phát triển của quê hương.
Để tỏ lòng tri ân của quê hương Hưng Yên đối với công lao, đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Linh; tỉnh Hưng Yên đã xây dựng nhiều công trình quan trọng mang tên đồng chí như: Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh; 3 trường học ở xã Giai Phạm gồm: Trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, Quảng trường và tuyến đường trục chính của thành phố Hưng Yên mang tên Nguyễn Văn Linh… Đặc biệt, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh đã xây dựng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngay trên khu đất xưa của gia đình tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ. Công trình có tầm vóc và ý nghĩa lớn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên. Khu lưu niệm khánh thành ngày 17-9-2004, đến năm 2015 được nâng cấp, tu bổ, với diện tích trên 4.600 m2, bao gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày lưu niệm, nhà sắp lễ; khu mộ thân phụ, thân mẫu đồng chí Nguyễn Văn Linh và hệ thống cảnh quan cây xanh… Công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống, hài hòa với không gian, cảnh quan làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Khu lưu niệm đã trở thành địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và du khách thập phương về dâng hương, tưởng nhớ; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngày 06-9-2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cùng với lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Quyết định này đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trang trọng tổ chức đón nhận.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh gần 70 năm hoạt động cách mạng, 2 lần bị tù đày, 30 năm trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp to lớn, góp phần cùng toàn quân, toàn dân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, đồng chí trăn trở, tìm tòi sáng tạo, tháo gỡ khó khăn cho phát triển của thành phố và đóng góp tích cực vào đường lối đổi mới. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí kiên trì thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, thực hiện đổi mới có nguyên tắc. Đồng chí đã khởi xướng những việc cần làm ngay, nói thẳng, nói thật, nói đi đôi với làm,…
Đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định đồng chí Nguyễn Văn Linh là một nhân cách lớn, người cộng sản mẫu mực, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương, đất nước. Vui mừng trước những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đạt được trong những năm qua, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các cơ quan, ban ngành của tỉnh Hưng Yên cần phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đồng thời, tiếp tục quan tâm tuyên truyền, phát huy hơn nữa giá trị lịch sử văn hóa của Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong giáo dục truyền thống./.
Hội nghị Thông tin khoa học: "C.Mác - Sự nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong thời đại ngày nay".  (27/04/2018)
Đại thắng mùa Xuân 1975: Thắng lợi của nghệ thuật kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại  (27/04/2018)
Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975 với sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (27/04/2018)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên