Pháp - Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh

BTV/TTXVN
22:29, ngày 26-04-2018

TCCSĐT - Nhằm tăng cường quan hệ đồng minh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện chuyến thăm Mỹ trong ba ngày từ ngày 23 đến 25-4-2018. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một vị nguyên thủ Pháp tới Mỹ kể từ khi Tổng thống D. Trump lên nắm quyền hồi tháng 01-2017.

Trao đổi về nhiều chương trình nghị sự quan trọng

Tại cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, Tổng thống Pháp E. Macron và Tổng thống Mỹ D. Trump đã thảo luận về quan hệ hợp tác song phương, vấn đề hạt nhân Iran, tình hình Syria, vấn đề Triều Tiên, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh Pháp và Mỹ có những bất đồng về thương mại, Tổng thống D. Trump khẳng định Mỹ quan tâm đến việc tìm các phương thức mới để phát triển trao đổi thương mại. Trong khi đó, Tổng thống E. Macron cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “tôn trọng luật thương mại quốc tế” và bày tỏ mong muốn các công ty Pháp và Mỹ “làm việc trong một khuôn khổ rõ ràng”.

Trao đổi về vấn đề hạt nhân Iran mà Mỹ và Pháp vốn đang bất đồng, Tổng thống D. Trump nhắc lại rằng thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) ký cách đây 3 năm là “thảm họa”. Tổng thống D. Trump cảnh báo thỏa thuận này sẽ không ngăn cản chương trình tên lửa đạn đạo của Iran hay việc Tehran hỗ trợ cho các nhóm phiến quân tại Trung Đông. Theo ông, Iran sẽ đối mặt với những vấn đề lớn chưa từng thấy nếu như nhà nước Hồi giáo này tái khởi động chương trình hạt nhân.

Về phần mình, Tổng thống Pháp vẫn duy trì quan điểm trước đó khi nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân Iran và cho rằng đây là một phần trong vấn đề an ninh tại khu vực Trung Đông. Ông cho rằng văn kiện trên là “sự lựa chọn sẵn có tốt nhất” để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống E. Macron cũng đồng thời lưu ý Paris muốn kiềm chế Iran trong khu vực.

Tuy nhiên, Tổng thống D. Trump và người đồng cấp E. Macron đã thảo luận về một “thỏa thuận mới” củng cố hơn nữa thỏa thuận JCPOA và phù hợp với mong muốn của Tổng thống D. Trump, như chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hay ảnh hưởng gia tăng của Iran trong khu vực.

Tổng thống E. Macron cũng cho biết chi tiết về những trụ cột chính trong cách tiếp cận mới mà Pháp muốn thông qua và chính xác những gì Tổng thống D. Trump đã nói. Đó là vấn đề hạt nhân trong ngắn hạn, trong dài hạn, hoạt động tên lửa đạn đạo và sự hiện diện trong khu vực của Iran. Theo ông, các nước cần phải tìm kiếm một thỏa thuận công bằng để thay đổi tình hình hiện nay. Đây là cách duy nhất để duy trì chủ quyền trong khu vực và kiến tạo hòa bình trong dài hạn, bởi nếu không chắc chắn khu vực này sẽ tràn ngập các nhóm khủng bố mới.

Về phần mình, Tổng thống D. Trump vẫn không cho biết rõ về việc liệu ông có thực hiện lời đe dọa từ bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết với Tehran hồi năm 2015 vào ngày 12-5 tới hay không. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo “nếu Iran đe dọa chúng tôi thì họ sẽ phải trả cái giá mà rất ít quốc gia từng trải qua”. Hai nhà lãnh đạo cũng đã cam kết sẽ tìm cách giải quyết những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Iran.

Về tình hình Syria, Tổng thống D. Trump đã đánh giá cao vai trò của Pháp trong liên minh quân sự ba nước Anh, Pháp, Mỹ trong cuộc không kích mới đây tại Syria nhằm đáp trả lại các cuộc tấn công bị nghi có sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống D. Trump nhấn mạnh trong khi quân đội Mỹ truy đuổi những tay súng thành viên Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi Syria, các quốc gia có trách nhiệm ở Trung Đông phải tăng cường sự đóng góp nhằm ngăn chặn Iran hưởng lợi từ thành công của những nỗ lực chống IS. Trong khi đó, Tổng thống E. Macron khẳng định vai trò then chốt của Mỹ đối với tương lai Syria, đồng thời kêu gọi Washington tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria nhằm bảo đảm cho cuộc chiến chống lại các phần tử IS. Theo nhà lãnh đạo Pháp, mặc dù người dân Syria sẽ quyết định tương lai của đất nước họ nhưng Mỹ, Pháp và các đồng minh khác sẽ đóng vai trò “vô cùng quan trọng” trong việc tái thiết Syria sau khi cuộc chiến chống IS kết thúc.

Liên quan đến việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hồi tháng 8-2017, Tổng thống E. Macron cho rằng, hai bên còn bất đồng trong vấn đề này, đồng thời cảnh báo các thế hệ tương lai đang lâm nguy nếu không còn văn kiện này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống E. Macron đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, trong đó nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi Mỹ từ bỏ chủ nghĩa dân tộc và giữ vững các lý tưởng mang tính toàn cầu về sự hợp tác trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố và những thách thức khác. Tổng thống Pháp cho rằng, trật tự thế giới trong thế kỷ XXI có thể được xây dựng dựa trên chủ nghĩa đa phương mới hiệu quả hơn, trách nhiệm hơn và hướng tới kết quả. Ông E. Macron nói: “Chúng ta có thể lựa chọn chủ nghĩa biệt lập, sự rút lui, chủ nghĩa dân tộc. Đó là một lựa chọn. Chúng có thể hấp dẫn chúng ta như một phương thuốc nhất thời cho nỗi sợ của chúng ta. Tuy nhiên, việc đóng cửa với thế giới sẽ không làm thế giới ngừng phát triển”.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh tới tự do thương mại và vấn đề biến đổi khí hậu. Tổng thống E. Macron khẳng định thế giới cần một nền thương mại công bằng và tự do, đồng thời cho rằng một cuộc chiến thương mại giữa các đồng minh sẽ “không phù hợp với sứ mệnh, lịch sử và những cam kết” của các nước đối với an ninh toàn cầu. Bên cạnh đó, ông E. Macron cho rằng với việc làm ô nhiễm biển, phát thải khí CO2 và phá hủy hệ sinh thái, con người đang giết chết Trái Đất. Ông nhấn mạnh không có Trái đất thứ hai.

Quan hệ đồng minh lâu đời

Có thể thấy, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống E. Macron mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây không chỉ là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Pháp tới Mỹ kể từ khi ông D. Trump trở thành Tổng thống Mỹ mà những nghi thức tiếp đón trang trọng nhất cùng việc hai nhà lãnh đạo trồng trên bãi cỏ Nhà Trắng cây sồi mang từ một cánh rừng ở Pháp, nơi 100 năm trước quân đội hai nước đã sát cánh trong trận chiến chống kẻ thù chung… đã thể hiện mối quan hệ đồng minh lâu đời với lịch sử kéo dài gần 250 năm giữa hai cường quốc ở hai bờ Đại Tây Dương.

Trong bối cảnh Pháp và Mỹ có những bất đồng về thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran, trước chuyến thăm, Tổng thống Pháp đã đặt ra hai mục tiêu đó là khẳng định và thắt chặt mối quan hệ đồng minh, đồng thời hóa giải những bất đồng với Mỹ. Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu để khẳng định mối quan hệ, thì có thể nói quan hệ đồng minh Mỹ - Pháp dưới thời Tổng thống D. Trump khá nồng ấm, đặc biệt khi đặt trong tổng thể quan hệ giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) hay với các cường quốc hàng đầu châu Âu khác như Đức và Anh. Bất chấp Tổng thống D. Trump đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris năm 2015 mà Pháp là nước đi đầu ủng hộ, hay những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề thương mại cũng như vấn đề Iran, Pháp và Mỹ đều tỏ ra coi trọng và nỗ lực củng cố mối quan hệ song phương. Tháng 7-2017, Tổng thống D. Trump đã được đón tiếp trọng thị tại Paris khi Tổng thống E. Macron mới nhậm chức được 2 tháng mời nhà lãnh đạo Mỹ thăm chính thức Pháp. Trong chuyến thăm này, Tổng thống D. Trump cũng là khách mời danh dự tại lễ duyệt binh trên Đại lộ Champ-Élysées mừng ngày Quốc khánh Pháp 14-7. Cùng với đó, việc Pháp tham gia cùng các đồng minh Mỹ và Anh tấn công tên lửa nhằm vào Syria hôm 14-4 vừa qua, cũng cho thấy Paris sẵn sàng hỗ trợ và phối hợp với Washington trên các mặt trận ác liệt nhất. Hơn thế, dư luận còn nói về một “tình bạn” giữa Tổng thống D. Trump và Tổng thống E. Macron. Rõ ràng rằng, so với thời kỳ hai nước bất hòa gay gắt sau khi Mỹ mở cuộc tấn công Iraq năm 2003 khiến Pháp bày tỏ phản đối, hay vụ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị phát hiện nghe lén hàng chục triệu cuộc điện thoại của công dân Pháp trong giai đoạn 2012 - 2013, thậm chí theo tiết lộ của WikiLeaks, NSA đã tiến hành theo dõi các cựu Tổng thống Pháp là Jacques Chirac (Giắc Si-rắc), N. Sarkozy và F. Hollande từ năm 2006 đến năm 2012, mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp đã được cải thiện đáng kể. Và những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ tại cuộc hội đàm trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp đã cho thấy hai nước có thể thỏa hiệp và vượt qua được những vấn đề còn bất đồng, vốn được coi là “phép thử” của quan hệ đồng minh.

Các nhà phân tích nhận định, trong chuyến công du lần đầu tiên tới Mỹ, Tổng thống Macron, bằng sự chủ động và khôn khéo, đã phần nào chứng tỏ Pháp là đối tác duy nhất mà Tổng thống D. Trump tin cậy ở châu Âu. Đối với Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống E. Macron tiếp tục khẳng định Washington vẫn là đồng minh chiến lược quan trọng hàng đầu của nước Pháp. Đặc biệt, trong bối cảnh Tổng thống E. Macron đang muốn khẳng định vai trò lãnh đạo EU của Pháp, chuyến thăm cũng có thể là cơ sở để cài đặt lại mối quan hệ giữa Mỹ và EU, vốn bị lạnh nhạt kể từ khi ông D. Trump nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ./.