TCCSĐT - Ngày 18-02, Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 54 đã bế mạc tại thành phố Munich, Đức với nhiều sáng kiến được đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề nóng của an ninh toàn cầu. Kết quả nổi bật của hội nghị là các bên đã nắm được những thách thức mới cũng như những điều cần tránh để duy trì an ninh toàn cầu. Tuy vậy, cần có những bước đi cụ thể để triển khai tất cả các tầm nhìn và ý tưởng đã được chia sẻ tại hội nghị này.

Diễn đàn với mục tiêu thúc đẩy việc giải quyết xung đột một cách hòa bình

Được thành lập năm 1963, Hội nghị An ninh Munich thường niên là một diễn đàn với mục tiêu thúc đẩy việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cùng hợp tác và đối thoại quốc tế.

Hội nghị lần này quy tụ hơn 500 quan chức trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các Ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không phải lúc nào cũng êm ả cộng với những thách thức đối với trật tự thế giới, chủ yếu là xu hướng bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân tộc.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không phải lúc nào cũng êm ả cộng với những thách thức đối với trật tự thế giới, chủ yếu là xu hướng bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân tộc. Trong ba ngày diễn ra hội nghị, vai trò trong tương lai của Liên minh châu Âu và mối quan hệ giữa khối này với Nga và Mỹ là những chủ đề chính được thảo luận. Ngoài ra, các đại biểu đề cập hàng loạt vấn đề an ninh quốc tế như các cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là các mối quan hệ đi xuống giữa các quốc gia vùng Vịnh, cũng như các diễn biến chính trị ở khu vực Sahel ở châu Phi. Kiểm soát vũ khí cũng sẽ là một chủ đề được đưa ra bàn thảo, với trọng tâm là chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Các đại biểu cũng đã thảo luận về tác động của công nghệ đối với nền dân chủ và các vấn đề kinh tế, cụ thể là trật tự kinh tế thế giới và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger cảnh báo thế giới đang bên bờ vực xung đột giữa các quốc gia, đồng thời cho rằng cần phải có các bước đi cụ thể.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các đại biểu tham dự hội nghị "không bỏ lỡ cơ hội đạt được một nghị quyết hòa bình" nhằm phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông Guterres cảnh báo một giải pháp quân sự sẽ gây ra hậu quả lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải gây sức ép toàn cầu để có thể đạt được giải pháp ngoại giao. Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết mục tiêu của NATO là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, song nhấn mạnh chừng nào loại vũ khí hủy diệt này tồn tại, NATO sẽ tiếp tục là một liên minh hạt nhân.

Nga-Mỹ căng thẳng xung quanh cáo buộc can thiệp bầu cử

Là diễn đàn ra đời trong thời kỳ Chiến tranh lạnh nên thật dễ hiểu khi quan hệ Liên Xô - Mỹ và sau này là quan hệ Nga - Mỹ luôn là sự kiện tâm điểm của Diễn đàn. Năm nay, quan hệ Nga-Mỹ lại căng thẳng xung quanh cáo buộc can thiệp bầu cử. Ngay trước Hội nghị, phía Mỹ cáo buộc 3 công ty Nga và 13 công dân nước này can thiệp vào chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ giai đoạn 2014-2016 nhằm ủng hộ doanh nhân Donald Trump và làm mất uy tín đối thủ Hillary Clinton. Những cáo buộc trên được đưa ra trong bản cáo trạng dài 37 trang do Văn phòng Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, một thành viên bồi thẩm đoàn liên bang của Mỹ và là người phụ trách cuộc điều tra nghi vấn Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, công bố ngày 16-02. Báo cáo đã mô tả "một âm mưu phá hoại cuộc bầu cử Mỹ do một nhóm người sử dụng nhân thân giả trên mạng để truyền bá các thông điệp gây chia rẽ, đến Mỹ để thu thập tình báo cũng như tiến hành mít-tinh chính trị trong khi đóng giả làm công dân Mỹ". Ông Robert Mueller cho rằng những người này đã thực hiện cái gọi là "cuộc chiến thông tin" nhằm vào Mỹ với mục tiêu "làm mất lòng tin đối với các ứng cử viên và hệ thống chính trị nói chung".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 17-02 tuyên bố những cáo buộc của Washington về việc 13 công dân Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ là hoàn toàn lố bịch và vô lý. Trên mạng xã hội Facebook, bà Zakharova viết: “Những công dân Nga này, theo Bộ Tư pháp Mỹ, gồm 13 người. 13 người can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ? 13 người chống lại các cơ quan đặc biệt với ngân sách hàng tỉ USD? Chống lại các cơ quan tình báo và phản gián, chống lại những phương thức và công nghệ tiên tiến nhất? ... Đây là điều hoàn toàn lố bịch”.

Cũng trong ngày 17-02, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, dẫn đến kết quả Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ông Lavrov khẳng định những cáo buộc trên là vô căn cứ và bịa đặt. Theo ông, những cáo buộc và tuyên bố "đang được thổi phồng". Nhà ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh các quan chức Mỹ, trong đó có cả Phó Tổng thống Mike Pence trước đây từng bác khả năng có bất kỳ nước nào tác động vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Sau khi Ngoại trưởng Nga đề cập vấn đề trên, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster tuyên bố Mỹ sẵn sàng đối thoại với Nga trong vấn đề an ninh mạng nếu như "Moskva có cách tiếp cận chân thành".

Cho tới nay, phía Mỹ vẫn cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016 bằng cách tiến hành chiến dịch tấn công mạng và tiết lộ những thông tin gây bất lợi cho ứng cử viên Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Moskva đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ những cáo buộc này. Tổng thống Trump cũng khẳng địnhh không hề có mối liên hệ nào giữa đội ngũ tranh cử của ông với Nga.

Liên minh châu Âu cần Mỹ cũng như Mỹ cần Liên minh châu Âu

Quan hệ Mỹ và EU là một trong những trụ cột bảo đảm an ninh toàn cầu. Mối quan hệ này đang có những dấu hiệu “nhạt dần” nhất là từ sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump nhậm chức.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 54, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhận định: Mỹ cần Liên minh châu Âu nhiều như Liên minh châu Âu cần Mỹ và hai bên cần xây dựng lại các mối quan hệ vốn có và hợp tác với nhau nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo và quan chức quốc phòng thế giới ngày 17-02, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh nước Mỹ không còn là siêu cường duy nhất, và cần sự hỗ trợ từ các đồng minh truyền thống tại châu Âu, những quốc gia chia sẻ chung các giá trị với Washington. Cũng theo Ngoại trưởng Đức, các nước Liên minh châu Âu rõ ràng cũng cần Mỹ để có thể thực hiện được mong muốn tham gia định hình thế giới tương lai. Ông Gabriel nêu rõ sức mạnh của châu Âu không đủ để định hình thế giới, cả Liên minh châu Âu và Mỹ đều không thể làm một mình mà cần sự hỗ trợ của các đối tác và đồng minh.

Đề cao sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đức cũng như những giá trị mà Mỹ truyền bá, nhưng Ngoại trưởng Đức cũng chỉ trích chính sách "Nước Mỹ trước tiên", cho rằng đây không phải thời điểm theo đuổi lợi ích quốc gia riêng mà cần trở lại với sự hợp tác lớn hơn. Theo ông Gabriel, là những đối tác, đồng minh lâu năm, Mỹ cần tôn trọng sự thống nhất của EU, không nên tìm cách thử thách hay gây chia rẽ EU như các đối thủ cạnh tranh của khối này.

Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh bản thân EU cũng cần hợp tác tốt hơn, cho rằng liên minh này cần cả công cụ lẫn chiến lược chung để xác lập lợi ích trên toàn cầu một cách hiệu quả. Theo ông, EU không thể đơn giản yên tâm với một chiến lược quân sự và thờ ơ với các khoản chi cho quân sự và quốc phòng.

Vấn đề hạt nhân, hiểm họa IS

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã kêu gọi tất cả quốc gia cắt đứt mọi mối quan hệ về thương mại và quân sự với Triều Tiên.

Ông McMaster nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần sử dụng mọi công cụ có thể để gây sức ép với Triều Tiên, đảm bảo Bình Nhưỡng "không thể đe dọa thế giới bằng những loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp nhất trên thế giới". Theo đại diện Mỹ, để giải quyết vấn đề này, ngoài việc áp đặt những biện pháp trừng phạt sẵn có, các nước cần phải quyết tâm hạ cấp quan hệ ngoại giao với Triều Tiên cũng như cắt đứt mọi mối quan hệ về thương mại và quân sự với nước này.

Trước đó, cũng phát biểu tại Hội nghị Munich, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng cần phải duy trì áp lực với Triều Tiên nhằm buộc chính quyền Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân. Ông Kono kêu gọi thực thi nghiêm khắc các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

Liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc cho biết Trung Quốc hy vọng các cuộc hòa đàm sẽ được nối lại nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề khẩn cấp nhất hiện nay. Theo bà, cần có những thỏa thuận được đưa ra thông qua đàm phán để giải quyết các quan ngại về an ninh của tất cả các bên. Quan chức này nêu rõ sự thiếu tin tưởng giữa Mỹ và Triều Tiên khiến các thỏa thuận song phương cũng như đa phương trở nên bất khả thi, đồng thời đẩy bán đảo vào vòng xoáy leo thang căng thẳng. Bà Phó Oánh cũng tái khẳng định Trung Quốc ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nhất trí về sự cần thiết của các lệnh trừng phạt nhằm vào chính quyền Bình Nhưỡng.

Cũng liên quan đến tình hình Triều Tiên, trước đó một ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sau những sự kiện liên quan đến tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Ông Guterres nhấn mạnh Triều Tiên và Mỹ cần “ngồi lại để có một cuộc trao đổi đầy ý nghĩa”. Ông cũng cho rằng cần nỗ lực thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, bên cạnh tiếp tục duy trì sức ép đối với Bình Nhưỡng. Ông Guterres kêu gọi giới hoạch định chính sách không nên bỏ lỡ cơ hội về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời khẳng định giải pháp quân sự sẽ “gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

Cũng liên quan đến vấn đề hạt nhân, tại Hội nghị, Trung Quốc cam kết thực hiện nguyên tắc không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, đồng thời bày tỏ quan ngại về sự nguy hiểm của việc phát triển vũ khí hạt nhân trong thời điểm hiện tại.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Phó Oánh nêu rõ: “Trung Quốc duy trì kho vũ khí hạt nhân rất nhỏ và tuân theo chính sách tự vệ và răn đe tối thiểu. Trung Quốc cũng cam kết nguyên tắc không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, đồng thời không dùng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ quốc gia hạt nhân nào trong mọi hoàn cảnh, cũng như không sử dụng vũ khí hạt nhân tại vùng phi hạt nhân”.

Bà Phó Oánh đưa ra phát biểu trên tại cuộc thảo luận của MSC về vấn đề an ninh hạt nhân, tại đây các bên tham gia đều bày tỏ quan ngại về sự phổ biến hạt nhân ở thời điểm hiện tại. Theo bà, sau nhiều thập kỷ, thế giới đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân lớn, tuy nhiên rõ ràng thách thức và nguy cơ đang ngày một gia tăng. Bà cũng nhấn mạnh rằng, 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh và Pháp cần tiếp tục nỗ lực duy trì ổn định chiến lược toàn cầu để bảo vệ cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời tiếp tục nỗ lực giải trừ hạt nhân.

Về vấn đề IS, phát biểu ngày 18-02 tại Hội nghị An ninh Munich, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats nhận định: Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng vẫn là mối đe dọa an ninh thế giới bất chấp những thắng lợi của các liên quân quốc tế chống IS tại Syria và Iraq. Việc đánh bại IS giống như "giết một con bạch tuộc". Tuy nhiên, ông khẳng định IS còn hơn cả một tổ chức khủng bố mà là một hệ tư tưởng, cũng có thể là hệ thống thần học. Vì vậy, sự kết hợp giữa tư tưởng và thần học sẽ tồn tại lâu hơn dù bị đánh bại trên chiến trường.

Theo quan chức an ninh Mỹ, hiện chưa rõ các nước đã làm đủ để ngăn IS không thể khôi phục hay chưa hay mới chỉ đang "tạm ngừng" và chúng có thể tái lập.

Căng thẳng quan hệ Israel với Iran

Căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang ngày 10-02 khi một máy bay chiến đấu của Israel đã bị trúng tên lửa, khiến 2 phi công phải nhảy dù, một trong hai người đang trong tình trạng nguy kịch, người còn lại bị thương nhẹ. Quân đội Israel tuyên bố tên lửa trên được phóng từ Syria, đồng thời khẳng định Quân đội Israel đã phát hiện một máy bay không người lái của Iran xâm phạm không phận Israel. Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ thông tin này. Đây được coi là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Israel với Syria và Iran kể từ khi cuộc xung đột tại Syria bùng phát vào năm 2011. Nhằm đáp trả hai vụ việc trên, Quân đội Israel đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào hệ thống phòng không Syria và các mục tiêu Iran tại Syria.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Israel tuyên bố chặn máy bay không người lái của Iran đi vào không phận của Israel đầu tháng này.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich đang diễn ra tại thành phố Munich ngày 18-02, nhà lãnh đạo Israel Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định trong trường hợp cần thiết, Israel sẽ hành động đối phó với Iran, chứ không chỉ riêng đồng minh của Tehran. Ông nhận định Iran đang gia tăng quyền lực tại khu vực Trung Đông sau khi liên quân chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng do Mỹ dẫn đầu đã giành lại được những vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng. Thủ tướng Netanyahu cho rằng Iran đang tìm cách thiết lập một vành đai liên kết từ Iran tới Iraq, Syria, Liban và Gaza, coi đây là một diễn biến nguy hiểm với Trung Đông.

Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố Israel đã coi chủ trương gây hấn làm chính sách chống lại các quốc gia láng giềng, đồng thời cáo buộc Tel Aviv có hành động trả đũa quy mô lớn nhằm vào các nước láng giềng, cũng như thường xuyên xâm phạm lãnh thổ Syria và Liban. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 18-02, Ngoại trưởng Zarif cho rằng toàn bộ bài phát biểu của Thủ tướng Netanyahu là tìm cách tránh né vấn đề này, đồng thời khẳng định việc máy bay Israel bị bắn trúng sau khi tấn công mục tiêu Iran tại Syria đã phá vỡ cái gọi là năng lực vô địch của Israel. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Iran, không có quốc gia nào có thể nhận mình hoàn toàn vô can trong cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực. Khủng hoảng của Iran trong thế giới liên kết này sẽ là khủng hoảng của tất cả các bên. Quan chức này nêu rõ nếu lợi ích của Iran không được đảm bảo, Tehran sẽ có phản ứng nghiêm túc.

Trong 3 ngày Hội nghị An ninh Munich, các đại biểu đã làm rõ quan điểm, cách tiếp cận của mỗi bên đối với nhiều vấn đề an ninh toàn cầu. Vấn đề đặt ra là hành động để biến những cơ hội giải quyết xung đột một cách hòa bình thành hiện thực. Đúng như phát biểu của Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger tại lễ bế mạc: Sau hội nghị này, các bên đã nắm được những thách thức mới cũng như những điều cần tránh, song cần có những bước đi cụ thể nhằm triển khai tất cả các tầm nhìn và ý tưởng thành hiện thực./.