TCCSĐT - Sáng 18-12-2017, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Tọa đàm “Đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống”.

Trong hơn 30 năm qua, thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, kinh tế tư nhân đã phát triển rộng khắp, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn 2001 - 2016, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển. Doanh nghiệp tư nhân phát triển ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền; số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh, từ trên 55.236 doanh nghiệp (năm 2002) lên khoảng 500.000 doanh nghiệp (năm 2016) với nhiều loại hình đa dạng.

Hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân dần được nâng lên, có tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 39% - 40%. Khu vực kinh tế tư nhân cũng chiếm trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế; thu hút khối lượng vốn khá lớn từ nền kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.

Tuy nhiên, nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã tập trung thảo luận các nội dung về:

Một là, công tác tư tưởng trong việc tổ chức, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân;

Hai là, phân tích, làm rõ các nút thắt trong phát triển kinh tế tư nhân, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân;

Ba là, đổi mới tư duy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý của Nhà nước để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta;

Bốn là, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm;

Năm là, các biện pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ; đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp;

Sáu là, các giải pháp khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước;

Bảy là, tạo lập môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân với loại hình doanh nghiệp khác; đặc biệt là tiếp cận về nguồn lực, đất đai, quyền kinh doanh; những biện pháp để huy động nguồn lực hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển; hỗ trợ thị trường đầu vào, đầu ra cho doanh nghiệp tư nhân nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước;

Tám là, phát triển khoa học - công nghệ và nâng cao khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực kinh tế tư nhân nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh;

Chín là, phát triển hợp lý doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ;
Mười là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; hàng giả, hàng nhái; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; xây dựng, nâng cao văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân./.