TCCSĐT - Vào những tháng đầu năm 2009, trong sự biến động của giá cả ở nước ta có nhiều điểm đáng quan tâm. Đặc biệt, xuất hiện một số động thái giá cả khác thường so với xu hướng giá cả thế giới. Biến động giá cả dưới tác động của nhiều yếu tố đã đẩy chỉ số CPI tăng, theo dự báo, với đà tăng này, đến cuối năm 2009, có thể CPI lên tới mức 2 con số.

Những biến động đáng chú ý của giá trong nửa đầu năm 2009 thể hiện ở những nét sau:

Thứ nhất, CPI không cao, nhưng xu hướng tăng nhanh và khá ổn định trong những tháng gần đây.

So với tháng 12-2008, CPI của cả nước tăng lần lượt qua 6 tháng từ đầu năm đến nay là: 0,32%; 1,49%; 1,32%; 1,68% ; 2,12% và 2,68%. So cùng kỳ năm 2008 thì CPI cả nước trong 6 tháng đầu năm 2009 vẫn ở mức 2 con số là 10,27%.

Xu hướng CPI tăng nhanh, ổn định trong 3 tháng của quý II/2009 thể hiện rất rõ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với các số liệu tương ứng là 0,13%; 0,24%; 0,91%; và 0,49%; 0,58%; 0,6%. Điều này cho thấy, dấu hiệu gia tăng mạnh dần các tác động trễ (thường từ 3-6 tháng) của chính sách nới lỏng tài chính - tiền tệ trong khuôn khổ các gói kích cầu của Chính phủ.

Thứ hai, xuất hiện một số động thái giá cả khác thường so với xu hướng giá cả thế giới.

Điển hình cho các cú “đi ngược chiều” với giá cả thế giới là giá sữa ngoại nhập trên thị trường sữa Việt Nam tăng liên tục, nhưng tăng theo kiểu nhỏ giọt để lách luật chống độc quyền (Nhà nước sẽ chỉ kiểm tra giá bán sản phẩm kinh doanh không trong diện kiểm soát giá nếu có biến động tăng giá quá mức quy định, chẳng hạn 30%) trong khi giá trên thế giới hạ, khiến 6 loại sữa Enfa có giá bán cao hơn giá vốn từ 220%-245%, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà kinh doanh sữa ngoại trong bối cảnh khủng hoảng chung toàn thế giới.

Làn “sóng lừng” thứ hai cũng “lạ” không kém là cơn sốt nóng kéo dài khá lâu những tháng cuối quý I, đầu quý II/2009 của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong khi có sự nguội lạnh chung của TTCK thế giới, khiến giá trị vốn hoá của TTCK tăng chóng mặt, từ mức 15% GDP cuối năm 2008, lên 32% GDP chỉ trong vài chục ngày, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử 9 năm hình thành và phát triển TTCK nước ta. Nhiều nụ cười và lợi nhuận bất ngờ của các nhà đầu tư mới nhập cuộc đã làm thay đổi khí sắc, và một lần nữa càng khẳng định tính khí bất định của thị trường vốn còn thiếu chuyên nghiệp này ở nước ta…

Giá cả trên thị trường bất động sản trong nước nóng dần trong thời gian qua cũng là một hiện tượng trái ngược với xu hướng bán đổ bán tháo trên thị trường bất động sản Mỹ, hoặc không khí trầm lắng chung bao phủ thị trường này trên thế giới.

Cuối cùng, làn sóng tăng lãi suất ngân hàng hiện nay đang tạo ra sự tương phản khác biệt với xu hướng kiềm chế lãi suất chung khá thấp trên thị trường tài chính thế giới, thậm chí chưa phù hợp với nguyên tắc triển khai các liệu pháp kích cầu mà Việt Nam theo đuổi…

Ngoại trừ việc tăng giá sữa có tính chất tâm lý và độc quyền, còn 3 “làn sóng lạ” sau cùng, trực tiếp hoặc gián tiếp, ít nhiều, đều liên quan đến tác động hai mặt của gói kích cầu mà các ngân hàng thương mại đang khẩn trương triển khai. Nói cách khác, việc khuyến khích đầu tư, tiêu dùng và mở rộng cho vay từ các nguồn tiền “dễ”, với lãi suất ‘rẻ” đã không loại trừ khả năng làm gia tăng dòng vốn xã hội chảy vào các thị trường đầu tư nặng tính đầu cơ nêu trên (đặc biệt, trong khi các hoạt động kiểm soát sau khi cho vay chưa được quan tâm đúng mức, cũng như trong bối cảnh doanh nghiệp không dễ tìm kiếm được các cơ hội đầu tư mới hấp dẫn )…

Tham gia vào xu hướng tăng giá và góp phần đẩy chỉ số CPI tăng trong những tháng gần đây còn có các mặt hàng thực phẩm, cũng như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liêu xây dựng…

Ngoài ra, ở một số thời điểm, do tác động mặt trái của chính sách quản lý vĩ mô mục tiêu, đã nảy sinh những biểu hiện trái chiều ngắn hạn về giá trong nước so với giá thế giới ở thị trường vàng, thị trường ngoại hối và thị trường xe máy…

Thứ ba, xu hướng giảm giá hàng xuất khẩu đã gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Ngoài những mặt hàng công nghiệp và dầu thô bị giảm giá mạnh, thậm chí tới 60-70% từ cuối năm 2008, sang năm 2009, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đã giảm giá đột ngột khiến các nhà nông và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị thiệt hại nặng, như cà-phê giảm giá 500 USD/tấn, cao su giảm 42%, tiêu giảm 35% và điều giảm 15%...

Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh thị trường khốc liệt trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu đã giúp giảm giá một số dịch vụ, như viễn thông, giao thông vận tải và du lịch, cả trong nước, cũng như quốc tế…

Nếu cứ theo đà này cộng hưởng với tác động trễ và trái chiều của chính sách kích cầu trong nước và quốc tế, cũng như sự hồi phục của kinh tế thế giới, chỉ số CPI có thể sẽ tiếp tục tăng, thậm chí, tăng nhanh hơn, và đạt mức trên dưới 2 con số vào cuối năm nay. Tuy nhiên, chỉ số CPI sẽ khó vượt qua mốc 13%-15% so với cùng kỳ 2008.

Bên cạnh xu hướng tăng giá đối với một số mặt hàng, dự báo, sẽ có những động thái đáng chú ý sau:

- Giá sẽ tăng nhẹ, ổn định ở thị trường bất động sản, vàng, xăng dầu, thực phẩm và giao thông vận tải, năng lượng điện, cũng như chứng khoán của một số ngân hàng mạnh, một số công ty kinh doanh dầu khí và chế tạo hàng xuất khẩu sang các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật;

- Xu hướng giảm giá sẽ đậm hơn ở các mặt hàng cước viễn thông, hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng, xe máy, một số hàng hoá và dịch vụ ngoại nhập trong danh mục giảm thuế theo lộ trình cam kết trong khuôn khổ WTO, ATFA, các hiệp định thương mại tự do, đối tác kinh tế đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia;

- Ít nhiều sẽ có sức ép nâng các loại lãi suất và tăng tỷ giá danh nghĩa, cũng như nới rộng biên độ và điều hành tỷ giá linh hoạt hơn…

Trong bối cảnh trên, để thực hiện tốt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục triển khai chủ trương “kích cầu” một cách có trọng tâm, trọng điểm, đề cao tính hiệu quả và bám sát hơn các nguyên tắc thị trường, giảm thiểu cơ chế xin - cho trong hoạt động kích cầu, nhất là thực hiện các nguyên tắc “kích cầu bằng các đồng tiền phi lạm phát” (không phát hành tiền khống để cho vay, không cho vay dễ dãi gây mất an toàn hệ thống do nợ xấu, không cho vay quá dàn trải hoặc quá tập trung, không định giá quá cao đồng nội tệ và cố định quá lâu tỷ giá trong khi các đồng tiền thế giới có liên quan bị mất giá...).

Hai là, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại có tổ chức, có tính chuyên nghiệp cao, đi đôi với thúc đẩy các hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp, sản phẩm và thị trường, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch, hỗ trợ làng nghề.

Ba là, tiến hành triệt để, thực chất hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, chống tham nhũng.

Bốn là, coi trọng hơn công tác thông tin, giám sát từ xa, giám sát sau cho vay đầu tư và giám sát tổng thể bảo đảm an toàn hệ thống. Ngoài ra, các hoạt động thông tin, tuyên truyền và bảo đảm lòng tin của khu vực doanh nghiệp và ngân hàng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Năm là, những hoạt động bảo đảm an sinh xã hội cũng cần tiến hành hiệu quả với quy mô rộng rãi hơn trong thời gian tới. Tăng cường sự đoàn kết và đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, trách nhiệm và sự năng động, sáng tạo của cá nhân và cơ sở, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát huy các nguồn lực trong và ngoài ngân sách, trong và ngoài nước là những biện pháp có ý thiết thực, cả trước mắt, cũng như lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta./.