Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã cam kết tuân thủ tất cả các hiệp định của WTO, trong đó có Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) và Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật (Hiệp định SPS).

Các hiệp định TBT và SPS cho phép các nước Thành viên WTO được áp dụng các quy định về kỹ thuật cũng như các biện pháp kiểm dịch động, thực vật một cách hợp lý và có cơ sở khoa học nhằm bảo đảm chất lượng hàng nhập khẩu, bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người và các loài động, thực vật, bảo vệ môi trường, hay các quyền lợi khác của người tiêu dùng; đồng thời yêu cầu loại bỏ các hàng rào kỹ thuật không cần thiết, tránh phân biệt đối xử không công bằng hoặc hạn chế thương mại bằng các biện pháp kỹ thuật.

Nhằm cung cấp một số kiến thức cần thiết cho các cơ quan lập pháp, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong việc thực thi các hiệp định TBT và SPS tại Việt Nam, đồng thời vận dụng được tốt nhất nội dung của các hiệp định này trong các cuộc đàm phán về khu vực mậu dịch tự do cũng như trong quan hệ song phương của Việt Nam với các đối tác thương mại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế và Tổ chức ADETEF tại Việt Nam xuất bản cuốn sách Tổ chức Thương mại thế giới và các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Cuốn sách gồm tám bài nghiên cứu, được chọn dịch từ 23 bài nghiên cứu của các giáo sư, học giả, các chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Ngân hàng Thế giới in trong cuốn The WTO and Technical Barriers to Trade do Edward Elgar Publishing xuất bản năm 2005. Nội dung chủ yếu của cuốn sách giới thiệu hai Hiệp định của WTO: Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và Hiệp định về các biện pháp an toàn vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật.

Các nghiên cứu trong cuốn sách này không chỉ phân tích về vấn đề các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định của WTO, mà còn giới thiệu về chính sách tiêu chuẩn hóa và thương mại quốc tế, cơ sở thực tiễn cho việc phân tích quy chuẩn kỹ thuật và thương mại, phân tích định lượng về chính sách kiểm dịch động, thực vật và hàng rào kinh tế trong thương mại. Bên cạnh các vấn đề kỹ thuật, các nghiên cứu đã phân tích về các rào cản đối với việc xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển, vấn đề an toàn thực phẩm và thương mại, đánh giá về việc giải quyết tranh chấp của WTO đối với “Vụ cá Sardines” và “Vụ Tôm-Rùa”.

Hàng rào kỹ thuật là một trong những hàng rào phi thuế quan phức tạp nhất và gây tác động rất lớn tới thương mại quốc tế. Việc xác định các biện pháp kỹ thuật có phải là hàng rào kỹ thuật hay không (Có sự phân biệt đối xử hay không? Có gây cản trở thương mại quá mức cần thiết để bảo vệ những lợi ích chính đáng và hợp pháp hay không? Có hợp lý và thích hợp hay không?...) thường gây ra tranh cãi và chưa đạt được sự thống nhất ý kiến hoàn toàn trong thực tế thương mại quốc tế và ngay cả đối với các phán quyết của WTO về một số trường hợp giải quyết tranh chấp về TBT và SPS. Các phân tích được nêu trong cuốn sách này là ý kiến riêng của một số chuyên gia và không phải là ý kiến chính thức của bất cứ cơ quan hay tổ chức nào. Vấn đề cơ bản và quan trọng đối với mỗi nước Thành viên WTO, trong đó có Việt Nam, là việc cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ mà các hiệp định của WTO cho phép và yêu cầu các nước Thành viên WTO phải tuân thủ.

Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam về một vấn đề có sự liên kết chặt chẽ giữa những kiến thức thương mại quốc tế và các vấn đề kỹ thuật chuyên sâu còn ít được nghiên cứu ở Việt Nam.