Đây là một trong những vấn đề được đánh giá, phân tích tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước G-7, vừa kết thúc tại Singapore.

Tình hình kinh tế của nhóm G-7 được nhận định là vẫn khả quan trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại, kinh tế khu vực sử dụng đồng euro vẫn tăng, kinh tế Anh và Canada đang tăng trưởng mạnh và tương đối cân bằng, còn kinh tế Nhật Bản được phục hồi.

Các luồng vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt là FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) sẽ có chiều hướng sôi động hơn. Nhận định này căn cứ một phần vào kết quả phân tích tình hình FDI năm 2005 (năm 2005 Anh thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất, lên tới 165 tỉ USD; Mỹ đứng thứ hai, với hơn 100 tỉ USD; tiếp theo là Trung Quốc, Pháp và Hà Lan, mỗi nước đạt hơn 40 tỉ USD).

Các nền kinh tế thuộc các nước đang phát triển cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, do hầu hết các nước này đang cải cách triệt để hơn theo hướng kinh tế thị trường, tích cực hội nhập, cạnh tranh nhau trong thu hút FDI; và một phần khác, nhờ thị trường tài chính quốc tế đang và sẽ được lành mạnh hóa.

Tuy nhiên, Hội nghị cũng cảnh báo về một số nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra và một số vướng mắc lớn cần tháo gỡ: giá cả năng lượng trên thị trường thế giới còn biến động phức tạp; lạm phát có thể gia tăng tại một số nền kinh tế; xu thế thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch lan rộng, v.v…

Hội nghị khẳng định, các nước G-7 sẽ thực hiện chính sách phát triển lành mạnh; kêu gọi các quốc gia khác cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc điều chỉnh những mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới một cách có trật tự; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xúc tiến đàm phán về thương mại tự do toàn cầu…