TCCSĐT - Bất chấp mối đe dọa khủng bố và những biện pháp an ninh nghiêm ngặt, thế giới vẫn đón chào năm 2016 với những tiếng hò reo và ăn mừng không khác mấy so với mọi năm.

Đạt thỏa thuận nguyên tắc về đập “Đại Phục hưng” của Ethiopia

 

Ba nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã ký thỏa thuận nguyên tắc về dự án xây dựng đập thủy điện “Đại Phục hưng” của Ethiopia trên dòng sông Nile. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ngày 29-12-2015, sau 11 vòng đàm phán căng thẳng, phái đoàn ba nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã ký thỏa thuận nguyên tắc về dự án xây dựng đập thủy điện “Đại Phục hưng” của Ethiopia trên dòng sông Nile. Theo thỏa thuận, ba nước nhất trí lựa chọn công ty tư vấn Artelia của Pháp tham gia cùng với một công ty khác của Pháp là BRL Group tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật của dự án.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh thỏa thuận mới này là kết quả của “sự tin tưởng và minh bạch” giữa ba nước trong quá trình thương thuyết. Thỏa thuận cũng khẳng định tất cả các nghiên cứu kỹ thuật của dự án đập “Đại Phục hưng” của Ethiopia cần phải được tiến hành trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tháng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zaid khẳng định thỏa thuận nói trên không phải là bước cuối cùng của tiến trình đàm phán, đồng thời cho biết ba nước sẽ tiếp tục tiến hành cuộc họp tiếp theo vào ngày 03 hoặc 04-01-2016 nhằm củng cố lòng tin giữa các bên. Dự án thủy điện “Đại Phục hưng” được triển khai ở vùng Tây Bắc Ethiopia, có tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD và công suất 6.000MW. Đây là đập thủy điện lớn nhất châu Phi, với tổng công suất chứa nước lên tới 74 tỷ mét khối. Dự án được khởi công vào tháng 4-2011 và theo kế hoạch, giai đoạn đầu sẽ được hoàn tất trong vòng ba năm. Chính phủ Ethiopia coi dự án trên là một “dấu mốc lịch sử”, trong khi Sudan và Ai Cập cho rằng việc Ethiopia xây dựng các đập thủy điện sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mà hai quốc gia này đang khai thác từ sông Nile.

RSF: Cần phải hành động để bảo về “người cầm bút”

 

Liên hợp quốc cần phải hành động để bảo vệ “người cầm bút”. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 29-12-2015, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) cho biết trong năm 2015, trên khắp thế giới có 110 nhà báo đã bị giết hại; trong số đó, có 67 nhà báo đã bị giết hại khi đang tác nghiệp và 43 người khác bị chết trong những hoàn cảnh không rõ ràng. Ngoài ra, còn có 27 nhà báo không chuyên khác và 7 người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông cũng đã thiệt mạng. Nếu như trong năm 2014, có tới 2/3 số nhà báo bị giết hại ở các khu vực chiến sự, thì trong năm nay tình hình ngược lại, phần lớn số nhà báo bị giết hại ở các quốc gia được cho là hòa bình. Các quốc gia đang chìm trong chiến tranh như Iraq và Syria vẫn được cho là các khu vực nguy hiểm nhất thế giới đối với nhà báo trong năm nay với 11 người tại Iraq và 10 tại Syria bị giết hại. Đứng thứ ba trong danh sách trên là Pháp, khi số nhà báo bị giết hại trong năm 2015 là 8 người trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi tháng 01 nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Thủ đô Paris.

Việc nhiều nhà báo đã bị thiệt mạng cho thấy những người hoạt động trong giới truyền thông không được bảo vệ và Liên hợp quốc cần phải hành động để bảo vệ “người cầm bút”. Cụ thể, RSF đã chỉ ra sự lớn mạnh của các “nhóm phi nhà nước” như phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thường có những hành động tàn bạo đối với nhà báo. Theo Tổng Thư ký RSF Christophe Deloire, cần phải thiết lập một cơ chế đặc biệt để các nước phải tuân thủ luật quốc tế bảo vệ nhà báo. Theo thống kê, kể từ năm 2005 đến nay, số nhà báo bị giết hại khi đang tác nghiệp đã lên đến 787 người.

Thế giới đón Năm mới 2016 trong an ninh siết chặt

 

Pháo hoa rực rỡ trên Cầu cảng Sydney và Nhà hát Opera House ở Sydney, Australia ngày 01-01-2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp mối đe dọa khủng bố và những biện pháp an ninh nghiêm ngặt, thế giới vẫn đón chào năm 2016 với những tiếng hò reo và ăn mừng không khác mấy so với mọi năm.

Thành phố Sydney của Australia, một trong những nơi đón Năm mới sớm nhất thế giới, khởi động mùa lễ hội toàn cầu với màn trình diễn pháo hoa lớn chưa từng có kéo dài 12 phút. Paris (Pháp) đã huy động hơn 100.000 cảnh sát để bảo đảm an ninh trong lễ đón Năm mới trên toàn quốc đồng thời hủy màn trình diễn pháo hoa chính tại Đại lộ Champs Elysees danh tiếng. Nhiều hoạt động lễ hội và bắn pháo hoa thường niên cũng bị hủy bỏ tại Thủ đô Brussels của Bỉ, nơi đặt trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Cảnh sát Anh cho biết có khoảng 3.000 sĩ quan được triển khai tại trung tâm London. Trong khi đó, chính quyền Thủ đô Moskva của Nga đã lần đầu tiên đóng cửa Quảng trường Đỏ, điểm hẹn yêu thích vào thời khắc giao thừa của hàng chục nghìn người. Tại châu Á, các màn bắn pháo hoa tại một số địa điểm như Bắc Kinh, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore cũng diễn ra hết sức ấn tượng, thu hút hàng chục nghìn người dân. Trong khi đó, Thủ đô Jakarta của Indonesia duy trì báo động cao sau khi cảnh sát nước này trong ngày cuối năm đã bắt giữ 3 đối tượng liên quan tới tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang âm mưu tấn công liều chết trong dịp Năm mới. Trong khi đó, tại châu Phi, Ai Cập tổ chức nhiều hoạt động rầm rộ với hy vọng sẽ giúp xua đi những rủi ro của năm cũ và thúc đẩy du lịch.

Hiệp ước lịch sử giữa Vatican và Palestin chính thức có hiệu lực

 

Quang cảnh buổi ký kết. Ảnh: nowtheendbegins.com/TTXVN

Văn phòng báo chí Vatican cho biết ngày 02-01, hiệp ước lịch sử được Tòa Thánh Vatican và Nhà nước Palestin ký kết ngày 26-6-2015 đã bắt đầu chính thức có hiệu lực. Theo thỏa thuận này, Vatican chính thức công nhận Palestine là một quốc gia.

Đại diện của Tòa Thánh phát biểu rằng việc thừa nhận Nhà nước Palestine về mặt pháp lý sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình với Israel, đồng thời hiệp ước này sẽ là một mô hình cho các nước khác ở Trung Đông. Thỏa thuận nêu trên cũng bao gồm cả những “vấn đề cối lõi của đời sống và hoạt động giáo hội của Giáo hội Công giáo tại Palestine”. Tòa Thánh Vatican đã coi Palestine là một nhà nước từ năm 2013. Từ tháng 02-2013, Vatican đã sử dụng cụm từ Nhà nước Palestine trong các văn kiện chính thức của mình, sau khi Liên hợp quốc công nhận Palestine là một nhà nước quan sát viên phi thành viên tháng 11-2012.

2015 - năm bi thương nhất của hành trình tị nạn vượt Địa Trung Hải

 

 Hành trình vượt biển Aegean đầy nguy hiểm của người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Lesbos, Hy Lạp ngày 30-10-2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết gần 4.000 người đã thiệt mạng trên hành trình vượt qua Địa Trung Hải để di cư và tị nạn trong năm 2015 - đánh dấu năm bi thương nhất trong lịch sử đối với người di cư vượt Địa Trung Hải để đến được châu Âu. Con số này năm 2014 là 3.270. Trên thế giới, hơn 5.350 người di cư thiệt mạng vào năm 2015. Ít nhất 800 người thiệt mạng ở Đông Nam Á, chủ yếu ở vịnh Bengal, biển Andaman, Malaysia và Thái Lan. Có khoảng 330 trường hợp tử vong ở phía Mexico dọc biên giới Mỹ - Mexico. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra trong quá trình vượt qua biển Địa Trung Hải đến châu Âu. Tháng chết chóc nhất đối với người di cư trong năm qua là tháng 4, khi gần 1.250 người di cư bỏ mạng - 800 trong số họ ở trên con tàu đông chật bị đắm ngoài khơi bờ biển Libya. Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động ngay để ngăn chặn xu hướng này đối với người di cư tuyệt vọng.

Trong thông điệp chào Năm mới 2016, nhà lãnh đạo Đức khẳng định nước này từng được hưởng lợi cả về kinh tế lẫn xã hội với một chính sách di cư thành công, kêu gọi người dân kiên trì trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, bởi việc giải quyết dòng người tị nạn cũng như hội nhập cho những người mới đến sẽ mất “nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”. Thủ tướng A. Merkel cho rằng, chìa khóa để giải quyết mọi khó khăn hiện nay chính là sự đoàn kết giữa các thế hệ, tầng lớp xã hội Đức, giữa người bản địa và người di cư./.