TCCSĐT - Ngày 27-9-2015, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học: “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”, thuộc Chương trình KH & CN cấp Nhà nước KX.04/11-15: “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015”. Đề tài do Tạp chí Cộng sản chủ trì và TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản làm chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở gồm 7 thành viên, do GS,TS. Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương làm chủ tịch và PGS,TS. Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam làm phó chủ tịch.

 
 TS. Phạm Tất Thắng trình bày tiến độ thực hiện nội dung đề tài

Theo trình bày của TS. Phạm Tất Thắng: Đề tài được triển khai thực hiện đúng kế hoạch và tiến độ (từ tháng 11 năm 2012 đến tháng 10 năm 2015). Các sản phẩm của đề tài được thực hiện đầy đủ. Các sản phẩm trình Hội đồng nghiệm thu bao gồm: Báo cáo Tổng hợp, Báo cáo tóm tắt, Báo cáo tài chính, Báo cáo kết quả khảo sát thực tiễn và Bản kiến nghị.

Theo đó, Báo cáo Tổng hợp ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội dung gồm 5 chương và 15 tiết. Cụ thể:

Chương 1: Cơ sở lý luận, phương pháp luận nghiên cứu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, với 4 nội dung: Phương pháp tiếp cận và một số khái niệm cơ bản trong nghiên cứu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; Quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; và, Quan điểm của các học giả về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Chương 2: Kinh nghiệm các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, với các nội dung : Về sự phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực và phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới; Kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên xô trước đây; Kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Trung Quốc.

Chương 3: Bối cảnh của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay, với các nội dung: Nhận thức về thời đại ngày nay; Các xu thế phát triển trong giai đoạn hiện nay của thời đại; Những đặc trưng của xã hội và con người Việt Nam hiện nay; Cơ hội và thách thức đặt ra trong bối cảnh mới đối với quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Chương 4: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam: nhận thức, thực tiễn và những vấn đề đặt ra, với các nội dung: Nhận thức và thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam; Những vấn đề đang đặt ra về lý luận và thực tiễn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Chương 5: Quan điểm, giải pháp lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, với các nội dung: Các phương hướng và quan điểm; Các giải pháp cơ bản nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu. Theo các nhà khoa học, đây là một đề tài mang tính lý luận, đề tài khó, mặc dù đã được nghiên cứu nhiều nhưng cho đến nay nhiều nội dung vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Các kết quả đạt được cho thấy, nhóm nghiên cứu đã có nhiều cố gắng, đã thực sự công phu, nghiêm túc trong triển khai thực hiện đề tài.

 

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng, nhất là ý kiến của hai phản biện, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở kết luận, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tốt mục đích và nhiệm vụ được giao, các kết quả đạt được bảo đảm chất lượng, đồng ý cho phép bảo vệ ở cấp Nhà nước sau khi sửa chữa hoàn thiện một số nội dung sau: Hoàn thiện bộ hồ sơ; Bổ sung phần đối tượng và phạm vi nghiên cứu; Cần rút gọn Báo cáo Tổng hợp từ hơn 300 trang xuống còn 200 - 250 trang; Cần chính xác hóa một số tiêu đề; Rút gọn phần trình bày tình hình nghiên nghiên cứu và cập nhật công trình mới; Cần bổ sung phương pháp tiếp cận tổng kết thực tiễn; Nên rút ngắn Bản kiến nghị, chỉ tập trung kiến nghị những vấn đề gắn liền với đề tài…

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Phạm Tất Thắng cảm ơn các nhà khoa học đã đánh giá sự cố gắng của nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài; đồng thời, cam kết tiếp thu các ý kiến Hội đồng, sớm sửa chữa, hoàn thiện để kết quả nghiên cứu của đề tài được hoàn chỉnh, đúng yêu cầu của Hội đồng và đúng tiến độ triển khai đề tài của Chương trình KH & CN cấp Nhà nước KX.04/11-15./.