TCCSĐT - Ngày 20-8-2015, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.


 
 Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Khai mạc Hội thảo, GS, TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Từ thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược có tính lâu dài, vì vậy, các đại biểu cần tập trung phân tích những nội dung chủ yếu, bao gồm 3 khía cạnh lớn như sau:

Một là, tổng kết, đánh giá những vấn đề lý luận, thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam, nhất là trong 30 năm đổi mới; những kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; làm rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, phân tích, đánh giá thành tựu, kết quả và cả những hạn chế, yếu kém, cơ hội và thách thức của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Ba là, đề xuất các quan điểm, định hướng, mục tiêu và giải pháp để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là vấn đề chiến lược trong các chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong 5 năm qua, kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng Nhà nước vẫn hết sức cố gắng đầu tư cho lĩnh vực này tăng 2,22 lần so với các năm trước (tỷ trọng chi cho “tam nông” tăng từ 32,8% lên 41,1% GDP trong năm 2014). Nhờ đó, kinh tế - xã hội nói chung, đời sống nông dân nói riêng đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và có ý nghĩa lịch sử. Năm 2014, tăng trưởng nông nghiệp bình quân trên 3%/năm, đời sống nông dân tăng gấp 2 lần so với năm 2010; nông thôn mới thành hiện thực ở nhiều vùng trong cả nước với 10% số xã hoàn thành 19 tiêu chí.

Mặc dù đạt được những thành tựu có ý nghĩa to lớn nhưng Phó Thủ tướng cho rằng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững, tính cạnh tranh của sản phẩm với khu vực và thế giới còn thấp, đời sống nông dân vẫn còn khó khăn. Nhiều nơi không còn đói ăn, nhưng chưa giàu. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn diện thì nâng cao chất lượng hàng hóa nông nghiệp còn nhiều thách thức. Do vậy, từ Hội thảo này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung thảo luận vào các vấn đề nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh được với các sản phẩm nông nghiệp của khu vực và thế giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, những năm gần đây, chúng ta đang tích cực triển khai chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã cho những kết quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, tồn tại chung của hai chương trình là tiến độ thực hiện chưa đạt so với yêu cầu đề ra, tăng trưởng nông nghiệp vẫn còn kém bền vững; tới nay vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, một số nơi còn chưa triển khai đề án trên thực tế, số lượng các xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới còn hạn chế.

 
 PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
phát biểu tại Hội thảo

Trong phát biểu của mình, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã nhấn mạnh, phương hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta cần tập trung vào:

Một là, phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông thôn - nơi sinh sống của đại bộ phận dân cư, lao động xã hội và đất đai, có điều kiện để phát triển, là nguồn nội lực to lớn và đang là lợi thế của đất nước ta.

Hai là, tập trung cao hơn với những dự án thiết thực cụ thể để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển, từng bước thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ba là, dành một tỷ lệ tương xứng các nguồn vốn huy động được để đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; hình thành các tổ hợp công - nông nghiệp - dịch vụ ở những địa bàn cho phép để chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất công cụ lao động nông nghiệp, phát triển các loại dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ khoa học - kỹ thuật, cung cấp vật tư, giống cây trồng, vật nuôi và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.

Bốn là, đổi mới chính sách và khơi thông các “điểm nghẽn” để thực sự giải phóng sức sản xuất ở nông thôn và thu hút các nguồn lực cho phát triển toàn diện, bền vững; khuyến khích mạnh mẽ việc khai thác, đưa vào sử dụng đất trống, đồi núi trọc và đất còn hoang hóa; đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất; tăng sức mua và phát triển ổn định thị trường nông thôn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra những ý kiến thiết thực nhằm góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận truyền thống trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Chuyển hướng sang phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với các đặc tính như: năng suất cao, giá trị gia tăng lớn, dựa vào kỹ thuật và công nghệ, ít gây ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần chú trọng vai trò của công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào trang trại và doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ tổng hợp các ý kiến báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền và sẽ được đăng tải trên các ấn phẩm của các cơ quan đồng chủ trì, sử dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, góp phần thiết thực vào quá trình tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau gần 30 năm đổi mới và việc hoàn thiện các văn kiện cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.