Xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Trong kho tàng tư tưởng lý luận phong phú và quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều tư tưởng quân sự sâu sắc, giữ vai trò định hướng, chỉ đạo quá trình tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân cũng như xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trong đó có nội dung đặc sắc: xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội.
1- Tư tưởng về xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh có giá trị to lớn trong định hướng chỉ đạo xây dựng quân đội, góp phần to lớn vào nhiều thắng lợi của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt các chặng đường cách mạng.
Tư tưởng về xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển trên các tiền đề cơ sở sau: Trước tiên là, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại về vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh, nhân tố “rốt cuộc quyết định thắng lợi trong chiến tranh” theo cách nói của V.I Lê-nin, về xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần đáp ứng yêu cầu của hoạt động quân sự, yêu cầu của chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai là, thực tiễn quá trình tổ chức và hoạt động quân sự, nhất là thực tiễn quá trình tổ chức và xây dựng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như từ thực tiễn tiến hành chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hơn tám mươi năm qua. Thứ ba là, quá trình hoạt động cách mạng phong phú, sinh động, sôi nổi và rộng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như từ chính con người Hồ Chí Minh - một nhân cách lớn thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa, từ năng lực thiên tài cũng như từ phong cách sống và làm việc của Người.
Nội dung cấu thành tư tưởng về xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống luận điểm phong phú về tính tất yếu phải xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội; về vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong hoạt động quân sự, trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; về nội dung, hình thức, biện pháp và chủ thể - lực lượng xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội.
2- Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, của quân đội ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta thường phải chiến đấu chống lại những đội quân xâm lược nhà nghề, có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, có vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại. Do đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quân đội, Hồ Chí Minh bao giờ cũng khẳng định rõ tính tất yếu phải xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội xuất phát từ vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong chiến tranh cách mạng, trong mối quan hệ giữa nhân tố chính trị - tinh thần với các nhân tố khác trong sức mạnh chiến đấu của quân đội cách mạng; đồng thời, khẳng định vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần, ưu thế tuyệt đối của quân đội ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Người chỉ rõ: “Tuy khí giới ta còn kém, kinh nghiệm ta còn ít nhưng lòng kiên quyết, chí hy sinh của tướng sĩ ta đã lập những chiến công oanh liệt, vẻ vang, có thể nói là kinh trời động đất”(1). “Quân đội ta mới tổ chức, mới huấn luyện. Nhưng lòng yêu nước, đức dũng cảm, chí hy sinh, thì chẳng kém quân đội nào”(2).
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những yếu tố cơ bản trong nội dung của nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam. Huấn thị trong Lễ phong quân hàm cho các cán bộ cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quân đội ta… đã có truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; chiến đấu anh dũng, công tác và lao động tích cực; tiết kiệm, cần cù, khiêm tốn, giản dị; đoàn kết nội bộ; đồng cam cộng khổ với nhân dân, luôn sẵn sàng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”(3). Người còn chỉ rõ: Quân đội ta cần phải phát huy truyền thống cách mạng anh dũng và vẻ vang, nâng cao chí khí phấn đấu, giữ vững kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân, “quân đội ta phát huy truyền thống vẻ vang quyết chiến, quyết thắng, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội”(4); “luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm”(5).
Khái quát những tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội dung của nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội, có thể thấy những yếu tố cơ bản đó là: trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; tinh thần kỷ luật tự giác, nghiêm minh; tinh thần đoàn kết quân dân như cá với nước; tinh thần đoàn kết nội bộ đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi; tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung; đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống khiêm tốn, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ và luôn nâng cao cảnh giác cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Xác định rõ nội dung xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội phải theo nội dung của các yếu tố cấu thành nhân tố chính trị - tinh thần, trong đó Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng cường giáo dục, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giáo dục đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng cho quân đội; xác lập hệ tư tưởng Mác - Lê-nin, làm cho hệ tư tưởng đó trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần của quân đội; đồng thời, Người cũng rất quan tâm đến vấn đề xây dựng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ luật trong quân đội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam còn được thể hiện ở chỗ, Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa nhân tố chính trị - tinh thần, không coi đó là nhân tố duy nhất quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Bao giờ Người cũng quan niệm nhân tố chính trị - tinh thần là một trong những nhân tố cơ bản quyết định trong mối quan hệ với các nhân tố khác tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội. Vì vậy, cùng với việc thường xuyên chăm lo xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng quan tâm đến xây dựng các nhân tố khác trong sức mạnh chiến đấu của quân đội. Trong Thư gửi Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Người viết:
“Vậy các cháu phải ra sức thi đua;
Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ;
Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo;
Trau dồi tinh thần cho vững chắc;
Hun đúc đạo đức cách mạng của người quân nhân cho vững vàng”(6).
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những con đường, những hình thức, biện pháp để xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội. Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc quán triệt sâu sắc quan điểm Mác - Lê-nin về xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội xã hội chủ nghĩa; kế thừa và phát triển, nâng lên một tầm cao mới truyền thống của dân tộc trong xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội. Trong Thư gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô chiến đấu bảo vệ Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Người viết: “Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”(7).
Nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội có vai trò rất quan trọng trong chiến tranh, trong hoạt động quân sự, trong quá trình tồn tại và phát triển của quân đội, nhưng nhân tố chính trị - tinh thần không thể tự phát hình thành và phát triển, mà phải trải qua quá trình xây dựng, bồi dưỡng trong quá trình xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, trong quá trình hoạt động thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất của quân đội cả trong thời bình và thời chiến.
Cùng với việc khẳng định tính tất yếu, nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ vai trò của các chủ thể, các lực lượng trong xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(8). Sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng là nhân tố quyết định việc xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội nói riêng. Vì vậy, Người nhấn mạnh phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội.
Là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”, Người chỉ rõ: Quân đội ta biết rằng: Cơm quân đội ăn, áo quân đội mặc, vũ khí quân đội dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp mà có. Nhân dân thức khuya dậy sớm, ăn gió nằm sương, để đắp đường, sửa cầu cho bộ đội đi. Nhân dân không quản trèo đèo lội suối, không quản khó nhọc gian nan, để chuyên chở súng đạn cho bộ đội đánh giặc. Tóm lại, quân đội sinh trưởng, thắng lợi, là nhờ nhân dân ra sức giúp đỡ. Vì vậy, trong xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội thì nhân dân các dân tộc Việt Nam có vai trò rất quan trọng, Người nhấn mạnh quân đội phải bám sát lấy dân, rời dân ra là nhất định thất bại.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và sự giúp đỡ của nhân dân đối với quân đội, Người chỉ rõ: “Dưới dự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, được sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân, trải qua 14 năm phấn đấu, quân đội ta đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho; đã có truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; chiến đấu anh dũng; công tác và lao động tích cực; tiết kiệm, cần cù, khiêm tốn, giản dị; đoàn kết nội bộ; đồng cam cộng khổ với nhân dân, luôn luôn sẵn sàng khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ”(9).
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của công tác đảng, công tác chính trị, vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị đối với việc xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội. Người thường xuyên nhấn mạnh: “Phải tăng cường giáo dục chính trị để nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho toàn quân”(10). Bác căn dặn, công tác của người tướng là: “Đối với binh sĩ, thì từ lời ăn, tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất thiết phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh”(11). Nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quân đội, Bác căn dặn: “Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên. Cán bộ phải chăm lo đội viên đủ ăn, đủ mặc. Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu óc”(12). Trong Thư gửi Hội nghị chính trị viên, Bác căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: ăn, mặc, ở, nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa, và đường lối chính trị trong bộ đội”(13).
3- Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội không chỉ có vai trò to lớn trong chỉ đạo xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong những năm kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn có giá trị chỉ đạo trong xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đến nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đến việc xây dựng sức mạnh chiến đấu, xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội; trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.
---------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 5, tr. 151
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 204
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 274
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 485
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 485
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 708
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 35
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 350
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 274
(10), (11), (12) Hồ Chí Minh: Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 336, tr. 216, tr. 255
(13) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 392
Hội thảo Lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào  (14/07/2015)
Phát huy sự tham gia của nhân dân để đại hội đảng bộ các cấp thành công  (14/07/2015)
Phát huy sự tham gia của nhân dân để đại hội đảng bộ các cấp thành công  (14/07/2015)
Phát huy sự tham gia của nhân dân để đại hội đảng bộ các cấp thành công  (14/07/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên