Sự tái diễn của kịch bản cũ

Công Minh
21:54, ngày 19-10-2010

TCCSĐT - Với mưu toan hòng dập tắt ngọn lửa phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa đang lan rộng ở Mỹ La-tinh, các thế lực thù địch đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào. Một trong những thủ đoạn nham hiểm thường được họ sử dụng là mua chuộc, kích động một số phần tử tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết và luôn đề cao cảnh giác, lãnh đạo và nhân dân các này đã nhiều lần đập tan những ý đồ đen tối đó. Vụ đảo chính bất thành xảy ra ngày 30-9 vừa qua ở Ê-cu-a-đo là một minh chứng.

Kẻ tung người hứng

Ngay sau khi hàng trăm quân nhân và cảnh sát Ê-cu-a-đo, ngày 30-9 vừa qua, đột nhập vào trại lính ở Thủ đô Ki-tô và một số căn cứ quân sự khác, đồng thời tiến hành phong tỏa hoạt động của sân bay quốc tế ở Thủ đô, làm tê liệt các kênh truyền hình do Chính phủ kiểm soát và bao vây Tổng thống Ra-pha-en Cô-rê-a, thì cỗ máy truyền thông khổng lồ của phương Tây và các phương tiện thông tin đại chúng của các lực lượng thù địch trong khu vực lập tức phát đi tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Tây Bán cầu Ác-tu-rô Va-len-du-ê-la. Theo tuyên bố của ông A. Va-len-du-ê-la, đây chỉ là “hành động bạo loạn của cảnh sát” vì bất bình với chính sách của giới lãnh đạo nước này. Họ nổi loạn để phản đối một đạo luật vừa được Quốc hội Ê-cu-a-đo thông qua nhằm bãi bỏ việc tăng thêm một số quyền lợi cho của cảnh sát và quân nhân, cũng như tăng thời hạn giữa hai lần thăng quân hàm niên hạn, từ 5 năm lên 7 năm. Phát ngôn của ngài Thứ trưởng Mỹ đã khiến một số người ngộ nhận rằng, Ê-cu-a-đo đang lâm vào một cuộc khủng hoảng thể chế và người dân đang rất bất mãn với chế độ.

Tuy nhiên, các hành động nổi loạn trên diễn ra rất nhịp nhàng, gọn ghẽ và khá chủ động, chứng tỏ đây là một kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng chứ không phải là hành động bột phát. Sau khi được quân đội giải cứu thành công, Tổng thống R. Cô-rê-a cho biết, tất cả những kẻ nổi loạn bị bắt giữ chưa từng đọc đạo luật nói trên; hơn nữa, cảnh sát không có lý do để bất mãn khi mà lương của ngành này đã tăng từ 74 đến 85% (mức cao nhất trong lịch sử) kể từ khi nước này đi theo mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội.

Kịch bản cũ

Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh khẳng định, đây là một âm mưu đảo chính do Mỹ “đạo diễn”. Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét tuyên bố, Mỹ là kẻ "giật dây" cuộc đảo chính tại Ê-cua-đo và cho rằng, Oa-sinh-tơn đã "lặp lại kịch bản cũ", đó là kích động đảo chính để loại trừ những chính phủ không chịu phục tùng mình. Còn Tổng thống Ni-ca-ra-goa Đa-ni-ên Oóc-tê-ga cũng cho rằng, những kẻ đứng đằng sau vụ bạo loạn hòng lật đổ chính quyền hợp pháp tại Ê-cu-a-đo cũng chính là những kẻ đã tiếp tay cho cuộc đảo chính hồi tháng 6 năm ngoái tại Ôn-đu-rát. Trong khi đó, nhà phân tích chính trị người Mê-hi-cô Các-lốt Pha-di-ô, trong một cuộc phỏng vấn của hãng CNN, thì đánh giá kịch bản của sự kiện ở Ê-cu-a-đo rất giống với các cuộc đảo chính ở Vê-nê-du-ê-la (năm 2002), Ôn-đu-rát (năm 2009) và cuộc bạo động tại Bô-li-vi-a (năm 2008).

Phân tích 4 vụ đảo chính và bạo động xảy ra trong một thập kỷ qua tại các nước đều là thành viên của Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA), cho thấy tất cả đều do các lực lượng vũ trang quy mô nhỏ thực hiện, sau khi một số mâu thuẫn chính trị được tạo ra (cái cớ) và nhanh chóng đẩy lên thành cao trào.

Nguyên nhân bất thành

Theo giới phân tích, âm mưu đảo chính xảy ở Ê-cu-a-đo vừa qua bị thất bại là do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, chính quyền Tổng thống R. Cô-rê-a không những được đa số người dân Ê-cu-a-đo tín nhiệm, mà còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi nghe tin Tổng thống R. Cô-rê-a bị bọn nổi loạn bao vây, một lượng đông đảo quần chúng đổ ra đường phố và quảng trường để biểu thị sự ủng hộ ông. Nhiều nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, cũng đã lên án mạnh mẽ hành động nổi loạn của nhóm quân nhân và cảnh sát Ê-cu-a-đo, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với ông R. Cô-rê-a.

Thứ hai, tinh thần đoàn kết giữa các đảng cánh tả ở Mỹ La-tinh rất cao. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi nhóm quân nhân và cảnh sát Ê-cu-a-đo nổi loạn, nguyên thủ các quốc gia thành viên Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đã có mặt đầy đủ trong một cuộc họp được tổ chức tại Thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rết của Ác-hen-ti-na và đưa ra Tuyên bố chung, khẳng định: “Các nước thành viên UNASUR sẽ đóng cửa biên giới, cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng và đình chỉ mọi hoạt động thương mại với Ê-cu-a-đo nếu ông R. Cô-rê-a bị lật đổ”.

Thứ ba, sự cương quyết, không chịu lùi bước của Tổng thống R. Cô-rê-a, bất chấp mạng sống của mình có thể bị đe dọa, cũng góp phần khiến bọn “nghịch tử” phải chùn bước. Mặc dù bị nhóm phản loạn bao vây tại một bệnh viện ở phía bắc Thủ đô Ki-tô và yêu cầu hủy bỏ đạo luật nói trên, nhưng Tổng thống R. Cô-rê-a vẫn khẳng khái tuyên bố: “Hoặc là tôi sẽ rời khỏi đây với cương vị Tổng thống có danh dự, hoặc là một xác chết nhưng tôi sẽ không lùi bước và thỏa hiệp”.

Nguy cơ vẫn còn đó...

Phát biểu tại cuộc họp bất thường ngày 6-10 vừa qua của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), ông Hô-xê Mi-ghen In-xun-xa, Tổng Thư ký OAS, cảnh bảo các nước Mỹ La-tinh về khả năng tiếp tục xảy ra các cuộc đảo chính tại khu vực này. Cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở, bởi vì trong hơn một thập kỷ qua, phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh, vốn được coi là “sân sau” của Mỹ, phát triển rất mạnh mẽ. Hàng loạt đảng cánh tả đã lên nắm quyền thông qua bầu cử. Các thế lực thù địch càng chống phá điên cuồng hơn khi dưới sự lãnh đạo của các đảng cánh tả, nhiều quốc gia ở khu vực này đã gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội hết sức ấn tượng.

Vê-nê-du-ê-la là một trong những ví dụ điển hình, khi tỷ lệ dưới mức nghèo đói ở nước này giảm từ 42% vào năm 1998, lúc ông H. Cha-vét lên cầm quyền, xuống còn 9,5% hồi năm ngoái; tỷ lệ nghèo giảm từ 50,5% vào năm 1998 xuống còn 33,4% năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp chiếm 50% lực lượng lao động vào năm 1998, nhưng vào đầu năm 2009 chỉ còn 6,1%. Tại Bô-li-vi-a, sau 4 năm kể từ khi lên nắm quyền (năm 2005), miệt mài với nỗ lực thúc đẩy "Phong trào hướng tới chủ nghĩa xã hội”, Tổng thống Ê-vô Mô-ra-lết đã lãnh đạo đất nước thu được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Bô-li-vi-a đã tăng từ 9 tỉ USD năm 2005 lên mức 19 tỉ USD trong năm 2009; dự trữ ngoại tệ ở mức kỷ lục: 8,5 tỉ USD (50% GDP); lạm phát được kiểm soát và tỷ giá hối đoái ổn định. Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, lãnh đạo các nước này còn nỗ lực xây dựng hệ thống y tế, giáo dục miễn phí cho toàn dân.

Các đảng cánh tả cầm quyền ở Ni-ca-ra-goa, U-ru-goay… vẫn tiếp tục được người dân gửi trọn niềm tin vì đã thực hiện rất tốt các chính sách hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, phân chia lại của cải, đề cao phát triển, đánh giá cao sự tham gia của người dân và xóa bỏ tình trạng người dân bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.

...Hay là sự cố đấm ăn xôi

Một khi chính phủ các nước đó càng gần dân bao nhiêu thì dường như cũng đồng nghĩa với việc xa cách các “ông lớn” ở bên ngoài bấy nhiêu. Và khi không còn xoay sở được ván bài “dân túy” để lôi kéo dân chúng “nổi loạn”, giống như các cuộc “cách mạng màu” ở Đông Bán cầu, các “ông lớn” đành phải dở ngón đòn “độc chiêu” là mua chuộc, kích động một số phần tử cơ hội, hám lợi trong quân đội và cảnh sát, hòng gây bạo loạn lật đổ, dựng lên chính phủ thân mình. Cái thời “làm mưa làm gió” của các “ông lớn” tại đây đã qua rồi. Bởi vậy, giả sử sự bạo loạn lật đổ ở dạng thái đó có thành công, thì cũng chỉ là sự thành công trong chốc lát, vì sớm muộn, nó sẽ bị các lực lượng tiến bộ và đông đảo quần chúng đè bẹp. Tuy nhiên, không ai có thể cấm đoán được sự nối tiếc cũng như những kỳ vọng của các “ông lớn”, của các thế lực thù địch. Vấn đề đặt ra là, khi có sự biến như vậy, các “ông lớn”, các thế lực thù địch có thể tiếp tục hỗ trợ, thậm chí công khai can thiệp, làm cản trở đến sự phát triển và thực hiện tiến bộ xã hội.

Để đập tan mọi âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, một trong những điều kiện tiên quyết là các đảng cảnh tả ở Mỹ La-tinh luôn có sự đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần cảnh giác. Đồng thời, tiếp tục thực thi đường lối, chính sách mở rộng dân chủ, thực sự đem lại tiến bộ và công bằng xã hội. Có như vậy, mới tạo cơ sở chính trị - xã hội vững chắc cho sự tồn tại, phát triển của các đảng này, trong đó, sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân là yếu tố hết sức quan trọng./.