TCCSĐT - Ngày 15-4-2015, tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (thành phố Cần Thơ) đã diễn ra buổi Tọa đàm “Xây dựng Hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long” dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tham dự buổi tọa đàm có khoảng 100 đại biểu đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh hợp tác xã, đại diện một số hợp tác xã, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằn sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, tính đến cuối năm 2014, đồng bằng sông Cửu Long có 1.928 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, với 531.299 hộ xã viên. Bên cạnh một số hợp tác xã hoạt động có chất lượng, hiệu quả, nhìn chung, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp vẫn trong tình trạng hoạt động yếu kém, cầm chừng. Nguyên nhân chủ yếu là do các nguyên tắc, giá trị của hợp tác xã chưa được nhận thức đầy đủ; hoạt động của hợp tác xã chưa được các cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ; trình độ, năng lực của đội ngũ lãnh đạo nhiều hợp tác xã còn yếu; nhiều hợp tác xã gặp khó khăn trong vay vốn để hỗ trợ xã viên phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ và sản xuất, kinh doanh; mối liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp còn lỏng lẻo; đa số các hợp tác xã lúng túng trong chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012,…

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển hợp tác kiểu mới là giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh phát triển hiện nay. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái nhưng nhiều năm qua người nông dân luôn đối mặt với tình cảnh được mùa - mất giá, thu nhập thấp nhất so với các lực lượng lao động khác trong xã hội, kinh tế nông nghiệp luôn đạt mức tăng trưởng thấp nhất so với công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nhiều nơi các nông hộ còn sản xuất nhỏ lẻ, ruộng đất ít, vốn liếng hạn hẹp nên không đủ sức mạnh kinh tế để cạnh tranh trong mua bán vật tư sản phẩm nông nghiệp; không có khả năng đàm phán với các doanh nghiệp, thương lái để hạn chế rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; không đáp ứng yêu cầu về xác nhận chất lượng trong quá trình tiêu thụ nông sản phẩm.

Trên cơ sở xem xét quá trình 60 năm phát triển kinh tế hợp tác của Việt Nam; kinh nghiệm phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã quốc tế; kết quả khảo sát những hợp tác xã kiểu mới điển hình ở nước ta trong thời gian gần đây, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bản chất của hợp tác xã không phải là sự phủ định, thay thế kinh tế hộ mà làm cho việc sản xuất cá thể của các xã viên có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của xã viên cao hơn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thông qua việc hợp tác xã cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp, chất lượng cao cho các hộ xã viên, qua việc phối hợp kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các hộ và tổ chức tiêu thụ sản phẩm với giá có lợi nhất cho các hộ xã viên. Khi đó, hợp tác xã kiểu mới sẽ đảm nhận những việc mà các nông hộ đơn lẻ không thể làm được hoặc làm không hiệu quả là quy hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, giúp hộ xã viên mua vật tư sản xuất trên thị trường với giá thấp, vay vốn cho sản xuất, kinh doanh, tổ chức dạy nghề cho nông dân, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các quỹ, nhất là quỹ dự phòng rủi ro,…

Sản phẩm chính của hợp tác xã kiểu mới chính là các dịch vụ phục vụ sản xuất của các hộ xã viên chứ không phải là sản phẩm của các hộ xã viên. Vì thế, khi đánh giá hiệu quả hoạt động của hợp tác xã kiểu mới không phải là đánh giá xem hợp tác xã thu được lợi nhuận bao nhiêu mà phải đánh giá thu nhập của từng hộ xã viên có được nhờ sử dụng các dịch vụ do hợp tác xã cung ứng và so sánh với thu nhập của các hộ không tham gia hợp tác xã.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cùng chung nhận định, trong bối cảnh đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thì hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển nông nghiệp. Hợp tác xã kiểu mới vừa duy trì sự quan tâm, nỗ lực, sáng tạo cao nhất của từng hộ nông dân vì họ vẫn là người chủ đầy đủ của hoạt động sản xuất nông nghiệp; đồng thời các hộ nông dân còn được sự hỗ trợ rất hiệu quả của các hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp nhận tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ khả năng và các điều kiện liên kết với doanh nghiệp nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hội nhập quốc tế về thương mại. Hợp tác xã kiểu mới không những đem lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân mà còn tạo ra bước đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt Nam thông qua việc tạo ra sự tương tác đồng hướng của 4 loại lợi ích: lợi ích của nông dân - lợi ích của Nhà nước - lợi ích của doanh nghiệp - lợi ích của các nước giao thương với Việt Nam.

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để trao đổi về tính tất yếu của việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới; lộ trình thành lập các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2015-2020; vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành trong việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã kiểu mới; một số giải pháp xây dựng hợp tác xã kiểu mới trong thời gian tới,…/.