TCCSĐT - Ngày 11-12-2014, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học ở các tỉnh, thành phía Nam nhằm trao đổi thông tin về lý luận và thực tiễn trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng; những cơ hội, thách thức và những giải pháp mà thành phố Cần Thơ cần nghiên cứu, triển khai thực hiện để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đưa Cần Thơ sớm trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Đây cũng là một cơ sở khoa học để xây dựng văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

45 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ một số vấn đề như: Lý luận chung về mô hình tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó gợi ý mô hình tăng trưởng của thành phố Cần Thơ thời gian tới; đánh giá hiện trạng mô hình tăng trưởng kinh tế và phác họa mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ tầm nhìn đến năm 2030; phân tích thực trạng và đề xuất tái cơ cấu các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ phù hợp với mô hình chuyển đổi tăng trưởng từ chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu; đề xuất các giải pháp và một số kiến nghị với Trung ương, với các địa phương nhằm tạo môi trường thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng thành phố Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển nhanh và bền vững hơn trong 10-15 năm tới.

Trên cơ sở phân tích những tiềm năng, lợi thế và những điểm yếu trong quá trình phát triển, nhiều đại biểu nhất trí với quan điểm xác định mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là: Chuyển từ nền kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý theo chiều sâu, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với kinh tế xanh và bền vững; phấn đấu sau năm 2030 thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội - văn hóa - khoa học và công nghệ khu vực Tây Nam Bộ và cả nước.

Một số giải pháp được đề xuất để đạt mục tiêu đề ra là:

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ phải được đặt trong mối quan hệ, tác động, thúc đẩy lẫn nhau với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng và phát triển để thành phố Cần Thơ là một cực phát triển, đóng vai trò thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế thành phố theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, sau đó chuyển dần sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao.

- Thực hiện tốt công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch gồm: quy hoạch phát triển không gian kinh tế - xã hội; quy hoạch đô thị và hạ tầng; quy hoạch tài nguyên thiên nhiên và đất đai; quy hoạch phát triển khoa học - công nghệ; quy hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch bảo vệ môi trường,…

- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, tác phong làm việc tốt, có cơ cấu hợp lý cho toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt chính sách thu hút cán bộ, chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn, tay nghề cao trên nhiều lĩnh vực.

- Huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho phát triển kinh tế thành phố thông qua việc tạo môi trường khuyến khích đầu tư và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phát triển thị trường tài chính và hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

- Đẩy mạnh đầu tư, khai thác và sử dụng tối ưu các tiềm lực khoa học và công nghệ; thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư chuyển giao công nghệ ứng dụng vào sản xuất trên tất cả các lĩnh vực, xem đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc nâng cao năng suất tổng hợp và quyết định chuyển kinh tế thành phố Cần Thơ từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu.

- Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. Phát triển công nghiệp xanh, trọng tâm là công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường. Quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao./.