“Trật tự thế giới: luật lệ mới hay là cuộc chơi không có luật lệ”?
TCCSĐT - Tại Diễn đàn Câu lạc bộ quốc tế Van-đai (Valdai) được tổ chức tại thành phố Xô-chi của nước Nga cuối tháng 10-2014 để bàn thảo về tình hình thế giới đầy bất ổn hiện nay, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã có bài phát biểu về chủ đề “Trật tự thế giới: những luật lệ mới hay là cuộc chơi không có luật lệ”.
Câu lạc bộ quốc tế Van-đai do Hội đồng về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Liên bang Nga cùng với hãng thông tấn Nga RIA-Novosti, báo The Moscow News, hai tạp chí Rusia in Global Affairs, Russia Profile và nhiều trường đại học ở Nga phối hợp thành lập vào năm 2004 để tạo diễn đàn cho các chính khách và chuyên gia hàng đầu thế giới bàn thảo về tình hình thế giới và tình hình nước Nga nhằm đưa ra những nhận định khách quan về tình hình thế giới và tình hình nước Nga.
Trong 10 năm qua, Câu lạc bộ quốc tế Van-đai đã tổ chức 11 diễn đàn. Tham gia diễn đàn năm nay có 108 chính khách, chuyên gia nghiên cứu chính trị, kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới đến từ 25 quốc gia.
Thời điểm tổ chức diễn đàn năm 2014 này có hai chi tiết đáng chú ý. Một là, nước Nga đang bị Mỹ và các đồng minh phương Tây bao vây và trừng phạt kinh tế. Hai là, trong những năm gần đây, luật pháp quốc tế nói chung và Hiến chương Liên hợp quốc nói riêng bị một số nước phương Tây vi phạm một cách nghiêm trọng, thể hiện trước hết là đơn phương áp đặt cấm vận đối với những quốc gia nào không đáp ứng lợi ích của họ; đơn phương can thiệp chủ quyền của các quốc gia. Do đó, lúc này trật tự thế giới mới đang ở trong giai đoạn hình thành mang tính bước ngoặt chưa có tiền lệ trong lịch sử, trong đó các quốc gia cần phối hợp hành động để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc là tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia, không phân biệt lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu.
Xuất phát từ tính chất và thời điểm tổ chức diễn đàn năm nay, Tổng thống Nga V. Pu-tin, một lần nữa, lại có bài phát biểu về trật tự thế giới, đề cập trực tiếp tới quan điểm của Nga về trật tự thế giới, về chính sách đối ngoại và vị thế của nước Nga…
Về trật tự thế giới
Theo Tổng thống V. Pu-tin, trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh đã chứng tỏ thế giới không có khả năng đối phó với những nguy cơ, như xung đột khu vực, chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu ma túy, chủ nghĩa cực đoan khu vực, chủ nghĩa sô-vanh, chủ nghĩa phát-xít mới… “Trên thế giới đang tích tụ nhiều mâu thuẫn. Thật đáng tiếc là hệ thống an ninh toàn cầu và khu vực đã không có khả năng giúp chúng ta tránh được các xáo động. Các thể chế tương tác về chính trị, kinh tế, văn hóa trên phạm vi toàn cầu và khu vực đang trải qua một giai đoạn phức tạp”. Tổng thống V. Pu-tin nhấn mạnh: “Chiến tranh lạnh đã kết thúc nhưng nó lại không được ghi nhận bằng các hiệp ước “hòa bình”, bằng các thỏa thuận dễ hiểu, minh bạch về việc cần tuân thủ các luật lệ hiện có hoặc tạo dựng các luật lệ và tiêu chuẩn mới. Thế giới đang cảm nhận thấy rằng, cái gọi là “những kẻ chiến thắng” trong Chiến tranh lạnh đang rắp tâm sắp xếp lại trật tự thế giới chỉ để phục vụ lợi ích của họ. Trong điều kiện một quốc gia và các đồng minh của họ chiếm ưu thế, thì việc tìm kiếm các giải pháp toàn cầu đã biến thành tham vọng của họ áp đặt các luật lệ riêng cho cả thế giới. Tham vọng của nhóm nước này lớn tới mức họ nghiễm nhiên áp đặt cách tiếp cận và quan điểm của họ cho cả cộng đồng quốc tế. Nhưng thực tế lại không chấp nhận điều đó”.
Theo nhận định của ông V. Pu-tin, sự thiếu vắng các công cụ pháp lý và chính trị, vũ khí đã đóng vai trò trung tâm trong chương trình nghị sự toàn cầu, trong đó người ta tùy tiện sử dụng chúng ở bất kỳ đâu, bằng bất cứ cách thức nào, không cần được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Còn nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ chối giải pháp sử dụng vũ lực thì người ta tuyên bố rằng tổ chức này là công cụ đã bị lỗi thời và không có hiệu lực.
Chính sự thống trị đơn phương và sự áp đặt ý chí chính trị của một quốc gia đối với phần còn lại của thế giới sẽ dẫn tới chỗ: thay vì giải quyết xung đột là leo thang xung đột; thay vì tạo ra các quốc gia có chủ quyền và bình yên là một không gian bất ổn ngày một mở rộng; thay vì tạo ra dân chủ là sự ủng hộ một nhóm người đáng ngờ. Nhân loại đang chứng kiến những nỗ lực chia nhỏ thế giới, tạo ra các đường phân định mới, thành lập các liên minh không theo nguyên tắc “ủng hộ” mà là chống lại một ai đó, hình thành hình ảnh “kẻ thù” tương tự như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và tạo dựng quyền lãnh đạo thế giới, nếu không muốn nói là sự chuyên chế độc quyền.
Về sự cấm vận trong quan hệ quốc tế, Tổng thống V. Pu-tin cho rằng, các biện pháp cấm vận đang tàn phá các cơ sở nền tảng của thương mại và các định chế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phá hoại các nguyên tắc sở hữu tư nhân, làm sụp đổ mô hình toàn cầu hóa thương mại tự do dựa trên cơ sở thị trường, tự do và cạnh tranh - một mô hình do chính các nước phương Tây đề xướng và chủ trương áp dụng phổ biến trên thế giới. Vì thế, quan hệ quốc tế cần phải được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế với nền tảng là các nguyên tắc nhân đạo như bình đẳng, công bằng, sự thật, trong đó, chủ yếu là tôn trọng đối tác và lợi ích của họ. Đây là luật chơi hiển nhiên và một khi được thực hiện sẽ thay đổi căn bản tình hình thế giới.
Tổng thống V. Pu-tin khẳng định, những ý kiến cho rằng nước Nga đang cố gắng phục hồi vị thế đế chế trước đây, gây tổn hại đến chủ quyền của một số nước láng giềng, là hoàn toàn không có căn cứ. Trong khi đó, Mỹ và một số nước phương Tây đã gây ra hàng loạt cuộc xung đột trên thế giới, như ở Li-bi, Xy-ri và I-rắc. Chính sách của họ đã không tạo ra một nền hòa bình và dân chủ trên thế giới.
Về quan hệ Nga - Mỹ
Trong quan hệ với Nga, Tổng thống V. Pu-tin nhận định rằng, các nước phương Tây vẫn tự coi mình là kẻ “chiến thắng” trong Chiến tranh lạnh và luôn ứng xử với Nga như một kẻ “chiến bại” và vì thế họ không chấp nhận và không tôn trọng lợi ích hợp pháp, hiển nhiên của Nga ở nhiều khu vực trên thế giới, trước hết trong không gian hậu Xô-viết. Phương Tây đã sử dụng bộ máy truyền thông khổng lồ của mình trên phạm vi toàn cầu để bóp méo và xuyên tạc sự thật về nước Nga, về hình ảnh của Nga trên thế giới, coi Nga cùng với I-ran và một số nước khác là “trung tâm tội ác” giống như trước đây họ từng gọi Liên Xô là “đế chế tội ác”. Từng sử dụng các tổ chức khủng bố như An Kê-đa chống lại Liên Xô ở Áp-ga-ni-xtan trong những năm 80 của thế kỷ trước, hiện nay, một số nước phương Tây vẫn tiếp tục sử dụng các tổ chức khủng bố thâm nhập vào không gian hậu Xô-viết, trước hết là ở các nước Trung Á.
Năm 2002, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa ký với Liên Xô năm 1972 và tự xây dựng “lá chắn tên lửa” toàn cầu nhằm giành ưu thế chiến lược đơn phương. Việc Mỹ đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế Nga là phá hoại mọi quy tắc của luật thương mại tự do đề ra trong WTO mà Nga là thành viên.
Tổng thống V. Pu-tin khẳng định, mặc dù Mỹ và EU tiếp tục trừng phạt Nga nhưng Mát-xcơ-va sẽ không bao giờ “cầu xin” nước khác dỡ bỏ trừng phạt; sẽ không bao giờ yêu cầu ai đó làm điều gì và sẽ không khoanh tay đứng nhìn Mỹ, EU trừng phạt Nga, và, nước Nga sẽ vượt qua khó khăn này. Chính sách cấm vận Nga của Mỹ và EU là một sai lầm.
Về cuộc khủng hoảng U-crai-na và chính sách hướng Đông của Nga
Tổng thống V. Pu-tin bác bỏ những cáo buộc của phương Tây đối với Nga về cuộc khủng hoảng U-crai-na, rằng Nga đứng đằng sau các lực lượng ly khai ở miền Đông Nam nước này. Ngay từ đầu, Mát-xcơ-va đã ủng hộ các bên ở U-crai-na thực hiện Thỏa thuận ngày 21-02-2014 trước sự chứng kiến của các nước Anh, Pháp, Đức và Ba Lan để giải quyết hòa bình cuộc xung đột nhưng không nước nào muốn lắng nghe Nga. Rút cuộc, phương Tây đã đẩy U-crai-na vào tình trạng hỗn loạn, sụp đổ kinh tế - xã hội với cuộc nội chiến gây tổn thất lớn.
Về việc Nga chấp thuận sáp nhập Crưm, Tổng thống V. Pu-tin nhắc lại khái quát những gì đã xảy ra liên quan tới sự kiện này và khẳng định việc làm đó hoàn toàn phù hợp với Điều 1, Khoản 2 của Hiến chương Liên hợp quốc quy định quyền tự quyết của các dân tộc, đồng thời khẳng định, những gì diễn ra ở Crưm là hậu quả từ cuộc đảo chính nhà nước ở Ki-ép vào ngày 22-02-2014 bằng vũ lực. Để tránh thảm họa tái diễn, Chính phủ và Quốc hội Crưm phải tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để tách khỏi U-crai-na. Họ có đầy đủ cơ sở pháp lý để làm điều đó vì Crưm có Chính phủ riêng và Quốc hội riêng. Sau cuộc trưng cầu này, thể theo ý nguyện của tuyệt đại đa số người dân, Chính quyền Crưm đề nghị được sáp nhập vào Nga. Các lực lượng vũ trang Nga đóng tại căn cứ quân sự ở Biển Đen của Crưm đã giúp chính quyền tại đây khống chế hành động gây hấn của quân đội U-crai-na lúc đó đang hiện diện ở Crưm, hoàn toàn không nhằm gây áp lực buộc người dân ở đây phải đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu này. Đối với khu vực Đông Nam U-crai-na, Nga chủ trương trước sau như một tôn trọng và ủng hộ một nhà nước U-crai-na có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, lịch sử hình thành nhà nước U-crai-na trong biên giới như hiện nay là cả một quá trình phức tạp.
Về chính sách hướng Đông, Tổng thống V. Pu-tin khẳng định: “Hiện nay ở phương Tây vẫn còn ý kiến cho rằng nước Nga đang xa lánh châu Âu và tìm kiếm các đối tác mới, trước hết là ở châu Á. Nhưng thực tế tuyệt đối không phải như vậy. Chính sách của Nga hướng tới châu Á - Thái Bình Dương đã được hoạch định cách đây vài năm chứ không phải bây giờ và cũng không liên quan tới các biện pháp cấm vận, xuất phát từ xu thế phương Đông đang giành vị thế ngày càng đáng kể trên thế giới, trong đó có lĩnh vực kinh tế”.
Tổng thống V. Pu-tin nhấn mạnh, nước Nga không đòi hỏi một vị thế đặc biệt nào trên thế giới. Nga trước sau như một chủ trương tôn trọng lợi ích của các nước khác nên muốn các nước khác cũng tính đến và tôn trọng lợi ích của Nga. Nga không có ý định đóng cửa với thế giới bên ngoài và lựa chọn một sự phát triển khép kín, luôn sẵn sàng đối thoại nhằm bình thường hóa quan hệ kinh tế và chính trị, có tính đến cách tiếp cận và quan điểm thực dụng của giới doanh nhân ở các nước dẫn đầu thế giới. Nga là quốc gia độc lập, sẽ phát triển trong điều kiện kinh tế đối ngoại hiện có và phát triển nền sản xuất cũng như công nghệ trong nước, sẽ kiên quyết cải cách. Vì thế, áp lực từ bên ngoài chỉ khiến xã hội Nga đoàn kết hơn.
Tổng thống V. Pu-tin cho biết, Nga đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, các chuẩn mực công pháp quốc tế và những giá trị đã trở thành tài sản chung của toàn nhân loại.
Phản ứng của dư luận quốc tế về bài phát biểu của Tổng thống Nga
Theo nhận định của Nin Buc-lây (Neal Buckley), bình luận viên và biên tập viên báo Financial Times (Anh), bài phát biểu của ông V. Pu-tin tại Diễn đàn Câu lạc bộ Van-đai là tuyên bố mạnh mẽ nhất về chính sách đối ngoại của ông kể từ sau bài phát biểu tại Mu-nich năm 2007 và là “một trong những tuyên bố phê phán Mỹ gay gắt nhất trong 15 năm gần đây”. Tờ The New York Times (Mỹ) cũng nhận xét: “Bài phát biểu của ông V. Pu-tin là lời cáo buộc Mỹ gay gắt nhất”. Còn ông V. Pu-tin thì cho rằng, hiện nay những nhận định và đánh giá ngay thẳng và gay gắt là cần thiết không phải là để khích bác nhau mà là để cùng phân tích làm rõ bản chất những gì đang diễn ra trên thế giới, do đâu thế giới ngày nay trở nên kém an toàn hơn, khó dự đoán hơn và vì sao nguy cơ rình rập chúng ta ở khắp mọi nơi. Theo Tổng thống V. Pu-tin, không thể xây dựng được các luật chơi mới một cách minh bạch và dễ hiểu trong quan hệ quốc tế nếu không phân tích phê phán cấu trúc của trật tự thế giới đơn cực đang trở nên hỗn loạn.
Về ý nghĩa bài phát biểu của Tổng thống V. Pu-tin, ông Phrăng Clin-xê-vich (Frans Klinsevich), Đại biểu Thượng viện Nga, nhận xét: “Tư tưởng cốt lõi trong bài phát biểu của Tổng thống V. Pu-tin là thế giới đã thay đổi căn bản và do đó cần có cách tiếp cận hoàn toàn mới để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Bài phát biểu này buộc các nhà lãnh đạo ở phương Tây phải có câu trả lời”. Ông Phơ-răng Clin-xê-vich so sánh tầm quan trọng của bài phát biểu của Tổng thống V. Pu-tin với bài phát biểu của Thủ tướng Anh Uyn-xtơn Sơc-sin (Winston Churchill) năm 1946. Tuy nhiên, mục đích hai bài phát biểu đó là hoàn toàn khác nhau. Nếu bài phát biểu của U. Sơc-sin khởi đầu Chiến tranh lạnh, thì bài phát biểu của Tổng thống V. Pu-tin kêu gọi hòa bình, đối thoại và hợp tác. Ông V. Pu-tin phê phán gay gắt chính sách của Mỹ nhưng không chống Mỹ, vẫn coi Mỹ là đối tác.
Chuyên gia phân tích chính trị A. Côn-cốp (Alexander Konkov) nhận xét: “V. Pu-tin là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới nêu bật các quá trình đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Đó là, cuộc khủng hoảng luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế. Các chính khách và các lực lượng chính trị ở phương Tây không muốn nói rõ tên gọi các quá trình đó vì nhiều lý do. Còn V. Pu-tin là người đầu tiên trong số các nhà lãnh đạo và các chính khách trên thế giới gọi mọi thứ bằng tên gọi của nó: trắng là trắng và đen là đen, không thể trắng đen lẫn lộn”.
I-ri-na Y-a-rô-vai-a (Irina Yarovaija), Chủ tịch Ủy ban quốc gia về an ninh và chống tham nhũng, nhận xét: “Tổng thống V. Pu-tin chỉ ra những nguy cơ và thách thức mà nước Nga phải đối mặt để bảo vệ lợi ích quốc gia. Bằng ngôn từ đơn giản và dễ hiểu, V. Pu-tin đã giải thích rõ những hậu quả nghiêm trọng từ chính sách bá quyền của Mỹ đối với thế giới”.
Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Viện các vấn đề an ninh quốc tế A-lêch-xây Phe-nen-cô (Alexei Fenenko) nhận xét: “Bài phát biểu của Tổng thống V. Pu-tin là sự phát triển ý tưởng trong bài phát biểu nổi tiếng tại Diễn đàn an ninh quốc tế Mu-nich năm 2007, trong đó không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo”.
Nhà báo Mỹ Mac Chăm-pi-ôn (Marc Champion) trong bài viết có tựa đề “Redrawing the World at Putin's Annual Gabfest” trên trang mạng Bloomberg ngày 23-10-2014 nhận xét: “Bài phát biểu của V. Pu-tin gửi đi thông điệp rằng, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng U-crai-na, Nga và Mỹ cần phối hợp nỗ lực chung tuy đã quá muộn”.
Nhà báo Mỹ Ca-run Đe-mi-ri-an (Karoun Demirjian) trong bài viết “Russia’s Putin blames U.S. for destabilizing world order” trên tờ The Washington Post ngày 24-10-2014, nhận xét: “V. Pu-tin cáo buộc Mỹ gây ra tình tình bất ổn trên thế giới và rắp tâm sắp đặt lại trật tự thế giới để phục vụ lợi ích của Mỹ. Do đó, U-crai-na sẽ không phải là cuộc xung đột cuối cùng có sự tham gia của các nước lớn”./.
------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Выступление Владимира Путина на заседании международного дискуссионного клуба «Валдай».http://www.regnum.ru/news/polit/1860184.html
2. Мир у исторической развилки. http://www.fondsk.ru/news/2014/11/04/mir-u-istoricheskoj-razvilki-30239.html
Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế được tổ chức tại thành phố Mu-nich (Đức) vào năm 2007, của Tổng thống V. Pu-tin đưa ra nhận định “4 không” đối với trật tự thế giới đơn cực. Đó là: không lô-gic; không phù hợp với đạo lý; không dân chủ và không thể chấp nhận. Ông V. Pu-tin khẳng định, trong thế giới ngày nay, lợi ích và an ninh của tất cả các quốc gia trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu đều phụ thuộc lẫn nhau và cần phải được tôn trọng. |
Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện song phương Việt Nam - Hoa Kỳ  (11/12/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc  (10/12/2014)
Chủ tịch nước gặp mặt Đoàn đại biểu Ban liên lạc Đoàn 95  (10/12/2014)
Chủ tịch nước gặp mặt Đoàn đại biểu Ban liên lạc Đoàn 95  (10/12/2014)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến lãnh đạo Lào  (10/12/2014)
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Ngoài nước lần thứ nhất  (10/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay