Nhằm cung cấp cho bạn đọc thông tin liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi giới thiệu khái niệm cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" và nguyên tắc thực hiện những cơ chế này.

Với mục đích đơn giản, công khai và minh bạch thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP, ngày 4-5-1994, về cải cách một bước thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của tổ chức công dân, và gần đây Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 181/2003/QĐ-TTg, ngày 4-9-2003, ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương mà chúng ta thường gọi là thực hiện theo cơ chế "một cửa".

"Một cửa" là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước từ tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ đến trả lại kết quả thông qua một đầu mối là "bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" tại cơ quan hành chính nhà nước.

Theo quy định tại Điều 1, Quyết định số 93/2007/NĐ-TTg, ngày 22-6-2007, của Thủ tướng Chính phủ về "Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương" thì:

"Cơ chế một cửa liên thông" là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính nhà nước.

Theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 93/2007/NĐ-TTg, ngày 22-6-2007, của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện cơ chế "một cửa", "cơ chế một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước phải tuân theo những nguyên tắc sau:

1. Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật.

2. Công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, giấy tờ, hồ sơ và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.

3. Nhận yêu cầu và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

4. Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức, cánhân.

5. Đảm bảo sự phối hợp giải quyết công việc giữa các bộ phận, cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.

Trong thời gian qua, thực hiện cơ chế "một cửa" cho thấy đã có bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân, giảm phiền hà cho tổ chức, công dân, hạn chế tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của cán bộ, công chức, được đông đảo nhân dân đồng tình, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao. Cụ thể là:

- Về cung cách giao tiếp, người dân được tiếp đón niềm nở, thân thiện, hướng dẫn nhiệt tình, thấu đáo; đặc biệt là được giao hẹn bằng phiếu hẹn trả hồ sơ.

- Về nội dung, người dân được công khai các quy định thống nhất về hồ sơ, trình tự và thời gian giải quyết thủ tục cho từng loại công việc cụ thể; nếu không thuộc phạm vi trách nhiệm giải quyết tại bộ phận "một cửa" thì được tư vấn đầy đủ để thực hiện tại các cơ quan hành chính khác.

- Về chi phí, người dân được công khai các loại phí, lệ phí phải nộp, không phải thêm một khoản nào khác ngoài quy định của Nhà nước; đặc biệt là tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại liên hệ vì đã có thời gian cụ thể do bộ phận "một cửa" giao kết tại phiếu hẹn.

Vì vậy, có thể nói rằng, cho đến nay, việc thực hiện cơ chế "một cửa" là biện pháp hữu hiệu để cải cách thủ tục hành chính nhằm giải tỏa những bức xúc kể trên của người dân, góp phần đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế.