Là địa phương đã từng xảy ra tình trạng mất ổn định về chính trị một phần do những yếu kém của tổ chức đảng các cấp, nhất là tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn, Hưng Hà thấu hiểu rất rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Việc xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực là một trong những điều kiện then chốt giúp Hưng Hà phát triển toàn diện trong mấy năm gần đây.

Xây dựng đảng là điều kiện then chốt để vượt qua khó khăn

Trong thời kỳ đầu thực hiện đường lối đổi mới ở huyện Hưng Hà, một số cấp ủy đã thể hiện sự lúng túng về phương thức lãnh đạo, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân, việc thực hiện dân chủ cơ sở chưa hiệu quả. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn biểu hiện sự chủ quan, buông lỏng, vì vậy ở một số nơi, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện, phai nhạt lý tưởng, vi phạm phẩm chất đạo đức, pháp luật, làm giảm lòng tin của quần chúng. Đây cũng chính là những mầm mống manh nha ban đầu tạo nên sự bất ổn về chính trị trong những năm 1997-1998. Nhiều nơi trên địa bàn huyện, nhân dân đi khiếu kiện đông người gây ra những hậu quả không nhỏ đối với an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, làm giảm uy tín, hiệu lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cơ sở, nhất là ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Thời điểm khó khăn trên đã để lại cho Hưng Hà những bài học vô cùng quý báu. Qua đó, Huyện ủy càng xác định rõ công tác xây dựng Đảng là tiền đề, điều kiện then chốt để phát triển các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, nên được đẩy mạnh, đi vào thực chất, thực hiện kiên trì và nghiêm túc. Hiện nay, công tác xây dựng Đảng đã gặt hái được nhiều kết quả.

Về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, 6 tháng đầu năm 2007, huyện mở 32 lớp bồi dưỡng lý luận, chính trị cho hơn 4,5 nghìn học viên, bao gồm các lớp về giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức cách mạng, công tác xây dựng đảng... Nét mới trong việc bồi dưỡng lý luận, chính trị không chỉ dừng lại ở các chương trình bắt buộc mà còn chủ động mở thêm các lớp chuyên đề bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên chủ chốt của các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị của huyện như: chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng.

Công tác tổ chức, cán bộ từng bước sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; điều chỉnh, bổ sung và quy định cụ thể, hợp lý hơn chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động và lề lối làm việc của mỗi tổ chức. Hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn; rà soát trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của cấp ủy viên từ huyện đến cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Từng bước thực hiện tin học hóa và hiện đại hóa công tác quản lý đảng viên thông qua việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên trên mạng với hơn 11,6 nghìn đảng viên, chiếm 99,1% tổng số đảng viên.

Công tác kiểm tra đã tham mưu cho cấp ủy xây dựng chương trình kiểm tra năm 2007 và tổ chức kiểm tra 39 cuộc. Kiểm tra công tác quản lý và sử dụng tài chính đảng của một số cấp ủy cơ sở, phát hiện một số nơi không bảo đảm hệ thống sổ sách theo quy định, chi sai nguyên tắc, phát hiện 5 đảng viên vi phạm, 3 tổ chức đảng cần chỉnh đốn. Việc thi hành kỷ luật đảng được thực hiện đúng nguyên tắc, bảo đảm tính khách quan, chính xác, góp phần vào việc giáo dục, ngăn ngừa vi phạm.

Công tác lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể nhân dân đã cụ thể hóa mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trên cơ sở thực sự phát huy vai trò lãnh đạo của đảng, hướng tới việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực. Khắc phục khuynh hướng Đảng bao biện làm thay, cũng như buông lỏng, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Các mặt khác như: xây dựng tổ chức đảng cơ sở, phát triển đảng viên, dân vận, bảo vệ chính trị nội bộ... được thực hiện tốt, tạo thành sức mạnh tổng hợp củng cố vững chắc các tổ chức đảng cũng như toàn hệ thống chính trị, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững về kinh tế - xã hội (năm 2006, tốcđộ tăng trưởng kinh tế đạt 12,6%, cao nhất từ trước đến nay).

Mấy kinh nghiệm bước đầu từ công tác xây dựng đảng

Đảng bộ huyện Hưng Hà có tổng số 61 tổ chức cơ sở đảng, gồm 450 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, thị trấn và đảng bộ cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp, với hơn 11,7 nghìn đảng viên. Qua thực tiễn gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, bước đầu đã hình thành một số mô hình tốt và kinh nghiệm mới.

Thực hiện quản lý và phân công công tác cho đảng viên theo 4 loại hình và 5 nội dung. Việc phân công đảng viên theo 4 loại hình bao gồm: đảng viên phụ trách chuyên đề, đảng viên phụ trách nhóm hộ theo địa bàn dân cư, đảng viên phụ trách hộ khó khăn và đảng viên có chức danh công tác. Phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên nhằm xác định rõ trách nhiệm của mỗi đảng viên, thực sự gắn trách nhiệm đảng viên với việc lãnh đạo, vận động quần chúng nhân dân. Mặt khác, đây cũng là biện pháp để có thể khai thác trí tuệ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của từng đảng viên và là điều kiện để họ tự rèn luyện, hoàn thiện. Việc phân công cho đảng viên được cấp ủy, chi bộ thực hiện dân chủ, công khai, đảng viên được thảo luận, tự nguyện nhận nhiệm vụ. Năm 2005, có 92,8% số đảng viên của huyện được phân công công tác. Hưng Hà còn phân công từng đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo từng cụm xã, thị trấn của huyện theo địa giới hành chính (phân thành 6 cụm) nhằm theo dõi và gắn bó chặt chẽ với cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn để quyết định các giải pháp chỉ đạo nhanh nhạy, kịp thời và chính xác những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

Việc quản lý đảng viên tập trung vào những nội dung chính: quản lý lịch sử chính trị, quản lý tư tưởng, quản lý công tác và quản lý sinh hoạt của đảng viên. Đây là một khâu quan trọng trong công tác xây dựng đảng và bảo vệ Đảng. Quá trình thực hiện quản lý đảng viên được tiến hành đồng bộ với các biện pháp quản lý bằng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kết hợp quản lý đảng viên với quản lý kinh tế- xã hội theo chức danh công tác và nhiệm vụ được phân công để có thể đánh giá chính xác chất lượng đảng viên. Việc phân công công tác và quản lý đảng viên đã tạo sự chuyển biến tích cực về công tác xây dựng đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng được tăng cường, nhất là các chi bộ đảng ở nông thôn.

Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng tại nông thôn có vai trò hết sức quan trọng bởi đây là hạt nhân chính trị, cầu nối gần nhất giữa đảng với nhân dân ở nông thôn. Do đó, chăm lo nhân sự cho tổ chức cơ sở đảng tại nông thôn rất được quan tâm. Trước tình hình phức tạp: với mặt bằng dân trí khác nhau; cán bộ, đảng viên còn chịu nhiều tác động của những phong tục, lề lối làng, xã, đặc biệt là mối quan hệ họ hàng thân thích đan xen; mâu thuẫn về nhận thức giữa các thế hệ..., tất cả đều có ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của chi bộ đảng. Các cấp ủy đã chủ động sắp xếp nhân sự các chi bộ thôn, làng: bí thư chi bộ thường là các đảng viên giàu kinh nghiệm, chức danh trưởng thôn hầu hết là cán bộ trẻ có trình độ và tri thức, kiêm nhiệm phó bí thư hoặc chi ủy viên. Việc bố trí nhân sự đó đã kết hợp và phát huy được kinh nghiệm những thế hệ đi trước trong chỉ đạo và sự nhạy bén của lớp trẻ khi triển khai, cụ thể hóa sự lãnh đạo của cấp ủy; khắc phục bệnh kinh nghiệm của thế hệ đi trước cũng như giáo điều do thiếu kinh nghiệm của thế hệ sau; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu quả điều hành của chính quyền, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Với mô hình kết hợp giữa các thế hệ đảng viên trong cấp ủy, Đảng bộ Thị trấn Hưng Nhân là một trong những địa phương của Hưng Hà có các tổ chức cơ sở đảng hoạt động hiệu quả nhất với 18/22 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đạt 13,6%/năm.

Hưng Hà xác định công tác tư tưởng có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nhưng không thể chung chung mà phải được cụ thể hóa bằng các tiêu chí, nội dung rõ ràng, nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận và thực hiện. Do đó, Hưng Hà đúc rút thành nội dung 5 xây và 5 chống. Năm xây: xây dựng ý chí làm giàu; xây dựng tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; xây dựng tư tưởng sản xuất hàng hóa; xây dựng nếp sống văn hóa trong sản xuất và đời sống; xây dựng tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, với công việc; và năm chống: chống tư tưởng tự thỏa mãn; chống tư tưởng trông chờ bao cấp; chống tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; chống tư tưởng lợi dụng, cá nhân chủ nghĩa, tham nhũng, tiêu cực; chống tư tưởng bảo thủ, kinh nghiệm chủ nghĩa. Đây là những nội dung cụ thể, phù hợp với thực tiễn địa phương song cũng bao quát được những vấn đề chủ đạo nhất, bước đầu tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng của cán bộ, đảng viên.

Thấm thía từ sự mất ổn định về chính trị trong những năm 1997 - 1998, một phần cơ bản bởi đội ngũ cán bộ, đảng viên quan liêu, không gần dân, nên Hưng Hà rất coi trọng công tác dân vận, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân... Cả hệ thống chính trị của huyện đều làm công tác dân vận, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế- xã hội. Với phương châm hướng về cơ sở (thôn, làng), mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng và rèn luyện phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và phải có trách nhiệm với dân", từ đó tạo ra sự ủng hộ, xây dựng sự đồng thuận trong nhân dân. Mở rộng quyền dân chủ của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia đóng góp ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt của xã, của thôn. Đặc biệt trong giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân, đối với từng vụ việc cụ thể, các cơ sở cố gắng thực hiện triệt để, xử lý nghiêm minh, không bao che, tránh giải quyết không dứt điểm, gây tâm lý nghi ngờ, thiếu tin tưởng từ phía người dân. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng trên cơ sở tạo ra sự phối hợp chặtchẽ giữa Ban Dân vận của huyện và khối dân vận cơ sở trong một guồng máy thống nhất.

Hết sức coi trọng việc đánh giá tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đúng thực chất, không chạy theo thành tích. Hưng Hà là một trong những huyện làm tốt công tác xây dựng Đảng của tỉnh Thái Bình, song tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh hằng năm vẫn chưa cao, chỉ khoảng 30%. Hưng Hà không e ngại điều đó, kiên quyết đánh giá nghiêm khắc chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đúng thực chất, tuyệt đối không chạy theo thành tích. Ngoài tiêu chuẩn đánh giá chung của Trung ương, của tỉnh, Hưng Hà còn chủ động bổ sung thêm các tiêu chí khác gắn với thực tiễn phát triển sản xuất và xã hội của địa phương như: tiêu chí không sinh con thứ 3, sản xuất vụ đông, phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề... trong việc phân loại. Chẳng hạn, tổ chức đảng cơ sở làm tốt công tác xây dựng Đảng nhưng có đảng viên sinh con thứ 3 hoặc sản xuất không tốt thì sẽ không được bình xét. Việc đánh giá nhưtrên góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên.

Trước tình hình mới, nhất là năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 13, với những kinh nghiệm bước đầu, năm 2008 và những năm tiếp theo, Hưng Hà chủ động vượt qua khó khăn, thường xuyên tự đánh giá đúng mình để đổi mới, nhằm củng cố, xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững chắc. Đây là tiền đề để thực hiện thành công đề án 4 mũi nhọn đột phá về tăng trưởng kinh tế và 2 chương trình trọng tâm về xã hội do Huyện ủy đề ra, tạođộng lực phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.