TCCSĐT - Sáng ngày 26-9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng Bí thư cấp ủy cấp huyện (lớp thứ nhất).

Đến dự lễ bế giảng có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, các bộ, ban ngành, cơ quan trung ương, thành phố Hà Nội.

Tham dự lễ bế giảng có GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS. Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện, đại diện lãnh đạo các vụ chức năng và toàn thể 62 học viên của khóa học.

Báo cáo tổng kết lớp học do PGS, TS. Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện trình bày nêu rõ: Một trong những nhiệm vụ quan trọng Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh. Thực hiện kế hoạch về việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng năm 2014 của Ban Tổ chức Trung ương, Học viện đã tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng Bí thư cấp ủy cấp huyện của các tỉnh, thành phố trong cả nước vào ngày 09-9-2014. Đến nay, sau 3 tuần học tập, lớp học đã hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra và tổ chức lễ bế giảng.

Lớp bồi dưỡng Bí thư cấp ủy cấp huyện thứ nhất có 62 học viên, gồm 57 nam, 5 nữ, đến từ 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Học viên đều là Bí thư cấp ủy đương nhiệm của các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phần lớn đều tham gia cấp ủy cấp tỉnh. Một số đồng chí đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Mục tiêu của khóa học là nhằm bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức mới về đường lối, quan điểm của Đảng, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và phương pháp công tác của Bí thư cấp ủy cấp huyện; góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, phẩm chất chính trị, đạo đức để các đồng chí Bí thư quận ủy, huyện ủy hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện mục tiêu đó, Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo, lựa chọn các nội dung cần thiết đưa vào chương trình lớp học cho phù hợp. Theo đó, nội dung cơ bản được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu gồm 3 phần: Phần lý luận chung, Phần kỹ năng lãnh đạo và Phần báo cáo kinh nghiệm thực tiễn.

Phần lý luận chung trang bị cho học viên những tri thức căn cốt về đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng chủ nghĩa xã hội với bối cảnh mới - mở cửa, hội nhập, hòa bình, hợp tác và phát triển; những vấn đề quốc tế và thời đại; vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền cấp huyện cũng như của Bí thư cấp ủy cấp huyện; phương pháp công tác và yêu cầu về phẩm chất, trình độ, năng lực của Bí thư cấp ủy cấp huyện.

Phần kỹ năng được chú trọng, bao gồm kỹ năng lãnh đạo, quản lý của Bí thư cấp ủy cấp huyện trên các mặt công tác như kỹ năng phối hợp giữa cấp ủy với chính quyền; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết gắn với tổng kết thực tiễn; lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; kinh nghiệm lãnh đạo xử lý tình huống, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý điểm nóng - tình huống chính trị, xung đột xã hội của Bí thư cấp ủy cấp huyện.

Ban Tổ chức lớp học đã lựa chọn một số địa phương có điểm sáng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các mặt hoạt động để báo cáo kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch, khai thác nội lực để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; kinh nghiệm xử lý điểm nóng về tôn giáo, dân tộc, kinh nghiệm lãnh đạo cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng… Đây là những kinh nghiệm thực tiễn sống động ở những huyện đã diễn ra những sự kiện liên quan đến công tác lãnh đạo của Bí thư cấp ủy cấp huyện trên các lĩnh vực trọng yếu. Báo cáo viên đều là các Bí thư đương nhiệm hoặc đã từng là Bí thư cấp ủy cấp huyện.

Trong chương trình, Học viện cũng đã tổ chức cho lớp đi nghiên cứu thực tế, nghe báo cáo và trao đổi kinh nghiệm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ.

Qua đánh giá 62 bản thu hoạch của học viên, 100% các bản thu hoạch có chất lượng tốt, phản ánh được những vấn đề sinh động mà thực tiễn ở các địa phương đang đặt ra. Lớp học đã hoàn thành tốt chương trình và đạt được mục tiêu đề ra.

Phát biểu tại lễ bế giảng, GS, TS. Tạ Ngọc Tấn nhiệt liệt chúc mừng 62 đồng chí học viên đã hoàn thành tốt khóa học; nhất trí với báo cáo tổng kết khóa học do đại diện ban chỉ đạo lớp học trình bày; đánh giá cao sự cố gắng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương và địa phương tổ chức thành công khóa học.

GS, TS. Tạ Ngọc Tấn đặc biệt nhấn mạnh đến chủ trương của lãnh đạo Học viện và ban tổ chức lớp học về việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong toàn khóa học, biến giờ học thành diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý giữa các học viên - những người đã có kinh nghiệm công tác thực tế. Cách làm này đã biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, tự học, tự nghiên cứu sáng tạo với ý thức chủ động của mỗi học viên. Các buổi học trên lớp không thuần túy là các buổi thuyết trình một chiều mà trở thành không gian đối thoại, trao đổi nhiều chiều giữa giảng viên và học viên và giữa học viên với nhau. Nhiều buổi thảo luận thực sự là buổi sinh hoạt khoa học tập thể bổ ích và lý thú; là hợp phần hữu cơ không tách rời trong nội dung chương trình lớp học và có giá trị không chỉ đối với học viên mà cả đối với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên.

GS, TS. Tạ Ngọc Tấn mong muốn các học viên phát huy cao nhất trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các Nghị quyết Trung ương khóa XI; bày tỏ hy vọng mai đây trở về với vị trí công tác, mỗi học viên tích hợp trong mình không chỉ kiến thức, kinh nghiệm thu nhận từ giảng viên, báo cáo viên mà cả kiến thức, kinh nghiệm từ chính các học viên. Lớp học sẽ là cầu nối để các học viên tiếp tục chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong thực tiễn công tác về sau./.