TCCSĐT - Sáng ngày 02-4, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) năm 2013.
Những điểm sáng của PAPI 2013

Phân tích từ việc phỏng vấn sâu gần 14.000 người dân ở 63 tỉnh/thành phố của cả nước trên 06 trục nội dung (gồm Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; và Cung ứng dịch vụ công), Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2013 cho biết, người dân ngày càng đánh giá cao hơn về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, thể hiện qua mức độ hài lòng của người dân tăng nhẹ qua các năm từ 2011 đến 2013. Cụ thể là, điểm số của nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” có mức gia tăng đáng kể, cao hơn 4,24% so với kết quả năm 2012. Tiếp đến là trục nội dung “Công khai, minh bạch” có mức gia tăng trên 3,4%. Ba trục nội dung là “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Thủ tục hành chính công”; “Cung ứng dịch vụ công” chỉ có mức gia tăng nhẹ, trong khi trục “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” lại giảm nhẹ (0,33% so với năm 2012).

Một tín hiệu tích cực nữa là điểm trung bình cao nhất toàn quốc của các nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Thủ tục hành chính công”; “Cung ứng dịch vụ công” có xu hướng tăng so với năm 2011. Điều đó cho thấy, theo đánh giá của người dân, chất lượng, hiệu quả quản trị và hành chính công đang dần dược cải thiện.

Với diện khảo sát rộng và phương pháp khảo sát khoa học, chỉ số PAPI của các địa phương đã phác họa bức tranh cụ thể về xu thế cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công của các tỉnh/thành phố. Từ kết quả PAPI được công bố qua các năm, đã có 22 tỉnh/thành phố có những hành động cụ thể từ phương diện chính sách và thực tế để cải thiện mức độ hài lòng của người dân. Riêng trong năm 2013, có 9 tỉnh/thành phố ban hành văn bản chỉ đạo để khắc phục những điểm yếu trong quản trị và hành chính công của địa phương mình; 10 tỉnh/thành phố tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm phân tích kết quả và ý nghĩa của chỉ số PAPI. Theo đánh giá, có ít nhất 23 triệu người dân ở những địa phương này sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi đó của chính quyền.

Được đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, chỉ số PAPI cho thấy, trên thực tế, người dân tại mỗi địa phương có trải nghiệm và đánh giá khác nhau về hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công.
Thông qua so sánh kết quả tổng hợp chỉ số PAPI của các tỉnh/thành phố, có 10 địa phương duy trì được điểm số cao trong suốt 3 năm liền (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bình Dương, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Long An, Nam Định, Quảng Bình, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh); đồng thời cũng có một số địa phương chưa vượt lên mức điểm thấp nhất so với năm 2011 (Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Ninh và Tây Ninh).

Một dấu hiệu khả quan nữa là, qua kết quả của chỉ số PAPI có trọng số năm 2013, có nhiều tỉnh/thành phố đạt điểm tổng hợp cao hơn so với những năm trước. Nếu như năm 2011 chỉ có 4 địa phương đạt trên 40 điểm (Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Quảng Bình và Sơn La), năm 2012, con số này tăng gấp đôi (Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Quảng Bình, Sơn La, Bình Định, Đà Nẵng, Nam Định và Quảng Trị), thì đến năm 2013, có thêm 3 tỉnh Vĩnh Long, Thanh Hóa và Lạng Sơn. Đồng thời, số địa phương có số điểm dưới 35 điểm trong năm 2013 chỉ còn 01 tỉnh (Bắc Giang), trong khi con số này của các năm 2012 và 2011 tương ứng là 06 và 11.

Quảng Bình là điểm sáng nổi bật với kết quả là địa phương duy nhất đứng trong nhóm các tỉnh/ thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 trục nội dung.

Trình bày báo cáo PAPI 2013 tại Hội thảo, ông Giai-rô An-pha-rô (Jairo Alfaro), cố vấn chính sách UNDP, cho rằng PAPI là “mỏ vàng” dữ liệu để chính quyền các tỉnh/thành phố tham khảo, phân tích chính sách trên cơ sở đó đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của mình, nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Người dân không hài lòng ở những điểm gì?

Trong trục nội dung “công khai, minh bạch”, có 8 trên 10 người được hỏi không được biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương; có nơi chỉ có 1,6% số người được biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, và ngay tại địa phương đạt điểm cao nhất ở trục nội dung này, tỷ lệ này cũng chỉ đạt 50%. Trong số những người được biết thông tin, 19% cho biết được chính quyền địa phương thông báo và 6% biết qua các nguồn khác. Trên phạm vi toàn quốc, 37,4% số người được hỏi cho biết thu chi ngân sách của xã/phường được công bố công khai.

Đánh giá về mức độ và hiệu quả trong việc tiếp xúc với chính quyền, chỉ có 14% số người được hỏi cho biết họ đã liên hệ với trưởng thôn/tổ trưởng dân phố để giải quyết khúc mắc. Khoảng 84% trong số đó cho biết cuộc tiếp xúc với trưởng thôn/tổ trưởng dân phố giúp họ giải đáp được phần nào các khúc mắc.

Các nhóm dân cư là phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và những người không quen thân với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thường đánh giá chất lượng quản trị và hành chính công kém hơn so với những nhóm dân cư khác, ngay cả khi họ ở cùng một địa bàn dân cư cấp huyện/quận hoặc cấp thôn.
Tham nhũng và hối lộ trong khu vực công vẫn còn là vấn đề thường trực trong nhiều lĩnh vực. Đánh giá về mức độ nghiêm túc của chính quyền trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện ở địa phương, tỷ lệ số người được hỏi cho rằng, chính quyền cấp tỉnh có xu hướng nghiêm túc trong việc xét xử là 38% (tăng so với 34% năm 2011). Tuy nhiên, có khoảng 2 trong 3 người cho rằng, họ không biết chính quyền có nghiêm túc hay không. Điều đáng lưu ý là, những người trả lời biết đến Luật Phòng, chống tham nhũng thường tin hơn vào mức độ nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng ở địa phương. Khoảng 38,1% số người được hỏi trên toàn quốc cho biết cán bộ chính quyền cấp tỉnh nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện.

Những yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người dân đối với bốn loại dịch vụ thủ tục hành chính công được đo lường trong PAPI 2013 là: thái độ phục vụ người dân; mức độ thạo việc của công chức; mức độ công khai, minh bạch về thủ tục cần làm; phí và lệ phí theo quy định. Kết quả khảo sát cho thấy, những yếu tố tác động đến mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công chủ yếu xoay quanh kỹ năng mềm và mối quan hệ giữa công chức và người dân khi công chức tiếp nhận và thụ lý hồ sơ làm thủ tục hành chính của người dân, nhiều hơn so với điều kiện phần cứng hoặc kết cấu hạ tầng. Chẳng hạn, với dịch vụ chứng thực/xác nhận, mức độ hài lòng của người dân giảm 36% do công chức có thái độ thiếu tôn trọng; giảm 32% do kết quả trả sai lịch hẹn. Mức độ hài lòng của người xin cấp giấy phép xây dựng giảm mạnh 78% do công chức có thái độ thiếu tôn trọng và giảm 51% do công chức không thạo việc. Đối với dịch vụ hành chính liên quan tới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mức độ hài lòng của người sử dụng giảm 69% do công chức có thái độ thiếu tôn trọng và 50% do thủ tục rườm rà.

Đánh giá về một số tiêu chí chất lượng trường tiểu học công lập, mức độ hài lòng của phụ huynh học sinh giảm 28% do khả năng truyền đạt kiến thức của giáo viên kém, giảm 15% khi có hiện tượng phải “bồi dưỡng” và giảm 11% do không phản hồi thường xuyên về tình hình học tập của học sinh.

Những yếu tố tác động chính đến mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ y tế ở bệnh viện công tuyến quận/huyện không nhất thiết liên quan đến khả năng tiếp nhận hay kết cấu hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của bệnh viện. Chẳng hạn, thái độ phục vụ bệnh nhân không tốt làm suy giảm mức độ hài lòng của người sử dụng tới 51%, tiếp đến là không có cán bộ y tế thăm khám thường xuyên (giảm 44%), chi phí khám, chữa bệnh không hợp lý (giảm 43%), phải “lót tay” cho cán bộ y tế (giảm 33%).

Những kết quả mà việc khảo sát mang lại không chỉ phần nào cho thấy thực trạng mức độ hài lòng của người dân đối với hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam, mà còn mang lại những bài học kinh nghiệm, những gợi ý mang tính giải pháp để chính quyền địa phương, cải thiện thứ bậc của mình trong bảng xếp hạng. Có thể thấy, những biện pháp trước mắt để cải thiện PAPI của nhiều địa phương là tăng cường nhận thức của người dân về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; tạo điều kiện để người dân tham gia tích cực và hiệu quả vào đời sống chính trị, góp ý xây dựng chính sách, chính quyền; tăng cường tương tác trực tiếp và có hiệu quả giữa chính quyền với người dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng; cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công và dịch vụ công để bắt kịp với sự phát triển của xã hội và mong đợi của người dân./.