Bầu cử Nghị viện châu Âu

11:18, ngày 04-06-2009
Bảng quảng cáo bầu cử Nghị viện châu Âu
ở Brussels(Bỉ). Ảnh Reuters
Từ ngày 4 đến 7-6 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Nghị viện châu Âu là một trong ba thể chế chính của EU và có vai trò đại diện cho các quyền lợi của công dân EU. Hai thể chế chính khác là Hội đồng Liên hiệp châu Âu và Ủy ban châu Âu (EC).

Hội đồng là cơ quan đưa ra quyết định chính của EU, có một đại diện chính phủ của mỗi nước thành viên và quyết định toàn bộ chính sách. EC là cơ quan chấp hành của EU (cũng có một đại diện của mỗi nước thành viên)  có nhiệm vụ thực hiện các quyết định của Nghị viện và Hội đồng. Nghị viện tiến hành các cuộc gặp ở Thủ đô Brúc-xen  (Bỉ) và thành phố Strasbourg (Pháp).

Nghị viện châu Âu được thành lập năm 1952 và là thể chế châu Âu duy nhất bầu cử trực tiếp theo các thủ tục được đưa ra năm 1979. Trước đó các thành viên nghị viện (MEPs) do các chính phủ bổ nhiệm. Nghị viện châu Âu có ba vai trò chính: thông qua các luật của châu Âu, giám sát các thể chế  khác của EU và cùng với Hội đồng có quyền đối với ngân sách của EU. Nghị viện châu Âu và Hội đồng có quyền quyết định bằng nhau (hai phần ba đề nghị về việc xây dựng luật EU) theo thủ tục được gọi là đồng quyết định. Trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, chính sách kinh tế, thị thực và vấn đề nhập cư, Hội đồng một mình xây dựng luật nhưng cần phải tham khảo Nghị viện. Ngân sách hằng năm của EU do Nghị viện và Hội đồng cùng quyết định và một ủy ban nghị viện theo dõi ngân sách này được chi tiêu như thế nào. Nghị viện có thể phủ quyết việc bổ nhiệm của EC, cơ quan có các thành viên không được bổ nhiệm nếu không được Nghị viện thông qua. Nghị viện còn giám sát công việc của Hội đồng và có thể thành lập các ủy ban điều tra dựa vào các kiến nghị của công dân EU.

Trong số gần 500 triệu dân tại 27 nước thành viên EU có hơn 375 triệu cử tri đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này. Các cuộc bầu cử được bắt đầu tại Anh và Hà Lan vào ngày 4-6. Tiếp theo là Ireland (5-6); Lat-vi-a, Síp, Man-ta và Xlô-va-ki-a (6-6); hai nước bỏ phiếu trong hai ngày: CH Séc (5 và 6-6), I-ta-li-ay (6 và 7-6) và các nước bỏ phiếu ngày 7-6 là: Áo, Bỉ, Bun-ga-ri, Ðan Mạch, E-xtô-ni, Phần Lan, Pháp, Ðức, Hy Lạp, Hung-ga-ri, Lít-va, Lúc-xăm-bua, Ba Lan, Bồ Ðào Nha, Ru-ma-ni, Xlô-ve-ni-a và Thụy Ðiển. Các cuộc bầu cử được tiến hành bằng bỏ phiếu kín và cử tri phải từ 18 tuổi trở lên. Sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc ở tất cả các nước thành viên, các nước mới được công bố kết quả bầu cử. Kể từ cuộc bầu cử gần đây nhất năm 2004 có Ru-ma-ni và Bun-ga-ri gia nhập EU.

Tại cuộc bầu cử lần này, cử tri sẽ lựa chọn 736 MEPs cho nhiệm kỳ năm năm. Mỗi nước thành viên được ấn định số người đại diện trong Nghị viện châu Âu dựa vào dân số của nước này. Ðức là nước có số dân đông nhất và sẽ có số MEPs nhiều nhất sau cuộc bầu cử lần này (99), tiếp theo là Anh, Pháp và Italy (mỗi nước 72) và Malta sẽ có số MEPs ít nhất (5). Khi được bầu vào Nghị viện châu Âu, MEPs sẽ hình thành nhóm theo liên minh chính trị của họ. Sau cuộc bầu cử lần này, mỗi nhóm cần có tối thiểu 25 MEPs đại diện cho ít nhất bảy nước thành viên. Số MEPs của Nghị viện châu Âu sắp mãn nhiệm là 783. Theo Hiệp ước cải cách Li-xbon của EU, sẽ có hiệu lực sau cuộc bầu cử này nếu được tất cả các nước thành viên thông qua, số MEPs sẽ được tạm thời tăng lên 754 và quyền hành của Nghị viện châu Âu sẽ được tăng cường. Ðồng quyết định sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực như nông nghiệp, đánh cá, di trú hợp pháp, không gian và thể thao. Quyền hành về ngân sách của EU sẽ được mở rộng đối với tất cả chi tiêu của EU. Nghị viện châu Âu sẽ có nhiều quyền hành hơn đối với việc bổ nhiệm Chủ tịch EC.

Theo hãng Reuters, các cuộc thăm dò dư luận ngày 26-5 vừa qua cho thấy sự quan tâm của cử tri đang tăng lên, với 49% số cử tri có thể đi bỏ phiếu, chỉ trên mức thấp kỷ lục 45,5% trong cuộc bầu cử năm 2004 (cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đầu tiên năm 1979 có 62% cử tri đi bỏ phiếu.