Chế độ giám sát và kỷ luật đảng viên của ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc
Ủy ban Phát triển và Cải cách là cơ quan nghiên cứu, kiểm soát và phê chuẩn các vấn đề quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Quyền lực hành chính tập trung quá lớn ở đây đã dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực, gây nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, nhân viên. Trước tình hình đó, Ủy ban Phát triển và Cải cách tập trung tiến hành mạnh mẽ việc xây dựng tác phong và kỷ luật đối với đảng viên theo “Cương yếu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra năm 2005, trong đó lấy việc chống tham nhũng làm nòng cốt.
Quyền lực tập trung và sự phát tán tiêu cực
Ủy ban Phát triển và Cải cách (NDRC) là một cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô trực thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc với nhiệm vụ nghiên cứu các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự cân bằng và chỉ đạo việc tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. NDRC ra đời từ cơ quan tiền thân là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước được thành lập năm 1952. Năm 2003, sau khi hợp nhất với một số bộ phận của Hội đồng Tái cơ cấu hệ thống kinh tế và Hội đồng Kinh tế - Thương mại Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trở thành Ủy ban Phát triển và Cải cách. NDRC có 26 ban, cục và cơ quan chức năng với khoảng 890 cán bộ. Sau khi tái cơ cấu lại, NDRC hiện nay có vai trò ngày càng quan trọng.
Trong thời kỳ quá độ từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Ủy ban kiên trì đi sâu vào cải cách, đề xuất các ý kiến mới, thay đổi chức năng, tạo ra những luật lệ cơ bản cho nền kinh tế; góp phần củng cố, phát triển việc quản lý nền kinh tế vĩ mô và xúc tiến sự tăng trưởng liên tục, nhanh chóng, mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc.
Chức năng chính của NDRC bao gồm: xây dựng và tổ chức thực thi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc dân; quy hoạch kế hoạch trung và dài hạn cũng như kế hoạch hằng năm; nghiên cứu, phân tích tình hình phát triển kinh tế trong và ngoài nước; quy hoạch dự án quan trọng và phân phối sức sản xuất; đề nghị chính sách kiểm soát vĩ mô; nghiên cứu chiến lược sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; sắp xếp dự án xây dựng chi ngân sách nhà nước và dự án xây dựng quan trọng, dự án sử dụng vốn đầu tư lớn, vốn nước ngoài; xây dựng văn bản pháp quy phát triển kinh tế - xã hội quốc dân, cải cách thể chế kinh tế, mở cửa đối ngoại...
Với các chức năng bao quát và điều phối hầu như toàn bộ nền kinh tế, Ủy ban Phát triển và Cải cách là một trong những cơ quan quan trọng bậc nhất trong 28 bộ và Ủy ban ngang bộ của Quốc vụ viện. Trong Ủy ban, quyền lực hành chính luôn ở trạng thái tập trung cao độ, quyền được phê chuẩn các dự án, kế hoạch đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu, định giá, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, quản lý việc cấp giấy phép, quốc trái...vô cùng lớn. Chính sự tập trung quyền lực này là một môi trường thuận lợi dễ làm nảy sinh và nuôi dưỡng những tiêu cực. Hiện tượng một số cán bộ quan cách, hách dịch, nhũng nhiễu, tham nhũng... đã xuất hiện như một hệ quả dây chuyền.
Những tiêu cực trên càng có điều kiện phát tán khi Trung Quốc đang trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế. Những quy chuẩn về đạo đức cũng chịu sự tấn công ghê gớm. Cùng với việc phân phối thu nhập không đồng đều sinh ra động cơ lợi dụng quyền lực để chiếm dụng lợi ích ở một số người, trong khi những biểu hiện của tính liêm khiết và chống tham nhũng cũng còn hạn chế, cơ chế giám sát, kiểm tra cán bộ chưa được kiện toàn... Chính vì vậy, việc xây dựng tác phong và kỷ luật đảng viên được Ủy ban xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong quá trình phát triển nhằm xứng đáng với sứ mệnh được Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân giao phó, từng bước tạo dựng một đội ngũ cán bộ có năng lực, đạo đức ngang tầm nhiệm vụ.
Tăng cường xây dựng tác phong và kỷ luật đảng viên
Xây dựng tác phong và kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ được coi là nhân tố cốt lõi, sâu xa nhất có thể hóa giải mọi vấn đề phức tạp nảy sinh. ủy ban Phát triển và Cải cách xác định, việc xây dựng tác phong, kỷ luật đảng viên phải hướng vào mục đích rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể. Nhiệm vụ trung tâm, bao quát toàn bộ là việc tăng cường giám sát, kiểm tra đảng viên. Tinh thần khoa học và thực tế phải xuyên suốt lộ trình thực hiện việc xây dựng tác phong kỷ luật đảng viên trên cơ sở đồng thời triển khai đồng bộ hàng loạt việc như: giải quyết, loại trừ những vấn đề tổn hại đến lợi ích nhân dân; giáo dục cán bộ, đảng viên phòng, chống tham nhũng; phát động việc kinh doanh lành mạnh, xử lý nghiêm đối với hành vi hối lộ; tăng cường giữ vững điều lệ Đảng...
Để giải quyết những nhiệm vụ trên, Ủy ban Phát triển và Cải cách xác định 6 giải pháp trọng tâm phải thực hiện:
Thứ nhất, lấy giáo dục làm cơ sở, chế độ làm mấu chốt, giám sát làm đảm bảo, xoay quanh chủ đề: giáo dục và đề cao tinh thần cần cù, tăng cường tính tự giác trong việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng; tạo môi trường để con người không dám phát sinh lòng tham; việc đề phòng, ngăn ngừa, kiểm tra, giám sát, xử phạt phải tiến hành đồng thời.
Thứ hai, thực hiện tốt 4 nhiệm vụ cơ bản, chú trọng xây dựng tư tưởng, đạo đức theo 6 quan niệm: thế giới quan; nhân sinh quan; giá trị quan; quan niệm về quyền lực; quan niệm về địa vị; về lợi ích. Theo quan điểm của Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, việc tu dưỡng đạo đức là nhiệm vụ quan trọng của đảng cầm quyền gắn với tiêu diệt lòng tham và thường xuyên kiểm điểm việc làm của mình. Về chính trị, phải theo Đảng, về kinh tế không tham nhũng, về đời sống không để phải hổ thẹn.
Thứ ba, trang bị quan niệm về quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân, tất cả lợi ích thuộc về nhân dân nên phải hướng tới phục vụ nhân dân từ những khía cạnh nhỏ nhất. Vấn đề này mỗi năm được Ủy ban giáo dục bằng các chuyên đề như: “xây dựng thế giới quan khoa học”; “xây dựng xã hội hài hòa”; “xây dựng đạo đức nghề nghiệp”. Một người công chức cần được trang bị tố chất gì, nghề nghiệp như thế nào là điều rất quan trọng. Ủy ban đưa ra lý thuyết về “luân lý cuối cùng”, tức là cán bộ phải biết “giới hạn cuối cùng” của mình ở chỗ nào được chú trọng ở mức độ rất cao. Tố chất cơ bản của người cán bộ, đảng viên là phải làm hết mình, không được tham lam, nhất là trong điều kiện Ủy ban là cơ quan giữ nhiều vai trò quan trọng, lợi ích nhiều, quyền hành lớn - những thứ dễ phá đi “giới hạn cuối cùng”.
Thứ tư, chú trọng công tác giáo dục cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ chính trị, thể hiện ở việc xác định giáo dục đối tượng, nội dung, nhất là những khâu cá nhân nắm giữ quyền hạn về chính trị, tài chính, định giá...
Thứ năm, tăng cường giáo dục “vinh”- “nhục” xã hội chủ nghĩa; xây dựng chế độ lãnh đạo thống nhất giữa Đảng và chính quyền trong việc nắm bắt và điều hành công việc quản lý.
Thứ sáu, đẩy mạnh thông tin nội bộ, tổ chức tọa đàm định kỳ, biểu dương những việc tích cực, tiêu biểu, phê phán các vụ tiêu cực, tham nhũng, trong toàn cán bộ, đảng viên.
Kiện toàn chế độ, xác định giới hạn lòng tham và cơ chế phát hiện hành vi tham nhũng
Đây là cơ chế thực hiện việc giám sát, kỷ luật đảng viên, chống tham nhũng đặc trưng và riêng có của Trung Quốc. Theo đó, một số nội dung cơ bản bao gồm:
1 - Đối với những người phạm tội tham nhũng, bất kể dưới hình thức nào, phải đưa xử lý triệt để, không thương tiếc. Biện pháp này dùng chế độ, cơ chế đảm bảo quyền lực, quản lý con người, xây dựng nội bộ và quy phạm hóa nội bộ đảng. Trong việc xây dựng tác phong và kỷ luật đảng viên, chế độ này có nhiệm vụ bảo đảm tính liêm khiết trong đảng, bao gồm những nội dung truy cứu rất cụ thể. Hằng năm, Ủy ban tổ chức hội nghị bàn về xây dựng “tính liêm khiết” trong nội bộ đảng, hội nghị thường niên với chủ đề: “sinh hoạt dân chủ trong người lãnh đạo và xây dựng tác phong công tác, tính liêm khiết” theo chỉ thị của Ban Tổ chức Trung ương. Chế độ này được thực hiện trong tất cả các cơ quan thuộc Ủy ban, các địa phương trong cả nước và trong tổ chức đảng. Hoàn thiện cơ chế, quy phạm hóa quá trình ra quyết sách, nâng cao tính minh bạch của quyết sách nhằm giảm thiểu những quyết sách không đúng bằng việc tăng cường sự tham gia của quần chúng nhân dân vào giám sát.
2 - Tăng cường chế độ kiểm tra những dự án, đầu tư lớn của chính phủ, nhất là việc đầu tư công trái.
3 - Xây dựng chế độ giám sát quyền lực cấp cao. Đây là biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ cán bộ, đảng viên. ủy ban tiến hành thảo luận và xây dựng các cơ chế như: tăng cường việc giáo dục thường xuyên đối với đảng viên; cơ chế đảng viên phục vụ nhân dân, xây dựng Đảng vì công, cầm quyền vì dân; tăng cường quản lý đối với đảng viên lưu động; không để lòng tham phát sinh, kiên trì Điều lệ Đảng...
4 - Nâng cao năng lực điều tra các vụ án, khi có tiêu cực phải kiểm tra, phát hiện kịp thời. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, quan điểm vinh - nhục, nâng cao tinh thần phản đối trước hành vi buôn bán và hối lộ trong cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, trong công tác phòng, chống tham nhũng phải nhất quán việc cải cách là trọng tâm và phải được làm tận gốc, trong từng lĩnh vực.
Tinh thần cải cách phải làm tận gốc, trong từng lĩnh vực trên được thể hiện cụ thể ở các việc:
Thứ nhất, đẩy mạnh công khai hóa tất cả những công việc quan trọng và đây là nguyên tắc. Những vấn đề liên quan đến lợi ích của đời sống quần chúng nhân dân, nhất thiết phải được công khai.
Thứ hai, cải cách chế độ kiểm tra, phê chuẩn các dự án, tiếp tục tiến hành thanh lý các dự án đã được cấp phép, thực hiện chế độ thị trường tự điều tiết, Chính phủ không cần tham dự.
Thứ ba, đi sâu cải cách chế độ đầu tư, hoàn thiện chế độ hồ sơ, kiểm tra các dự án của Chính phủ cũng như cơ chế phê chuẩn đầu tư, truy cứu trách nhiệm; hoàn thiện chế độ giám sát, quản lý, đầu tư đối với Chính phủ.
Thứ tư, tiếp tục đi sâu cải cách chế độ dân sự và chế độ đề bạt cán bộ nhằm đạt được mục tiêu phát triển cán bộ toàn diện.
Thực hiện những nhiệm vụ trên với tinh thần mạnh mẽ, triệt để, không vùng cấm là quan điểm trọng tâm và là bài học xương máu góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, tạo ra bước phát triển vững chắc của đất nước. Nhiệm vụ xây dựng tác phong, kỷ luật của đảng viên, cải cách hành chính và chống tham nhũng luôn là những vấn đề nóng hổi và có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc phát triển đất nước, không chỉ của Trung Quốc mà thiết nghĩ rất có giá trị đối với chúng ta hiện nay.
* TS, Ban Tổ chức Trung ương
Chống tham nhũng ở Đông và Đông - Nam Á: trách nhiệm chính trị và cải cách thể chế  (27/03/2007)
Giám sát để khẳng định mình và phát triển  (27/03/2007)
Hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện M’Đrắc  (27/03/2007)
Sản phẩm làng nghề của Hà Tây trong bức tranh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam  (27/03/2007)
Về khâu đột phá trong phòng, chống tham nhũng  (27/03/2007)
Tiếp cận một số giải pháp phòng, chống tham nhũng  (27/03/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển