Có thể nói, con người từ lâu đã thực thi quá trình toàn cầu hóa. Bản chất sự sống của con người là sự mở rộng những liên kết không ngừng giữa họ với nhau thành xã hội. Sự mở rộng này giúp cho sự tồn tại của con người với con người bên cạnh nhau không giống như sự tồn tại của các bầy đàn sinh vật. Xã hội càng phát triển thì những sự liên kết con người nói trên sẽ càng rộng mở. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng các nền văn minh bao giờ cũng làm giàu cho nhau qua những quá trình vay mượn, thẩm thấu, tiếp thu và tương tác văn hóa.

Ngày nay, trong những điều kiện của xã hội hiện đại, sự mở rộng các mối quan hệ xã hội trong lao động và sáng tạo văn hóa đã trở thành những quan hệ mới thật đặc biệt. Nó không còn dừng lại ở những phạm vi nhỏ hẹp của các nhóm xã hội, các dân tộc và quốc gia mà đã ở phạm vi rộng lớn nhất - phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hóa đã trở thành một tất yếu khách quan gắn liền với sự phát triển của các quá trình đan xen, hội nhập và tùy thuộc lẫn nhau trên phạm vi quốc tế. Có thể nói, chính nó đã là bằng chứng nói lên sự lớn mạnh không ngừng của nhân loại trong quá trình tự hoàn thiện mình.

Tuy nhiên, quá trình liên kết xã hội, mà nhiều nhà xã hội học gọi là xã hội hóa có tính quốc tế, ngày càng rộng mở trong điều kiện của xã hội hiện đại có thể tạo ra một "sự tha hóa" đi kèm với chính nó. Đó là quá trình chia tách con người, cạnh tranh và xâm hại lẫn nhau vì lợi nhuận kinh tế và vì những sự khác biệt về bản sắc văn hóa. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, toàn cầu hóa còn trở thành một lý do để các nước lớn can thiệp vào công việc nội bộ của các nước nhỏ, áp đặt tư duy chính trị, lối sống, văn hóa của mình đối với các nước khác. Bởi vậy, nó buộc các nước nhỏ và nước nghèo phải cảnh giác và luôn tìm mọi phương thức để có được những cách thức ứng phó tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và bản sắc dân tộc của mình.

Và như vậy, chỉ có sự thống nhất trong đa dạng, đối thoại, tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, sự tha hóa nói trên mới có thể được giải quyết, nhờ đó mà sự liên kết khách quan giữa con người với con người sẽ trở về với bản chất vốn có của nó, tức là mang lại những mối quan hệ gắn bó ngày càng nhân ái và công bằng.

Toàn cầu hóa, hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế tác động trước hết đến những người trẻ tuổi, bởi những đặc trưng phổ biến của nhóm người này. Sinh lực tràn trề, chứa đầy những mẫn cảm với cuộc sống, trái tim nóng ấp ủ những khát khao về những điều mới mẻ và tốt đẹp, tuổi trẻ bao giờ cũng là lực lượng nhạy cảm nhất với quá trình giao lưu văn hóa quốc tế. Nhiều nhà xã hội học đã có lý khi coi thế hệ trẻ như là người tiên phong, là sứ giả tích cực trong việc giao lưu, gắn kết những con người xa lạ từ những quốc gia, những xã hội và những nền văn hóa khác nhau vào quá trình hội nhập quốc tế.

Ở Việt Nam, trong những điều kiện mới của chính sách mở cửa và giao lưu quốc tế, chưa bao giờ thế hệ trẻ lại có điều kiện tiếp xúc mạnh mẽ và sâu sắc đến như vậy với những kiến thức mới mẻ về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của thế giới. Toàn cầu hóa đã không còn là một từ ngữ chỉ có trên lý thuyết mà đã thâm nhập vào từng ngõ ngách của cuộc sống xã hội, đã hiện diện cụ thể trong từng khoảnh khắc của đời thường với các chương trình vi tính phức tạp của Microsoft, với In-tơ-net, sữa Hà Lan, Cô-ca cô-la Mỹ và trò chơi điện tử của Nhật Bản... Dưới ảnh hưởng của xu hướng mở cửa, thanh thiếu niên Việt Nam ngày càng quan tâm tới những vấn đề đang đặt ra trong xã hội hiện đại, những kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, tham gia nghiên cứu và giải quyết những vấn đề phức tạp và khó khăn nhất mà nhân loại đang quan tâm. Nhiều tài năng trẻ của nước ta đã có mặt trong đội ngũ những nhà khoa học, những sinh viên xuất sắc, đoạt được những giải thưởng cao nhất của thế giới.

Nhiều thanh niên đã vận dụng những tiến bộ về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và văn hóa của thế giới vào công việc lao động sáng tạo xây dựng và phát triển đất nước. Họ có mặt ở những khu vực sản xuất phức tạp và hiện đại nhất, trên các dàn khoan dầu ngoài khơi xa, trong các xưởng lắp ráp, chế tạo cơ khí tự động, sáng tạo ra các chương trình phần mềm tin học. Nhu cầu về hội nhập và giao lưu quốc tế đã thúc đẩy thanh thiếu niên đến với các lớp ngoại ngữ, tin học, quản trị kinh doanh, tiếp xúc và trao đổi với những nhà khoa học, những sinh viên, thanh niên các nước về những vấn đề đang đặt ra với nhân loại và hành tinh.

Trên lĩnh vực văn hóa, trong quá trình hội nhập với thanh niên thế giới và khu vực, thế hệ trẻ Việt Nam đã đi đầu trong việc giao lưu, giới thiệu với bè bạn bốn phương về những giá trị truyền thống và sắc thái của văn hóa Việt Nam. Họ cũng tỏ ra nhanh nhạy và sắc bén trong việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn minh nhân loại. Nhiều bạn trẻ Việt Nam đã đoạt được những giải thưởng cao trong các cuộc thi âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điện ảnh ở cấp độ quốc tế.

Những điều tra xã hội học tại Viện Nghiên cứu Thanh niên đã cho thấy, hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế đã được hầu hết thanh niên cho là một trong những vấn đề cấp bách và cấp thiết đối với thanh niên hiện nay. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có đến 99,7% số thanh niên được hỏi cho rằng hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, trong đó rất cần thiết là 64,5% và cần thiết là 35,2%. Tỷ lệ trả lời câu hỏi không cần thiết chỉ chiếm 0,3%. Điều này cho thấy, với thanh niên, hội nhập quốc tế có mối quan hệ gắn bó và không thể tách rời, phản ánh nhu cầu tự nhiên của thanh niên là được học tập, lao động, mở mang kiến thức cũng như cạnh tranh để phát triển. Với thanh niên, việc đóng cửa và duy trì các truyền thống cũ là thói quen khó có thể chấp nhận, đồng nghĩa với sự thụt lùi và tự phủ định chính bản thân.

Có đến 65,8% số thanh niên cho rằng mục tiêu hội nhập quốc tế là để bắt kịp tiến trình phát triển chung của thế giới. Theo họ thì hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa không phải là cách thức để cho thanh niên thực hiện các mục tiêu đơn thuần như được đi nước ngoài, mà là cơ hội để tiếp thu thành tựu khoa học - kỹ thuật, văn hóa nhằm phát triển đất nước, bắt kịp tiến trình phát triển chung của thế giới.

Thực tế điều tra của chúng tôi cũng cho thấy, đối với thanh niên hiện nay, việc tiếp thu cái mới đã không hoàn toàn đồng nghĩa với việc thanh niên có thể phủ nhận những gì thuộc về truyền thống, thuộc về môi trường văn hóa đã làm nên nhân cách của họ.

Kết quả điều tra cho thấy, phần lớn thanh niên đã cho rằng, để có thể hội nhập thanh niên cần có sự chuẩn bị về kiến thức và văn hóa. Số thanh niên cho rằng, cần phải có sự chuẩn bị hội nhập chiếm tới 98,5%, chỉ có 1,5% số thanh niên cho rằng không cần chuẩn bị. Việc chuẩn bị đó không phải chỉ dừng lại ở thái độ, nhận thức mà hơn thế phải là những hành vi có tính thực tế. Thanh niên tham gia hội nhập không chỉ cần chuẩn bị về trình độ chuyên môn mà còn cần có các kiến thức về văn hóa, các phẩm chất như lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc, tính năng động sáng tạo...

Các vấn đề liên quan đến văn hóa, hiểu biết đã được thanh niên quan tâm cho rằng cần phải được chuẩn bị để có thể hội nhập quốc tế. Có 56,7% số thanh niên cho rằng cần chuẩn bị để có sự hiểu biết về luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, 47,2% cho rằng cần phải hiểu phong tục Việt Nam và quốc tế. Tỷ lệ thanh niên cho rằng cần chuẩn bị để có trình độ tin học, ngoại ngữ thật giỏi chiếm tỷ lệ 50,2%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy đã có đến 94,8% số thanh niên nói rằng bằng nhiều hình thức khác nhau họ đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng tham gia vào hội nhập vào môi trường quốc tế.

Trong số những thanh niên có sự chuẩn bị thì số có sự chuẩn bị ở mức bình thường chiếm tỷ lệ cao nhất là 53,8%. Số chuẩn bị nhiều chiếm 24,6% và chuẩn bị ít chiếm 21,6%. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy việc chuẩn bị tham gia hội nhập đóng vai trò hết sức quan trọng và dường như có tính quyết định đối với nhận thức và hành vi của thanh niên tham gia hội nhập.

Phần lớn thanh niên đã chuẩn bị cho sự tham gia hội nhập của bản thân bằng việc củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn, học vấn. Có 84,3% số thanh niên đã có sự chuẩn bị về mặt nâng cao trình độ chuyên môn, học vấn, 67% chuẩn bị học và sử dụng ngoại ngữ, 56% chuẩn bị học và sử dụng tin học truy cập In-tơ-nét. Tỷ lệ chuẩn bị trình độ chuyên môn học vấn ở thanh niên thành thị cao hơn thanh niên nông thôn, ở Hà Nội là 90,7%, Thành phố Hồ Chí Minh là 81,4% và Hà Tây là 71%.

Tiếp xúc và giao lưu trao đổi luôn là môi trường thuận lợi cho sự hiểu biết và hội nhập lẫn nhau của thanh niên, đặc biệt là khi giao lưu tiếp xúc với người nước ngoài. Nếu như trước đây, việc tiếp xúc với người nước ngoài chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp thì ngày nay cùng với mở rộng các quan hệ buôn bán, du lịch... việc tiếp xúc trao đổi với người nước ngoài được xem như những hành vi bình thường. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có đến 63,3% số thanh niên trả lời họ đã từng tiếp xúc với người nước ngoài. Có 57,4% số thanh niên khẳng định rằng mình tiếp xúc với người nước ngoài bằng thái độ tự tin và chủ động, nhưng cũng có tới 37,2% thừa nhận rằng có sự e dè và thiếu tự tin khi tiếp xúc.

Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên đã có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa quốc tế của thanh niên. Đoàn chủ động và sáng tạo trong công tác định hướng giáo dục thanh niên cả về trình độ chuyên môn, vốn kiến thức văn hóa ngoại ngữ, giúp thanh niên có nhận thức đúng đắn và chủ động tham gia hội nhập và đối thoại văn hóa. Các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế do Đoàn tổ chức đã góp phần tích cực thúc đẩy mối quan hệ gắn bó giữa thanh niên Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời giúp thanh niên bạn bè các nước và thế giới có sự nhìn nhận đúng về thanh niên, đất nước, con người Việt Nam cũng như định hướng phát triển của đất nước Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều thách thức đối với thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Dưới ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, bên cạnh xu hướng tích cực và tiến bộ, nhiều mặt tiêu cực và hạn chế từ các nước khác cũng thâm nhập và gây ra những tác động không nhỏ tới nhận thức và hành vi của thanh thiếu niên.

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, mở cửa và giao lưu quốc tế, hàng loạt những vấn đề tiêu cực ở nhiều nước gắn liền với xã hội và lối sống vốn còn làm đau đầu các nhà quản lý và chưa được các nước này giải quyết cũng đã thâm nhập vào Việt Nam. Các sai lệch văn hóa, lối sống thực dụng đề cao hưởng thụ và dục vọng cá nhân, nạn mại dâm và ma túy, nạn bạo hành và tội phạm, việc coi nhẹ các chuẩn mực cuộc sống gia đình, sự ngược đãi cha mẹ và người già, sự thiếu quan tâm chăm sóc, thậm chí còn lạm dụng tình dục trẻ em... len lỏi vào cuộc sống của xã hội hiện đại.

Do thiếu những kiến thức và sự tỉnh táo cần thiết, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức tiên tiến và tinh hoa văn hóa từ các nước khác, một bộ phận không nhỏ trong thanh niên còn chịu ảnh hưởng của những mặt trái, mặt tiêu cực từ chính những nước này. Chính điều đó đã và đang đặt ra những nhu cầu và đòi hỏi mới đối với việc nâng cao nhận thức của thanh niên và công tác thanh niên trong quá trình đối thoại và giao lưu văn hóa thế giới.

Nếu quá trình hội nhập, đối thoại và giao lưu văn hóa quốc tế đã trở thành một điều tất yếu khách quan đối với sự phát triển của nhân loại trước những đòi hỏi và thách thức mới của thời đại thì ngay từ bây giờ, trong chiến lược thanh niên, chúng ta cần phải có kế hoạch trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam và thế giới những hành trang cần thiết và đầy đủ để tham dự và ứng phó với những mặt vừa tích cực vừa phức tạp của quá trình này.

* PGS, TS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên