Khánh Hòa nằm gần đường hàng hải quốc tế, có hệ thống cảng biển gắn với đầu nút giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là một trong những cửa ngõ ra biển Đông của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…, cùng nhiều lợi thế về tài nguyên, nhất là tài nguyên biển: vịnh sâu, bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và nhiều di tích lịch sử, văn hóa phong phú… Đây là những điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển ngành du lịch.

Hơn hai năm qua, mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn gay gắt, nhất là tác động của lạm phát toàn cầu, nhưng Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã không ngừng phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Sự nghiệp đổi mới ở địa phương tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành tựu sâu sắc, toàn diện trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội: kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ (6 tháng đầu năm 2008, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 44,74%, dịch vụ - du lịch chiếm 38,65% và nông - lâm - thủy sản chiếm 16,6%); GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 1.005 USD; thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, sau nhiều năm không đạt nay đã có chuyển biến mạnh, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vượt ngưỡng 1 tỉ USD; một số chỉ tiêu quan trọng có khả năng đạt và vượt kế hoạch như: giá trị sản xuất dịch vụ - du lịch (năm 2007 đạt 5.988 tỉ đồng, tăng 13,9% so với năm 2006, bình quân hai năm là 15,3%), thu ngân sách (ước 6 tháng đầu năm 2008 đạt 2.496 tỉ đồng, tăng 32,17% so với cùng kỳ, dự kiến năm 2008 đạt 5.000 tỉ đồng)... Nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 10.500 tỉ đồng, riêng khu kinh tế Vân Phong, thu hút được 73 dự án đầu tư (23 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 50 dự án trong nước; 20 dự án đang hoạt động, 25 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư) với tổng vốn đầu tư trên 23,3 tỉ USD; khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có 32 nhà đầu tư đăng ký với tổng vốn 18.900 tỉ đồng.

Cùng với kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội được tỉnh chăm lo thường xuyên và có bước tiến bộ mới; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, trật tự trị an được giữ vững; bộ mặt thành thị, nông thôn, hải đảo, miền núi có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao... Trong 2 năm 2006 - 2007, toàn tỉnh giảm được 7,2% số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia và 7,6% số hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 15,32% giảm xuống còn 8,12% theo chuẩn quốc gia và từ 17,83% giảm xuống còn 10,23% theo chuẩn nghèo của tỉnh.

Trong chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh vào tháng 7-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những cố gắng lớn trên của địa phương và ghi nhận "Khánh Hòa đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung và của cả nước".

Như vậy, tuy không phải là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng với lợi thế so sánh và những thành tựu đạt được, Khánh Hòa đã từng bước trở thành một trọng điểm, một trung tâm phát triển ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên. Đây được xem là nền tảng cơ bản, vững chắc và tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển trong những năm tiếp theo.

Từ kết quả trên, Khánh Hòa rút ra được không ít bài học quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, bài học quan trọng nhất là phải biết coi trọng công tác dự báo và đầu tư thỏa đáng cho việc nghiên cứu xây dựng các mục tiêu trong các chương trình hành động của Tỉnh ủy; tránh nóng vội, chủ quan, đưa ra các mục tiêu không phù hợp. Chương trình cần tập trung vào các mục tiêu chính, cụ thể, tránh dàn trải, gây khó khăn cho sự chỉ đạo, điều hành và không bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Những thành quả đạt được tuy lớn, nhưng xét tổng thể vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như yêu cầu nhiệm vụ mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Trước hết, một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội đạt thấp so với Nghị quyết đề ra như: tốc độ tăng trưởng GDP (bình quân hai năm đạt 10,7%), tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (bình quân 2 năm tăng 14,25%), huy động vốn đầu tư toàn xã hội hai năm rưỡi mới đạt 38,8% (13.981/36.000 tỉ đồng), tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng chậm (bình quân 2 năm tăng 1,8%, năm 2007 đạt 490 triệu USD), chỉ tiêu về chuẩn phổ cập bậc trung học chưa đạt nếu không có sự điều chỉnh tiêu chí đạt chuẩn, tỷ lệ số trạm y tế xã có bác sĩ mới đạt 58% (81/140 xã), việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế còn rất chậm... Thứ hai, công tác xây dựng Đảng, nhất là Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tuy đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi nhưng chưa tạo được phong trào tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức ở các cấp chưa có sự chuyển biến rõ nét, tinh thần trách nhiệm đối với công việc còn hạn chế, một số mặt công tác vẫn còn trì trệ.

Nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ còn lại rất nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức lớn đã và đang đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, hướng tới xây dựng Khánh Hòa thực sự trở thành trung tâm kinh tế, du lịch lớn của khu vực miền Trung và cả nước, Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh xác định: Từ nay đến hết nhiệm kỳ, toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ lớn: Hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, thời gian tới, tỉnh chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:

1 - Tiếp tục thực hiện nhanh, mạnh, đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đẩy mạnh sản xuất kinh doanh những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, tăng nhanh nhiều sản phẩm xã hội, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, GDP. Đặc biệt, quan tâm đến các doanh nghiệp lớn và các ngành công nghiệp, như: Tổng Công ty Khánh Việt, ngành đóng tàu, chế biến thủy sản, các khu và cụm công nghiệp, kho xăng dầu ngoại quan...

2 - Đẩy mạnh xúc tiến thủ tục đầu tư một số dự án công trình lớn, mang tính đột phá trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế lâu dài của tỉnh. Trước mắt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn hoàn tất các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian ngắn nhất, gồm: khởi công xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong; nâng cấp sân bay Cam Ranh thành sân bay quốc tế; Nhà máy đóng tàu của Tập đoàn STX; các khu công nghiệp Nam và Bắc Cam Ranh; khu công nghiệp Ninh Thủy; các hồ chứa nước Đồng Điền, Sông Chò, Sông Cạn, Tà Rục...

Phối hợp triển khai nhanh các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn như: dự án Nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Simutomo (Nhật Bản), với tổng vốn đầu tư 3,8 tỉ USD; dự án Nhà máy thép liên hợp của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc), với tổng vốn đầu tư 7,5 tỉ USD; dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Petrolimex, tổng vốn đầu tư 7,5 tỉ USD... sớm được triển khai và đi vào sản xuất, tạo ra bước đột phá về tăng trưởng kinh tế.

Đối với khu kinh tế Vân Phong và khu vực kinh tế vịnh Cam Ranh, sẽ tập trung rà soát cụ thể các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng cần được ưu tiên đầu tư, công trình nào của bộ, ngành Trung ương thì tích cực kiến nghị để được bố trí vốn, công trình nào của tỉnh thì chủ động xây dựng phương án huy động vốn đầu tư, như: huy động vốn đóng góp từ các nhà đầu tư, bố trí ngân sách nhà nước, vốn từ quỹ đất, theo hình thức BOT, BTO, BT, vay vốn nhàn rỗi từ kho bạc, xin chủ trương của Chính phủ để phát hành trái phiếu công trình.

3 - Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể:

- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Thực hiện nghiêm việc rà soát, cắt giảm các khoản chi cho các nhiệm vụ chưa thật cấp bách, dành nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách...

- Kiên quyết rà soát, cắt giảm, đình hoãn những công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách nếu xét thấy chưa thật sự bức thiết; điều chuyển, tập trung vốn cho các công trình, dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2008, 2009, 2010, đồng thời ưu tiên đầu tư thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ giai đoạn II (2008 - 2010); kế hoạch xây dựng bệnh viện huyện, khu vực, trạm y tế xã; chương trình xây dựng nhà ở xã hội; đẩy mạnh thực hiện các nội dung về lĩnh vực dạy nghề theo chương trình dạy nghề - giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, trọng tâm là xây dựng ở mỗi huyện một trường trung cấp nghề. Phấn đấu đến năm 2010, hoàn thành mục tiêu của các đề án, chương trình này.

- Tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong xây dựng cơ bản, xây dựng các công trình, trong đó, tập trung khắc phục yếu kém trong công tác bồi thường giải tỏa, tái định cư; chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng gộp và làm song song các khâu của thủ tục xây dựng cơ bản; triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ứng trước tiền thuê đất gắn với cam kết tiến độ của các dự án đầu tư ngoài ngân sách, xóa dự án “treo”.

4 - Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với nhiệm vụ trọng tâm là chuyển từ "học tập" sang "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác.

- Tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra định kỳ, đánh giá sự chuyển biến trong công việc; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; sự liêm chính trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức; tình hình xây dựng đoàn kết nội bộ cơ quan, đơn vị, gắn với kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ Chính trị, chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, nhằm tạo ra chuyển biến thật sự trong cán bộ, đảng viên, nhất là trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, trong cải cách thủ tục hành chính.

- Tăng cường công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng, lập chi bộ đảng, nhất là ở những thôn, đơn vị, trường học chưa có tổ chức đảng và đảng viên, theo tinh thần Chỉ thị số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phấn đấu đến năm 2009, 100% số xã có đảng bộ (hoàn thành trước 1 năm so với Nghị quyết); đến năm 2010, 100% số thôn, tổ dân phố có chi bộ, 100% cơ quan, đơn vị, trường học có chi bộ hoặc có đảng viên.

- Tích cực triển khai thực hiện công tác tạo nguồn cán bộ dự bị dài hạn theo tinh thần Chương trình số 07-CT/TU của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, công chức của tỉnh đến năm 2010 và xây dựng, tạo nguồn cán bộ sau năm 2010. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng mà tỉnh cần tập trung thực hiện tốt trong các năm tiếp theo, nhằm tiến tới xây dựng một đội ngũ cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ./.