Chiến lược “xoay trục - đảo chiều” có đem lại thành công cho nước Mỹ?
TCCSĐT - Không ít nhà phân tích quốc tế đặt ra những câu hỏi: Tại sao nhà cầm quyền Mỹ điều chỉnh chính sách đối ngoại “xoay trục - đảo chiều”, chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương? Mục tiêu của động thái đó là gì? Họ thực hiện ra sao và gặp những trở ngại gì?...
Nguyên nhân điều chỉnh chiến lược
Theo quan điểm kinh tế, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường rộng lớn nhất thế giới, với gần 4 tỷ người, chiếm hơn nửa dân số thế giới; là khu vực giàu tiềm năng kinh tế và có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng. Trong bối cảnh Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, thậm chí nền kinh tế nhiều nước đang đứng trên bờ vực sụp đổ, thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục tỏa sáng về kinh tế. Đây đang là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, là nơi có 7 trong số 15 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,…, tiêu thụ hơn 60% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Mỹ và cũng là những nước xuất khẩu chủ yếu vào Mỹ. Quả là không ngoa khi các nhà kinh tế phương Tây cho rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là “cỗ máy chính của nền kinh tế toàn cầu”. Các nền kinh tế (21 nền kinh tế) trong khu vực có tổng GDP hơn 30 nghìn tỷ USD, chiếm 56% tổng GDP kinh tế thế giới. Đặc biệt, Đông Nam Á là nơi phát triển rất năng động, bởi vậy, việc Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) chú trọng tới khu vực này và thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới đây khi còn chưa kịp làm lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai cũng là điều dễ hiểu.
Nhìn từ góc độ địa - chính trị, khu vực Đông Nam Á có vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trong cuộc chạy đua Mỹ - Trung, vì đây là địa bàn mà Trung Quốc sử dụng để vươn ra thế giới, là nơi thể hiện rõ nét nhất cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Chính vì vậy, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy liên kết kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Qua những chuyến công du tới các nước Đông Nam Á, hồi trung tuần tháng 11-2012, của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, cũng như của Ngoại trưởng Mỹ Hy-la-ri Clin-tơn (Hillary Cliton) và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta), dư luận thế giới càng hiểu rõ, Mỹ rất quan tâm xúc tiến chính sách “xoay trục - đảo chiều” sang châu Á - Thái Bình Dương, hay còn gọi là “tái cân bằng” tại khu vực. Trước hết, đó là “tái cân bằng” giữa can dự về kinh tế với các can dự về chính trị, quân sự và ngoại giao của Mỹ. Bên cạnh đó là “tái cân bằng” trong quan hệ với các đồng minh truyền thống của Mỹ như Thái Lan, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a (Australia),… cũng như trong quan hệ với các cường quốc mới nổi như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a (Indonesia) và đối tác tiềm năng như Mi-an-ma (Mianma). Ngoài ra, đó còn là sự “tái cân bằng” của Mỹ trong việc thúc đẩy các quan hệ song phương lẫn sự can dự nhiều hơn vào các diễn đàn đa phương.
Chuyến thăm đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống B. Ô-ba-ma tới Đông Nam Á là một minh chứng và là một thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng về sự thúc đẩy chiến lược “xoay trục - đảo chiều” của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kinh tế Mỹ còn gặp rất nhiều khó khăn, buộc Chính phủ nước này phải cắt giảm ngân sách chi tiêu công, nhất là mỗi năm phải giảm bớt khoảng 100 tỷ USD khoản chi cho quốc phòng; trong khi đó, phải hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo thêm việc làm mới, giảm đội quân thất nghiệp, tăng nhiều khoản chi cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phòng chống và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, nông nghiệp, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác. Điều đó buộc Tổng thống B. Ô-ba-ma phải cân nhắc, suy xét thấu đáo trong cả lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại, phải hết sức sáng suốt, bền bỉ và quyết liệt mới hy vọng thực hiện được chiến lược “xoay trục - đảo chiều” sang châu Á - Thái Bình Dương. Đấy là điều mà vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đang nung nấu ngày đêm để sau khi kết thúc nhiệm kỳ hai, ông có thể trở thành một “Tổng thống đáng nhớ”, được nhiều người kính nể.
Xúc tiến chiến lược
Trở thành Ngoại trưởng Mỹ vào năm 2008, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, bà H. Hy-la-ri đã nhiều lần tới thăm các nước châu Á cũng như khu vực Đông Nam Á. Ở cương vị đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, đương nhiên, bà xuất hiện ở rất nhiều nơi, nhiều nước, tham gia nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, hiểu rõ các mối quan hệ của Mỹ với các nước trên thế giới, trải nghiệm sâu sắc và thấu hiểu những lợi ích và tương lai của nước Mỹ, cũng như của nhiều nước và các khu vực. Điều đó giúp bà có tầm nhìn chiến lược rộng lớn và sâu sắc, trở thành “kiến trúc sư” của chính sách “xoay trục - đảo chiều” sang châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống B. Ô-ba-ma, chiến lược “xoay trục - đảo chiều” mới chỉ ở giai đoạn “phác họa”, “bài binh bố trận”, “sắp xếp quân cờ”; nhiệm vụ trọng tâm chỉ là tạo dựng dư luận, “khơi lên” các điểm nóng, và đương nhiên, việc bố trí lực lượng cũng mới chỉ ở giai đoạn quy hoạch và diễn tập.
Phát biểu tại cuộc “Đối thoại Sang-ri La”, trong khuôn khổ Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 11, được tổ chức ở Xinh-ga-po (Singapore) vào đầu tháng 6-2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Pa-nét-ta đã nhấn mạnh đến “chiến lược mới” của Mỹ, theo đó, Oa-sinh-tơn (Washington) dự định bố trí lại lực lượng quân sự. Nếu trước đây, tại Đại Tây Dương có 60% và ở Thái Bình Dương có 40% lực lượng hải quân Mỹ, thì nay sẽ tiến hành “xoay trục - đảo chiều”, để đến năm 2020, tại khu vực Đại Tây Dương chỉ còn 40%, trong khi ở Thái Bình Dương tăng lên 60%, trong đó bao gồm 6 tàu sân bay, phần lớn các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến tuần duyên và tàu ngầm.
Theo số liệu của Lầu Năm góc, hải quân Mỹ hiện có khoảng 285 tàu, với hơn nửa số đó được triển khai tại Thái Bình Dương và số còn lại ở Đại Tây Dương. Vào thời gian tới, con số này có thể giảm bớt, vì một số tàu tuổi thọ đã quá cao, phải cho “về hưu” và không được thay thế, nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, số lượng tàu chiến của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương sẽ vẫn gia tăng, cho dù ngân sách quốc phòng bị cắt giảm nhiều. Mỹ hiện có 11 tàu sân bay (cuối năm nay sẽ loại bỏ 1, chỉ còn 10), trong đó 6 tàu sẽ có mặt thường trực trên các vùng biển Thái Bình Dương. Các nước đồng minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp đón phần lớn các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm và tàu chiến tuần duyên của Mỹ; chúng sẽ hoạt động gần bờ biển của các nước này. Năm 2011, quân đội Mỹ đã tiến hành 172 cuộc tập trận chung với 24 quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lầu Năm góc đã lên kế hoạch tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự tại Thái Bình Dương và tiến hành nhiều chuyến thăm các cảng trên một khu vực rộng lớn hơn, bao gồm cả Ấn Độ Dương. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pa-nét-ta, Oa-sinh-tơn cũng đã có kế hoạch thực hiện các khoản đầu tư mới về công nghệ để tăng cường sức mạnh và hoạt động tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các tàu ngầm công nghệ cao và tiên tiến hơn, các máy bay chiến đấu tránh ra-đa, máy bay ném bom tầm xa mới, chiến tranh điện tử mới và các hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong bối cảnh cuộc chạy đua ngày càng gia tăng giữa các siêu cường, các quan chức Mỹ thừa nhận rằng, việc Oa-sinh-tơn thúc đẩy sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nhằm củng cố nền ngoại giao Mỹ và có thể đáp trả bất cứ siêu cường nào có ý đồ bá chủ khu vực này. Dù phát biểu ở đâu, tại các hội nghị hay các cuộc gặp gỡ báo giới, ông L. Pa-nét-ta đều khẳng định rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Oa-sinh-tơn cũng không thay đổi chính sách “xoay trục - đảo chiều” sang châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo lời ông, điều đó hoàn toàn “không nhằm đối đầu hay đe dọa ai, Oa-sinh-tơn luôn mong muốn đối thoại với Bắc Kinh, chứ không phải để gây xung đột”.
Trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống B. Ô-ba-ma chắc chắn sẽ thúc đẩy thực hiện chiến lược “xoay trục - đảo chiều” sang châu Á - Thái Bình Dương, đặt châu Á vào trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Gặp gỡ báo giới trong chuyến thăm ba nước Đông Nam Á hồi tháng 11-2012, ông B. Ô-ba-ma một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng khu vực này sẽ “định hình sự an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ” và đây sẽ là “khu vực then chốt tạo công ăn việc làm và cơ hội cho người Mỹ” trong thế kỷ XXI.
Trong những chuyến thăm các nước châu Á, Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn đã nhiều lần tuyên bố “Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương”. Phát biểu tại một hội nghị quốc tế ở Ri-ga (Lít-va), vào cuối tháng 9-2012, bà G. Xmít (Julianne Smith), Phó Cố vấn An ninh quốc gia của Phó Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn, tuyên bố rằng, “Hoa Kỳ từ lâu đã là một cường quốc ở Thái Bình Dương, với các quyền lợi liên kết chặt chẽ với trật tự kinh tế, an ninh và chính trị của châu Á”. Còn ông T. Đô-ni-lôn (Tom Donilon), Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống B. Ô-ba-ma, trong phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế (CSIS) đã cho rằng, “Quyết định đi tới châu Á của Tổng thống B. Ô-ba-ma ngay sau khi đắc cử đã nói lên tầm quan trọng mà ông đặt ở khu vực này, cũng như vị trí trung tâm của nó, với rất nhiều lợi ích an ninh quốc gia và những ưu tiên của người Mỹ chúng tôi”. Ông nhấn mạnh: “Cách tiếp cận của chúng tôi có căn cứ từ một định hướng đơn giản: Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, có lợi ích gắn bó chặt chẽ với trật tự kinh tế, an ninh và chính trị châu Á. Thành công của Mỹ trong thế kỷ 21 gắn liền với thành công của châu Á”. Một yếu tố quan trọng trong chiến lược “xoay trục - đảo chiều” của Mỹ, theo ông T. Đô-ni-lôn, là “theo đuổi mối quan hệ ổn định và xây dựng với Trung Quốc” - mối quan hệ mà ông thừa nhận có cả “những yếu tố hợp tác” và “những yếu tố cạnh tranh”.
Trong chuyến thăm đầu tiên của nhiệm kỳ hai tới ba nước Đông Nam Á hồi tháng 11-2012, nhất là khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Phnôm-pênh (Cam-pu-chia), Tổng thống B. Ô-ba-ma phải đối diện với các vấn đề “nóng” trong khu vực vốn đang cần sự xác nhận rõ ràng lập trường của Oa-sinh-tơn, nhất là vấn đề tranh chấp biển, đảo tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Chuyến thăm Thái Lan, nhìn bề ngoài của ông B. Ô-ba-ma, giống như một chuyến ngoạn cảnh hơn là thăm chính thức cấp nhà nước. Ông tham quan các danh lam, thắng cảnh, đặc biệt là Cung điện Oát Pho (Wat Pho), một di sản văn hóa đặc trưng của xứ sở này. Thái Lan dù sao cũng là một đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, bởi vậy chuyến thăm của ông B. Ô-ba-ma là sự khẳng định “Các đồng minh tiếp tục là nền tảng trong kế hoạch mới của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện tại khu vực này”, như Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rô-đét (Ben Rhodes) đã tuyên bố với báo giới.
Tuy nhiên, cũng cần biết thêm rằng, trước khi ông B. Ô-ba-ma tới Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Pa-nét-ta đã có chuyến đi mở đường tới Băng Cốc nhằm hồi sinh lại quan hệ đồng minh quân sự. Mỹ và Thái Lan đều coi đây là một quan hệ đối tác an ninh thật sự của thế kỷ 21. Theo thỏa thuận mà hai bên đã ký, Băng Cốc sẽ hỗ trợ “bảo đảm sự hiện diện” của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đổi lại, Mỹ sẽ giúp hiện đại hóa quân đội Thái Lan, đồng thời giúp củng cố vị thế của Thái Lan trong các thể chế khu vực.
Tổng thống B. Ô-ba-ma chỉ dành chưa đầy một ngày ở thăm Mi-an-ma. Mặc dù vậy, ông vẫn kịp gặp và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Thêm Sên và các nhà lãnh đạo khác của “xứ sở Chùa Vàng”, vẫn kịp tuyên bố khoản viện trợ phát triển trị giá 170 triệu USD cho Mi-an-ma và mở cửa trở lại Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) sau nhiều năm phải tạm dừng hoạt động do sức ép của chính quyền quân sự Mi-an-ma. Đánh giá tổng thể, chuyến thăm Mi-an-ma của ông B. Ô-ba-ma vẫn thiên về tính “biểu tượng” hơn là thực chất. Những động thái tiếp theo của chính quyền ông B. Ô-ba-ma đối với “xứ sở Chùa Vàng” sẽ theo hướng nào còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến tình hình ở Mi-an-ma cũng như toàn khu vực trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, chuyến thăm Mi-an-ma của Tổng thống B. Ô-ba-ma là nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với quá trình cải cách chính trị của chính quyền ông Thêm Sên, được tiến hành từ cuối năm 2010. Một số nhà phân tích quốc tế khác lại nhận định, ông B. Ô-ba-ma rất muốn đặt nền móng xây dựng các quan hệ với đất nước này như một liên minh chiến lược, nhằm tăng sự hiện diện về quân sự của Mỹ ngay sát nách Trung Quốc và đây cũng là một bước đi trong chiến lược “xoay trục - đảo chiều”.
Chính sách đối với Đông Á, đặc biệt là đối với Trung Quốc, Nhà Trắng luôn xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mỹ. Cho dù vẫn còn không ít chính khách Mỹ băn khoăn rằng, liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể trở thành trung tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ (?), nhưng Tổng thống B. Ô-ba-ma vẫn tin tưởng vào chiến lược đó của mình.
Với niềm tin vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Oa-sinh-tơn nhận thấy sự cần thiết phải chứng minh chính sách đối ngoại năng động của mình và nó đã được chuyển sang một giai đoạn mới, sau hai cuộc chiến tranh thảm khốc tại I-rắc (Iraq) và Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan), làm hàng chục nghìn gia đình Mỹ phải chịu đau thương và nền kinh tế Mỹ bị thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. Mỹ đã tăng cường cam kết đối với khu vực Đông Á, thúc đẩy các kênh ngoại giao và tham gia các diễn đàn khu vực, đồng thời báo hiệu ý định củng cố sự hiện diện quân sự trong khu vực này.
Về mặt kinh tế, Mỹ sẽ tăng cường thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có việc sớm kết nạp Nhật Bản và Hàn Quốc; lợi dụng các hàng rào như bảo hộ mậu dịch để ngăn cản sự thâm nhập thị trường Mỹ của các mặt hàng Trung Quốc, chuyển thị phần tại thị trường Mỹ cho Ấn Độ và các nước Đông Nam Á; đồng thời tăng nhanh việc rút vốn khỏi Trung Quốc, chuyển dịch ngành chế tạo từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.
Trở ngại đối với chiến lược
Nhiều nhà phân tích cho rằng, tham vọng của Tổng thống B. Ô-ba-ma trong việc triển khai chính sách đối ngoại mới “tâm điểm châu Á” (Asian pivot), một cách diễn tả khác của chính sách “xoay trục - đảo chiều”, sẽ không dễ đạt được, bởi Trung Quốc hiện cũng đang muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.
Thực tế vài tháng gần đây cho thấy, Mỹ đã và đang tích cực thúc đẩy kế hoạch “tâm điểm châu Á”, bằng cách tăng cường hợp tác, hỗ trợ về quân sự cho Phi-líp-pin (Philippines), mở rộng hệ thống phòng thủ “lá chắn tên lửa” ở Nhật Bản, tăng cường tập trận quân sự với Hàn Quốc. Hơn thế, gần đây Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Pa-nét-ta đã đến Cam-pu-chia (Campuchia) để cùng 10 nước ASEAN bàn bạc kế hoạch tăng cường hợp tác an ninh, trong đó Mỹ có kế hoạch tham gia ba cuộc tập trận chung với các nước ASEAN vào năm 2013, đồng thời ký kết tuyên bố nâng cấp quan hệ hợp tác về an ninh với Thái Lan.
Trong xu hướng hợp tác mới, ngoài vấn đề an ninh, Mỹ còn đang muốn đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và ngoại giao với các nước ASEAN, xem đó như là một trong những trụ cột quan trọng của kế hoạch “tâm điểm châu Á”. Trong kế hoạch “tâm điểm châu Á”, Đông Nam Á được coi là khu vực quan trọng bậc nhất. Theo đó, Mỹ rất quan tâm tới tình hình tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, bởi đây là tuyến đường hàng hải quan trọng nhất, chiếm đến trên 60% lượng lưu thông hàng hải thế giới. Mỹ coi an ninh hàng hải trên Biển Đông là một phần lợi ích an ninh quốc gia, do đó, đây cũng là lý do quan trọng để Mỹ triển khai chính sách “tâm điểm châu Á”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của các đồng minh của Mỹ ở Đông Á, bao gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Các mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia ở xung quanh Trung Quốc tiếp tục được mở rộng và đã trở thành một yếu tố thống nhất, không thể thiếu trong các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với đà phát triển kinh tế “siêu tốc” trong nhiều năm liền, Trung Quốc ngày càng gia tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm thêm nhiều vũ khí và kỹ thuật quân sự cao cấp, hiện đại, kể cả các máy bay tàng hình, tàu sân bay, tàu ngầm và nhiều tàu chiến,… Đương nhiên, trong những năm tới, sức mạnh quân sự, nhất là hải quân của Trung Quốc chưa thể “sánh vai” được với Mỹ. Nhưng, với dân số gấp bốn lần Mỹ, với đội quân lao động khổng lồ và tốc độ gia tăng GDP rất cao của Trung Quốc, rõ ràng là không một ai có thể dám coi nhẹ họ. Trong cuộc cạnh tranh, ganh đua Trung - Mỹ chắc chắn sẽ rất quyết liệt. Các chính sách và những hoạt động đối ngoại của Bắc Kinh sẽ là lực cản chủ yếu và nghiêm trọng nhất đối với việc thực hiện chính sách “xoay trục - đảo chiều” của chính quyền ông B. Ô-ba-ma./.
Chủ tịch nước thăm Khu di tích quốc gia Tân Trào  (28/01/2013)
Phó Chủ tịch nước tiếp Chủ tịch Quỹ Nippon của Nhật  (28/01/2013)
Bàn giao địa giới hành chính giữa Hà Nội và Hòa Bình  (28/01/2013)
Việt Nam tham dự Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương  (28/01/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay