Ngày 13-8, tại Nghệ An, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ quá khứ, hiện tại và tương lai”. Đây là hoạt động nhằm minh chứng lịch sử và những mốc son, sự đồng hành, những đóng góp to lớn của Phật giáo xứ Nghệ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước và là hoạt động nhằm tập hợp một cách đầy đủ nhất các nguồn từ liệu liên quan đến Phật giáo xứ Nghệ để giới thiệu rộng rãi, nâng cao nhận thức cho các tăng ni, phật tử, các tầng lớp nhân dân.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, ý kiến phát biểu làm rõ các chủ đề liên quan đến “Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ quá khứ, hiện tại và tương lai”. Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho thấy, xứ Nghệ là vùng đất địa linh nhân kiệt, là mảnh đất “phên dậu” của Tổ quốc, có vai trò quan trọng và đã đóng góp to lớn trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc. Văn hóa xứ Nghệ trải qua quá trình lịch sử lâu dài, cũng chịu những thăng trầm cùng dân tộc, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đến nay đã được định hình và phát triển bền vững mà di sản văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng, góp phần làm nên diện mạo, bản sắc riêng của vùng văn hóa xứ Nghệ. Trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, nhưng Phật giáo vẫn luôn tồn tại trong lòng người dân xứ Nghệ, là một phần văn hóa của vùng đất này. Phật giáo đi cùng cách mạng, tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Phật tử xứ Nghệ không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đã đóng góp được nhiều nguồn lực cho sự nghiệp chung của đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình biến đổi của lịch sử, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà di sản văn hóa Phật giáo xứ Nghệ ít nhiều đã bị mai một, thất tán; các tư liệu liên quan đến di sản vẫn chưa được khai thác, nghiên cứu một cách có hệ thống để giới thiệu đầy đủ với công chúng; việc đánh giá nội dung giá trị, vai trò, đóng góp của Phật giáo đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc nói chung và xứ Nghệ nói riêng còn chưa thỏa đáng.

Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trong tỉnh, Phật giáo xứ Nghệ đang có sự phát triển trở lại một cách mạnh mẽ và bền vững. Tỉnh hội Phật giáo được thành lập; số lượng tăng ni, phật tử ngày càng đông; các chùa được phục hồi nhiều, trong đó có nhiều chùa có quy mô tầm vóc lớn của cả nước, như chùa Đại Tuệ, Đền chùa Giám…; nhiều hoạt động, nghi lễ Phật giáo có ý nghĩa đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, thu hút được đông đảo các tầng lớp người dân tham gia.

Các đại biểu cũng nêu những ý kiến định hướng cho công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa trước mắt và lâu dài; định hướng phát huy những giá trị văn hóa này vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đề ra và phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.