Đến hẹn lại lên

Quách Quỳnh
19:58, ngày 01-06-2012
TCCSĐT - Vòng đàm phán mới rồi giữa Iran với năm thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức hay còn gọi là Iran và P5+1 ở Baghdad (Iraq) về vấn đề hạt nhân của Iran đã kết thúc với thỏa thuận là hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong tháng 6 tới ở Moscow (Nga).
Ngoài những biểu hiện thiện chí từ cả hai phía trước đó và những đề nghị cụ thể của các bên trong quá trình đàm phán thì đây là kết quả cụ thể đáng kể nhất của vòng đàm phán này và tiến triển đáng kể nhất trong quá trình giải quyết vấn đề nói trên.

Quan điểm của hai phía vẫn có sự khác biệt quá lớn nên những giải pháp đưa ra vẫn còn khoảng cách khá xa nhưng với việc đạt được thỏa thuận khi kết thúc vòng đàm phán này sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo thì vẫn là kết quả đáng khích lệ. Ít ra kết quả đó vẫn có thể được hiểu là cả hai phía hiện đều muốn tiếp tục đối thoại trực tiếp với nhau, vẫn còn thiện chí, vẫn còn hy vọng xích lại gần giải pháp hơn. Tiếp tục đàm phán như thế cũng còn giúp cả hai phía có thêm thời gian trù liệu những đối sách tiếp theo mà chưa cần phải từ bỏ đối sách lâu nay. Điều quan trọng là chừng nào còn đàm phán thì chừng đó chưa thể có chuyện Mỹ và phương Tây tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran cũng như Israel không thể và không dám hành động như vậy đối với Iran.

Hai phía chủ ý duy trì đàm phán vì thật ra cả hai đều đã đẩy nhau vào tình thế khó xử. Những biện pháp bao vây cấm vận và trừng phạt Iran mà Mỹ và EU áp dụng cho tới nay không phải không có tác dụng, nhưng tác dụng không được như họ kỳ vọng. Iran vẫn còn khả năng cầm cự nhưng tình thế cũng ngày càng khó khăn, đặc biệt về chính trị nội bộ và kinh tế. Bởi vậy, cả hai phía đều đang ở gần điểm cần phải dừng nhưng chưa tìm được cách dừng mà không bị coi là mất thể diện và ở thế yếu. Những đề nghị mới được hai phía đưa ra ở vòng đàm phán này và đều chưa được chấp nhận, báo hiệu việc sẽ còn tiếp tục tình trạng như thế trước khi cả hai phía đi tới những nhượng bộ mang tính nguyên tắc.

Chừng nào Iran còn phân hóa được nội bộ 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì chừng đó chưa thể có chuyện Iran sẽ điều chỉnh cơ bản quan điểm chính sách trong vấn đề hạt nhân của mình. Mặt khác, chừng nào Mỹ và phương Tây vẫn còn hy vọng vào tác động của các biện pháp gây áp lực sẽ làm thay đổi chính thể ở Iran và phân hóa giữa chính giới với người dân Iran thì chừng đó Mỹ và phương Tây cũng sẽ chưa sẵn sàng nhượng bộ đáng kể đối với nước này.

Duy trì tiếp xúc và đàm phán trực tiếp hiện đang là giải pháp có lợi nhất cho tất cả các bên liên quan. Cũng chính vì thế mà kết quả ấy không làm cho Israel hài lòng. Vòng đàm phán tới đây ở Moscow kết quả chắc sẽ có phần khả quan hơn nhưng để có được sự khai thông đột phá thì chắc hai phía còn phải hẹn gặp nhau nhiều lần nữa./.